You are here

Đế chế Vạn Thịnh Phát sụp đổ: Trái phiếu sẽ được Ngân hàng nhà nước chi trả hay “móc bọc”*?

Ảnh của Gió Bấc

post lai đã thay phần trích spuknik

Để yên dân không gì hiệu quả hơn là bảo đảm quyền lợi chính đang của người dân. Nhà nước để cho ngân hàng, doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nhiều năm trời số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng mới phát hiện doanh nghiệp, ngân hàng lừa đảo. Nếu tài sản doanh nghiệp không đủ chi trả, liệu nhà nước sẽ xuất tiền trả thay hay để dân “móc bọc”?

 

 

Nhân vật đươc dân đen quan tâm, tin cậy phải là người có tóc, có chức có quyền. Có ngay, cũng trong ngày 8-10 bùng nổ. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có cuộc trao đổi với báo chí và khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho Ngân hàng SCB.

Ông Phó Thống đốc khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn, vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB. …

Nhưng trước câu hỏi cụ thể về vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và đặc biệt là an toàn của hệ thống ngân hàng sẽ được đảm bảo như thế nào trong mọi tình huống? Ông Phó Thống Đốc lại trả lời rất chung chung như nhà chính trị, như lãnh đạo đảng chứ không có bài toán, phương thức cụ thể của môt nhà quản trị. “An toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB.” (7)

Không chỉ lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước, cây bút dự báo tín cẩn của bác Cả Trọng cũng được huy động vào chiến dịch truyền thông. Nhà báo Huy Đức với nickname Trương Huy San đã dẩn tin từ báo Đầu Tư “Ngân hàng Nhà nước: Sẽ giữ vững ổn định tại SCB, người dân không nên rút tiền trước hạn” (8) và có mấy dòng bình luận rất trung dung giống như Bộ Ngoại Giao ta chọn chân lý chứ không chọn phe “Ngân hàng nhà nước đã từng làm thế với ACB (hai lần) và với ngân hàng Xây Dựng (VNCB). Nhà nước ta từng bắt nhiều chủ ngân hàng như Trầm Bê, Phạm Công Danh, Trần Phương Bình... nhưng vẫn bỏ tiền ra cứu ngân hàng của họ” (9)

Túm lại là ngài Thống đốc và anh Osin khuyên dân đừng rút tiền tiết kiệm, cứ yên tâm để đó có nhà nước lo. Vấn đề ở đây là Phạm Công Danh, Trần Phương Bình mức thua lỗ chỉ nằm trong phạm vi ngàn tỉ. Quy mô của Vạn Thịnh Phát và SCB lớn hơn rất nhiều và nhiều lần và mức độ phức tạp cũng hơn rất nhiều lần không chỉ tiền gởi tiết kiệm mà chủ yếu là tiền mua Trái Phiếu của các công ty con trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

 

Những năm vừa qua, bà Trương Mỹ Lan nổi tiếng là đại gia bí hiểm đầu cơ hàng ngàn tỉ đồng đất vàng chuyên để trùm mền, không bán ra cũng không kinh doanh. Theo Sputnhik. bà Lan đã tạo nên cả một "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát với hàng loạt công ty con như: Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Time Square, Công ty Tập đoàn Sài Gòn Penisula...

Cùng với việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị nêu tên trong kết luận thanh tra và các thông báo của Thanh tra Chính phủ liên quan đến các dự án chuyển đổi nhà đất công tại TP.HCM, việc Viva Land xuất hiện trên website chính thức của Vạn Thịnh Phát với vai trò “đối tác” cũng được truyền thông trong nước đưa tin rầm rộ.

Thời gian qua, cái tên Viva Land không chỉ được coi là ‘điển hình của cá bé nuốt cá lớn’ trên thị trường M&A bất động sản Việt Nam mà giới đầu tư còn tập trung sự tò mò vào mối liên hệ giữa Viva Land với đế chế Vạn Thịnh Phát cũng như Capita Land.

