Nhiều trang báo trong nước như: Dân Trí [1], Pháp Luật [2] v.v... và Đài Truyền hình quốc gia VTV [3] đưa tin, vào sáng 4 tháng Tư năm 2023, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đón tiếp Toàn Quyền Úc Đại Lợi - David Hurley đến thăm Việt Nam. Với các tiêu đề khác nhau nhưng đều có nội dung giống nhau đáng chú ý, khi ông Thưởng đề nghị với ông Hurley: "... kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Australia để chống phá Việt Nam...".
Lần giở lại lịch sử hiện đại Việt Nam, kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975 - khái niệm "thuyền nhân" tháo chạy và đến Úc Đại Lợi sau khi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, được biết: Trước 1975, số người Việt định cư tại Úc Đại Lợi vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng 1.000 người [4]. Làn sóng vượt biên khỏi Việt Nam nói chung và tới Úc nói riêng chỉ bắt đầu khoảng 1977 - 1978 đổ về sau. Đến năm 1977, số người Việt vượt biên tới Úc là 868 người.
Cách đây tròn 10 năm, đài BBC đưa tin [5]: "Úc lo ngại làn sóng thuyền nhân Việt Nam", trong đó cho hay, chỉ riêng tháng Tư năm 2013 đã có 72 người Việt bị giữ lại tại lãnh hải Úc và tháng Bảy cùng năm tiếp tục có 84 người Việt bị bắt tại lãnh hải Úc. Cả năm 2013 có tổng số 759 người Việt đã cố gắng vượt biên đến Úc bằng thuyền.
Tháng Hai năm 2017, đài BBC cho biết: Năm 2015, ba người phụ nữ tại Bình Thuận vượt biên tới Úc bất thành và bị kết án nhưng được tạm hoãn chấp hành án tù [6]. Dù vậy, họ vẫn không thôi khao khát "bỏ xứ mà đi", để năm 2017 tiếp tục thất bại và bị bỏ tù, với mơ ước định cư tại xứ sở "Chuột Túi".
Báo VNExpress ra ngày 19 tháng Mười Một năm 2018 cho hay [7]: Sau 29 ngày lênh đênh ngoài khơi bằng tàu đánh cá, với chi phí bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng cho chuyến vượt biển, 17 người Việt ở tỉnh Quảng Bình đã bị cảnh sát Úc bắt giữ và trục xuất họ về Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ phát hành hôm 16 tháng Sáu năm 2020, loan báo [8]: Nước Timor-Leste đã chặn một một con thuyền đang hướng đến Úc, mang theo 11 người Việt Nam và 2 thuyền viên người Indonesia.
Dù nhiều chuyến vượt biển, để tìm về miền đất hứa mang tên Úc Đại Lợi liên tục thất bại, bị câu lưu, trục xuất bằng chính sách cứng rắn của Chánh phủ Úc, cùng nhiều án tù diễn ra, song nhiều người vẫn ôm mộng "xuất ngoại". Vào ngày 24 tháng Hai năm 2022, báo Tiền Phong đưa tin [8]: Tòa án tỉnh Quảng Bình đã kết án 4 người với tội danh "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" với mức án tổng cộng gần 20 năm tù, sau khi họ đã lừa hơn chục người, rồi bỏ rơi lênh đênh trên biển, với chi phí bỏ ra từ 13.000 USD đến 31.000 USD cho một đầu người, để được "nhổ neo ra khơi tìm về bến mới" (!).
Trong Bộ Luật Hình Sự 2015 đã quy định rõ các loại tội danh khác nhau, như sau:
Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
Hai tội danh 120 và 121 nằm trong chương XIII "Các tội xâm phạm an ninh quốc gia", vốn là loại tội danh có khung hình phạt rất cao, thậm chí chung thân.
Song song đó, Chương XXII quy định "Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính", tại:
Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Điều 350. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Hai loại tội 349 và 350 có khung hình phạt thấp hơn nhiều so với hai loại tội danh 120 và 121.
Đối chiếu giữa Bộ Luật Hình Sự và tình hình vượt biên tới Úc trong nhiều năm qua, người ta không hề tìm thấy những người vượt biên tới Úc nói riêng và các quốc gia khác nói chung, nhằm mục tiêu để "chống chính quyền nhân dân" như nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Bộ Luật Hình Sự, bởi gần như và dường như toàn bộ người vượt biên sẵn sàng tốn rất nhiều tiền và nguy hiểm, để duy chỉ đi tìm "tự do", thay vì trở thành "thế lực thù địch" của nhà cầm quyền CSVN.
Vì vậy, quả thật không rõ ông Võ Văn Thưởng đề nghị với ông Hurley "kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Australia để chống phá Việt Nam" là những đối tượng nào?
Về quan hệ tương nhiệm, có vẻ tân Chủ tịch nước đang định "mắng vốn" ông Hurley chăng? Điều này không tỏ ra thích hợp với cương vị ông vừa đảm nhận và thật nghịch nhĩ cho chuyến viếng thăm, nhằm thắt chặt mối bang giao Việt - Úc.
Nước Úc là một quốc gia độc lập - có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh đạo của họ do dân bầu lên, thông qua cạnh tranh giữa các chính khách và bầu cử tự do. Có lẽ họ không cần phải được "dạy dỗ" làm sao quản trị quốc gia ổn thỏa trong - ngoài và giữ thể diện - danh dự của người dân nước Úc. Cớ gì Toàn quyền Úc cần phải "kiểm soát" hay "xử lý" người dân nước họ, theo lời "đề nghị" của ông tân Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (?).
Ông Võ Văn Thưởng nên chiêm nghiệm lại Lịch Sử đau thương triền miên suốt 48 năm qua và hãy tự vấn: Tại sao "Bắc - Nam sum họp một nhà" mà người Việt Nam vẫn tiếp tục "đi tìm tự do" bất chấp mạng sống và tù tội?
"Lịch Sử vượt biên" ngỡ đâu chấm dứt từ lâu nhưng không thể nào ngờ, gần nửa thế kỷ trôi qua, vẫn chưa thể đặt "Dấu Chấm Hết" cho nó.
Bài bình luận gần đây