You are here

Cải cách tư pháp triều đại Võ Văn Thưởng: miễn trừ cho thẩm phán, gia tăng bắt bớ luật sư?

Ảnh của Gió Bấc

Theo thể chế Việt Nam, Chủ Tịch Nước đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư Pháp. Không rõ vô tình hay cố ý khi tân chủ tịch nước vừa tức vị thì lập tức Chánh Án Nguyễn Hòa Bình lại giở trò trao kim bài miễn tử đề xuất sửa luật, cho thẩm phán đặc quyền miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự thủ tục nhưng có sai sót không phải do cố ý. Ở nhánh khác, ngành Công an đã mở rộng điều tra bắt bớ hàng loạt luật sư từ vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng đến Tịnh Thất Bồng Lai. Nếu xu thế vi hiến và phi dân chủ này không được ngăn chặn, thay đổi thì lịch sử sẽ ghi nhận công đức cho ngài Chủ Tịch Nước, Trưởng Ban Chỉ Đạo cải cách Tư Pháp Võ Văn Thưởng.

Qua hai nhiệm kỳ Chánh Án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, ngoài hàng núi những vụ án oan sai ngất trời xanh, ông Nguyễn Hòa Bình đã có nhiều dịp thể hiện tư duy sáng tạo, ý tưởng lạ đời để bỉ bôi ngành tòa án. Năm 2020, TATC đưa ra dự án lấy tượng vua Lý Thái Tông làm biểu trưng cho ngành TA đã thiết kế mẫu và quán triệt trong nội bộ ngành nhưng bị dư luận phản ứng dữ dội nên phải xếp xó không kèn không trống.(1)

Nghĩ cũng tiếc, các địa phương vớ bở với đủ thứ tượng đài nghìn tỷ, ngành tòa án oai vệ, trụ sở la liệt từ trung ương tới tỉnh huyện mà hỏng ăn khoản tượng đài đau hơn bò đá.

Mới đây, TAND tối cao đang chủ trì xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014. Dân gian từ lâu đã biếm nhẻ chuyện tư tung tự tác bằng thành ngữ “mình vẻ bùa mình đeo”, ngành tòa án tự xây dựng luật cho tổ chức của mình là chuyện tréo ngoe, phi pháp chỉ có ở xứ thiên đường. Y như rằng, trong dự luật này có nhiều điều điều bức xúc, bất công tè lè mà nổi cộm nhất là chuyện trao kim bài miễn tử cho các ông bà tòa được “miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự thủ tục nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý”

Với một nền tư pháp công minh vừa qua rất nhiều bị cáo, phải nhảy lầu tự tử như ông Lương Hữu Phước ở tòa án tỉnh Bình Dương vì bị tuyên oan ức ba năm tù, (2)

Hay thậm chí chỉ là bị đơn dân sự ông Võ Văn Cường, Giám đốc Land Hà Hải phải uống thuốc trừ sâu tại tòa án quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng vì bị tòa bác yêu cầu chính đáng hàng trăm tỉ đồng (3)

Với kim bài miễn tử của dự luật này pháp đình sẽ thành pháp trường cho người mang án oan tha hồ tự…sát.

Thật ra trước nay có biết bao án oan sai thậm chí là oan án tử hình nhưng có mấy thẩm phán xử sai bị chế tài trách nhiệm. Sư bao che cho nhau đã là luật bất thành văn, việc quy định chính thức thành ra kệch cỡm.

TAND tối cao còn đề xuất “việc bắt giam, khởi tố, khám xét đối với thẩm phán chỉ được phép thực hiện khi có sự đồng ý của Hội đồng tư pháp quốc gia hoặc Chánh án TAND tối cao (tùy theo ngạch thẩm phán); nếu thẩm phán phạm tội quả tang thì ngay sau khi tạm giữ phải thông báo để Chánh án TAND tối cao xem xét, quyết định”.

Quy định này gây thiệt hại không nhỏ cho các thư ký tòa. Trước nay trong các đường dây chạy án hầu hết người đứng ra nhận tiền là thư ký sau đó ăn chia lại quả với thẩm phán. Với đặc quyền mới này thẩm phán yên tâm nhận tiền trực tiếp, nếu lỡ bị lộ, có cấp trên bảo kê, thư ký bị ra rìa.

Thạc sĩ Võ Văn Tài, Trường Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm sát tại TP.HCM, cho rằng đề xuất này xung đột với bộ luật Tố tụng hình sự bởi theo quy định, khi xác định có người phạm tội thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát có quyền (cũng là trách nhiệm) khởi tố để xử lý theo pháp luật hình sự. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu quy định như đề xuất sẽ tạo ra sự không bình đẳng. 

