You are here

Con đường dẫn tới một cuộc tổng khủng hoảng (2)

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong các bài viết trước đây, khi phân tích về vẫn đề cơ chế, cấu trúc của nền kinh tế, cách thức vận hành guồng máy xã hội, chúng ta đã thấy những bất cập và khiếm khuyết tất yếu sẽ dẫn tới những hệ lụy của toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Hôm nay, chúng ta đi ngược lại, phân tích thực trạng xã hội hiện nay để đánh giá các nguyên tắc quản lý xã hội, cơ chế vận hành nền kinh tế và chỉ ra con đường dẫn tới một cuộc tổng khủng hoảng.

     Trong công cuộc chống tham nhũng những năm qua, một đặc điểm chúng ta nhận thấy ngay, đó là tham nhũng ở tất cả các ngành nghề, các cấp, và tất cả các địa phương trên cả nước. Bắt đầu chúng ta đến với mấy chục tướng lĩnh bộ công an, hàng trăm hàng ngàn cấp tá, cấp úy ở tất cả các lĩnh vực của ngành này. Không chịu thua kém, bộ quốc phòng cũng có mấy chục tướng lĩnh, đặc biệt toàn bộ bộ tư lệnh cảnh sát biển đã bị kỷ luật, ra tòa… Các bộ ngành khác, như bộ Ngoại giao, bộ Giáo dục, bộ Y tế, bộ Giao thông vận tải, bộ Tài chính, bộ Văn hóa thông tin…. Không có một bộ nào không có tham nhũng tiêu cực. Về các cấp độ của tiêu cực, tham nhũng, các cán bộ xã bị bắt rất nhiều liên quan tới vấn đề đất đai. Sau đó là các các bộ cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Các phó thủ tướng đã dính chàm… đến cấp cao nhất là chủ tịch nước. Như vậy, tất cả các khía cạnh, lĩnh vực các cấp, các ngành và tất cả các địa phương đều xảy ra tham nhũng, tiêu cực chứng tỏ cơ chế vận hành của nền kinh tế, của toàn bộ hoạt động xã hội đã có khiếm khuyết trầm trọng.

     Một hiện tượng phổ biến nữa đã và đang xảy ra, đó là việc kêu cứu của rất nhiều ngành nghề thành phần kinh tế, thậm chí các cơ quan đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Các doanh nghiệp bất động sản kêu cứu, các công ty năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời…) kêu cứu, các chủ đầu tư kinh doanh Karaoke kêu cứu, xăng dầu khan hiếm cục bộ, các bệnh viện kêu cứu…chưa kể việu kêu cứu và giải cứu hàng loạt sản phẩm nông nghiệp như: giải cứu thanh long, sầu riêng, bưởi giải cứu lợn… Những hiện tượng này, ngoài một số nguyên nhân khách quan, thì có một nguyên nhân rất quan trọng. Do ảnh hưởng của cuộc chiến chống tham nhũng, việc bắt giam, khởi tố rất nhiều cán bộ đã khiến cho các ngành các cấp phải siết lại các chính sách, các quy định, và luật pháp liên quan đến các ngành nghề của mình. Thực tế đó chính là việc thực hiện đúng các văn bản quy định, chính sách và pháp luật mà trước đây họ đã bỏ qua vì các khoản hối lộ bôi trơn, đút lót cho các cấp quản lý. Nhưng khi siết lại (thực hiện đúng các văn bản, chính sách) thì tất cả các chủ thể, các doanh nghiệp, thậm chí đơn vị sự nghiệp như bệnh viện cũng không thể hoạt động được nữa. Về cơ bản, những tiếng kêu cứu sẽ là vô vọng bởi nhà nước không hề có ý định cứu, và có muốn cứu cũng không cứu được. Duy nhất vấn đề thuốc men, thiết bị khám chữa bệnh…của các bệnh viện là được giải cứu (ít nhất là tạm thời) vì sức ép của dư luận, và chữa bệnh là vấn đề hệ trọng, thiết yếu. Những lĩnh vực khác, nếu có cứu cũng chỉ là tượng trưng chứ không thực chất và không hiệu quả, bởi vì độ trễ của chính sách và mức độ đáp ứng chỉ là tượng trưng.

     Hai hiện tượng nêu trên đặt ra yêu cầu cấp bách cần thay đổi nguyên lý, nguyên tắc, cấu trúc, cơ chế vận hành nền kinh tế - xã hội. Nếu như sự thay đổi đó chưa phải là thể chế chính trị, thì ít nhất cũng là những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Nhưng kỳ lạ thay, nhà cầm quyền không hề nhận ra (hoặc nhận ra) và hoàn toàn không đề cập tới. Trước đây, đứng trước các nguy cơ tổng khủng hoảng, có nhiều người tâm huyết đã lên tiếng, góp ý. Nhưng việc bỏ ngoài tai các góp ý tâm huyết, cũng như đàn áp những tiếng nói sự thật khiến cho không còn ai nghĩ tới việc cảnh báo. Một số người trong hệ thống hiện nay cũng nhận ra tình thế này, nhưng không còn dám lên tiếng vì sự đàn áp khốc liệt giới bất đồng chính kiến thời gian qua.

     Trạng thái xã hội hiện nay là đình trệ và rã đám. Đã có nhiều biểu hiện về sự đình trệ cục bộ, và sự đình trệ trong hệ thống quản lý, cán bộ là xu hướng. Bắt đầu có những dấu hiệu rã đám, quan chức, cán bộ xin nghỉ, bỏ việc…

     Trạng thái đình trệ và rã đám này, do không thể có những thay đổi cốt lõi (ít nhất là về kinh tế), đang tích tụ thành một cuộc tổng khủng hoảng có thể nhìn thấy trước. Âu đó cũng là quy luật tất yếu xảy ra./.

Hà Nội, ngày 22/3/2023

N.V.B