Song Chi
Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc Tế (International Religious Freedom Summit, viết tắt IRF) 2023 được tổ chức lần thứ 3 tại Washington DC vào ngày 31.1–1.2.2023. Đây là sự kiện hàng đầu thế giới về tự do tôn giáo, bao gồm giới chức đại diện Liên Minh Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin (hiện có 45 quốc gia tham gia), đại diện của mang lưới hơn 300 nhà lập pháp cho tự do tôn giáo ở 90 quốc gia, thành phần lãnh đạo của mạng lưới hơn môt nghìn các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo toàn cầu, dại diện cao cấp của trăm tổ chức tôn giáo và tổ chức quần chúng.
Mục đích của Hội nghị, như ghi trên website của IRF “Tạo ra một liên minh mạnh mẽ gồm các tổ chức hoạt động cùng nhau vì mục tiêu tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Nâng cao nhận thức cộng đồng và sức mạnh chính trị cho phong trào tự do tôn giáo quốc tế”.
Trong tổng số 1000 tham dự viên, đoàn người Việt xấp xỉ 50 người, có thể nói là một trong những phái đoàn thuộc loại đông nhất, đa dạng nhất, với sự có mặt của nhiều thành viên thuộc các tổ chức tôn giáo lớn cho tới nhiều nhóm tôn giáo độc lập khác nhau, dưới sự tổ chức của BPSOS (Boat People SOS) – một tổ chức xã hội dân sự chuyên hoạt động trong các lĩnh vực nhân quyền.
BPSOS cũng là thành viên chỉ đạo và tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế từ năm 2021 cho đến nay.
Chúng tôi đã phỏng vấn từ xa một vài vị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc Tế lần này, đó là Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, hiện đang sống và làm việc tại Rome, Ý; Mục Sư Tin Lành A Ga, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, hiện đang sống và làm việc tại North Carolina, Hoa Kỳ và Quyền Chánh Trị Sự Bùi Văn Quan, hiện đang phục vụ tại Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh Mountain View, Texas, Hoa Kỳ.
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Quốc Tế lần này, Hoà Thượng Thích Trí Tuệ và Linh Mục Nguyễn Văn Khải sẽ lên tiếng cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Hoà Thượng Thích Trí Tuệ là viên chủ của 5 ngôi chùa ở Virgina, North Carolina và California. Hoà Thượng cũng là đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Hoa Kỳ, Chủ Tịch Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và Phó Chủ Tịch Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới. Tiếc là Hòa thượng bị bận nên không thể trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Trả lời câu hỏi tại Hội nghị lần này, Cha sẽ nói về vấn đề gì và tại sao Cha lại chọn chủ đề đó, Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải nói: “Tôi sẽ nói về thực trạng vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam- trường hợp Giáo hội Công giáo. Tôi cũng đề cập đến các nạn nhân bị nhà cầm quyền đàn áp, cô lập, loại trừ, bắt bớ, giam cầm, điển hình là trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa, một Kitô hữu ngoan đạo, một công dân có trách nhiệm, một chiến sĩ bảo vệ môi trường đã bị nhà cầm quyền bắt giam và kết án 7 năm tù.”
Những vị khác, dù không có bài phát biểu chính thức tại cuộc họp khoáng đại, nhưng đều có những bài phát biểu tại phòng họp dành riêng cho đoàn người Việt hoặc đều có những vấn đề cấp thiết cần phải trình bày trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các dân biểu, nghị sĩ, giới chức của chính phủ Hoa Kỳ. Mục sư A Ga sẽ đề cập đến vấn đề Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên bị đàn áp nặng nề. Còn Quyền Chánh Trị sự Bùi Văn Quan thì cho biết: “Lần nầy tôi sẽ phát biểu với chủ đề Cao Đài quốc doanh âm mưu chiếm dụng chủ quyền “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Việc nầy rất quan trọng đối với Cao Đài 1926”.
Kiểm soát, đàn áp tôn giáo là một chủ trương, chính sách xuyên suốt của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bao nhiêu năm qua, chỉ những tổ chức tôn giáo nào nằm trong sự kiểm soát, khống chế của đảng và nhà nước thì được phép hoạt động, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Công giáo (quản lý tại Việt Nam bởi Hội đồng Giám mục Việt Nam), một số Hội thánh Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo v.v…Còn lại mọi tổ chức tôn giáo khác đều bị đàn áp, ngay cả những nhóm nhỏ như đạo Dương Văn Mình, Ân Đàn Đại Đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền Miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975, hay một nhóm tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ…
Nhưng ngay cả một tổ chức tôn giáo lớn và lâu đời như Công giáo, là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Roma, với số giáo dân trên 7,2 triệu người (2022) thì mâu thuẫn, xung đột giữa chính quyền và Công giáo vẫn diễn ra thường xuyên, với những vụ đàn áp đẫm máu.
