Hai nhân vật Hồ Hoài Anh (43 tuổi) và Hồng Đăng (38 tuổi) đã được dư luận mạng xã hội, báo giới gọi thẳng tên - sau vài ngày viết tắt tên họ - trong một vụ tai tiếng liên quan đến vấn nạn hiếp dâm và ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch xác nhận [1] với báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng Bảy năm 2022: Cả hai người này đang được tại ngoại, đã có luật sư và đang chờ gặp thẩm phán tại Tây Ban Nha - nơi mà Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đến, trong một chuyến du lịch nhưng không xin phép cơ quan quản lý, theo quy định của nhà nước độc đảng toàn trị tại Việt Nam.
Ngày 7 tháng Bảy năm 2022, báo Zing phỏng vấn [2] bà Patricia Faraldo Cabana - giáo sư luật hình sự tại Đại học A Coruña, xung quanh Bộ Luật Hình Sự của nhà nước Tây Ban Nha dành cho tội danh "hiếp dâm", với mức án cao nhứt, có thể lên đến 15 năm tù giam, một khi có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt đối với trẻ em tuổi vị thành niên.
Đối với chuẩn mực văn minh của thế giới - bằng nguyên tắc "suy đoán vô tội", cho đến nay - cả Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng vẫn đang là những người chỉ bị tình nghi, bằng cách được bảo lãnh tại ngoại và tạm thời bị tịch thu chiếu khán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tiếng tăm - dù ít dù nhiều - của họ không bị ảnh hưởng. Thậm chí ảnh hưởng khá nặng nề và đối diện nguy cơ "sạt nghiệp" trong thân phận "hai ngôi sao sáng" của vòm trời nghệ thuật... Xã Hội Chủ Nghĩa (!).
"Nghệ thuật vị nhân sinh" và "nghệ thuật vị nghệ thuật" tuy hai mà một. Làm nghệ thuật - dù ở lãnh vực nào - là mang đến những điều tốt đẹp cho nhân loại. Nghệ thuật không chỉ bảo đảm tính thẩm mỹ mà còn có giá trị giáo dục cho nhân quần, dù trong phạm vi hẹp của một quốc gia hay phạm vi rộng của cả thế giới.
Dĩ nhiên, Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng, nếu tạm gọi là những "ngôi sao", dù thiên vị nhứt, họ cũng chỉ gói gọn ở một phần địa lý nhỏ bé của quốc gia có diện tích khoảng 330.000 cây số vuông, với dân số gần trăm triệu người - nơi vốn được chế độ độc đảng toàn trị chế ngự mọi lãnh vực suốt hơn 47 năm qua, kể từ 30 tháng Tư năm 1975 - Ngày được gọi "giải phóng miền Nam". Nhấn mạnh điều này, bởi cả hai nhân vật Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đều được sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa, vốn được biết, hoàn toàn xa lạ với "trụy lạc - suy đồi" của những gì xấu xa nhứt do Tư Bản Chủ Nghĩa gây ra. Điều không có gì để bàn cãi thêm, bởi cho đến thời điểm hiện nay, ĐCSVN đã xác quyết cho dải đất ốm o gầy mòn và bạc thếch nhân tính - con đường tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa là con đường độc đạo, từ một nhà nước độc đảng, đặt để bởi loại văn hóa ứng xử rất ư độc đáo "Rõ ràng - sòng phẳng - mẹ nó - sợ gì" như lời phát ngôn bổ bã, hồ đồ của đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Mỹ quốc, cách đây không lâu lắm.
