VTV vốn là đài truyền hình quốc gia, phủ sóng trên toàn cõi Việt Nam, với những đặc quyền độc nhứt vô nhị, dĩ nhiên, kéo theo là những đặc lợi về kinh phí. Chỉ riêng 2022, tổng doanh thu của VTV ước đạt hơn 5.300 tỷ đồng [1]. Toàn bộ số thu khoảng 220 triệu USD này đều được giữ lại 100% để chi tiêu. Từ đó, không tránh khỏi những đặc ân mang tính bố thí cho khán giả.
Kinh phí cho chương trình Táo Quân cũng... độc quyền cấp phát, do Tổng giám đốc VTV phê duyệt từ đề xuất của Ban Tài Chính VTV. Đề xuất của Ban Tài Chính VTV dựa trên đề xuất của Ban Văn Nghệ VTV. Ban Văn Nghệ cứ theo đúng khuôn của hàng chục năm qua (phải có Táo Quân). Nghe rất dài dòng, nói ngắn gọn, quy trình để sản xuất Táo Quân mang đầy đủ "VĂN HÓA BAO CẤP" của nhiều chục năm về trước, thuở mà một bộ phim - dù điện ảnh mang ra chiếu rạp - đoàn làm phim không quan tâm đến doanh thu - lời lỗ, miễn đủ chỉ tiêu giao (tức là mỗi năm phải có bao nhiêu phim), miễn không đụng chạm đến chế độ độc đảng toàn trị và các vấn đề mang tính "phản động - chống phá nhà nước" là ổn thỏa!
Do đó, đông đảo khán giả, kể cả dân trong nghề sân khấu - điện ảnh nổi giận và chĩa mũi dùi về phía Xuân Bắc, chỉ nói lên hiện tượng ứng xử văn hóa của Xuân Bắc trong tư cách nghệ sĩ (và nổi tiếng), chứ chưa nêu ra được bản chất vấn đề: Tại sao nghệ sĩ dám hỗn xược với khán giả, cùng những bộ phim rất dở nhưng cả đoàn làm phim không một ai phải gánh trách nhiệm. Đơn cử, năm 2014, bộ phim truyện chiếu rạp về nhân vật Võ Nguyên Giáp [2] với kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng không bán được vé, để rồi sau đó chiếu miễn phí cũng không ai xem, đến nỗi phải lặng lẽ hủy chiếu.
Khái niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" hay "nghệ thuật vị nhân sinh" không có nhiều ý nghĩa trong môi trường toàn trị, nơi mà nhà cầm quyền CSVN cố tình dùng cái na ná "nghệ thuật" để tuyên truyền và tô hồng cho chế độ - Tạm gọi "nghệ thuật vị chính trị".
Nghệ thuật không có tự do sáng tạo chỉ là một "thân xác vật vờ" - Đó là sản phẩm "đặc thù" chỉ riêng có trong xã hội Việt Nam hiện nay - Nơi vốn chỉ có thể tồn tại những gì lướt qua cuộc sống bằng hiện tượng và mang tính vỗ về - an ủi người dân như Nhà Bà Nữ của đạo diễn Trấn Thành - Chí ít với tư cách là nhà sản xuất, diễn viên Trấn Thành đã thành công trong doanh thu và an toàn trong vị thế một "nghệ sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa".
Do đó, suy cho cùng, chuyện lôi Xuân Bắc ra hành tội vì bị coi là chửi xéo khán giả, chỉ là trò KẾT TỘI TƯ TƯỞNG. Điều đáng giựt mình, bởi những ý kiến của nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới chuyên môn chỉ trích nặng nề và gay gắt về Xuân Bắc, khiến người ta dễ cảm nhận, vì sống quá lâu trong môi trường "nhồi sọ" nên họ tự tay "đấu tố" đồng nghiệp mà họ không hề hay biết.
Không rõ số rất đông (cả trong và ngoài nghề) đòi Xuân Bắc "xin lỗi" để làm gì, khi mà nó đã trở thành phương tiện để che đậy tội ác, từ thuở ông Hồ Chí Minh rút khăn chùi nước mắt với lời "XIN LỖI" trong vụ Cải Cách Ruộng Đất.
Cần gì đến lời "xin lỗi" của Xuân Bắc, vốn chỉ là một diễn viên hề trong một vở diễn rất dở mà ông Bắc vốn không phải chịu trách nhiệm chính, với vở diễn Táo Quân nhạt thếch - dung tục, không thu hút được khán giả nhưng năm nào cũng đều đều chiếm sóng truyền hình!
Cần gì đến lời "xin lỗi" của Xuân Bắc, khi rất nhiều đảng viên ĐCSVN đứng trước tòa (của đồng chí họ), khóc hết nước mắt, rồi xin lỗi rất thống thiết nhưng chỉ làm trò cười cho dân chúng với khái niệm "nước mắt cá sấu" - Vẫn còn nguyên đó!
Trong phạm vi sân khấu - điện ảnh, khán giả chỉ thoát khỏi mọi chương trình nhàm chán - cũ rích - thô kệch - dung tục, khi và chỉ khi chấm dứt... bao cấp tất cả các sản phẩm mang tên "nghệ thuật". Điều này có nghĩa, "kinh tế thị trường định hướng XHCN" - một nền kinh tế vô giá trị - phi thực tế phải được chấm đứt.
Đầu năm đầu tháng, khán giả đã nhận "cái tát của đảng" do thảm nạn dài lâu từ bao cấp, cùng chủ trương nhồi sọ vốn thành công hơn người ta nghĩ tới. Tuyệt đại đa số người Việt Nam hiện nay cũng xứng đáng nhận "cái tát của đảng", trong đó có cả nghệ sĩ Xuân Bắc.
____________________
Bài bình luận gần đây