Cụ thể, Viva Land thành lập ngày 15/5/2019. Xuất phát điểm là một “cá bé” và một tay chơi mới (chỉ mới hơn 2 nămtuổi hoạt động) nhưng Viva Land lại nắm vai trò quản lý nhiều dự án bất động sản tại những vị trí đắc địa ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.

Đặc biệt, mối liên hệ giữa Viva Land và Vạn Thịnh Phát có thể thấy thông qua hai dự án mà Viva Land tiếp nhận từ Vạn Thịnh Phát.

Theo đó, Viva Land đang quản lý dự án Saigon Peninsula (còn được Viva Land gọi tên là VVS5). Đây được xem là siêu dự án ở khu vực Quận 7, TP.HCM có tổng vốn đầu tư dự tính 6 tỷ USD. Tuy nhiên dự án này vẫn án binh bất động hơn một thập kỷ rưỡi qua.

Từ 2007, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (SP Group) làm chủ đầu tư dự án. Năm 2011, TPHCM có văn bản giao đất thực hiện san lấp mặt bằng dự án. Năm 2016, nhà đầu tư hoàn tất bồi thường giải tỏa 93% diện tích đất dự án.

Giữa năm 2016 khởi công khu công viên Mũi Đèn Đỏ trong dự án và nhà ở đô thị với tên thương mại là Saigon Peninsula. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng do vướng các thủ tục đầu tư.

Ai cũng biết, Sài Gòn Peninsula (SP Group) có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. SP Group được thành lập vào năm 2003 với vốn điều lệ 18,000 tỷ đồng. Tháng 8/2016, đối tác của Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã công bố việc ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển dự án.

Đáng chú ý, thành phần SP Group còn từng có ông Lâm Khắc Vinh (hay Truong Vincent Kinh, doanh nhân có quốc tịch Mỹ) đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật.

Ông Lâm Khắc Vinh còn là lãnh đạo chủ chốt của nhiều công ty BĐS như CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Phát triển Sunny World Homes, CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Sunny World, CTCP Sunny World Holdings, CTCP Vietnam Land Group, CTCP Đầu tư Trade Wind, CTCP VN Unique, CTCP Tập đoàn Diamond Capital, CTCP Phát triển và Quản lý Diamond Capital.

Đặc biệt, hầu hết các pháp nhân này đều ít nhiều có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chưa hết, ông Lâm Khắc Vinh cũng là đại diện pháp luật CTCP Đầu tư & Phát triển Uniprime, đối tác cùng Bitexco thực hiện dự án ở khu tứ giác Bến Thành The Spirit of Saigon vào năm 2019 (tên thương mại hiện nay là Pearl, tên trên website Viva Land là VVS1).

Toạ lạc tại khu “siêu tứ giác” 4 đường lớn Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm – Calmette, đối diện chợ Bến Thành, Pearl nằm ngay nhà ga metro số 1 của TP.HCM (khu tứ giá Bến Thành).

Trước đây dự án có tên gọi The Spirit of Saigon thuộc sở hữu của Tập đoàn Bitexco, vốn đầu tư 500 triệu USD. Đến 2013, dự án ngừng thi công trong nhiều năm trước khi về tay Masterise Homes theo tên gọi là One Central HCM. Đến đầu năm 2022, hàng rào thi công bên ngoài dự án được đổi tên chủ đầu tư thành Viva Land, cùng tên gọi mới là Pearl.

Viva Land còn gây chú ý vì các thương vụ M&A “cá bé nuốt cá lớn” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài. Năm 2021, Viva Land đã mua toà nhà văn phòng Robinson Point Tower ở Singapore với mức giá 361 triệu USD (khoảng 8.340 tỷ đồng). Đến đầu năm 2022, Viva Land thâu tóm Capital Place, tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế tại Hà Nội với mức giá lên tới 550 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng).

Hay như thương vụ khách sạn SO Singapore (nằm tại Robinson Rd và Boon Tan St, đối diện với khu ẩm thực Lau Pa Sat) đã được bán với giá 240 triệu SGD (gần 4.000 tỷ đồng) được Viva Land mua lại.

