Đoàn làm phim - đứng đầu là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - cho biết, mất khoảng 5 năm để ấp ủ với chi phí hơn 50 tỷ đồng, cùng nhiều công sức - tâm huyết đầu tư, từ ý tưởng - nội dung, cho đến các cảnh quay, phục trang, đạo cụ, dựng cảnh - dựng phim - lồng nhạc - chọn nhạc v.v... vô cùng cam go, để cuối cùng cho ra tác phẩm điện ảnh mang tên "Em và Trịnh" - đang trình chiếu và gây dư luận xôn xao, bình phẩm nhiều chiều.
Nữ ca sĩ Khánh Ly - khi được phỏng vấn - cho biết: Bà không đi xem bộ phim này, dù một trong các nhân vật nữ chính liên quan mật thiết đến bộ phim, có chính hình ảnh bà được tái hiện trong đó.
Xuyên suốt bộ phim, ngoài anh SƠN - ông SƠN, khán giả không hề thấy một người đàn ông nào có tên TRỊNH. Đó là điều cần phê phán ngay từ tựa phim, với cách đặt không phải tiếng Việt. Thậm chí nên gọi thẳng, đó là sự thô lỗ đầu tiên của đoàn làm phim, khi tỏ ra hời hợt ngay từ điều quan trọng nhứt và tinh tế nhứt, cho một bộ phim mà họ kể lể, vô cùng gian nan với nhiều phân cảnh lịch sử cần tái hiện hơn 60 năm về trước, trong hiện tình kiến trúc - văn hóa - xã hội ngày nay, bị phá nát gần như trọn vẹn kể từ 1975.
Có lẽ đoàn làm phim quên rằng, những khổ ải - những tâm huyết mà họ đổ ra nhằm hái quả ngọt, để cho chính họ hưởng trước, bởi đây là "món ăn tinh thần", họ bán ra thị trường. Người tiêu dùng (tức là khán giả) sẽ thưởng ngoạn "món ăn" đó, khen chê là quyền của người mua, bất chấp tài năng khổ luyện - bất kể gian khó nhọc nhằn của người bán.
Điều thô lỗ thứ nhì cần phải chỉ ra - Một trong các nhân vật quan trọng xuất hiện trong phim là ca sĩ Khánh Ly - Bà vẫn đang sống và vừa về Việt Nam để thực hiện chủ đề "Như Một Lời Chia Tay", được biết sẽ diễn ra trên nhiều tỉnh thành. Chính bà Khánh Ly đã phàn nàn: "Tôi còn sống sờ sờ đây này!" để bày tỏ sự khó hiểu và có vẻ bực bội, khi đoàn làm phim tạo hình nhân vật mang tính "hư cấu". Dĩ nhiên, tất cả các bộ phim trên thế giới đều hư cấu. Dù được gọi là "dựa trên câu chuyện có thật", nó vẫn là hư cấu. Hư cấu để chuyển tải thông điệp đến cho khán giả về tinh thần của bộ phim muốn nói, chứ không phải hư cấu để "cào cấu" nhân vật "hư hết".
Điều thô lỗ thứ ba tiếp tục cần chỉ ra, cách phục trang - trang điểm cho các nhân vật trong phim, nó lai căng theo kiểu ảnh hưởng phim tình cảm Hong Kong - Đài Loan vào cùng thập niên đó với văn sĩ Quỳnh Dao, cùng các tiểu thuyết: Dòng Sông Ly Biệt, Hải Âu Phi Xứ, Xóm Vắng v.v... chứ không phải người Việt Nam của những thập niên 1960 thế kỷ trước.
Về diễn xuất của nhân vật nam chánh, anh Sơn khi trẻ và ông Sơn khi luống tuổi, hoàn toàn gãy đổ. Người xem chỉ thấy anh Sơn (trẻ) "ngây thơ cụ" hơn là sự trong sáng của một chàng trai ngoài 20 vào những năm 1960 của thế kỷ trước. Anh Sơn luống tuổi, chỉ là một người đàn ông bất đắc chí, mệt mỏi với thăng trầm thời cuộc và bế tắc trong hậu vận cùng tương lai mờ mịt " tiên thoái lưỡng nan/đi về lận đận".
