You are here

Tính Gia Trưởng đúng nghĩa đã bị tàn phá từ lâu

Gia Trưởng - Một khái niệm tưởng chừng xa xôi và lạc hậu trong thời hiện đại, lại gầy dựng một gia phong với tôn ti trật tự của hầu hết các gia đình miền Nam, trước 1975. Một gia đình tôn ti trật tự là nền tảng cho một xã hội an hòa là vậy.
 
Rất nhiều hiểu lầm quanh chữ Gia Trưởng theo nghĩa độc đoán, cay nghiệt, keo kiệt đối với vợ con. Thậm chí hành hung và đánh đập vợ - con trong bộ dạng thú dữ cũng bị coi là... Gia Trưởng. Thưa, không hề! Gia Trưởng là người cố gắng chu toàn và đưa ra quyết định, trước mọi vấn đề phát sinh trong nhà nhưng người Gia Trưởng luôn luôn chịu trách nhiệm trước quyết định, dù kết quả xảy ra xấu hay tốt. Người Gia Trưởng không bao giờ đổ trách nhiệm cho người khác (dù đó là vợ con mình). Dĩ nhiên, bên cạnh tính chất đó, người Gia Trưởng rất quyết đoán. Vì thế, những ai không hiểu rõ và theo xu hướng thời đại - tự do vô giới hạn, họ dễ dàng lên án người Gia Trưởng.
 
Người đàn ông Gia Trưởng đang "mất tích" trong một xã hội gần như tan nát hết những bổn phận - trách nhiệm - đạo đức - liêm sỉ. Việc tốt họ giành phần công trạng, việc xấu họ đổ cho vợ con trong nhà. Thế cho nên, chữ Gia Trưởng méo mó và xấu dần đi trong mắt người ta, đặc biệt thế hệ trẻ.
 
Gia đình là tế bào đầu tiên cho một xã hội lành mạnh. Người đàn ông xứ thiên đàng, dường như đang đặt nhiều gánh nặng quá lớn lao lên vai phụ nữ, trong thời hiện tại và hiện đại với khái niệm "nam nữ bình quyền", để tạo nên một hình ảnh người chồng - người cha ngơ ngác trước hiểm họa rình rập & bủa vây tứ phía hoặc giả, họ xuất hiện trong bộ dạng hiền lành và sợ vợ, với vẻ ngáo ngơ trong một công sở - khoe mẽ tửu lượng trong một cuộc ăn nhậu - đua đòi trong bộ dạng trống - mái v.v...
 
Xã hội ngày nay, đồng tiền chiếm lấy vị trí hàng đầu trong mọi mối quan hệ, kể cả quan hệ vợ - chồng. Đồng tiền nghiễm nhiên trở thành "võ khí hữu hiệu", có sức hủy diệt phẩm giá con người ta chỉ trong tích tắc.
 
Sau này, phải nói rất nhiều người, dùng MXH như là tấm bình phong để phô trương hạnh phúc gia đình mà hạnh phúc đó đầy tính phô trương giả tạo và tạm bợ. Bên cạnh đó, MXH cũng dễ dàng và hữu hiệu để làm võ khí "sát thương" thật lợi hại! Dù đó là tình nhân, dù đó là cha mẹ - vợ con - anh em - bằng hữu - láng giềng - đồng nghiệp. Bất cứ xung đột hay mâu thuẫn nào cũng từ hai phía. Nhưng trên MXH, người ta thấy nhan nhãn những clip mâu thuẫn vợ chồng - tình nhân v.v... dày đặc cảnh đánh nhau - chửi nhau mà ở đó, người đàn ông quyết "ăn thua đủ" với vợ - người tình bằng mọi giá, thậm chí án mạng ghê hồn là điều có thật. Thế cho nên, cái nhìn của người đời về người chồng - người cha - người tình sao tàn nhẫn - vô nhân đạo - phi nhân, tính đến mức không tưởng tượng nổi. Những hình ảnh thê thảm đó, càng làm cho người đời càng xa lánh và ghê sợ khái niệm "Gia Trưởng". Trong khi đó, hầu hết đều công nhận tục ngữ "Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi" .
 
Tính Gia Trưởng bị tàn phá đã làm nếp nhà trong mỗi gia đình Việt Nam gần như tan nát. Bởi người đàn ông Việt Nam dường như đã bị chết dần chết mòn, từ ít nhứt gần nửa thế kỷ qua.
 