Thực tế, khó tránh khỏi nghi ngờ của giới đầu tư về mối quan hệ giữa Viva Land và Vạn Thịnh Phát, vì vốn chủ sở hữu chỉ 41 tỷ đồng và tổng tài sản 242 tỷ đồng thì gần như chắc chắn Viva Land không đủ khả năng sở hữu các tài sản đắt đỏ ở Việt Nam chứ chưa nói tới các thương vụ M&A đình đám tại Singapore hay thị trường nước ngoài.

Bà Lan không có nhà máy in tiền, tiền đâu làm vốn đầu cơ, trả lãi ngoài vốn huy động của dân thông qua SCB?

SCB là ngân hàng hấp dẩn nhất trong các ngân hàng thương mại, nhờ có mức lải suất cao hơn các ngân hàng khác từ 1 đến 2%. Cách trả lãi cũng hấp dẩn, chia làm nhiều lần trong kỳ hạn cho vay, chưa hết hạn đã có lãi. Ngoài lãi vay còn có nhiều quà tặng, phần thưởng có giá trị. Người viết bài này từng gởi tiết kiệm ở SCB và chứng kiến ngân hàng này chỉ có khách hàng là người gởi tiền tiết kiệm và người đáo hạn, không có khách hàng vay.

SCB chỉ có khách hàng duy nhất là Vạn Thịnh Phát nhưng trên hồ sơ hoàn toàn không có cái tên này giống như bà Trương Mỹ Lan không liên quan đến SCB. Sau khi làm hợp đồng cho SCB vay, khách hàng sẽ được nhân viên tư vấn ký hơp đồng mua trái phiếu của công ty X,Y nào đó và đươc SCB bảo lãnh, mua lại trái phiếu khi đáo hạn cho vay.

Điểm mấu chốt của vấn đề là ở đây, đa số tiền người dân gởi tiết kiệm vào SCB đã bị biến hóa thành MUA TRÁI PHIẾU. Ngài Phó Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước hứa sẽ có “ biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB” liệu phải hiểu các biện pháp ấy ra sao?

Báo Thanh Niên có bài viết phân tích các giải pháp xử lý theo pháp luật Việt Nam trong trường hợp này với tựa đề “Tỉ phú Trương Mỹ Lan bị bắt, quyền lợi người mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát ra sao?” (10)

 

 

Báo dẩn lời chuyên gia tài chính, TS Đinh Thế Hiển phân tích: “Hiện nay những người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng vẫn an toàn. Riêng về trái phiếu doanh nghiệp, những công ty đại chúng, đã niêm yết trên sàn chứng khoán thường chỉ phát hành trái phiếu có lãi suất dao động từ 8 - 9%/năm thì cũng khá an toàn. Còn những công ty không đại chúng đẩy lãi suất lên cao hơn, từ 12 - 15%/năm thì rủi ro cao hơn. Nhà đầu tư chọn mua trái phiếu để hưởng lãi suất cao cũng phải chịu rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm. Đó là nguyên tắc thị trường”.

Chưa bao quát hết các nhánh, các công ty con khác của Vạn Thịnh Phát, bài báo tập trung vào thực tế tại công ty An Đông mà cơ quan điều tra đã khởi tố.

Theo báo cáo, An Đông hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỉ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 5 năm, sẽ đáo hạn vào năm 2023, 2024. Giai đoạn 2018 - 2020, An Đông đã trả lãi trái phiếu tổng cộng hơn 2.800 tỉ đồng cho cả 3 lô trái phiếu.

 

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, dù số tiền trái phiếu phát hành khá lớn gần 25.000 tỉ đồng nhưng do An Đông không phải là công ty đại chúng, không niêm yết nên rủi ro cho các trái chủ (người mua trái phiếu) khá cao. Sau khi ban lãnh đạo bị bắt tạm giam, trường hợp công ty phá sản thì các trái chủ sẽ là đối tượng sau cùng được nhận lại số tiền còn lại sau khi đã xử lý nợ theo trình tự ưu tiên như nợ ngân hàng, công nhân viên, nhà nước. Do đó, nếu như tài sản của An Đông vẫn còn để trả nợ thì khả năng trái chủ vẫn mất từ 10 - 50% số tiền đã mua trái phiếu.

