Hiện tượng một số cây xăng trên địa bàn các tỉnh phía Nam vừa qua tạm dừng bán xăng do không còn xăng bán đã làm người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận lâm vào tình trạng khốn khổ, đồng thời làm xôn xao dư luận cả nước. Người ta ngạc nhiên bởi vì giá xăng ở Việt Nam đã rất cao so với mức thu nhập của người dân, theo báo chí nhà nước liệt kê, mức thuế phí đã chiếm 35% giá xăng mà tại sao vẫn không đủ xăng cho người dân sử dụng. Với cách thức tính giá xăng, quy định giá bán, quy định chiết khấu… tới các đơn vị đầu mối nhập xăng dầu, tới các cửa hàng bán lẻ tất cả đều do nhà nước quyết định, thì sự việc khan hiếm xăng dầu vừa qua hoàn toàn do cách thức điều hành của nhà nước. Trước đây cũng có hiện tượng một số cây xăng găm hàng chờ xăng tăng giá dẫn tới khan hiếm xăng cục bộ, nhưng đó là tình trạng đơn lẻ và đã bị xử lý khá kiên quyết. Nhưng những ngày vừa qua, các cây xăng không găm hàng mà đúng là hết xăng, không còn xăng bán. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng đặt ra một câu hỏi, tại sao cũng vẫn cung cách điều hành như vậy, trước đây không có tình trạng hết xăng đồng loạt như mấy ngày qua.
Về nguyên nhân khách quan, chúng ta đều biết, thời gian nửa năm trở lại đây giá xăng dầu thế giới đã có những biến động bất thường. Sau cuộc chiến Nga-Ucraina một thời gian, giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, và đã lập đỉnh mới 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3/2022. Giá xăng dầu thế giới tăng cao, cộng thêm thuế phí, giá xăng của Việt Nam cũng lập đỉnh 32.873 đồng/lít. Trong quá trình giá dầu thế giới tăng cao, giá xăng trong nước tăng theo không xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu. Nhưng khi giá dầu thế giới giảm và giảm liên tục, giá xăng trong nước cũng giảm theo, một thời gian thì xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu nêu trên.
Về mặt kỹ thuật, khi các đầu mối xăng dầu nhập hàng, giá cả biến động nhanh, thời điểm nhập hàng khác với khi xăng dầu được bán tại Việt Nam. Nếu giá dầu thế giới biến động theo hướng tăng, thì các doanh nghiệp xăng dầu có thể có lời thêm đôi chút. Nhưng khi giá dầu thế giới giảm, và giảm liên tục mà nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu trong nước giảm theo, các doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu, và các đơn vị bán lẻ xăng dầu đều lỗ. Các đầu mối nhập xăng dầu và các cửa hàng bán lẻ đã bị lỗ triền miên trong một thời gian, nên đã có nhiều đầu mối giảm mức nhập xăng dầu, thậm chí không nhập nữa. Các cửa hàng xăng dầu cũng trong tình trạng tương tự, đóng cửa và ngưng bán xăng dầu.
Như vậy, việc điều hành giá xăng dầu, điều chỉnh mức chiết khấu của nhà nước trong thời gian giá xăng dầu giảm và giảm liên tục đã không bảo đảm lợi ích của các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?
Theo các thông tin từ phía doanh nghiệp, việc nhập khẩu xăng dầu ách tắc thời gian qua là do việc nhà nước rút giấy phép của 7 doanh nghiệp miền Trung, và tạm rút phép 5 doanh nghiệp miền Nam. Các doanh nghiệp mới nhập khẩu thì không được thông quan. Chi phí đưa xăng dầu vào Việt nam tăng chưa được đưa vào cơ cấu giá xăng dầu. Đồng thời việc siết chặt tín dụng, tỷ giá hối đoái cao khó tiếp cận ngoại tệ cũng làm tăng khó khăn cho việc nhập khẩu xăng dầu. Về phía các đại lý bán lẻ xăng dầu, trước đây, khi xăng chuẩn bị giảm giá, sẽ điều chỉnh mức chiết khấu tăng lên khoảng hơn 1.000 đồng một lít (để đẩy hàng và bù cho giá giảm sau đó). Nếu giá chuẩn bị tăng thì tổng đại lý sẽ điều chỉnh mức chiết khấu giảm xuống còn khoảng 200-300 đồng một lít. Vậy nên về cơ bản đại lý bán lẻ sẽ có đợt này lời, đợt này lỗ bù qua lại. Nhưng thời gian qua, xăng dầu giảm liên tục mà tổng đại lý cho chiết khấu 0 đồng, đại lý bán lẻ phải chịu tiền vận chuyển từ kho tổng đại lý về cây xăng của mình, tiền nhân viên, tiền điện... Nếu chỉ chịu một, hai kỳ thì không là vấn đề, bây giờ họ đã chịu liên tục mấy tháng liền, không cầm cự được nên các đại lý mới kêu lỗ. Đã có một cửa hàng xăng dầu ghi rõ: “Chiết khấu không đồng, doanh nghiệp thua lỗ, hết tiền nhập hàng, mong người tiêu dùng thông cảm”.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào việc điều chỉnh lợi ích của ba chủ thể: nhà nước, các đơn vị kinh doanh xăng dầu, và nhân dân (tức là người tiêu dùng). Khi giá xăng dầu tăng cao, người dân phản ánh và xót xa vì số tiền bỏ ra mua xăng dầu đã tạo sức ép lên nhà nước. Chính vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới giảm, nhà nước đã nhanh chóng giảm giá xăng dầu để giải tỏa những bức xúc của người dân. Nhưng khi giảm giá xăng dầu, nhà nước đã chưa tính hết đến lợi ích của các đơn vị đầu mối nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu nên đã xảy ra tình trạng trên.
Để giải quyết vấn đề giá cả xăng dầu, và nguồn cung cấp xăng dầu ổn định cho nhân dân, nhà nước cần loại bỏ và giảm bớt các loại thuế phí vô lý đồng thời xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp chủ động trong việc nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu. Đó là việc loại bỏ những thuế phí vô lý như thuế tiêu thụ đặc biệt một mặt hàng thiết yếu là xăng dầu. Đồng thời giám bớt phần thuế chồng thuế trong thuế VAT 10% ( là phần thuế 10% đánh vào mức giá đã có các thuế phí khác, đúng ra chỉ đánh vào phần giá chưa tính thuế phí khác của xăng dầu).
Về xây dựng cơ chế để các doanh nghiệp chủ động trong việc nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu cần chú ý hai vấn đề. Thứ nhất, việc quy định giá cơ sở của xăng dầu xác định theo nguyên tắc tình bình quân của 20 ngày (hiện nay chỉ tính 10 ngày) trước kỳ công bố giá cơ sở của các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường thế giới. Thứ hai, đối với các đại lý bán lẻ xăng dầu, cần có mức chiết khấu hợp lý từ 1.200-1.400 đồng/lít (mức 700-800đồng/lít là chi phí thực, chưa lợi nhuận), đồng thời bỏ quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn./.
Hà Nội, ngày 14/10/2022
N.V.B
Bài bình luận gần đây