Giới nghệ sĩ dễ mắc sai lầm và nhận những cười cợt, chê bai, khi xuất hiện và phát ngôn trước công luận, bởi họ không biết "Bản thân họ là ai - Bản thân họ đang ở đâu - Bản thân họ đang nói gì" như diễn viên Kim Oanh, Kiều Thanh xoay quanh vụ Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng. Trong khi dư luận đang còn e dè lời lẽ với tính chất hoài nghi, những phát ngôn thách thức của 2 nữ diễn viên này, trở thành chất xúc tác, làm mạng xã hội tràn ngập những ngôn từ đầy khinh bỉ và đủ nhục nhã, dành cho câu chuyện bỉ ổi của hai người gọi là "nghệ sĩ nổi tiếng", khi vụ án vẫn chưa được xử chính thức.
Không rõ khái niệm mang tên "NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG" có tự bao giờ nhưng dường như nó tiếp thêm sự hỗn xược - trịch thượng của giới nghệ sĩ, khi đặt để họ trong vai trò "tuyên giáo" mà một dạo, nữ diễn viên Cát Phượng gây ầm ĩ trước cái chết của diễn viên hề Chí Tài, bằng cách kéo quân ồn ã - với sách giáo dục công dân - để dạy cho Gymer Duy Nguyễn học lại về "cách làm người", bằng diễn biến được mô tả như là "một cái búng tay" đủ để Duy Nguyễn bầm dập dưới những ngọn đòn từ giới nghệ sĩ tung ra (!).
Trước vụ việc bị nghi ngờ là hiếp dâm trẻ gái tại Tây Ban Nha của Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng, diễn viên hề Minh Béo đã nhận án 18 tháng tù giam [3], với tội danh liên quan đến nhục dục, đối với trẻ em trai tại Hoa Kỳ, vào năm 2016.
Song song với những lời lẽ gọi là "binh vực" rất vô tri vô giác, một luồng dư luận khác kêu gọi hãy khoan dung, khi nghĩ đến vợ con và gia đình của Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng, vốn là những người vô tội, lại phải chịu những tai tiếng như những nhát dao đâm thẳng vào tim họ.
Hồ Hoài Anh nhận danh hiệu NSƯT năm 2015, trong khi Hồng Đăng được công nhận là diễn viên có tài trong giới nghệ thuật Xã Hội Chủ Nghĩa.
Một thắc mắc đáng đặt ra: Tại sao người viết bài phải gắn kết nghệ thuật và Xã Hội Chủ Nghĩa, đối với những quốc gia độc đảng toàn trị, trong đó có Việt Nam? Thật dễ lý giải, bởi nhà cầm quyền CSVN đã khẳng định "lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" trên mọi lãnh vực của xã hội từ lâu lắm rồi. Điều này lại không có nghĩa, ĐCSVN chịu trách nhiệm tuyệt đối và toàn diện, dù bất cứ lãnh vực nào, bởi nguyên tắc "tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách". ĐCSVN luôn luôn đúng, sai là do cá nhân với rất nhiều lý do được viện dẫn.
Có lẽ vì vậy, văn hóa bệ rạc cùng giáo dục suy đồi, trong đó lãnh vực nghệ thuật cũng lãnh đủ trọn vẹn nhưng chỉ có người Việt Nam gánh lấy sự nhục nhã với nhân cách sống ngày càng đáng chê trách, còn ĐCSVN không hề hấn gì cả (!).
Giới nghệ sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa ngày càng bày ra khả năng ngụy biện rất bấp bênh trong cách tiếp cận bất cứ vấn đề gì. Điều này đã tố cáo "học lực" của những con người Xã Hội Chủ Nghĩa, hóa ra chỉ tiếp thu những bài học từ ghế nhà trường, vốn là thứ lý thuyết suông vô vị. Song song đó, những bài học từ "trường đời" trong một xã hội tạp nham với đủ thứ tuyên bố - lập ngôn, chẳng qua nhằm để giẫm đạp lên nhau, tìm kiếm vị trí trên các sân khấu lớn nhỏ.
