Song Chi.
Y Pher Hdruê sinh năm 1979, người dân tộc Êđê. Y Pher sinh ra ở buôn Êa khit, xã Êa Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Buôn Êa khit có khoảng 5000 người Êđê sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.
Bố mẹ Y Pher có 8 người con-4 trai, 4 gái. Y Pher là người con thứ 3. Gia đình thuộc loại không đến nỗi quá nghèo khó, trước đây từng có đất riêng nhưng sau này đã bị nhà nước tịch thu. Từ giai đoạn 1993-1996 nhà nước cưỡng chế thu hồi khoảng 10 hec đất ở Buôn Chuê, xã Băng Adrên, huyện Krông Ana, Đắk Lắk của 30 hộ gia đình, trong đó có gia đình Y Pher Hdrue.
Bố Y Pher, Y Khuiñ Niê, là một trong số rất ít người dân tộc Êđê có học vấn cao. Thời Việt Nam Cộng Hòa, vừa tốt nghiệp trung học, ông chuẩn bị đi học trường Đại học Quốc gia Hành chánh 4 năm (một trong những ngôi trường có tiếng của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa) thì xảy ra biến cố lịch sử 30.4.1975, sau đó ông bị đưa đi “học tập cải tạo” 6 tháng. Một thời gian sau ông theo học và tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, là người dân tộc thiểu số đầu tiên học ngành Nông Nghiệp. Ông học tiếp chương trình đào tạo Giám đốc doanh nghiệp tại Sài Gòn, rồi trở về làm việc ở Nông trường Việt Đức 6, xã Êa Tiêu, trước đây là huyện Krông Ana bây giờ là huyện Cư Kuin. Ông làm lên đến chức Phó Giám đốc trước năm 2009. Nhưng rồi vì những hoạt động biểu tình đấu tranh của con cái, ông bị ép phải về hưu sớm, làm nông. Mẹ Y Pher thì chỉ làm nông, chăm sóc gia đình.
Những người con của ông cũng thuộc vào dạng có học ở buôn làng. Một người chị gái và một em gái của Y Pher học Y sĩ, một người em trai học Cao đẳng Tin học, riêng Y Pher chỉ học xong trung học phổ thông và một người em trai khác thì bỏ học khi vừa xong cấp 1, tức bậc tiểu học.
Y Pher có ý thức về chính trị từ khá sớm. Từ đầu năm 2000, anh đã chứng kiến cảnh đồng bào người dân Tây Nguyên và các dân tộc thiểu số khác bị nhà nước tịch thu đất, đồng bào không được tự do tôn giáo. Người Êđê hầu hết theo đạo Tin Lành và Công giáo. Đối với người theo đạo Tin Lành, nhà nước Việt Nam buộc họ phải từ bỏ mọi nhóm Tin Lành khác nhau, chỉ được phép theo Tin Lành Miền Nam Việt Nam là tổ chức đã bị nhà nước kiểm soát, khống chế, ai không theo thì bị xách nhiễu, thậm chí bị bắt giam. Người theo đạo Công giáo cũng bị đàn áp nặng nề không kém.
Năm 2001 Y Pher lập gia đình và có một con trai sinh năm 2002. Và cũng từ năm 2001 anh bắt đầu tham gia trong những cuộc biểu tình lớn của đồng bào các sắc dân bản địa tại Tây Nguyên giai đoạn 2001-2004.
Giai đoạn đó những cuộc biểu tình ở Tây Nguyên có sự tham gia của hàng chục ngàn người thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Đồng bào đi bộ hoặc lên xe máy cày cầm bảng đòi trả lại đất của tổ tiên bị nhà nước cưỡng chế, đòi tự do tôn giáo…Nhà cầm quyền Việt Nam phong tỏa khu vực Tây Nguyên “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để ngăn chặn thông tin lọt ra ngoài, quân đội dùng súng gây mê bắn vào người dân, sử dụng cả xe tăng, máy bay, trực thăng…, đưa cả đội đặc nhiệm từ Hà Nội nhảy dù xuống Tây Nguyên…để khống chế, đàn áp. Hàng ngàn người bị bắt, hàng ngàn người khác chạy thoát vào rừng sau đó vượt biên giới sang Campuchia, Thái Lan, còn con số thương vong không ai có thể nắm được.
Vì là người đứng lên kêu gọi dân làng đấu tranh nên Y Pher bị bắt nhiều lần. Năm 2001 bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt rồi thả. Năm 2002 bị bắt nhưng chạy thoát và tiếp tục hoạt động, kết nối với các hội thánh bị đàn áp. Tháng 7 năm 2004 lại bị bắt lại, bị xử 12 năm tù và đưa về giam tại trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam. Đến năm 2011 vì sử dụng điện thoại cung cấp thông tin tù nhân ra bên ngoài nên Y Pher bị xử thêm 1 năm 9 tháng, tổng cộng là 13 năm 9 tháng, quản chế 5 năm.
Nhưng đến tháng 11.2015 thì Y Pher được ra tù, sớm hơn 2 năm.