Vắn tắt về “hồ sơ” đàn áp Công giáo ở Việt Nam trong bao nhiêu năm qua, Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải cho biết: “Công giáo Việt Nam bị đàn áp dã man, tàn bạo, thâm độc từ khi cộng sản lên nắm quyền. Đó là một câu chuyện dài. Tôi chỉ kể một số vụ đàn áp điển hình từ đầu năm 2007 đến nay, tức là ngay sau khi chính phủ Hoa Kỳ loại Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo vào cuối năm 2006. Đó là các vụ đàn áp và/hoặc cướp đất tại Đồng Đinh, Đồng Chiêm, Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Con Cuông, Tam Tòa, Loan Lý, Bầu Sen, Mỹ Dụ, Mỹ Yên, Đông Yên, Đak-mot, Thủ Thiêm, Bình Thuận, Dòng Phaolo Hà Nội, Dòng Phaolo Vĩnh Long, Đan viện Thiên An, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm v.v...
Nếu ai theo dõi tình hình tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng thì thấy trong những thập niên trước đó, chẳng hạn trong giai đoạn 1987 đến năm 2007 hoàn toàn không có những vụ việc tương tự. Đấy là giai đoạn Hoa Kỳ còn cấm vận Việt Nam và còn xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo và còn có những biện pháp chế tài đi kèm.
Trong số các vụ trên đây, theo tôi điển hình nhất là các vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ và vụ Đông Yên, tức là vụ Formosa. Hai vụ này để lại nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài đối với môi trường, đối với đời sống của giáo dân, đặc biệt là đối với mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Vụ Đan viện Thiên An ở Huế cũng kéo dài và có nhiều bạo lực với nhiều tu sĩ bị đánh đập, trong đó có cha Bề trên Đan viện (Cha Antôn Nguyễn Huyền Đức) đã bị đầu độc và đã qua đời.
Còn vụ cha Trần Ngọc Thanh ở giáo xứ Đắc-Mốt Kon tum bị chém chết tháng 2. 2022, ngay khi vụ việc xảy ra người ta đã đoán trước được rằng trước sau gì công an cũng sẽ kết luận kẻ thủ ác bị tâm thần. Kết cục sau gần một năm điều tra công an đã tuyên bố như vậy! Điều đáng tiếc là ngay ở giáo phận Kon Tum, trước đó vài tháng cũng đã từng có một kẻ thủ ác vác dao đâm trọng thương cha Trần Văn Truyền và kẻ này cũng được Công an tuyên bố là bị tâm thần! Nhưng người dân địa phương biết rõ kẻ thủ ác hành động theo sự kích động của công an địa phương với lý do thù ghét tôn giáo”
Trả lời về các vụ việc đàn áp nào đáng nêu lên nhất đối với đạo Cao Đài, Chánh Trị sự Bùi Văn Quan nói về “Bản án Cao Đài”: “Năm 1978, Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Tây Ninh đề xuất Bản án Cao Đài cáo buộc những vị lãnh đạo cao cấp có công lập Đạo ban đầu, là phản quốc, làm tay sai cho Pháp, Anh, Mỹ, Nhật. Chủ yếu gây bất tín nhiệm của hơn 5 triệu tín đồ với những vị lãnh đạo.
Căn cứ vào bản án, họ bắt Chức sắc, Chức việc Bàn Trị Sự và nhiều tín đồ đi tù cải tạo tư tưởng. Họ khủng bố tinh thần, đánh đập. Họ ra Nghị Quyết 142 tịch thu các cơ sở thờ phượng và tài sản của đạo. Giải thể Hội thánh, đuổi Chức sắc hiến thân hành đạo về gia đình. Họ đưa cán bộ vào làm việc và quyết định mọi sự thăng cấp, trước hết phải qua sự chấp thuận của đảng cộng sản Việt Nam. Đại hội nhơn sanh và đại hội Hội thánh đều có mặt cán bộ theo dõi v.v…
Vì vậy những môn đệ Cao Đài phải kiên trì vận động đấu tranh với Chánh phủ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia yêu chuộng tự do nhân quyền và tín ngưỡng tôn giáo.
Thứ hai là việc vận động tranh đấu chống âm mưu Nghị quyết 36 tôn giáo vận, âm mưu chiếm chủ quyền căn cước danh xưng “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” của Đại Đạo.
