Vào 21/7 sắp tới, toà án nhân dân TP. HCM sẽ mở phiên toà xét xử vụ án bé gái N.T.V.A 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong.
Các bị cáo bao gồm Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái (là mẹ kế và cha ruột của nạn nhân).
Trang bị truy tố về các tội giết người và hành hạ người khác, còn Thái bị truy tố về các tội hành hạ người khác và che dấu tội phạm.
Thông tin từ báo chí cho hay phiên toà sẽ được xét xử kín, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.
Không ít người cho rằng phiên toà phải được xét xử công khai để răn đe những người có hành vi tương tự.
Câu hỏi được đặt ra là liệu toà án có cơ sở pháp lý cho việc xét xử kín hay không, và nếu có thì việc áp dụng cơ sở pháp lý này có hợp lý hay không.
Một trong các nguyên tắc của tố tụng hình sự là toà án xét xử công khai, và mọi người đều có quyền tham dự phiên toà. Vậy nhưng, nguyên tắc này có ngoại lệ.
Ngoại lệ bao gồm các trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự.
Nguyên tắc và ngoại lệ nêu trên được quy định tại Điều 25, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS). Điều này cũng nêu rõ rằng tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.[1]
Quy định trên đây cho phép toà án cân nhắc khả năng (có thể có mà cũng có thể không) xét xử kín khi vụ án rơi vào các trường hợp ngoại lệ đó.
Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ được chỉ ra trong Thông tư 02/2018/TT-TANDTC là toà án phải (thay vì có thể) xét xử kín.
Cụ thể, điểm d, khoản 1, Điều 7, thông tư quy định "Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín".[2]
Vì bé N.T.V.A là người bị hại dưới 18 tuổi nên căn cứ vào quy định này, toà án phải xét xử kín vụ án.
Mục đích của quy định này nói riêng và thông tư nói chung là nhằm bảo vệ bị cáo hay bị hại dưới 18 tuổi "bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác", theo Điều 1 của thông tư.
Quy định vừa nêu không phân biệt hai trường hợp bị hại còn sống hay đã tử vong, nên ngay cả khi bé N.T.V.A đã tử vong, toà án vẫn phải xét xử kín.
Dù vậy, dễ thấy rằng mục đích của quy định sẽ không có ý nghĩa trong trường hợp bị hại đã tử vong, và vì vậy việc áp dụng quy định về xét xử kín trong trường hợp này là không hợp lý.
Chú thích:
[1] Bộ luật tố tụng hình sự 2015
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-h...
[2] Thông tư 02/2018/TT-TANDTC
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thu-tuc-To-tung/Thong-tu-02-2018-TT-T...
Bài bình luận gần đây