Y Pher kể, điều kiện sinh hoạt, ăn ở của tù nhân dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhất là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, vô cùng hà khắc, tồi tệ. Trong thời gian hỏi cung, Y Pher bị công an điều tra đánh đập tàn bạo bằng đủ mọi cách từ dùng tay chân đấm đá, dùng cây gỗ, roi cao su, cho tới dí điện để ép cung…đánh đến chết đi sống lại. Khi đã thành án bị đưa về trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam thì lại là những chuỗi ngày khổ nhục khác. Phòng giam chật hẹp, tù nhân nằm xếp lớp như cá hộp trên nền xi măng, mái tôn thấp, mùa nóng thì nóng kinh hoàng mà mùa đông thì lạnh buốt, nhà vệ sinh “xí bệt” (loại bồn cầu nằm trên mặt đất) không có nắp đậy, mùi xú uế nồng nặc trong phòng suốt ngày đêm, từ nước sinh hoạt hàng ngày cho tới thức ăn đều thiếu thốn, không bảo đảm vệ sinh, không khác gì nuôi heo.
Tại đây Y Pher đã gặp những tù nhân chính trị khác như Vi Đức Hồi, người Tày, từng là Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, hiện đã ra tù; luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang sống ở Đức, Trần Anh Kim, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện vẫn đang phải thi hành án tù 13 năm, là lần bị tù thứ hai của ông; Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC), hiện vẫn đang thi hành án tù 13 năm, cũng là lần đi tù thứ hai…Tất cả họ đều là những người từng là đảng viên đảng cộng sản, hoặc từng tham gia trong chính quyền Việt Nam, hoặc lớn lên dưới chế độ XHCN Việt Nam, tất cả họ đều chỉ đấu tranh ôn hòa bằng lời nói, bài báo, không hề có vũ khí, hay thuộc một tổ chức vũ trang nào, nhưng đều phải chịu những bản án nặng nề, phi lý phi nhân.
Trong thời gian Y Pher ở tù, ở nhà, vì hoàn cảnh khó khăn quá lại bị công an địa phương thường xuyên hù dọa, xách nhiễu nên vợ anh rời làng mang theo con đi làm xa ở Sài Gòn rồi lấy chồng khác ở Củ Chi.
Năm 2017 vợ cũ của Y Pher mất, cậu con trai sống với bà ngoại ở Sài Gòn. Gia đình họ hàng bên vợ cũng không muốn liên quan đến Y Pher nên từ đó anh cũng không có cơ hội gặp con nữa.
Về phần Y Pher, năm 2016 anh cũng lập gia đình mới, người vợ thứ hai H Ñương Niê, sống tại Buôn Đê, xã êa Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Bố H Ñương Niê tham gia biểu tình năm 2001, bị bắt ở tù 8 năm tại trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam, bản thân H Ñương Niê năm 2004 cũng tham gia biểu tình đòi thả tù nhân lương tâm bị bắt thẩm vấn, bị đánh, nên rất hiểu tình trạng đồng bào Tây Nguyên bị đàn áp tôn giáo ra sao, hiểu việc Y Pher đã và đang làm. Năm 2017 hai vợ chồng có thêm một con trai.
Y Pher vẫn tiếp tục những công việc đấu tranh ôn hòa đòi nhân quyền, tự do tôn giáo và đòi trả lại đất đai của tổ tiên tại vùng Tây Nguyên, gặp gỡ các tổ chức nhân quyền quốc tế để lên tiếng về tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Và lại bị công an huyện Krông Năng bắt năm 2017, bị cáo buộc là hoạt động cho tổ chức Fulro, Đề Ga-là những tổ chức có vũ trang, đòi tự do tự trị cho đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên nhưng đã giải tán, chấm dứt từ lâu, chẳng hạn như Fulro là chấm dứt từ năm 1992. Tuy nhiên nhà nước Việt Nam luôn luôn gán ghép cho tất cả những ai đòi đất, đòi tự do tôn giáo cho đồng bào thiểu số của mình là hoạt động cho Fulro, Đề Ga.
Năm 2018 hai người bạn cùng hoạt động với Y Pher là Y Pum Byă và Y Min Ksor bị bắt, bị kết án nặng nề. Y Pum Byă bị giam ở trại Gia Trung, Gia Lai, còn Y Min Ksor bị giam ở trại Xuân Phước, Phú Yên. Y Pher biết rằng nếu không trốn đi thì sớm muộn gì cũng sẽ bị bắt, và lần này sẽ lại tù dài hạn, có khi lại trên 10 năm nữa, nên anh quyết định ra đi. Trước khi ra đi anh nói chuyện với vợ nhưng không cho vợ đi cùng vì đường xá xa xôi, đầy bất trắc, tương lai mờ mịt. 5 người gồm có Y Pher, một người em trai, một người cháu trai, một người cháu gái và một người hoạt động khác lẳng lặng ra đi.
