You are here

Công cuộc chống tham nhũng bộc lộ mặt trái của cơ chế

Ảnh của nguyenvubinh

     Công cuộc chống tham nhũng đang được đảng cộng sản phát động và tiến hành đã cho thấy sự tha hóa của toàn bộ các tầng lớp lãnh đạo, quan chức, cán bộ và sự tha hóa của toàn hệ thống. Hệ lụy của việc chống tham nhũng đang bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đầu tiên là việc giảm tỷ lệ giải ngân đầu tư công (xu hướng từ mấy năm nay), từ mức chỉ tiêu giao năm 2022 là 95% nhưng chỉ đạt được 58,33%. Các ngành nghề đều xuất hiện những khó khăn từ trước tới nay hiếm khi xảy ra. Đó là việc thiếu xăng dầu cục bộ ở các tỉnh phía Nam, việc các bệnh viện thiếu trang thiết bị y tế, thiếu vật tư, thuốc men dẫn tới đình trệ việc chữa bệnh cho nhân dân ở hàng loạt các bệnh viện cả ở trung ương và địa phương. Hệ thống các nhà hàng Karaoke ở các thành phố lớn và trên toàn quốc đang bị ngưng hoạt động do không đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy…

     Nhìn một cách tổng quan, với sự quan tâm có tính chất kiểm soát và thống trị của đảng tới toàn bộ hoạt động kinh tế dẫn tới việc ban hành luật pháp và chính sách làm cho tất cả các cá nhân, doanh nghiệp muốn tồn tại và hoạt động được đều phải hối lộ, đút lót cho các cơ quan chức năng, ngành và địa phương. Trong bối cảnh đó, tham nhũng như một hệ thống bôi trơn cho toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, sự vận hành của toàn xã hội. Công cuộc chống tham nhũng đã làm cho hệ thống bôi trơn dừng hoạt động, ít nhất là trong những phạm vi cục bộ. Rất nhiều người cho rằng, sự vận hành của hệ thống kinh tế, xã hội hiện nay đã và đang xuất hiện những trục trặc, tắc nghẽn, ngưng trệ là do công cuộc chống tham nhũng. Những quan chức, cán bộ sợ không dám tham nhũng nữa cũng đồng thời không nhiệt tình với các công việc mà họ phải thực hiện theo chức năng, không có ăn thì không làm; làm nhiều sai nhiều nên không làm thì không sai… điều này có khía cạnh đúng về mặt tâm lý nhưng chưa thể lý giải hết được nguyên nhân những hiện tượng tắc nghẽn, đình trệ trong các lĩnh vực nêu trên. Quan trọng hơn, các hệ thống pháp luật, chính sách được các cơ quan chức năng ban hành cho các ngành nghề, lĩnh vực hoàn toàn trói buộc các cá nhân và đơn vị, doanh nghiệp. Nếu làm theo đúng các quy định nêu ra, không một cá nhân, đơn vị hay doanh nghiệp nào có thể hoạt động, kinh doanh được. Công cuộc chống tham nhũng đã làm bộc lộ mặt trái của cơ chế chính là trong hoàn cảnh này.

     Khi các sai phạm tại các bệnh viện, các trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) các tỉnh và ngành y tế nói chung bị điều tra và khởi tố hàng loạt quan chức, cán bộ thì cơ quan chủ quản siết chặt và giám sát các bệnh viện theo các quy định, tiêu chuẩn của ngành. Đó là những quy định đã tồn tại từ lâu, chỉ thêm một số quy định mới nhằm giám sát chặt chẽ hơn. Hầu như tất cả các bệnh viện đã bị ảnh hưởng, thiếu vật tư, thuốc men, máy móc… dẫn tới sự ngưng trệ việc khám chữa bệnh cho người dân. Như vậy, với các chính sách, pháp luật và quy định từ trước tới nay, các bệnh viện không thể hoạt động được. Trước đó, các bệnh viện hoạt động được là do sự mắc ngoặc, tham ô, hối lộ, đút lót của các công ty dược, các công ty thiết bị y tế, của các bệnh viện… việc sửa đổi một số quy định để các bệnh viện hoạt động trở lại là do sức ép của dư luận và cũng chỉ có tính chất tạm thời, chứ không phải từ các quy định cơ bản của ngành y cũng như các lĩnh vực liên quan.

     Trong hoạt động đầu tư và kinh doanh Karaoke, quy định về việc các quán karaoke phải có lối thoát hiểm (cửa thứ hai) đã có ngay từ ban đầu. Nếu như khi các cơ sở karaoke xin giấy phép hoạt động, đơn vị phòng cháy chữa cháy yêu cầu thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu, và chỉ cấp phép khi cơ sở karaoke thực hiện quy định này thì đã không xảy ra các sự cố cháy quán chết người nghiêm trọng cũng như hệ thống quản lý bế tắc và các quán karaoke ngưng trệ hoạt động như hiện nay. Khi xin giấy phép kinh doanh, việc thiết kế lối thoát hiểm thứ hai tuy tốn kém nhưng các chủ kinh doanh vẫn thực hiện được, và các phòng hát sẽ được thiết kế phù hợp với cửa thoát hiểm. Nhưng vì phải đút lót, hối lộ cơ quan phòng cháy chữa cháy để có được giấy phép kinh doanh, họ đã không thực hiện quy định này nữa. Đến thời điểm siết chặt quy định phòng cháy chữa cháy hiện nay, cấu trúc cơ sở kinh doanh không thể thực hiện được việc tạo ra lối thoát hiểm thứ hai. Nếu thực hiện, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc các phòng hát dẫn tới chi phí vượt quá khả năng cũng như lợi nhuận mong đợi. Trong khi đó, lối thoát hiểm là yêu cầu quan trọng nhất, được nhấn mạnh hiện nay đối với việc kinh doanh karaoke.

     Các chính sách, quy định chồng chéo, ngu xuẩn, thiếu thực tế là cơ sở để hệ thống quản lý dựa vào đó hút máu hút mủ người dân và doanh nghiệp. Khi chưa có công cuộc đốt lò, các quy định đó chỉ ở trên giấy tờ, mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp phụ thuộc vào tiền hối lộ, bôi trơn, tiền phế cho các cấp quản lý. Khi công cuộc đốt lò rực cháy, tiền hối lộ, đút lót bị hạn chế hoặc không còn nữa, hệ thống quản lý quay lại, siết chặt với các quy định thì không cá nhân nào, không đơn vị, doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển. Sự tắc nghẽn, đình trệ ở một số ngành nghề, lĩnh vực nêu trên mới chỉ là bắt đầu./.

Hà Nội, ngày 12/3/2023

N.V.B