Hồi đầu tháng này, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) công bố kết quả khảo sát về tình hình sản xuất – kinh doanh (SXKD) của khoảng 100 doanh nghiệp ở thành phố này trong hai tháng đầu năm 2023. Theo đó, có đến 83% “đang gặp khó khăn” vì thị trường bị thu hẹp, vì lượng hàng tồn kho lớn, vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, vì khó tiếp cận vốn, vì lãi suất vay cao – thủ tục phức tạp tốn nhiều thời gian,... Cũng từ cuộc khảo sát vừa kể, HUBA cho biết: Nhiều doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với một lượng lớn người lao động vì không có đơn hàng dự trữ. Số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng/người đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. HUBA nhấn mạnh, đó là tín hiệu báo động rằng sắp tới, thị trường lao động sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn (1)...
Đến cuối tuần vừa qua, HUBA tiếp tục công bố những số liệu khác liên quan đến tình hình SXKD của các doanh nghiệp ở TP.HCM. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tuy chưa đầy ba tháng nhưng tại TP.HCM đã có thêm 11.324 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 20,1%. HUBA lưu ý, điều đó cho thấy số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải rời bỏ thị trường đang có xu hướng tăng thêm. HUBA tiếp tục lập lại đề nghị mà doanh giới đã nêu ra từ lâu: Sớm có chính sách hỗ trợ thật sự hiệu quả về vốn cho các doanh nghiệp. Minh bạch và nhất quán trong quy hoạch, xây dựng, đất đai. Hoàn thuế đúng thời hạn... Đồng thời: Tiếp tục áp dụng mức thuế suất GTGT là 8% cho tất cả doanh nghiệp tới hết năm nay. Tiếp tục thực hiện chương trình cho vay kích cầu đầu tư (2)...
Doanh giới điêu đứng vì lối quản trị - điều hành vừa quái gở, vừa trì trệ vốn không phải là chuyện chỉ mới vài tháng. Hậu quả tất nhiên là số doanh nghiệp thu hẹp hoạt động hoặc ngưng hoạt động càng lúc càng cao, con số thất nghiệp càng ngày càng lớn. Nay, không chỉ thành phần yếu thế khốn khổ mà thành phần trung lưu hoặc cao hơn nữa lao đao, tuyệt vọng,...
Tuy hiện tại rối rắm và tương lai ảm đạm như thế nhưng từ đảng, nhà nước, tới quốc hội, chính phủ vẫn không đề ra được bất kỳ giải pháp nào cụ thể. Qua báo chí, thiên hạ chỉ thấy những sự kiện kiểu như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước... Chủ tịch nước dự gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên các thời kỳ... Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 60 năm phong trào 'Nghìn việc tốt'.... Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc với Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân... Thủ tướng thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, nhắn nhủ “Phải biến niềm tự hào về di sản văn hóa Huế thành nguồn lực phát triển”... Thủ tướng dự lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên, nhắn nhủ thế hệ trẻ 'dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo'...
Nếu chịu khó vào thăm website chinhphu.vn hẳn sẽ thấy tuần nào cũng có thống kê về “Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần” nhưng những cái gọi là “chỉ đạo, điều hành” đó không phải là điều thiên hạ trông chờ vì trước đã thế, nay cũng thế, vẫn chung chung, thiếu cụ thể. Chẳng hạn tuần từ 18/3/2023 – 24/3/2023 có: Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách. Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ba Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH. Triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Khẩn trương tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Công nhận Khu phức hợp văn phòng FPT là khu công nghệ thông tin tập trung (3).
Dân gian có giai thoại về một Nguyễn Xiển thường ra vào cung điện khám bệnh, chữa bệnh cho Hoàng đế. Ngày nọ, khi Hoàng đế đang vui đừa với cung phi thì Nguyễn Xiển bước vào. Hoàng đế hỏi Nguyễn Xiển vào cung làm gì khi vua không vời thì ông thưa rằng ông nghe dân chúng kháo nhau Hoàng đế đang mắc “tứ chứng nan y” là què, mù, câm, điếc... Hoàng đế nổi giận đòi tìm - cắt lưỡi những kẻ phao tin đồn nhảm. Nguyễn Xiển thừa nhận đó đúng là tin đồn nhảm nhưng nói thêm, tin đồn đó hẳn có nguyên do: Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ tưởng ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung hưởng lạc thú nên họ tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị giặc giày xéo mà Hoàng thượng ngồi im nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi dân chúng ta thán Hoàng thượng hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ ký hòa ước hàng giặc, nên họ tưởng là ngài điếc...
Thử đối chiếu thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam với hoạt động, cũng như hiệu quả hoạt động của đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ Việt Nam và ngẫm xem đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta, chính phủ ta có mắc “tứ chứng nan y” như Hoàng đế thời Nguyễn Xiển chăng? Nếu không “què, mù, câm, điếc” thì tại sao phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công đẩy hoài vẫn chẳng mạnh? Nếu không “què, mù, câm, điếc” thì tại sao càng nỗ lực thực thi các chương trình mục tiêu quốc gia thì kinh tế - xã hội càng lụn bại?
Chú thích
(1) https://vtc.vn/83-doanh-nghiep-tp-hcm-duoc-khao-sat-dang-gap-kho-khan-ar745544.html
(2) https://thoibaonganhang.vn/tphcm-11324-doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-137432.html
Bài bình luận gần đây