Tôi chạy xe lôi ở Rạch Giá một thời gian (không ngắn) nên rất rành đường xá nơi cái thị xã nhỏ bé này. Con lộ chính của thành phố, Nguyễn Trung Trực, bắt đầu từ bến xe Lạc Hồng và chấm dứt bên này Cầu Đúc. Từ bên kia cầu là đường Phó Điều, tên gọi đầy đủ là Phó Cơ Điều, dẫn đến chợ Nhà Lồng.
Trên nóc chợ có dựng tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng. Pho tượng nhỏ, kích thước chỉ bằng một người thường, và không có đường nét nào đặc biệt, ngoại trừ đôi mắt. Ngó buồn thảm thiết!
Khi neo xe chờ khách trước chợ, đôi lúc, tôi vẫn trộm nhìn cụ Nguyễn mà không khỏi có thoáng chút ngại ngùng. Trăm người bán, vạn người mua. Thiên hạ chen lấn lúc nhúc mà sao tôi vẫn cứ “ngại” là ổng “buồn” mình, chớ không phải là ai khác.
Có giai thoại rằng trước khi bị giặc Pháp chém đầu, Nguyễn Trung Trực đã xuất khẩu mấy câu thơ đầy hào khí: Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên/ Yêu gian đàm khí hữu long tuyền/ Anh hùng nhược ngộ vô dung địa/ Bảo hận thâm cừu bất đái thiên. Theo việc binh nhung thuở trẻ trai/ Phong trần hăng hái tuốt gươm mài/Anh hùng gặp phải hồi không đất/ Thù hận chang chang chẳng đội trời. (Bản dịch của thi sĩ Đông Hồ).
Tôi thì e là những vần thơ khí khái trên là do hậu thế mang gán cho bậc hào kiệt vì ngưỡng mộ khí phách của đấng anh hùng, chớ Nguyễn Trung Trực (tên thật là Nguyễn Văn Lịch, thường được gọi là Hai Chơn) xuất thân là một dân chài không có học hành/học vị/học hàm chi (ráo trọi) nên đâu có lắm chữ hay nhiều lời đến thế.
Tuy thế, khi lâm vào cảnh nước mất nhà tan, ông đã khẳng khái tham gia vào việc lớn và lập nên những chiến công hiển hách (“Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất/ Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần”) làm nức lòng người.
Còn tôi thì đã từng theo học ở một trường đại học văn khoa (và tốt nghiệp từ một trường đại học võ bị) nhưng khi đất nước bị nội xâm thì cắm cúi chạy xe lôi, để kiếm sống qua ngày! Có cái thứ con dân nước Việt như thế mà cụ Nguyễn không buồn (thảm thiết) thì mới là chuyện lạ.
Nhưng buồn phiền hay vui vẻ đều là chuyện rất chủ quan, và là chuyện riêng của ổng thôi. Tôi có thân phải lo chớ. Và tôi vốn rất biết thân, biết phận nên thay vì đối mặt với cường quyền và bạo lực thì tôi … bỏ chạy – theo đúng như binh pháp: Tẩu vi thượng sách!
Tẩu đến một nơi rất an bình và phú túc nên tôi hăm hở hội nhập vào đời sống mới, và đã quên cụ Nguyễn (từ lâu) cho mãi đến hôm rồi. Hôm đó, tôi tình cờ nghe được đôi lời của một người bạn cũ (nhà văn Từ Khanh) nhắc đến ánh mắt “thao thiết” của tiền nhân:
Tôi đến vàm Nhựt Tảo thuộc tỉnh Long An vào một ngày tháng chạp... Chiều hôm sau, lúc đó đã gần 5 giờ, tôi hỏi đường lên vàm Nhựt Tảo và ‘cái tàu ông Nguyễn Trung Trực đốt của tụi Tây’…
- Chị ơi vàm Nhựt Tảo ở đâu vậy?
- Đây này! Cô gái chỉ ngay dòng sông trước mặt…
Vậy ra là tôi đang đứng ngay ngã ba sông, nơi Nguyễn Trung Trực đánh đắm chiến thuyền Espérance của Pháp năm 1861… Tôi băng qua sân rộng đến sát mép sông, thấy một cái miếu nhỏ bé, cửa miếu hướng ra bờ sông. Vòng ra mặt trước miếu nhìn vào mới biết đó là miếu ngũ hành, cả gian miếu âm u chập chờn.
Tôi bước vào miếu, tự dưng xương sống lạnh buốt như đang bước vào một nơi nhiều âm khí dù trời chưa tối hẳn. Không gian trong ngôi miếu nhỏ tịch mịch quá, tưởng như nghe được tiếng sông chảy bên ngoài. Bên góc phải bàn thờ ngũ hành có một hộc bàn thấp lè tè, trên để tấm hình Nguyễn Trung Trực chít khăn đen, bên dưới ghi: ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN TRUNG TRỰC (1838-1868).
Nguyễn Đình Chiểu viết “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo.” Thật là nao lòng quá. Một dũng tướng ngang dọc từ Tân An đến Rạch Giá, lập những chiến công ‘oanh thiên địa’ và ‘khấp quỷ thần’ trong lứa tuổi 20, ngay nơi chiến tích của ông cách đây 146 năm, nay chỉ có một ngôi đền xây dang dở, và một bức hình nhỏ trên một bệ thờ thấp, nằm ké trong cái miếu ngũ hành tàn tạ âm u vôi lở sơn tróc hương tàn bàn lạnh. Đôi mắt ông thao thiết nhìn ra sông, rất lặng lẽ…”
Ở quán nước sát mé sông, tôi hỏi bà chủ quán :
- Chị ạ, chắc tấm hình ông Nguyễn Trung Trực người ta thờ tạm hả chị, chờ khi cái đền lớn xây xong?
- Đâu có, cái miếu nhỏ đó hổng phải thờ ông Nguyễn Trung Trực. Mấy bữa trước có một bà dưới Rạch Giá đem hình ổng lên để thờ ké trong miếu đó!
Ủ̉a! Chuyện gì kỳ vậy cà? Sao lại phải “đem hình ổng lên để thờ ké” như vậy kìa!
Cứ theo báo chí (nhà nước) thì chính quyền địa phương cũng lo hương khói cho cụ Nguyễn chu đáo lắm mà:
Tìm hiểu thêm mới biết là tưởng vậy thôi, chớ không phải vậy đâu! Không phải vô cớ mà lòng người bất an đến độ có kẻ phải mang hình cụ Nguyễn đi tị nạn trên tuốt Long An!
Hôm 1 tháng 10 vừa qua, từ Việt Nam, blogger Gió Bấc (RFA) cho biết như sau:
Rồi Gió Bấc buồn rầu kết luận: “Với nhà sản, không có lịch sử, không có tiền nhân, không có tôn vinh, tất cả đều là quân bài vụ lợi, là canh bạc bán mua.”
Bài bình luận gần đây