Cũng theo ông Tài, đề xuất khi thẩm phán phạm tội quả tang phải báo cáo Chánh án TAND tối cao để xem xét, quyết định cũng còn khá mơ hồ. "Xem xét, quyết định" ở đây nghĩa là gì? Nếu chánh án xem xét, quyết định có đồng ý cho khởi tố hay không thì sẽ mâu thuẫn với luật Tố tụng hình sự, bởi đây là quyền của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải cá nhân Chánh án TAND tối cao. (4)

Đối với quy định “không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tư pháp quốc gia”, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng sẽ vi hiến. Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

Hiến pháp không cho phép chánh án TAND có quyền như dự thảo. Hơn nữa thẩm phán cũng là công chức nhà nước nên việc quy định nêu trên sẽ dẫn đến mâu thuẫn với địa vị pháp lý so với các công chức nhà nước khác, vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Theo Hiến Pháp Thẩm Phán Tối cao do Thường Vụ Quốc Hội chọn trình chủ tịch nước bổ nhiệm tương đương vớ Phó thủ tướng, bộ trường. Để bình đẳng quyền của các chức danh tương đương, Chính phủ cũng xây dựng quy định tương tự “không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của bộ trưởng (không là ĐBQH) nếu không có sự đồng ý của Chính phủ”. Rõ ràng quy định này là không hợp lý. (5)

Một nền tư pháp đang chồng chất án oan sai, nhân dân rên xiết, không chỉ án thông thường mà có ít nhất hai bản án tử hình oan với Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng còn treo lơ lưng hơn 10 năm qua, việc tòa án đề xuất luật mới tăng thêm đặc quyền trong đó có đặc quyền miễn trừ trách nhiệm khi xử sai là thách đố với người dân, gia tăng bạo quyền, bất công, đàn áp. Tòa án không còn là hiện thân công lý mà là công cụ trá hình của bộ máy khủng bố.

Đồng hành với tăng quyền cho thẩm phán là sự gia tăng đàn áp quyền ngôn luận của người dân qua điều 331 mà mục tiêu tập trung hiện nay là giới luật sư. Chỉ riêng trong vụ án CEO Nguyễn Phương Hằng có đến 3 luật sư bị khởi tố bắt giam về điều 331. Ngay với bị cáo đầu vụ là CEO Nguyễn Phương Hằng sai phạm về phát ngôn xúc phạm đến người khác thì đã rõ nhưng đó là sai phạm vì vụ khống, làm nhục người khác hay là 331? Mức độ sai phạm đến đâu hành chính hay hình sự? Đó là vấn đề pháp lý cần được làm sáng tỏ trong một phiên tòa tranh tụng thấu đáo, được xem xét bởi một hội đồng công minh. Với các luật sư có liên quan như nhà báo, luật sư Hàn Ni, luật sư Trần Văn Sĩ việc xem xét càng cần thận trọng, thấu đáo hơn nửa và chính những trường hợp này cần thiết xem xét chức trách của họ khi hành xử công quyền.

Việc khởi tố, bắt giam ba luật sư với tội danh mơ hồ điều 331 đã gây ấn tượng nặng nề về sử dụng quyền lực của nhà nước trấn áp quyền ngôn luận của người dân.

Đi xa hơn, lộ liễu hơn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã gửi giấy triệu tập 2 luật sư Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, cùng bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, địa chỉ 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Lý do là Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tội phạm từ A05 về việc đã phát hiện một số cá nhân, trong đó có luật sư Đào Kim Lân, Đặng Đình Mạnh có hành vi phát tán trên không gian mạng qua video clip những hình ảnh, bài viết có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn không thuyết phục. (6)

Qua quá trình điều tra và hai phiên tòa sơ phúc thẩm, đã bộc lộ những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng mà dư luận trong ngoài nước phải nhiều lần lên tiếng. Công an huyện Đức Hòa vừa là người bị hại lại vừa là cơ quan điều tra vụ án. Cung cách điều tra của công an tàn bạo, phi pháp như xã hội đen, khám xét, lấy mẫu sinh phẩm của các thành viên Tịnh thất Bồng Lai bằng bạo lực cưỡng chế. Tung tin khởi tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lập biên bản vi phạm, kê biên tài sản nhưng không truy tố xét xử cũng không đình chỉ điều tra…

Nội dung, chứng cứ cáo buộc gượng gạo như câu nói ông Nhật Từ ngu như bò, thậm chí là giả tạo cắt ghép lời khuyên phải tôn trọng pháp luật hơn cả đạo pháp thành ra phỉ báng pháp luật….

