Công cuộc “Đổi mới” của Việt Nam sau hơn 30 năm đã bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn có thể gọi là đổi mới hết đà. Biểu hiện của giai đoạn này không phải như thời kỳ 1985-1986, đói ăn thiếu mặc, sản xuất đình trệ, khan hiếm hàng hóa. Một chu kỳ tiêu dùng mới đã xác lập, không còn tình trạng đói ăn thiếu mặc phổ biến (tuy rằng các vùng sâu vùng xa vẫn còn tình trạng này), mà dựa trên nhu cầu chi phí học tập cho trẻ nhỏ, mức sinh hoạt trung bình bảo đảm duy trì thông tin liên lạc, các mối quan hệ xã hội cũng như một phần nhỏ bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Chu kỳ tiêu dùng mới này đang bị đe dọa nghiêm trọng khi thu nhập của người lao động ngày càng thu hẹp lại. Đối với các doanh nghiệp thì việc kinh doanh, làm ăn ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, số còn lại duy trì sự tồn tại một cách khó khăn, khổ sở.
Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng kinh tế suy trầm và đình đốn là công cuộc “Đổi mới” đã hết đà. Tuy nhiên, nó đã bị che dấu đi bởi các con số về tăng trưởng GDP, hoặc về hậu quả của đại dịch Covid-19 và hệ quả của công cuộc chống tham nhũng, đốt lò. Không phủ nhận là đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế của tất cả các quốc gia, hoặc công cuộc đốt lò đã gây khó khăn lớn cho việc vận hành bộ máy kinh tế của Việt Nam. Nhưng đó là những khó khăn khách quan, nếu một nền kinh tế lành mạnh, minh bạch và thông suốt thì những vấn đề đó có thể được khắc phục một cách nhanh chóng. Vậy “Đổi mới” hết đà là như thế nào, ảnh hưởng ra sao tới toàn bộ nền kinh tế?
Trước hết, các khuyến khuyết, bất cập về nguyên lý, cơ chế, cấu trúc cũng như môi trường thể chế của nền kinh tế Việt Nam đã phát tác hết hậu quả sau một thời gian vận hành của nền kinh tế. Các khuyến khuyết, bất cập này (đã được nêu trong bài viết: Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế thị trường) bao gồm sở hữu nhà nước về đất đai, nhà nước định giá các mặt hàng thiết yếu, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, thiếu minh bạch và thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không có cơ chế ngăn ngừa và chống tham nhũng hiệu quả… Trong tất cả các khiếm khuyết này, sở hữu nhà nước về đất đai là yếu tố có sức tàn phá kinh khủng nhất. Đất đai không thuộc sở hữu tư nhân nên không thể hình thành một thị trường đúng nghĩa, để cấu thành nên giá trị hàng hóa một cách chính xác. Đất đai thuộc sở hữu nhà nước, ngoài việc nhà nước chiếm dụng tạo ra một lực lực lượng dân oan khổng lồ trên khắp cả nước, đã tạo ra một thị trường nhà đất hoàn toàn phi thị trường, với các cơn sốt đất và giá trị không liên quan gì tới thị trường hàng hóa chung đang diễn ra. Tức là giá trị của đất đai không gắn với việc sản xuất kinh doanh, trong khi bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào cũng phải liên quan tới đất đai. Hậu quả là việc bóp méo hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự đổ vỡ của thị trường nhà đất, các đại công ty, tập đoàn phá sản vướng vòng lao lý thời gian qua nguyên nhân chính, sâu xa là do sở hữu nhà nước về đất đai. Các yếu tố khiếm khuyết, bất cập còn lại đều đã phát tác góp phần chung vào việc các doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả, nền kinh tế ngưng trệ thời gian gần đây.
Yếu tố thứ hai, khuynh hướng kiểm soát toàn diện, triệt để của đảng và nhà nước với nền kinh tế, với mọi mặt đời sống xã hội đã tạo ra sự bóp nghẹt hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh. Bản chất của các chế độ cộng sản là kiểm soát toàn bộ hoạt động của người dân, tới tận từng khía cạnh và ngõ ngách. Thời gian đầu của công cuộc đổi mới, do còn chưa hình dung được sự vận hành của nền kinh tế thị trường, và chưa kịp hình thành được bộ máy kiểm soát, nền kinh tế hầu như được thả rông hoàn toàn đã tạo ra sự thông thoáng cho toàn bộ nền kinh tế dẫn tới sự phát triển vượt bậc trong khoảng hơn một thập kỷ. Nhưng từ khoảng thời gian 2010 trở đi, các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương bắt nhịp được với nền kinh tế thị trường, thì một vòng kim cô đã được xác lập. Không còn kẽ hở nào của nền kinh tế mà đảng và nhà nước không nhúng tay vào được. Nếu chỉ là sự giám sát đơn thuần thì dù khó khăn, người dân và doanh nghiệp vẫn còn có không gian hoạt động. Tuy nhiên, với mức lương khốn khổ của quan chức, công chức được giao giám sát các hoạt động của nền kinh tế không thể không nghĩ tới việc kiếm chác từ việc này. Vậy là họ đưa ra các pháp luật, chính sách, quy định nhiều, chồng chéo và không thể thực hiện nổi. Muốn thực hiện được chỉ có một cách duy nhất là phải hối lộ, đút lót cho họ. Khi đã hối lộ, đút lót thì quy định, pháp luật, chính sách khó tới đâu cũng sẽ được trôi chảy. Điều tệ hại nhất hiện nay là, do sức ép của công cuộc đốt lò, hệ thống kiểm soát quay trở lại với đúng các quy định trên văn bản, giấy tờ… thì không người dân, doanh nghiệp nào thực hiện được. Gần đây, do sức ép từ các ngành nghề và các đơn vị kinh doanh, nhà nước cũng đã có các bước đi tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho các ngành nghề. Tuy nhiên, do sự không đồng bộ và không đi tới tận gốc các vấn đề, nên hiệu quả chỉ là nhất thời và rất hạn chế.
Giải quyết triệt để, tận gốc các nguyên nhân gây ra tình trạng suy trầm, đình đốn của nền kinh tế, đó là tái xây dựng nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, xóa bỏ tất cả các khiếm khuyết và bất cập, đồng thời từ bỏ việc kiểm soát nền kinh tế để người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Tuy nhiên, cả hai nhiệm vụ này đều vượt quả khả năng của đảng và nhà nước Việt Nam, khi họ muốn duy trì độc quyền lãnh đạo, và nghĩ rằng họ sẽ tồn tại mãi mãi./.
Hà Nội, ngày 20/4/2023
N.V.B
Bài bình luận gần đây