Báo Thanh Niên ra ngày 10 tháng Mười năm 2022 với tựa "Không thể chấp nhận kiểu kinh doanh xăng dầu nhiễu loạn thị trường" [1], trong đó cho biết việc đột ngột thiếu xăng dầu, gây bất bình cho người dân TP.HCM và nhiều độc giả đòi phải xử lý tình trạng gọi là "...cố tình găm hàng không bán, tạo cơn sốt xăng dầu giả thì kiên quyết xử lý nghiêm". Về phía các cây xăng, từ hôm 21 tháng Chín năm 2022, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đã cho báo Thanh Niên biết [2]: Chiết khấu bằng zero là "áp bức doanh nghiệp".
Song song đó, báo Tuổi Trẻ ra ngày 11 tháng Mười năm 2022 cho hay: "Bộ Công Thương đã thông tin 100 cửa hàng đóng cửa (là) không phổ biến trong tổng số 17.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả nước". Trong khi đó, riêng tại TP.HCM có 550 cây xăng mà hết 121 cây xăng đóng cửa [4]. Cách bào chữa vụng về của Bộ Công Thương khi lấy tổng số cây xăng trên toàn quốc, để so sánh với riêng khu vực TP.HCM là phép ngụy biện mang tên "So Sánh Ẩu" (Faulty Analogy). Phép ngụy biện này nhằm mục đích bóp méo sự việc Bộ Công Thương quản lý điều hành xăng dầu kém cỏi, để trốn trách nhiệm. Bởi người dân nào cũng thừa biết, xăng dầu là mặt hàng độc quyền do nhà cầm quyền CSVN thống nhứt quản lý trên toàn cõi Việt Nam. Giá tăng hay giảm - chiết khấu cao hay thấp hoặc bằng zero, đều do Bộ Công Thương định đoạt. Vậy tại sao, chỉ có TP.HCM và một vài tỉnh phía Nam thiếu đột ngột? Đó là điều khiến báo Zing điều tra qua bài [5] "Vì sao miền Nam thiếu xăng dầu trầm trọng". Trong đó cho biết, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu phía Nam bị rút giấy phép mà các doanh nghiệp này phần lớn toàn là doanh nghiệp... tư nhân (!). Bài báo này cho biết thêm: "...TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng việc điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính đang có vấn đề, thiếu minh bạch. "Cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại 'thả nổi' hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý... thì sẽ có vấn đề..."
Như vậy đã rõ, do hai bộ: Công Thương và Tài Chính điều hành - quản lý mặt hàng xăng dầu phản khoa học, gây ra tình trạng tắc nghẽn xăng dầu cho TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Nhiều năm qua, nhà cầm quyền CSVN quản trị quốc gia dựa trên cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng XHCN" - Một loại khái niệm không có thực, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, không công khái niệm vô nghĩa - phản khoa học như vậy.
Gần 10 năm về trước, ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách Thủ tướng, đã đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền "kinh tế thị trường" nhưng bất thành. Mục đích của chuyến đi, với việc đề nghị chỉ nhằm mong muốn Hoa Kỳ "chấm dứt điều tra 12 vụ tranh chấp thương mại với Việt Nam" - như trang Tuyên giáo đưa tin [6]
Rõ ràng, nhà cầm quyền CSVN, kể từ khi hội nhập quốc tế, sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và thiết lập bang giao từ hơn 25 năm về trước, họ vẫn không thể thay đổi triết lý kinh doanh nói chung và triết lý kinh doanh xăng dầu nói riêng. Cần phải nhìn xăng dầu (cho sản xuất - kinh doanh - đi lại) như là dòng máu nuôi một cơ thể sống của con người. Xăng dầu thiếu tại bất kỳ địa phương nào cũng trở thành "CỤC MÁU ĐÔNG" cho cả nền kinh tế và mọi hoạt động của xã hội.
Kinh tế thị trường không phải là một Ý THỨC HỆ mà là một hệ thống các tập tục và thiết chế đã được kiểm nghiệm qua thời gian, để làm sao mọi cá nhân và xã hội có thể sống và thịnh vượng về phương diện kinh tế. Trong khi đó "kinh tế thị trường định hướng XHCN" lại để ý thức hệ (độc đảng toàn trị) chiếm gần như trọn vẹn trong cung cách quản lý từ vĩ mô đến vi mô, từ thượng tầng kiến trúc (tức là Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung Ương Đảng) cho đến nội các Chính phủ, rồi kéo đến cả tỉnh - thành phố - quận - huyện - phường - xã.
Do Ý THỨC HỆ như vậy, cho nên nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có bộ máy quản lý kinh tế rất nặng nề - khó xoay trở - kém linh hoạt và gần như ì ạch trong cách điều hành, cùng các chính sách kinh tế vĩ mô cho đến vi mô, đều bày ra những cung cách làm việc phức tạp - rối rắm cho người trực tiếp phải thi hành. Cung cách với giấy tờ - văn bản - chỉ thị v.v... dày đặc đó, hầu như không thể thay đổi được. Nếu phải gọi là "thay đổi", nó chỉ làm bộc lộ rõ sự phản khoa học, vì thế luôn thất bại và làm xã hội ngày càng rơi vào khủng hoảng, đặc biệt khủng hoảng về niềm tin. Trong khi đó, niềm tin là một trong các "đòn bẩy" quan trọng của "kinh tế thị trường"!
Xã hội Việt Nam hiện đang KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN vô cùng trầm trọng, không chỉ từ thị trường xăng dầu mà còn từ các thị trường khác, như: Bất Động Sản - Chứng Khoán - Ngân Hàng v.v... Nhìn chung, một cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhứt, suốt một phần tư thế kỷ qua, kể từ khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, giúp cho nhà cầm quyền CSVN hội nhập với thế giới!
Sự việc hàng loạt doanh nghiệp rất lớn về nguồn vốn và đầy ắp tiếng tăm, như: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát với các lãnh đạo đầu sỏ bị bắt, đã gây rúng động xã hội và gây hoảng loạn lòng dân là điều có thật, với nhiều chi nhánh - phòng giao dịch của ngân hàng SCB bị bủa vây, bởi dân chúng nháo nhào đi rút tiền tiết kiệm, cùng nhiều "nhà đầu tư" khoác những chiếc áo nền đỏ chữ vàng (học đòi theo dân oan mất đất) với dòng chữ cầu xin Bộ Công An giải quyết, giúp họ lấy lại tiền.
Nhà cầm quyền CSVN sẽ làm gì để gầy dựng lại "NIỀM TIN" vốn không thể tồn tại trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN?! Hay là người CSVN các cấp họ nghĩ rằng:
Giá xăng, giá điện, giá dầu
Ba giá tăng đều, chẳng đáng lo đâu (?!)
______________________
[1] https://thanhnien.vn/khong-the-chap-nhan-kieu-kinh-doanh-xang-dau-nhieu-...
[2] https://thanhnien.vn/chiet-khau-ban-le-xang-dau-0-dong-la-ap-buc-doanh-n...
[3] https://tuoitre.vn/vi-sao-bo-cong-thuong-thong-tin-hon-100-cay-xang-dong...
[4] https://laodong.vn/thi-truong/121550-cua-hang-xang-dau-tai-tphcm-het-xan...
[5] https://zingnews.vn/vi-sao-mien-nam-thieu-xang-dau-tram-trong-post136381...
[6] https://tuyengiao.vn/thoi-su/de-nghi-hoa-ky-cong-nhan-viet-nam-la-nen-ki...
Bài bình luận gần đây