Ngay từ đầu các luật sư tham gia phiên tòa đã bị gây không biết bao nhiêu khó khăn thậm chí bị côn đồ hành hung. Trước và sau phiên tòa các luật sư đã nhiều lần có văn bản kiến nghị, khiếu nại với các co8 quan tố tụng, cơ quan nhà nước và lãnh đạo cấp trên nhưng tất cả đều được giải đáp bằng một cách hết sức độc đáo là gửi trả về cho Công An Đức Hòa, đầu sỏ của hành vi càn quấy.

Chính sự bất công và bất lực của chính quyền buộc các luật sư phải lập ra kênh youtube Nhật ký Luật sư để cung cấp cho công chúng những thông tin chính thống về diễn tiến, những tình tiết của vụ án và điều này trở thành chứng cứ phạm tội.

Việc triệu tập hai luật sư Đào Kim Lân và Đặng Đình mạnh rõ ràng là những động thái tiền tố tụng, những thủ tục hình thức để khởi tố trong nay mai.

Động thái này không chỉ đe dọa các luật sư tham gia vụ Tịnh Thất Bồng Lai mà còn trấn áp đe dọa giới luật sư nói chung. Nói chính xác đây là một bước leo thang trong tiê trình khủng bố, tiêu diệt ý chí khát vọng dân chủ công bằng của mọi người dân. Hãy xem đây, đến luật sư còn bị bắt dễ dàng thì huống hồ là dân đen. Quyền được bảo vệ trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong một phản ứng hiếm hoi, LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Hội đồng LS toàn quốc, thay mặt Liên đoàn LS Việt Nam, có công văn gửi Giám đốc Công an tỉnh Long An về việc "Xem xét đường lối xử lý liên quan đến hoạt động hành nghề và ứng xử của một số LS trong vụ án xảy ra tại Tịnh Thất Bồng Lai".

Liên đoàn LS Việt Nam cho biết sẵn sàng phối hợp và cử đại diện làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An trong trường hợp cần thiết (hoặc khi có yêu cầu) nhằm góp phần xác minh, làm rõ vụ việc nêu trên. Liên đoàn LS Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Long An có hướng giải quyết vụ việc một cách thận trọng, khách quan theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật. (7)

Chắc chắn rằng tiếng nói trách nhiệm của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam sẽ không đủ sức lay chuyển bộ máy cường quyền của nhà nước độc tài.

Mong rằng các tổ chức nhân quyền, giới chức và các tổ chức ngoại giao từng có quan hệ, ký kết các công ước, hiệp định về nhân quyền với Việt Nam cần có tiếng nói và biện pháp mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền hành nghề của luật sư và quyền bình đẳng được bảo vệ pháp luật của người Việt Nam

Dù biết rằng trong xứ sở này mọi động tịnh từ hơi thở đến cái lai quần người dân đều nằm dưới sự lãnh đạo của đảng. Nhưng với vai trò nguyên thủ quốc gia, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp, ông Võ Văn Thưởng phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự suy đồi của pháp luật đã nêu. Lịch sử, dư luận quốc tế và người dân không chờ nghe những lời dối trá sáo rỗng mà chờ xem hành động của ông,

1-https://thanhnien.vn/toa-an-tiep-thu-khong-ghi-tuong-vua-ly-thai-tong-la-bieu-tuong-cong-ly-185951077.htm

2-https://tuoitre.vn/dinh-chi-dieu-tra-vu-bi-cao-nhay-lau-tu-tu-sau-tuyen-an-o-binh-phuoc-20201204072401574.htm

3-https://nld.com.vn/phap-luat/vu-giam-doc-tu-tu-tai-toa-land-ha-hai-duoc-nhan-lai-254-ti-dong-20220526205158005.htm

4-https://thanhnien.vn/tham-phan-se-duoc-huong-quyen-mien-tru-185230312230123361.htm

 

5-https://plo.vn/ban-khoan-ve-quyen-mien-tru-cua-tham-phan-post722885.html

6-https://vtc.vn/vi-sao-cong-an-long-an-trieu-tap-2-luat-su-bao-chua-vu-an-tinh-that-bong-lai-ar748083.html

7-https://thanhnien.vn/cong-an-long-an-trieu-tap-2-luat-su-bao-chua-trong-vu-tinh-that-bong-lai-185230314114132367.htm