Những người đàn ông thành đạt và nổi tiếng trên thương trường - chính trường, sẵn sàng đóng vai "gia sư hôn nhân" như ông Đặng Lê Nguyên Vũ [*] được báo Kênh14 ra ngày 14 tháng Ba Năm 2022 dẫn lời "Một người đàn ông làm việc lớn thì cố gắng chọn vợ phải chọn cho đúng. Không thì kẹt lắm. Giới hạn của người vợ là giới hạn của người đàn ông, giới hạn họ thấp kéo xuống là mệt lắm. Họ tỉ tê từ quyền lực mềm đến quyền lực cứng, triệt tiêu hết mọi quyền lực của mình". Lời ông Vũ tựa như tố cáo người vợ chực chờ đẩy chồng trợt xuống con dốc "công danh sự nghiệp", không gì cứu vãn nổi. Nghĩa vợ - tình chồng thông qua cách diễn đạt của ông Vũ bỗng mất tăm, như thể đời sống chồng - vợ của gia đình ông ta, chẳng qua chỉ là một phi vụ làm ăn mà ở đó, đôi bên đang thương thảo để thủ lợi cho phần mình, rồi khi không tương nhượng được, họ sẵn sàng sang đoạt lợi ích lẫn nhau!
 
Một người đàn ông thành đạt trên chính trường - thương trường chưa bao giờ là "chứng chỉ" xác nhận thành công trong vai trò làm chồng - làm cha của một gia đình. Bởi những người đàn ông này luôn luôn lấy sự giàu có và sự nổi tiếng của họ để đồng nhứt với khái niệm "một gia đình hạnh phúc". Đây là sai lầm chết người, bởi:
 
-  Họ cho rằng, quản trị trôi chảy một tập đoàn với hàng ngàn nhân viên cùng sự tuân phục tuyệt đối, tức là quản lý gia đình quá dễ dàng. Đối với họ, hàng ngàn người còn nghe lời mình tuyệt đối thì chỉ có chục người trong gia đình, làm gì mà không quản lý nổi (!) Họ đang đồng hóa một gia đình là một tập đoàn kinh tế. Đây là phép ngụy biện "LẤY LƯỢNG THAY PHẨM" - Phẩm ở đây là phẩm chất hoàn toàn khác nhau giữa một tập đoàn và một gia đình. Nói nôm na cho dễ hiểu: Không thể so sánh tô phở ngon hơn hoặc dở hơn tô hủ tíu. Chỉ có thể so sánh phở với phở, hủ tíu với hủ tíu.
 
-  Người đời ai cũng biết câu: Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Do đó, không thể nào biết được đằng sau thành công của một nam thương gia, người vợ của ông ta đã làm những gì cho thành công của chồng.
 
- Một tập đoàn kinh tế thành công, dù sản xuất - kinh doanh bất cứ sản phẩm nào, cũng đều có chung "tiêu chuẩn thành công" - đó chính là điều ai cũng đồng ý tuyệt đối, thể hiện qua: Lợi nhuận - doanh thu - thương hiệu - sự tồn tại và phát triển theo thời gian. Nhưng một gia đình hạnh phúc, không có bất kỳ một tiêu chuẩn nào hết.
 
Những lời của người chồng thành đạt & nổi tiếng - ở đây là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - khi đổ tội cho vợ, lúc đôi bên buộc phải ra tòa ly hôn, càng cho thấy rõ ràng người chồng đã khước từ vai trò Gia Trưởng, với việc đổ trút TRÁCH NHIỆM cho vợ mình. Người đàn ông lúc này tự biến bản thân trở thành người chồng đáng thương, trong vỏ bọc một thương gia tiếng tăm.
 
Đối với giới công quyền, không riêng các triều đại phong kiến Việt Nam, bên Trung Hoa cũng vậy, khi người phụ nữ lợi dụng chính trị để thao túng và làm ô danh chồng không hề hiếm. Dễ được mấy người như Bà Trưng Trắc (bà Triệu Ẩu không có chồng - theo lịch sử) hay Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu? Cái "gương soi" Bà Chúa Chè vẫn còn nguyên đó.
 
Vậy cho nên, đừng trách các bà mệnh phụ phu nhơn mà hãy trách trước tiên là các đức ông chồng, vốn tự nguyện lột bỏ vai trò Gia Trưởng, để vợ tự tung tự tác mà gây họa cho cả gia đình dòng tộc.
_____________________