Đời người không phải ổ bánh mì để cắt khúc. Khúc đã ăn thì quên đi. Khúc còn lại, thích thì ăn, không thì bỏ. Người nổi tiếng càng không thể cắt khúc cuộc đời của chính bản thân mình, dù danh tiếng nổi như cồn ở lãnh vực nào cũng vậy. Đặc biệt, lãnh vực văn hóa - nghệ thuật, bởi công chúng càng săm soi nhiều hơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly cũng không ngoại lệ.
Bối cảnh ra đời của Gia Tài Của Mẹ
Nhạc phẩm Gia Tài Của Mẹ ra đời vào năm 1965, lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 26 tuổi và ca sĩ Khánh Ly tròn 20.
Năm 1965, chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn rất khốc liệt sau khi cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị ám sát vào ngày 2 tháng Mười Một năm 1963. Trong tình hình chính trị - xã hội vô cùng bất ổn với hai cái chết đầy ai oán của ông Diệm và ông Nhu, ngày 28 tháng Giêng năm 1964, 20.000 người dân Sài Gòn bao vây dinh Tổng thống đòi ông Nguyễn Khánh từ chức, nhằm buộc Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 21 tháng Chín năm 1964, hơn 10.000 công nhân Sài Gòn tổ chức bãi công, biểu tình tuần hành phản đối chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ở Đà Nẵng, từ ngày 21 tháng Tám năm 1964, ba vạn tiểu thương và công nhân bãi chợ, bãi khóa, tuần hành phản đối ông Nguyễn Khánh, người dân lúc bấy giờ còn chiếm được toà Thị Chính trong ngày 25 tháng Tám năm 1964, làm rối loạn thành phố này trong 9 ngày tiếp đó. Ở Huế, giới học sinh, sinh viên, cũng rầm rộ xuống đường biểu tình khoảng thời gian này.
Những năm trước 1975, hầu hết những tổ chức, cá nhân chống lại nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đều gần như mang nặng tư tưởng cánh Tả, với cái gọi là "xã hội lý tưởng", nơi đòi hỏi sự công bằng - tiến bộ - không phân biệt đối xử - không nghèo đói, nơi chỉ có thứ "người với người sống để yêu nhau" rất lòe loẹt, đầy mộng mị, lại dễ dàng quyến rũ như một loài yêu nữ, được sanh thành từ Tố Hữu. Những thứ "lý tưởng" như vậy nhằm binh vực và kêu gọi thương yêu những tầng lớp mà họ coi là yếu thế trong xã hội, vốn là chất xúc tác để thành phần "Việt Cộng nằm vùng" làm nơi trú ngụ an toàn, giữa vòng tay bảo bọc của đồng bào (!). Có thể tạm gọi nó là một trường phái "lãnh mạn hóa chính trị", mà một trong các nhân vật nổi tiếng thế giới - không thể nào quên - nữ minh tinh Jane Fonda, đã tới Hà Nội vào năm 1971 - lúc bà ta 37 tuổi - để phản đối chiến tranh.
Xuôi theo phong trào cánh Tả mạnh mẽ lan tràn với khí thế hừng hực khắp miền Nam Việt Nam lại được tháp cho đôi cánh Tự Do vốn có của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, các sáng tác dưới chủ đề "Ca Khúc Da Vàng" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đón nhận như một "hiện tượng nổi bật" trong giới mộ điệu âm nhạc nói riêng và người dân miền Nam Việt Nam nói chung.
Tại sao tới bây giờ ca sĩ Khánh Ly lại cất giọng Gia Tài Của Mẹ?
Sự trở về của ca sĩ Khánh Ly trong tư cách ca sĩ nổi danh, xảy ra vào năm 2014 nhưng diễn ra tại... Hà Nội, không phải Sài Gòn. Một cuộc tranh cãi dữ dội xung quanh chuyến "du hành" của bà, mang đầy đủ màu sắc chính trị hơn là chuyên môn âm nhạc. Rồi tất cả cũng đi qua với những lần trở về tiếp nối, diễn ra bình thường như tất cả các ca sĩ nổi tiếng một thời của nước Việt Nam Cộng Hòa.
Đại dịch gây náo loạn và tán loạn toàn thế giới, khiến cho sự trở về trong tư cách danh ca của Khánh Ly bị gián đoạn và lần này - năm 2022, bà trở về với chủ đề "Như Một Lời Chia Tay" - một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nổi tiếng bằng nhiều ca khúc khác nhưng tựa như một lời tiên tri mà ca sĩ Khánh Ly ngầm chuyển đến người hâm mộ? Lần này, dường như nhà cầm quyền CSVN mới... cho phép Nữ Hoàng Chân Đất, được gặp gỡ nơi đã nuôi nấng và tạo nên tên tuổi của bà từ trước 1975 - như một đặc ân duy nhứt và có thể là cuối cùng với giọng ca 78 tuổi?