Nghệ sĩ ngày xưa, họ đi lên bằng thực tài cùng nhiều gian khó, thậm chí chấp nhận thiệt thòi trong một thời gian rất dài, để theo đuổi nghề, bằng lòng chân thành dành cho nghệ thuật. Vì vậy, một câu hát cất lên khiến khán giả sững sờ, một vai diễn trong các bộ phim - vở kịch khiến người coi ngẩn ngơ không rời mắt, để dõi theo những phận đời có thật trong xã hội.
Nghệ sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay, họ đi lên bằng cách đu bám vào tên tuổi lớp nghệ sĩ đi trước nhưng nhạt nhòa trong từng câu hát, từng vai diễn vốn khô khan, bởi mất tự do làm nghề. Không có sáng tạo, nghệ thuật chỉ còn là một thứ sản phẩm nhai lại!
Song song đó, nghệ sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa cũng không thể sống chết với nghề như lớp nghệ sĩ thời xưa, bởi cuộc sống thực tại chao đảo, chông chênh, các sân khấu lớn nhỏ cho đến đài truyền hình sẵn sàng bỏ rơi họ vào bất kỳ thời điểm nào, dù họ rất nổi tiếng đi chăng nữa. Điều đó khiến họ phải thủ thế và phòng thân trước mọi biến cố. Điều này ngỡ là tốt đẹp nhưng nó góp tay rất đắc lực để tạo ra lớp nghệ sĩ Xã Hội Chủ Nghĩa mang nặng thói đạo đức giả trong cách sống - cách hành nghề.
Vì lẽ đó, công chúng thường thấy hầu hết giới nghệ sĩ Xã hội Chủ Nghĩa luôn xuất hiện trước đám đông một cách sang trọng, thật kiêu sa và quý phái nhưng không khác những bịch chocolate màu mè - mắc tiền cùng hình thù thật "ngon mắt". Không chỉ vậy, những bịch chocolate lại được đóng dấu "thương hiệu" bởi các danh xưng NSUT, NSND, bằng khen các loại. Thêm vào đó, những ông hoàng này, vài bà chúa kia, một số triển vọng nọ, một túm tiềm năng đó v.v... đậy điệm bề ngoài để che giấu những tâm hồn rỗng tuếch. Đến một lúc nào đó, những bịch chocolate mắc tiền - ngon mắt và đáng thèm thuồng trong ánh nhìn của hàng triệu người hâm mộ, bỗng nhiên bị phát giác là ... hàng dỏm, hết hạn sử dụng... Thế là, dư luận chết điếng rồi la lối - lên án - sỉ vả không tiếc lời, bởi vì "ăn nhằm" một thứ "thực phẩm độc hại" trong cả quãng thời gian dài. Kèm theo đó là sự phẫn nộ, bởi những "nạn nhân", giờ đây mới biết mình bị lừa đảo quá lâu! Lỗi tại ai? Lỗi tại đâu? Ai phải chịu trách nhiệm về những bịch chocolate độc hại đó? Tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu nạn nhân bị ngộ độc quá lâu như thế? Câu trả lời rơi vào hư không và lọt tỏm xuống không gian sâu thẳm, đen ngòm, không có đáy...
Minh Béo vẫn được tặng huy chương bạc như một sự thách thức hàng triệu "nạn nhân".
Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên v.v... được cơ quan công an xác nhận không tì vết, trong việc "làm từ thiện" nhưng tiếng tăm của họ dường như không còn ánh hào quang bao phủ như ngày trước.
Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng rồi sẽ trả lời trước tòa án. Dù trong trường hợp tốt nhứt, "đường về quê mẹ" của họ không còn thênh thang rộng mở như xưa.
Con đường nghệ thuật của xứ thiên đàng vốn đầy nhóc sự giả tạo và ăm ắp sự sống sượng, chưa bao giờ tạo ra thiên đàng nghệ thuật thực sự - nơi mà hàng chục triệu người dân đang trĩu nặng với tâm tư nghèo đói, dường như đang chờ đón họ trong cận cảnh...
__________________
Bài bình luận gần đây