Năm 2014, Cao Đài Quốc Doanh hải ngoại, đăng ký với Bộ Thương mại Hoa Kỳ làm chủ quyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Năm 2015, Cơ quan quản lý bằng phát minh và thương hiệu thược Bộ Thương mại Hoa Kỳ cấp phép tâm cho Cao Đài quốc doanh.
Chúng tôi và BPSOS phát hiện âm mưu này nên làm đơn khiếu nại với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, và kết quả thành công. Bộ Thương mại đã hủy bỏ sự cầu chứng bất hợp pháp của tổ chức này. Nếu họ thành công chủ quyền danh xưng của Đại Đạo, thì trên thế giới không ai được quyền sử dụng, nếu không chấp nhận theo họ. Như vậy họ sẽ lảm chủ Đại Đạo trên toàn thế giới”
Mục sư A Ga, người thành lập Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên kể từ khi Hội thánh được thành lập, anh em trong nước chưa bao giờ yên ổn. Bản thân Mục sư A Ga vì bị đàn áp phải rời khỏi Việt Nam sang tỵ nạn tại Thái Lan năm 2013, nhưng năm 2017 công an Việt Nam phối hợp với công an Thái Lan đã bắt Mục sư và gia đình đưa về trại giam giữ để chuẩn bị trục xuất hồi hương, may mà có sự can thiệp vận động quốc tế nên sau khi ở trại 70 ngày, Mục sư và gia đình đã được đưa sang Philippines 6 tháng rồi ngày 25.9.2018 được đưa sang định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng nhiều người thì không được may mắn như vậy.
Cho đến nay Hội thánh Tin lành Đấng Christ có khoảng 1,000 người ở 4 tỉnh là Gia Lai, Kontum, Dak Lak, Lâm Đồng, họ thường xuyên bị xách nhiễu, bắt bớ. Mọi cuộc tụ họp, tổ chức lễ Giáng Sinh chỉ cần treo biểu ngữ tên Hội thánh Tin lành Đấng Christ là công an, lực lượng cảnh sát cơ động các kiểu ập đến tháo dỡ, phạt, bắt giam. Gần đây nhất chính quyền đã ngăn chặn không cho một số tín đồ đi dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á ở Bali, Indonesia. Như ông Y Sĩ Êban, một tín đồ đạo Tin Lành ở Đăk Lăk, bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất cấm lên máy bay đi Indonesia vào ngày 6.11.2022. Sau đó họ đưa ông về Dak Lak, công an Dak Lak giam giữ 2 ngày, thẩm vấn, tra tấn, thu giữ hộ chiếu, thẻ căn cước, điện thoại, tiền…tới nay cũng không trả.
Hay ông Nay Y Blang, một tín đổ đạo Tin Lành ở Phú Yên trên đường vào Sài Gòn ngày 29.9.2022 để gặp phái đoàn Hoa Kỳ liền bị chặn lại, thẩm vấn, phạt tiền, khi ông không có tiền thì công an ban ngành từ xã tới huyện, cảnh sát cơ động ập tới nhà lục soát, lấy xe gắn máy của ông mang đi…Có những người như mục sư Y Nuen Ayun, người Ê đê ở Dak Lak bị tra tấn dã man suốt 9 ngày, có người như mục sư A Đảo tỉnh Kon Tum, sau khi dự một hội nghị về tự do tôn giáo ở Đông Timor năm 2016 về thì bị bắt giam, kết án 5 năm tù. Sau khi được thả ra cuộc sống của ông cũng không được yên ổn, gia đình tan nát, ông bị buộc phải từ bỏ niềm tin tôn giáo, không được trở lại với Hội thánh Tin lành Đấng Christ hay liên lạc với các tổ chức nhân quyền bên ngoài, nếu không sẽ bị bắt tù lâu hơn, và vì quá sợ hãi ông đã làm theo…
Mục sư A Ga cũng thẳng thắn nhận xét, theo ông, đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số thường bị đàn áp mạnh hơn vì đa số đồng bào ít hiểu biết về luật pháp VN, luật quốc tế, về quyền con người nên khi nhà nước gán tội cho họ thế nào thì họ chỉ biết như vậy.
Trong tháng 12.2022 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa VN vào danh sách theo dõi đặc biệt (Special Watch List) vì những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. Cả ba người, từ Linh mục Nguyễn Văn Khải, Mục sư A Ga, Quyền Chánh trị sự Bùi Văn Quan đều cho rằng Việt Nam lẽ ra phải bị đưa vào danh sách quan ngại đặc biệt (Countries of Particular Concern) và phải bị trừng phạt vì những chủ trương, chính sách đàn áp tôn giáo có hệ thống, xuyên suốt bao nhiêu năm. (Trước đây VN đã từng bị đưa vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo rồi lại được rút ra).