Trong trường hợp công ty không tuyên bố phá sản, đến kỳ hạn thanh toán trái phiếu mà doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, trái chủ có thể chọn phương án thỏa thuận hoặc nộp đơn kiện yêu cầu tuyên bố phá sản ra tòa án. Khi đó mọi trình tự sẽ theo quyết định của tòa và nếu tuyên bố công ty An Đông phá sản thì cũng sẽ theo các thủ tục quy định. Đây là con đường pháp lý quanh co khúc khuỷu có rất nhiều rủi ro và mất rất nhiều thời gian.

 

Đó là nói theo lý thuyết về pháp lý, còn thực tế, một số chuyên gia tài chính dự báo, các trái chủ của An Đông có khả năng khó thu hồi lại vốn sau khi ban lãnh đạo công ty này đã bị bắt tạm giam. Vì hiện công ty như "rắn không đầu" nên cũng khó thu xếp đủ tài chính để hoàn trả vốn cho khách hàng đã mua trái phiếu. Đồng thời, các lô trái phiếu đã phát hành của An Đông đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 mới đến kỳ tất toán nên phải tiếp tục chờ.

Trái ngược với lời động viên của Osin Huy Đức, Báo Thanh Niên đã dẩn chứng thực tế gần đây nhất là Tân Hoàng Minh.

“Hàng loạt trái chủ của Tân Hoàng Minh đã gần 7 tháng trôi qua đến nay nhưng vẫn chưa thể nhận lại được tiền của mình. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tuyên bố hủy các đợt phát hành trái phiếu trước đó của Tân Hoàng Minh. Kết quả điều tra đã xác định Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Doanh nghiệp này đã nhiều lần đưa ra lời hứa sẽ xử lý các tài sản hiện có để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cho đến nay, Tân Hoàng Minh vẫn không thể cung cấp thông tin về lộ trình trả tiền cho nhà đầu tư”. 

Liệu có thể hy vọng nhà nước bỏ tiền ra chi trả cho dân trong khi Tân Hoàn Minh đã nộp một phần tiền nhưng cơ quan chức năng vẫn đắp chiếu nằm chờ vì thủ tục.

Báo Thanh Niên cho biết “Hiện Tân Hoàng Minh đã chuyển 2.100 tỉ đồng vào tài khoản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tại Kho bạc Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng chưa thể hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư vì phải thực hiện theo trình tự, các bước theo quy định pháp luật.…”

Thực tế hiện nay và qua các vụ án kinh tế đã qua việc thu hồi tài sản của kẻ lừa đảo và hoàn trả cho người bị chiếm đoạt khó như mò kim đáy biển. Ở đây, một phần lớn tiền vay của SCB đã dành chi trả tiền lãi cho những người gởi trước. Phần khác việc định giá, đấu giá phát mãi tài sản dưới bàn tay trí tuệ của các quan chức chấp pháp Việt Nam cũng sẽ hao hụt rất nhiều. Hy vọng nhà nước chi trả cho dân lại thấp hơn ước mong sa hoàng Putin bồi thường thiệt hại cho nạn nhân chiến tranh Ucraina. Rất đau lòng nhưng đành nói thiệt: Trái chủ của Vạn Thịnh Phát cầm chắc là “móc bọc”

 

 

* móc bọc: từ dân gian nghĩa đen chỉ những người nghèo ở mức tận cùng sống bằng nghề đi móc bọc ni lon (bao nhựa). Nghĩa bóng là bị trắng tay.

 

7-https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/ngan-hang-nha-nuoc-dam-bao-hoat-dong-lien-tuc-va-on-dinh-cho-scb-1102386.ldo

8-https://baodautu.vn/ngan-hang-nha-nuoc-se-giu-vung-on-dinh-tai-scb-nguoi...

9-https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid02EwwuEeetRJZXyHhePCyFYHM...

 

  1. https://thanhnien.vn/quyen-loi-nguoi-mua-trai-phieu-cua-van-thinh-phat-s...