Trong thời gian mấy ngày gần đây, vụ việc Nguyễn Viết Dũng, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch công ty cổ phần tập đoàn đất Quảng đánh một phụ nữ ở sân Golf đã gây xôn xao dư luận. Sự việc xảy ra ngày 6/12, cộng đồng mạng biết được thông tin khoảng ngày 10/12, đã có rất nhiều người lên tiếng về việc hội phụ nữ không lên tiếng bảo vệ phụ nữ trong trường hợp này và nhiều trường hợp khác. Sau mấy ngày, hôm nay 14/12, lãnh đạo hội phụ nữ Việt Nam đã lên tiếng về trường hợp này sau khi các cơ quan đoàn thể đã vào cuộc để xử lý. Như vậy, việc lên tiếng của hội phụ nữ là quá muộn màng, có tính chất vuốt đuôi. Không chỉ vụ việc phụ nữ bị hành hung này, đã có rất nhiều trường hợp các hội đoàn không hề lên tiếng bảo vệ các thành viên như trường hợp cháu bé Vân An bị bạn gái cha hành hung đến chết, hội bảo vệ trẻ em, hội bảo vệ nạn nhân bị bạo hành… cũng không hề lên tiếng, hoặc lên tiếng cho có, vuốt đuôi. Điển hình nhất, đó là hàng vạn nông dân mất đất khắp mọi miền đất nước đeo biểu ngữ đi khắp Hà Nội, Sài Gòn hàng nhiều năm trời đòi quyền lợi mà hội nông dân hầu như không bao giờ hỏi thăm. Gần đây, nhưng người bị lừa mua trái phiếu doanh nghiệp cũng đi khiếu kiện triền miên, bao nhiêu hội đoàn cũng bặt vô âm tín. Trên mạng xã hội, người ta đã đặt ra câu hỏi, những hội đoàn này tồn tại để làm gì khi mà hội viên, thành viên của nó bị chà đạp, mất quyền lợi, tổn thương mà không hề được bảo vệ. Đó là một câu hỏi hay cần có lời giải đáp.
Nguyên gốc của tất cả các hội đoàn, hầu như đều đã được thành lập từ rất lâu. Mục đích ban đầu, xuyên suốt và giữ cho đến tận ngày hôm nay đó là để đảng cộng sản và nhà cầm quyền sử dụng để quản lý nhân dân. Một chế độ toàn trị cần giám sát người dân ở tất cả mọi mặt của cuộc sống và ở mọi lứa tuổi. Chính vì vậy cần phải có các hội đoàn ở tất cả các lứa tuổi, và ở tất cả các mặt, khía cạnh của đời sống. Thế là ra đời đội thiếu niên, đoàn thanh niên, hội phụ lão (hội người cao tuổi), hội phụ nữ, hội nông dân, hội sinh viên, công đoàn, mặt trận tổ quốc… thậm chí các ngành nghề cũng đều có các hiệp hội như hiệp hội chè, dệt may, cao su, dầu khí… Như vậy, các hội đoàn, hiệp hội là các cánh tay nối dài của đảng để quản lý (cách nói lịch sự), còn thống trị nhân dân là cách nói bản chất. Giúp đảng để thống trị nhân dân trên các khía cạnh của đời sống là bản chất của các hội đoàn ở thể chế toàn trị, ở Việt Nam.
Với chức năng như vậy, các hội đoàn thực chất làm những công việc gì? Có lẽ công việc chính yếu đó là tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của thành viên để phát hiện những biểu hiện khác thường, những ý kiến, tư tưởng tiêu cực, đi ngược với quan điểm đường lối của đảng và nhà nước. Nói ngắn gọn là những mầm mống tư tưởng chống đối phản loạn đối với đảng và nhà nước. Những nhiệm vụ này khi các hội đoàn mới thành lập là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Sau này, đến thời gian gần đây, nhận thức của người dân được nâng cao, sự cởi mở của xã hội phát triển, nhân sự các hội đoàn teo tóp lại thì vấn đề không còn là nắm bắt tâm tư tình cảm, tư tưởng nữa mà chuyển sang phát hiện các hành động chống đối, sự kết hợp của người dân trong phản đối các chính sách và nhà cầm quyền…
Cũng giống như mục tiêu, mục đích chính của đảng cộng sản là thống trị nhân dân nhưng trong cương lĩnh, báo cáo chính trị và các khẩu hiệu bao giờ cũng phải là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; tất cả là vì dân, vì nước. Các hội đoàn bao giờ cũng có tiêu chí bảo vệ các thành viên nên đã có rất nhiều người không hiểu và thắc mắc tại sao các hội đoàn lại không lên tiếng, không bảo vệ các thành viên của mình khi họ bị xâm hại. Câu trả lời là họ được thiết lập ra không phải để làm điều đó, không có cơ chế cho việc thực hiện bảo vệ thành viên, không có chế tài với cơ quan nào được. Nhiều người đã lớn tiếng yêu cầu xóa bỏ các hội đoàn vì không làm gì, không có tác dụng gì trong khi tiêu tốn ngân sách của nhà nước, tiền thuế của nhân dân. Nhưng họ vẫn thấy các hội đoàn sừng sững tồn tại trong các sinh hoạt xã hội của mình. Bởi vì đó là các tổ chức giúp đảng quản lý, thống trị nhân dân thì làm sao có thể bỏ đi được.
Có một logic đơn giản, nếu các hội đoàn do nhân dân tự nguyện thành lập, tự nguyện kết hợp thì hội đoàn đó thực sự bảo vệ các thành viên. Tuy nhiên, đảng cộng sản và nhà cầm quyền không bao giờ cho phép nhân dân kết hợp, không bao giờ cho phép nhân dân lập tổ chức, hội đoàn. Tất cả các tổ chức xã hội dân sự người dân lập ra từ khoảng năm 2011 cho đến 2017 đều đã bị nhà nước bắt giữ nhân sự và phá tan. Chỉ có các tổ chức, hội đoàn do nhà nước lập ra được phép tồn tại, và mục đích của nó, đó là giúp đảng duy trì sự tồn tại độc quyền của mình./.
Hà Nội, ngày 14/12/2022
N.V.B
Bài bình luận gần đây