Quốc Hội xứ Đông Lào xưa nay vốn đủng đỉnh xuân thu nhị kỳ hội ngộ bấm nút theo chủ trương của đảng. Ngay trong phiên họp vừa qua, kinh tế rối ren, thị trường chứng khoán chao đảo, ngân hàng cạn kiệt, bất động sản đóng băng có nguy cơ vỡ bóng, gia công xuất khẩu bị đứt đơn hàng, công nhân nghỉ tết sớm hơn hai tháng, doanh nghiệp “rời khỏi thị trường”, nhưng Quốc Hội vẫn im như thóc. Rảnh rang bình thản bàn chuyện biển số xe đẹp và đủ chuyện tào lao. Thế rồi đột nhiên giáp tết nguyên đán, kỳ lễ hội nghĩ ngơi dài nhất của năm Quốc Hội họp bất thường bàn toàn chuyện bình thường thậm chí chuyện tầm xa đến năm 2050. Đảng đang cần Quốc Hội bấm nút chuyện gì mà chưa nói thiệt với dân?
Trong ngôn ngữ và tư duy của người Việt, “rắp tết” nhằm chỉ một trạng thái cập rập bị động, phải thực hiện công việc cần thiết, bất ngờ sát mốc deadline. “rắp tết” hàm ý nghĩa phải làm cho xong đúng hạn bất cần chất lượng.
Họp bất thường bàn chuyện bình thường?
Quốc Hội xứ Đông Lào vốn rất khủng khỉnh, khệnh khạng, mỗi năm chỉ họp hai lần, mỗi kỳ đều có chương trình nội dung chuẩn bị từ nhiều tháng trước, qua trình tự xem xét, xin ý kiến, … Ấy vậy mà mới trải qua chưa hết nửa nhiệm kỳ, Quốc Hội khóa này đã phải họp bất thường đến hai lần. Lần trước do dịch covid phải họp bất thường để ra nghị quyết về mở rộng quyền cho chính phủ chi tiêu chống dịch đã đành. Lần này, ngày 5-1-2023, tức 14 tháng chạp nhâm dần, ngay lúc cận kề lễ tết nguyên đán, Quốc Hội lại họp bất thường thiệt cập rập, rắp tết đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng. Cập rập đến mức phải phân bố chương trình kỳ họp đến con số 1.75 ngày, 0,75, 0,50 ngày.
Điều đáng nói là qua thông báo chính thức, nội dung làm việc, chương trình kỳ họp toàn những chuyện tầm xa hay những chuyện bình thường, không có gì bất thường. Theo báo chí trong nước, sáng 21-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định các nội dung như sau:
Xem xét, quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung quan trọng nhưng liên quan đến tương lai xa, cần nhiều thời gian, cần nghiên cứu thấu đáo chứ không nên bấm nút trong phiên họp bất thường rắp tết.
Xem xét, thông qua dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Luật này rất cần sửa đổi nhưng trong điều kiện thực tế các cơ chế chính sách về y tế còn đang rối nùi: cơ chế đấu thầu dược phẩm vật tư y tế đang bất cập, bế tắc. Lương bổng thấp cán bộ y tế bỏ việc hàng hoạt, cơ chế quản lý ngành y lỏng lẻo để xảy ra tiêu cực từ Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, Cục Trưởng xuống tận nhân viên đi tù hàng loạt…Tân Bộ Trưởng Y Tế Đào Hồng Lan kêu cứu như cha chết. Thủ Tướng chỉ đạo liên ngành tham gia vẫn chưa giải quyết xong, liệu những nội dung Luật sửa đổi có giải đáp được thực tế này?
Hai nội dung còn lại tuy gấp nhưng là những việc nhỏ mang tính hành chính sự vụ, có thể giải quyết bằng hình thức khác không nhất thiết phải đến mức họp quốc hội bất thường.
Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nghị quyết 30 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật dược.
Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương).
Chuyện khó nói nhưng cần bấm nút là nhân sự?
Với những nội dung được công bố ấy, cử tri băn khoăn tự hỏi: Vì sao Quốc Hội phải họp bất thường?
Nếu đọc kỷ trong phân bố lịch thời gian kỳ họp, vẻn vẹn 4 ngày ấy, có 0,5 ngày cho một công việc, không công bố nội dung.
”Cụ thể, phiên trù bị, khai mạc, trình bày tờ trình, báo cáo trong 0,5 ngày. Thảo luận ở tổ trong 0,75 ngày/4 nội dung. Thảo luận ở hội trường trong 1,75 ngày/4 nội dung. Về nhân sự trong 0,5 ngày. Phiên bế mạc và biểu quyết thông qua trong 0,5 ngày. Ngoài ra dự phòng một ngày.” (1)
Phải chăng những nội dung làm việc bình thường đã nêu chỉ là nguyên cớ, nguyên nhân thật sự mà Quốc Hội phải họp bất thường là NHÂN SỰ?
Những “nhân sự” thuộc thẩm quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm là gì? Cổng thông tin của Quốc Hội đã ghi, Quốc Hội có trách nhiệm sau:
“ Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.
….
Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” (2)
Việc bỏ phiếu tín nhiệm có lịch thực hiện ở các kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc Hội nên có thể loại trừ. Như vậy, thực chất kỳ họp bất thường này Đảng cần Quốc Hội diễn tuồng bấm nút truất phế hoặc bổ nhiệm cho ai đó! Trong trường hợp này sẽ miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc bổ nhiệm ai? Theo một lệ bất thành văn không có trong Hiến Pháp nhưng nằm trên Hiến Pháp là các chức danh Quốc Hội có quyền và trách nhiệm miễn nhiệm nêu trên thực chất là thuộc diện đảng viên do Bộ Chính Trị quản lý. Cho ai lên, ai xuống do Bộ Chính Trị. Cụ thể là ông Tổng đốt lò phất cờ, Bộ Chính Trị giơ tay, Ban Chấp Hành Trung Ương biểu quyết và cuối cùng là 100% Quốc Hội bấm nút.
Đảng đã gọi tên Sơn!
Màn diễn gần đây nhất là ngày 7/6, Quốc hội đã điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 3, bổ sung nội dung công tác nhân sự sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp bất thường vào hôm trước và quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khoá XV, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Quốc Hội đã bấm nút cách chức Bộ Trưởng, bãi nhiệm Đại biểu Quốc Hội với ông Long. (3)
Tương tự, cũng trong ngày này, Hội Đồng Nhân Dân TP.Hà Nội cũng 100% nhất trí biểu quyết thông qua việc bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chức danh Đại Biểu HĐND TP. Hà Nội với ông Chu Ngọc Anh.(4)
Theo đặc lệ đó, từ thông tin báo chí trong nước, có thể thấy rỏ ít nhất có một con dê sẽ bị tế thần trong kỳ họp bất thường lần này.
Trong các ngày 20 và 21-12, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 24. Ông Trần Cẩm Tú - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - chủ trì kỳ họp.
Sau khi xem xét kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt các bộ ngành ngoại giao đã ăn tiền nhơ nhớp qua các chuyến bay giải cứu. Trong đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; ông Bùi Thanh Sơn - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Ngoại giao. (5)
Thật ra phiên họp của UBKT TƯ cũng chỉ là thủ tục. Việc dự kiến triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc Hội đã công bố cách đây hơn nửa tháng. Chuông đã gọi hồn ai từ trước đó lâu rồi.
Chỉ là một gameshow bấm nút!
Trong lỗi hệ thống của chế độ toàn trị, độc quyền, độc đảng, nạn tham nhũng là căn bệnh ung thư di căn đến mọi ngóc ngách của cơ thể. Nhà dột từ trên nóc xuống, thì dù Bùi Thanh Sơn hay quan chức cao cấp hơn nửa bị bắt cũng là điều bình thường, không hề oan ức. Trong vụ Kit test Việt Á dù Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị bắt nhưng người dân vẫn băn khoăn liệu đó có phải là trùm cuối? Vụ chuyến bay giải cứu cũng vậy Bùi Thanh Sơn liệu có phải là trùm cuối hay chưa?
Không phải do thù ghét chế độ, mong muốn hả hê nhìn thấy lãnh đạo cấp cao hơn bị bắt, bị kỷ luật. Không phải vì niềm tin, hy vọng cái lò siêu việt đốt cả củi khô củi ướt sẽ tiêu diệt được tham nhũng. Dư luận băn khoăn, hoang mang ở ngay chính cái lò, cái cách đốt củi.
Theo hiến pháp, Quốc Hội là đại diện người dân, là cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan giám sát tối cao thế nhưng trong công cuộc chống tham nhũng không có cơ chế, không có quy trình nào cho Quốc Hội thực hiện quyền này. Hành vi phạm tội của Việt Á, chuyến bay giải cứu gây uất hận cho dân trong nước, cho những khúc ruột ngàn dặm khắp năm châu nhưng Quốc Hội bịt tai nhắm mắt. Những phiên chất vấn của Quốc Hội như những show diễn tấu hài vô duyên mua vui gượng gạo cho người dân với những câu hỏi vu vơ, những báo cáo thành tích của các Bộ trong đó có Nguyễn Thanh Long.
Quyền lực thật sự phán quyết ai sống, ai chết, ai lên ai xuống chỉ thuộc về một nhúm người, thậm chí là một người đốt lò. Những phiên tòa xét xử thực chất cũng chỉ là show diễn thực hiện các phán quyết được quyết định bởi lòng thương ghét của cái lò.
Quốc Hội chỉ là những ro bốt bấm nút theo lập trình có sẵn của cái lò. Tệ hơn nửa là ngay công việc bấm nút vĩ đại đó, cũng dối dân với những nội dung gượng gạo vô duyên của kỳ họp bất thường rắp tết. Những quyết sách trọng yếu của quốc gia như quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Khám Chữa bệnh cũng bị biến thành phông màn trang trí cho trò hề bấm nút!
2-https://quochoi.vn/gioithieu/gioithieuveqh/Pages/chuc-nang-cua-quoc-hoi....
4-https://thanhnien.vn/bai-nhiem-chu-tich-ha-noi-voi-ong-chu-ngoc-anh-post1466351.html
Bài bình luận gần đây