Linh mục Nguyễn Văn Khải nói: “Một cách hiển nhiên theo tôi thấy, từ cuối năm 2006 khi Hoa Kỳ đưa VN ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo và hủy bỏ các biện pháp chế tài về kinh tế, thương mại và chính trị, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các tôn giáo và gia tăng cướp bóc người dân. Thực tế cho thấy Hoa Kỳ và các nước Tây Phương càng nhượng bộ, thì cộng sản Việt Nam càng lấn tới. Thực tế cho thấy các biện pháp chế tài của Tây Phương đã làm cho cộng sản chùn tay đàn áp các tôn giáo. Một điều ai cũng thấy là những năm 1987 đến 2007 hầu như không nổ ra các vụ đàn áp các cộng đồng tôn giáo một cách hệ thống và thực tế cũng cho thấy trong 20 năm kia số tù nhân lương tâm bị bắt giam còn ít hơn nhiều số người bị bắt trong mấy năm gần đây. Tôi tiếc là các chính phủ Tây Phương quá nhân nhượng với Việt Nam và không còn đặt nặng vấn đề nhân quyền như là yếu tố tiên quyết trong quan hệ với Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi các linh mục, giáo dân trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền cần phải làm gì để buộc nhà nước độc tài VN phải có những thay đổi cụ thể, rõ ràng hơn. Linh mục Nguyễn Văn Khải: “Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam gắn liền với với đề dân chủ và dân quyền. Đấy không phải chỉ là chuyện của các linh mục và giáo dân Công giáo. Đấy không phải là chuyện riêng của bất cứ tôn giáo nào. Đấy là chuyện của mọi người, mọi tổ chức, mọi tôn giáo ở Việt Nam.
Nếu mỗi công dân và mỗi tín đồ của các tôn giáo ở Việt Nam không ý thức về quyền và phẩm giá của mình mà trong đó quyền tự do tôn giáo là căn bản đồng thời gắng sức tranh đấu để bảo vệ những giá trị ấy thì bản thân mình sẽ mất đi cơ may sống đúng tư cách con người, còn tôn giáo của mình sẽ bị tha hóa và biến chất để trở thành một công cụ thống trị của bạo quyền mà thôi!
Chúng ta cũng cần ý thức rằng vấn đề dân chủ và quyền con người ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu. Cả thế giới sẽ không thực sự có hòa bình nếu còn một quốc gia độc tài và đàn áp dân lành. Vì vậy các tổ chức nhân quyền và nhất là các chính phủ dân chủ phải dấn thân hơn nữa. Trong lãnh vực này, tiếng nói và các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ có trọng lượng nhất. Nếu Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt những vi phạm nhân quyền của Việt Nam thì tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền sẽ được cải thiện ít nhiều".
Quyền Chánh trị sự Bùi Văn Quân: “Việt Nam được đưa vào thành viên Liên Hiệp Quốc, mục đích là khuyến khích Việt Nam nên thay đổi chế độ từ từ, nhưng họ vẫn ngoan cố. Đã đến lúc Liên Hiệp Quốc, Chính Phủ Hoa Kỳ, và các nước trên thế giới phải dùng Công Pháp để trị. Nếu họ vẫn không thi hành, không thay đổi chánh sách, thì chế tài, đưa họ vào danh sách CPC”.
Và đây chỉ là 3 đại diện trong số hàng chục tổ chức, nhóm tôn giáo của Việt Nam có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn Giáo Quốc tế 2023, và tổ chức, nhóm tôn giáo nào cũng có cả một “hồ sơ” dày để nói về quá trình đàn áp của nhà nước độc tài Việt Nam.
Những người đến tham dự Hội nghị lần này sẽ có cơ hội để tham gia vào những sự kiện, như Hội thảo về ngôn ngữ hận thù và kích động bạo lực ở Việt Nam, họp báo về tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam, Hội thoại về tự do tôn giáo và tinh thần liên thông đa tôn giáo ở Việt Nam, trình bày về sự toa rập giữa chế độ cộng sản và công ty tư bản trong vụ nhiễm độc môi sinh ở 4 tỉnh trung phần năm 2016, tham gia Lễ cầu nguyện đa tôn giáo cho công lý và hoà bình v.v…Nhất là có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với các giới chức Hoa Kỳ, các lãnh đạo tôn giáo quốc tế đế đưa ra những vấn đề cụ thể về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Đối với mỗi người đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế, họ đều ý thức đây chính là cơ hội để lên tiếng thay cho những cá nhân bị bức hại không thể lên tiếng, là cách góp phần cụ thể để bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Bài bình luận gần đây