Có vẻ như không hề ngẫu hứng, khi bà Lệ Mai kể lại câu chuyện Gia Tài Của Mẹ gần 60 năm về trước cho "bà con hàng xóm" một thời, đã lâu lắm rồi không gặp, mà bà Khánh Ly sợ không còn dịp được gặp nhau và được ca hát?
Lớp trẻ Việt Nam tội nghiệp, vốn lớn lên trong môi trường giáo dục bệ rạc và văn hóa suy đồi. Nhạc phẩm "phản chiến" này bỗng trở thành xu hướng tìm kiếm hàng đầu ngay lập tức, khi sự việc bị nhà cầm quyền CSVN tại Lâm Đồng cảnh cáo, vì không có trong danh mục được cho phép ban đầu. Sự tò mò của lớp trẻ là điều hiển nhiên, bởi lịch sử từ sau 1975, gần như bưng bít và dối trá.
Nhiều người như vừa "bừng hai con mắt" về một thời mà họ còn quá nhỏ để biết hoặc chưa ra đời nữa là khác. Dường như lâu lắm rồi, người dân mới nghe lại hai chữ "NỘI CHIẾN", lại mất đến 20 năm trong ròng rã bom rơi đạn nổ, chết chóc và chia ly, diễn ra từng ngày.
Những năm sau này, nhiều đảng viên lão làng, trong đó khá nhiều nhân vật tên tuổi bộc lộ sự bất mãn với ĐCSVN và họ rủ nhau, người trước kẻ sau ra khỏi đảng. Cùng với việc rời bỏ đảng, họ không còn quá sợ hãi để cất lên những ý kiến "phản nghịch" với tổ chức mà họ đã tự nguyện bước vô, đủ đắng cay ngọt bùi cùng nhiều ân sủng. Nhiều người trong số họ nhận lãnh hậu quả từ sự phản bội như vậy. Dân quèn có hả hê, có kỳ vọng, có thất vọng... và rồi quen dần, như nhìn một thùng xà bông bột khuấy mạnh với bọt nổi lềnh bềnh, rồi tan nhanh.
Ca sĩ Khánh Ly đã gần 80 tuổi, giọng bà đã bị thần Thời Gian mài mòn gần hết. Người ta đến, để nghe bà kể chuyện, qua những ca khúc của ông Sơn nhiều hơn là thưởng thức giọng ca đặc biệt từ ngày tháng cũ. Và may mắn thay! Dường như bà Lệ Mai cũng hiểu ra điều đó, bằng ca khúc Gia Tài Của Mẹ.
Không thể nói bà Khánh Ly không hề biết về những sỉ vả và dèm pha từ dư luận trong và ngoài nước dành cho những phát ngôn và việc làm của bà, suốt gần 50 năm qua. Người già thường nhớ về quá khứ. Quá khứ của nữ danh ca Khánh Ly vẫn đầy đủ ngọt ngào pha lẫn mặn đắng và chua cay. Kể cả những lỗi lầm dù khách quan hay chủ quan, quá khứ đó vẫn trọn vẹn một thân phận - Người Việt Nam Vong Quốc!
"Một bọn lai căng - Một lũ bội tình" đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam rệu rã - rữa nát của ngày hôm nay, không thể nào rõ hơn - Nữ ca sĩ Khánh Ly đã cố gắng hết sức, xáng một bạt tai vào thẳng mặt nhà cầm quyền CSVN. Cái bạt tai, dù yếu đuối của bà già gần 80 tuổi vẫn làm thiên hạ bàng hoàng và chết lặng.
Cái bạt tai vào thẳng mặt nhà cầm quyền CSVN của bà già gần 80 tuổi, có vẻ như để "thanh toán" nỗi uất hận cho chính bản thân bà Lệ Mai, buộc phải chịu đựng gần 50 năm. Cái bạt tai, dù không thể nảy lửa, nó như lời tạ lỗi chân thành của nữ danh ca Khánh Ly, được gởi đến người Việt Nam Vong Quốc, cả trong và ngoài nước.
Trong thân phận mất nước và với tư cách chỉ là một "con hát", không thể làm gì to tát với tuổi già xế bóng, có lẽ nữ danh ca Khánh Ly đã nhẹ lòng hơn rất nhiều sau cái bạt tai nhẹ nhàng mà tái tê đó!
Từ nay cho đến khi "Xin được, xin nằm yên. Đất đá hân hoan một miền", nữ danh ca Khánh Ly cũng đã đáp từ đôi phần với giới hâm mộ nói riêng và người Việt Nam Vong Quốc nói chung.
Bài bình luận gần đây