Về diễn xuất của các nhân vật "Em", trong đó, nhân vật Dao Ánh làm tròn vai với dáng vóc xinh tươi - dễ thương cùng giọng nói ngọt - nhẹ của "cô Bắc Kỳ nho nhỏ", hơn là một cô gái con giáo sư dạy tiếng Pháp và di cư vào Huế từ 1952 (lúc Dao Ánh chỉ 2 -3 tuổi). Mãi cho đến, giữa thập niên 1960, lúc Dao Ánh 15 tuổi, anh Sơn và cô Ánh mới gặp nhau, do đó, cô Dao Ánh không thể có giọng nói Hà Nội (ngày nay) như vậy.
Đặc biệt và tạo sự chú tâm nhứt là nhân vật Khánh Ly, lại gây thất vọng rất nhiều cho khán giả, bằng cách tạo hình không hề mang chút phong cách Khánh Ly - vốn giản dị và chơn chất, vào lúc bấy giờ. Thay vào đó, người xem thấy một Khánh Ly điệu đà, ra vẻ và khá chua ngoa. Về cách hát, diễn viên thủ vai đã phá hoàn toàn cách hát (tôi không nói về chất giọng) của Khánh Ly vốn đã ghi dấu ấn rất rõ. Dù có luống tuổi, dù giọng hát Khánh Ly có phôi phai theo năm tháng, vẫn còn đó cách nhả chữ như một quả trứng để nằm ngang tự nhiên. Trong khi đó, nhân vật Khánh Ly trong phim, phát âm tựa như một quả trứng, người ta phải dùng tay giữ đứng nó.
Không chỉ riêng Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng cho đến khi Khánh Ly xuất hiện, nhạc của ông Sơn mới có một chỗ đứng riêng rẽ, trong nền âm nhạc phong phú - đa dạng, dưới thể chế tự do Việt Nam Cộng Hòa. Vậy nên, đoàn làm phim tỏ ra quá hời hợt, khi vô tâm về CÁCH NHẢ CHỮ rất riêng của ca sĩ Khánh Ly, muốn hay không - yêu hay ghét, cũng phải công tâm nhìn nhận, khi Khánh Ly cất tiếng, người nghe nhận ra ngay mà không cần phải nhìn mặt.
Phần nhạc trong bộ phim được chọn như là sự chắt lọc đầy tinh tế - tinh túy như lời đoàn làm phim trần tình. Tuy vậy, sự chọn lọc này vẫn không cho thấy tính khách quan, một khi pha trộn thời cuộc xã hội miền Nam Việt Nam trước 1975. Bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không thể trở thành cái gọi là "tượng đài âm nhạc" nếu như ông ta không có những "Ca Khúc Da Vàng". Đã như vậy, khi chọn "Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay", lẽ ra đoàn làm phim không được phép thiếu "Hát Cho Người Vừa Nằm Xuống" hay "Gia Tài Của Mẹ", hoặc "Hát Trên Những Xác Người" v.v... Bởi trong trường đoạn của bộ phim - nhân vật SƠN đã trả treo với chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa: "Không lẽ anh muốn tôi phải ca ngợi chiến tranh à?".
Điều đáng trách thêm ở trường đoạn thẩm vấn, khi viên sĩ quan đặt câu hỏi với anh Sơn: "Sao lại sáng tác và ca ngợi hòa bình vào lúc này?". Một câu thoại rất tàn nhẫn và phi nhân mà đạo diễn đã nhẫn tâm nhét vô họng của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, vốn đang cố gắng hết sức bảo vệ quê hương Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, trong tình cảnh thù trong giặc ngoài cùng vô số kẻ phản bội, đang bắt chặt tay nhau để lật đổ nhà nước VIệt Nam Cộng Hòa.
Trịnh Công Sơn chỉ là một nhạc sĩ bình thường, không có gì nổi trội so với rất nhiều nhạc sĩ cùng thời, nếu như ông ta không làm ra dòng nhạc gọi là "nhạc phản chiến".
Làm phim về ông Sơn cũng không có gì đáng trách, một khi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khách quan trong các tình tiết thời cuộc. Ca sĩ Khánh Ly đã trả lời phỏng vấn một cách mỉa mai: "Nếu năm nay Em và Trịnh chưa hay, năm tới ta lại làm Trịnh và Em".
Lượng không thể thay được phẩm. Có thể bộ phim "dở người" này đạt doanh số cao và thu lời bộn nhưng không thể phủ nhận sự thiếu tử tế của đoàn làm phim, đứng đầu là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Bất cứ đạo diễn nào còn dự định "đào mỏ" từ nhân vật Trịnh Công Sơn hay bất cứ một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử âm nhạc nói riêng, nên chăm chút lại đạo đức và sống sao cho tử tế, trước khi có ý định bấm máy một bộ phim nào đó.
Bài bình luận gần đây