Khi tới được Thái Lan vào tháng 12.2018, Y Pher tìm cách liên lạc với những tổ chức hoạt động người dân tộc Tây Nguyên khác nhưng không gặp được, tuy nhiên anh gặp những người Êđê khác cũng chạy trốn khỏi Việt Nam. Cũng như họ, Y Pher đăng ký tỵ nạn chính trị thông qua văn phòng của tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan.
Từ đó Y Pher ở lại Thái Lan.
Cũng thời gian này, Y Pher phát hiện mình bị nhiều khối u, hạch trong người. Anh cũng đi khám, được bác sĩ cho thuốc vài lần, nhưng đường xá xa xôi quá nên sau này không đi nữa. Sức khỏe không được tốt, anh không thể đi làm nhiều, chỉ làm những việc lặt vặt như phụ hồ, trồng cây, và cũng không dám đi xa vì sợ công an Việt Nam có “tay chân”, nội gián ở Thái Lan sẽ cho người sang bắt lại, cũng may mà có người em trai, hai cháu trai và những người bạn khác phụ giúp tiền nhà, tiền ăn.
Anh vẫn tiếp tục những công việc của mình. Tháng 7.2019 cùng với vài người bạn, anh lập nhóm Người Thượng vì Công Lý, liên lạc với đồng bào trong nước, hướng dẫn người dân bản địa Tây Nguyên hiểu rõ hơn về những vấn đề nhân quyền, quyền lợi của mình theo chính luật pháp của nhà nước Việt Nam và luật quốc tế, thu thập thông tin về tình trạng đồng bào bị đàn áp tôn giáo và viết báo cáo gửi cho Liên Hiệp Quốc, Quốc tế, kết nối với các tổ chức hoạt động nhân quyền như BPSOS…
Cũng chính nhóm Người Thượng vì Công Lý đã giúp lan tỏa video các nữ lao động Việt đi làm giúp việc nhà ở Ả Rập Xê Út bị kẹt lại không về nước được vì mùa dịch phải làm video cầu cứu, từ đó tổ chức BPSOS, Liên Hiệp Quốc vào cuộc, buộc nhà nước Việt Nam phải lưu ý, cuối cùng các chị em đều đã được về nước.
Thỉnh thoảng Y Pher vẫn gọi điện thoại về nhà cho vợ và đứa con trai nhỏ, biết vợ vẫn còn ở Đắk Lắk đi làm nông nuôi con. Vợ Y Pher, H Ñương Niê cũng hỗ trợ chồng trong những việc liên quan đến nhóm Người Thượng vì Công Lý do đó cũng bị công an thường xuyên xách nhiễu. Có lần công an gọi vợ Y Pher đến ủy ban xã đi làm thẻ căn cước, nhưng đến ngày 20.9.2021 khi vợ Y Pher đến xã thì họ bắt giải lên đồn công an huyện Krông Năng thẩm vấn đến 8 giờ tối mới cho về, nhiều lần công an đến nhà vặn vẹo nhưng vợ Y Pher không nói chuyện, lại có lần vào ngày 15.2.2022 khi vợ Y Pher đang đi công việc thì bị 2 công an mặc thường phục chặn lại, dùng bạo lực cướp chiếc điện thoại Samsung trong đó có thông tin liên quan đến tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đã chết hay đang bị ở tù, thông tin về những vi phạm đàn áp tôn giáo của chính quyền v.v…
Ngày 17.2.2023 khi Trưởng Công an xã, Phó Công an xã đi cùng hai công an nữa đến nhà đưa giấy mời vợ Y Pher lên đồn, vợ Y Pher không đi và tối 19.2 trốn sang buôn khác, sau đó vài ngày thì quyết định chạy luôn sang Campuchia rồi sang Thái Lan.
Ngày 23.2.2023 vợ và đứa con trai 6 tuổi của Y Pher đã đến được Thái Lan. Niềm vui gia đình được đoàn tụ là một tia sáng ấm áp vô cùng hiếm hoi trong cuộc sống của Y Pher trong tình trạng vô tổ quốc, không tương lai, sức khỏe không được tốt, nỗi buồn phải xa bản làng, xa quê hương…Mãi cho đến nay Y Pher vẫn chưa được Liên Hiệp Quốc phỏng vấn (chỉ mới sơ vấn) để được chính thức công nhận tình trạng tỵ nạn. Cả nhà vẫn chỉ đang sống nhờ cậu em trai của Y Pher đi làm.
Tương lai vẫn mờ mịt không biết đến khi nào mới được đưa đi định cư ở một quốc gia thứ ba, như hàng trăm người Việt đang tỵ nạn khác ở Thái Lan, có những người đã phải chờ đến chục năm, có khi hơn. Được đi định cư ở một quốc gia thứ ba là điều mà người tỵ nạn nào đang sống bấp bênh ở Thái Lan cũng đều mong muốn, nhưng điều mà Y Pher còn mong hơn nữa là Việt Nam thay đổi mô hình thể chế chính trị, có tự do dân chủ, quyền Con người được tôn trọng, để anh và vợ con có thể trở về, sống bình yên trong buôn làng.
Bài bình luận gần đây