You are here

Vì sao trong vụ án Công ty cổ phần địa ốc Alibaba nhiều bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo?

Ảnh của nguyenvubinh

     Vụ án Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện đứng đầu đang trong giai đoạn nghị án. Về phần hoạt động của Công ty Alibaba này cá nhân người viết không đi sâu, nhưng cũng có một số nhận xét như sau.

     Công ty Alibaba cũng như nhiều công ty nhà đất, bất động sản hiện nay, họ kinh doanh dựa trên việc một mặt liên kết với các quan chức địa phương, biến một số đất nông nghiệp (hay còn gọi là chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thành đất ở, phân lô bán nền, xây chung cư vv… mặt khác, huy động vốn của các nhà đầu tư có thể đồng thời là người mua đất sử dụng. Công ty Alibaba sáng tạo ra việc ký hợp đồng với các nhà đầu tư cả khu dự án với số tiền đầu tư bằng giá trị một lô đất hoặc nhiều lô đất. Đồng thời, đến một thời hạn nào đó (ví dụ 12 tháng) nhà đầu tư chưa có giấy tờ đất thì công ty Alibaba sẽ mua lại và hoàn trả tiền gốc cộng với lãi suất 12%. Nếu 2 năm chưa có giấy tờ đất thì sẽ hoàn trả vốn gốc cộng với lãi suất 25%. Theo như Nguyễn Thái Luyện trình bày ở tòa án, thì công ty Alibaba có hàng trăm ngàn khách hàng chứ không chỉ là 4.500 bị hại như truy tố của Viện kiểm sát, hoặc mỗi tháng công ty Alibaba bán 2000 sản phẩm... Điều đó có nghĩa là công ty Alibaba đã có các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành công, và Nguyễn Thái Luyện cam kết sẽ trả được hết cho khách hàng bằng đất hoặc bằng tiền nếu không bị bắt.

     Cái sai (hay vi phạm) của Nguyễn Thái Luyện là một số các dự án chưa được cấp phép (hay chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất) nhưng đã bán, hay đã huy động vốn của nhà đầu tư. Nhưng bằng việc cùng lúc thực hiện nhiều dự án (mà Viện kiểm sát và Tòa án nói rằng vẽ ra nhiều dự án ma) thì công ty của Nguyễn Thái Luyện có thể lấy tiền từ người đầu tư sau (hoặc dự án này) trả cho người đầu tư trước (hoặc dự án khác). Việc bán đất chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng hay huy động vốn khi dự án chưa được cấp phép thì rất nhiều công ty bất động sản thực hiện chứ không chỉ công ty Alibaba của Nguyễn Thái Luyện. Việc Nguyễn Thái Luyện bị bắt, công ty Alibaba bị khởi tố lý do chính là Luyện không có thế lực lớn đứng sau chống lưng, đồng thời Luyện lớn tiếng mạt sát công an “học ngu đi làm công an” và các nhân viên của công ty Alibaba đã quá kích động khi đối đầu với lực lượng cưỡng chế, với công an. Nếu so sánh với một số tập đoàn hiện chưa bị khởi tố nhưng người dân, nhà đầu tư hàng ngày đến căng biểu ngữ đòi quyền lợi, đòi tiền thì thực sự công ty Alibaba và Nguyễn Thái Luyện chưa đáng bị truy tố. Tất cả đều cùng phương thức sử dụng ma trận lợi nhuận trong tương lai kêu gọi nhà đầu tư nhưng công ty của Nguyễn Thái Luyện chưa có cảnh người dân và nhà đầu tư căng biểu ngữ đòi tiền.

     Trở lại vấn đề, trong quá trình xét xử vụ án, đã có nhiều bị hại xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Cụ thể, đã có 37 bị hại trong vụ án nộp đơn cho hội đồng xét xử đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm (tuoitreonline ngày 12/12/2022). Vậy thì lý do nào đã khiến cho các bị hại làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm? Có thể có hai lý do sau.

     Thứ nhất, các bị hại đã trực tiếp làm việc với công ty Alibaba, biết được cách thức làm việc của Alibaba cũng giống như các công ty nhà đất, bất động sản khác, nhưng đã có những người đã đầu tư, đã mua được đất, đã hưởng lợi nhuận, và công ty này không có ý định lừa dối khách hàng. Một số lãnh đạo và nhân viên công ty Alibaba cũng đồng thời là các nhà đầu tư giống như họ.

     Thứ hai, quan trọng nhất, nếu Nguyễn Thái Luyện không bị đi tù, các bị hại hi vọng có thể đòi lại được tiền đầu tư của họ, dù ít dù nhiều. Nếu Nguyễn Thái Luyện đi tù, coi như họ mất trắng tất cả số tiền đầu tư. Vì đơn giản là nhà nước sẽ tịch thu hết toàn bộ tiền bạc, tài sản, nhà cửa, đất đai của công ty Alibaba và các cá nhân bị cáo và không hề quan tâm hoặc đền bù một xu nào cho tất cả các nhà đầu tư.

     Nhà nước Việt Nam có truyền thống tịch thu toàn bộ tài sản của bị cáo, của phạm nhân, và không bao giờ quan tâm tới quyền lợi của người đầu tư, của người dân, của các bị hại. Đối với tất cả các nhà nước dân chủ, quyền lợi của người dân là trên hết. Một vụ án tài sản phải được trả lại cho các bị hại trước hết và trên hết, sau đó mới đến việc nhà nước thu hồi tài sản của còn lại của vụ án sau khi trả hết cho các bị hại. Chúng ta nhìn vào vụ đại án Việt Á, hàng triệu người bị mua Kit Test giá cao nhưng khi tịch thu tài sản những kẻ phạm pháp, người dân không được trả lại một xu. Hàng trăm nghìn người trong các chuyến bay giải cứu bị mất tiền gấp 3-4 lần giá vé thông thường, rồi tiền chênh lệch ở các khách sạn, nhà nghỉ cách ly độc quyền, nhưng khi tòa án thu hồi tiền của các vụ án, người dân cũng không được trả lại dù chỉ một xu. Hàng đoàn người hiện đang khoác biểu ngữ đòi hỏi quyền lợi về trái phiếu đầu tư của các công ty hiện nay cũng không hề được đoái hoài… đó chính là nhà nước “do dân và vì dân” Việt Nam hiện nay./.  

Hà Nội, ngày 22/12/2022

N.V.B