Cũng như bao nhiêu đồng loại (và sinh vật) khác, với thời gian, mỗi lúc tôi một thêm già nua và cằn cỗi. Lưng còng, tóc bạc, da mồi, mắt mờ, tai điếc, răng long … thì đã đành rồi; não bộ, trí óc, trí tuệ, trí́ tưởng, trí nhớ … cũng mỗi ngày một thêm đù đờ/lờ quờ và mù mờ thì (hơi) khó đành hơn – chút xíu!
Bữa rồi đọc được một bài báo ngắn (“Lời Nguyền Haiti”) của tác giả Đặng Văn Dũng, về cuộc khởi nghĩa ở xứ sở Haiti, tôi lờ mờ cảm thấy có nhiều điểm quen quen nhưng cố gắng mãi cũng không thể nhớ được là (hình như) mình cũng đã từng biết về một cuộc cách mạng từa tựa thế – xẩy ra ở đâu đó – rồi thì phải?
Cố gắng mãi cũng hoài công (và chỉ thêm nhức đầu nhức óc thôi) nên tôi quyết định cứ ghi lại vài điểm chính, của bài viết thượng dẫn, với hy vọng là sẽ có độc giả nhận ra được vụ này:
Haiti là nước độc lập sớm nhất tại Mỹ la tinh (1804) và là cuộc khởi nghĩa nô lệ thành công duy nhất trong thời cận đại. Lúc đó tại Haiti có khoảng 450 ngàn nô lệ da đen và 32 ngàn người da trắng…
Chuyện gì đến sẽ phải đến, các nô lệ da đen đã ngay lập tức thiết lập nền chuyên chính vô sản của mình. Trong năm 1804 họ đã thảm sát 5000 người da trắng, không cho phép người da trắng được sở hữu tài sản tại Haiti và cuối cùng là trục xuất toàn bộ người da trắng khỏi Haiti.
Các ông chủ da đen mới không biết gì về kinh doanh, làm giàu, cũng như không hiểu gì các khái niệm như phát triển đất nước, nâng cao dân trí, khai sáng dân tộc… lôi thôi của bọn da trắng.
Họ ra sức chiếm đoạt, vơ vét cho bản thân mình, đàn áp giết chóc thả cửa mọi loại thù địch mà chủ yếu là đồng bào của chính họ. Họ hết xưng là thủ lĩnh, toàn quyền rồi hoàng đế… các trang trại mía đường, cafe được chia cho các chiến binh và những người này lập tức chuyển sang trồng khoai, sắn, lạc… những thứ đủ cho cuộc sống hàng ngày của họ.
Trồng mía lôi thôi hơn, phải chế biến thành đường rồi xuất khẩu mà việc này chỉ bọn da trắng biết làm. Có thể nói sau khi độc lập, nước Haiti của nô lệ giải phóng, hoàn toàn không có tầng lớp tinh hoa. Trước đây các bác sỹ da trắng chữa bệnh thì sau cách mạng việc chữa bệnh là của thày phù thuỷ, chưa nói đến các kiến thức khác…
Hễ ai có sáng kiến làm giàu một chút lập tức bị quan chức tước đoạt hết. Từ một nền kinh tế nông nghiệp xuất khẩu giàu có Haiti trở thành một nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp vì căn cứ văn hoá của phát triển đã bị trục xuất khỏi Haiti cùng với thành phần tinh hoa của xã hội...
Đất nước Haiti không thể tiến lên được vì họ thiếu hẳn tầng lớp tinh hoa làm hạt nhân tinh thần cho dân tôc. Ngày nay, 80% sinh viên Haiti tốt nghiệp đại học di cư ra nước ngoài; 50% dân số mù chữ. Haiti thật sự là địa ngục của chậm phát triển và lời nguyền của độc lập…
Một đất nước được thành lập và cai trị bởi các nô lệ ưa bạo lực và mù quáng đã không thể phát triển lên được vì đã huỷ hoại đi nền tảng tinh thần của phát triển. Thật kỳ khôi là điều này lại được lặp lại với nước Zimbawe. Từ một đất nước Rodesia đang phát triển của thiểu số da trắng trở thành đất nước Zimbawe cách mạng của đa số da đen, lụn bại và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Dốt nát và độc tài không bao giờ đồng hành với phát triển. Phát triển có đạo lý riêng của nó; đó là: công bằng, minh bạch, khai sáng, dân chủ và tự do dân sự!
Thật là may mắn và kỳ diệu!
Những câu chữ dẫn thượng của tác giả Đặng Dũng vừa mới được đưa lên FB (chưa đến 30 giây) là đã có phản hồi tức khắc: “Ủa! Sao giống y chang như cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam vậy cà?”
Ơn Trời!
Tưởng vụ gì khác chớ chuyện cách mạng ở xứ sở mình thì tui rành (sáu câu) nên nói là “giống y chang” thì e không đúng đâu. Cũng có vài điểm dị biệt (nho nhỏ) chớ:
Còn trong vụ “trục xuất” cái đám người “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” ra khỏi Việt Nam (bằng hình thức vượt biên) thì thiên hạ ước đoán là đã có chừng vài trăm ngàn thuyền nhân vùi thây trong lòng biển cả (*).
Thêm chút khác biệt nữa là sau khi cách mạng thành công thì đất đai bỗng trở thành là tài sản của toàn dân nên khỏi cần chia chác gì hết. Bởi thế mới có cảnh “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng,” và hình ảnh của các cựu chiến binh… : Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ/ Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ/ Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ngoài những tiểu dị trên thì Haiti và Việt Nam lại có một điểm tương đồng lớn:
Đất nước Haiti ngày càng điêu tàn, tài nguyên bị phá sạch, đất đai bạc màu dần. Những người lãnh đạo vơ vét tất cả những gì có thể vơ vét được còn nhân dân Haiti thì rơi xuống tận cùng của khốn khó …
TNT
(*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People
Bài bình luận gần đây