Tuy là một nhà văn danh tiếng nhưng Bá Dương, xem chừng, không được đồng bào/đồng chủng quí mến (hay yêu thích) gì cho lắm. Chả những thế, ông còn bị nhà nước Trung Hoa Dân Quốc bắt giam gần cả chục năm luôn!
Lâu dữ vậy sao ?
Chớ sao! Bởi ổng có cái tật hay cạnh khóe quí vị lãnh đạo cấp cao, và cũng thường chê bai cái đám đồng hương/đồng khói với mình, bằng nhiều lời lẽ chua cay (nghe) rất mất lòng – kiểu như: “Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người TQ ra cái câu cám ơn ông e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được.” (Bo Yang. The Ugly Chinaman and The Crisis of Chinese Culture. Trans Nguyễn Hồi Thủ. Người Trung Quốc Xấu Xí. Westminster, CA: Văn Nghệ, 1999).
Nếu đúng vậy thì Tầu quả là tệ thiệt (và tệ lắm) nhưng có lẽ vẫn chưa đến nỗi nào, nếu so sánh với Ta. Dân Việt chả những đã ngại cảm ơn mà còn phủi ơn, hoặc tỏ ra vô ơn, ra mặt nữa kìa – theo như lời than phiền (mới nhất) vừa đọc được trên trang RFA của blogger Tuấn Khanh:
Tháng 8-2022, Lính thủy trên tàu bệnh viện Mercy của Hải quân Hoa Kỳ vừa khánh thành công trình phúc lợi là một trường học cho trẻ em ở Phú Yên. Toàn bộ chi phí được phía Mỹ tài trợ và sức lao động của lính thủy Mỹ nhằm ghi dấu cho một công trình mang tính hữu nghị và giáo dục.…
Nhìn hình ảnh ngày khánh thành trường mà chỉ loe hoe một vài người đại diện phía chính quyền Việt Nam ngồi cho có, còn bao nhiêu là những người đã dựng lên phía trường, và thầy cô của trường. Thấy mà ngại…
Nhưng những chuyện nói trên cũng không quan trọng bằng chuyện một chương trình giao lưu và hoàn toàn thiện nguyện từ một quốc gia khác, mà không hiểu sao phía truyền thông dư luận viên pro (ủng hộ) nhà nước tổ chức rất công phu những ngôn luận phủ nhận những hoạt động này, và nói rằng đây chỉ là những thứ mua chuộc để phá hoại Việt Nam, hay là giả dối để âm thầm tổ chức diễn biến hòa bình ...
Tuấn Khanh khiến tôi nhớ đến một sự việc khác, xẩy ra đã khá lâu, hồi vài ba năm trước. Có bữa, từ San Francisco, tôi bay cái vù xuống phi trường Suvarnabhumi rồi phóc lên một toa tầu điện (BTS – Bangkok Skytrain) để về nhà trọ.
Trên tất cả những màn hình nhỏ trong xe, ngoài đủ thứ quảng cáo thương mại như thường lệ – lạ thay – lại còn xuất hiện rất nhiều hình ảnh và những hàng chữ rất trang trọng (và cảm động) viết bằng cả tiếng Thái lẫn tiếng Anh:
Ủa! Chuyện gì vậy ta?
Nhật báo Nation (số ra ngày 15 tháng 7 năm 2018) cho biết : “Chính phủ Thái đã phát hành một video bầy tỏ sự tri ân với toàn thể nhân loại – về sự đồng cảm và hỗ trợ của tất cả mọi người – trong công việc giải cứu đội banh Wild Boars trong một hang động ngập nước, ở huyện lỵ Chiang Rai. Đoạn phim ngắn ngủi này vừa được khởi chiếu trên CNN, và được chia sẻ rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông.”
Quan sát dân chúng Thái chăm chú lắng nghe từng câu/từng tiếng (“cảm ơn”) chân thành và trân trọng của giới cầm quyền ở xứ sở này – lập đi lập lại nhiều lần, trên màn ảnh nhỏ, trong mấy toa xe điện – khiến tôi đột nhiên “ngộ” ra cái lý do khiến cho người Việt hôm nay không ai có thể thốt lên được đôi lời (“tri ân”) tử tế như đa phần nhân loại.
Chớ các “đồng chí lãnh đạo ở ta” có bao giờ nói đến khoan dung, tha thứ, yêu thương hay ơn nghĩa … đâu! Chế độ hiện hành được dựng lên và duy trì nhờ vào lòng căm thù cùng sự oán hận mà, và thù hận không bỏ sót một ai – kể cả những nông dân chân lấm tay bùn:
Nhà báo Uyên Vũ cho biết: “Trong sách giáo khoa lẫn trên bục giảng, từ một trẻ nhỏ chập chững bước vào trường tiểu học cho đến một tân khoa cử nhân đều phải học những bài học lịch sử được viết lại cho thuận ý nhà cầm quyền. Những bài học lịch sử bịa đặt, thêm thắt và tràn ngập những căm thù.”
Ngoài “những bài học lịch sử bịa đặt, thêm thắt và tràn ngập những căm thù,” bia căm thù (một đặc sản của chế độ hiện hành tại VN) còn được “tu bổ”, “tôn tạo” và “nâng cấp” thường xuyên – ở khắp mọi nơi:
Blogger Nguyễn Lân Thắng nhận xét: “Có lẽ, sau cuộc chiến, chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới này lại có nhiều bia căm thù như cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Việt Nam.”
G.S Nguyễn Văn Tuấn kết luận: “Những tấm bia căm thù đó chẳng làm cho người Việt mạnh hơn chút nào; ngược lại, nó nói cho người nước ngoài biết rằng người Việt vẫn còn sợ hãi.”
Cách đây khá lâu, tôi đã nghe một nhà văn than thở: “Người ta chỉ cần một hai thập niên để vực dậy một nền kinh tế sa sút nhưng để xây dựng lại niềm tin cho cả dân tộc, cụ thể như dân tộc tôi, nay chỉ còn cầu phép lạ gieo xuống thửa đất hoang hoá này những hạt giống mới để bắt đầu lại.” (Bùi Bích Hà. “Nhìn Lại Quê Hương.” Thế Kỷ 21, Sep. 2003).
Phép lạ – nếu có – e cũng khó nẩy mầm, nếu “gieo xuống” cái mảnh đất chất chứa (và chất ngất) hận thù như ở VN!
Trong những ngày tháng lang thang nơi xứ Thái, tôi cứ nhìn những dòng “loằng ngoằng” khắp nơi mà trộm nghĩ là đất nước này sẽ hòa nhập với thế giới nhanh chóng hơn nữa, nếu ngôn ngữ của họ được biểu đạt bằng mẫu tự abc – alphabétique – như đa phần nhân loại.
Sau khi xem phim Thirteen Lives và thấy thiên hạ (ở khắp mọi nơi trên trái đất) đổ dồn đến hang động Tham Luang, để giải cứu đội banh Wild Boars, tôi mới biết thêm rằng: không có gì tệ hại hơn trong việc cô lập một xứ sở bằng chủ trương ngu xuẩn (và thái độ ti tiện, đốn mạt) của bọn cầm quyền.
Bài bình luận gần đây