You are here

Từ tiếng Việt thảm hại đến nhân cách bại hoại (phần 2)

Như đã trình bày trong phần đầu [1], tiếng Việt không phải lúc nào cũng trùng khớp với tiếng mẹ đẻ, chính vì không nhấn mạnh chi tiết tối quan trọng này, nên chánh tả và câu cú (cú ở đây có nghĩa là cú pháp, tức là văn phạm - ngữ pháp) tại xứ sở thiên đàng, ngày càng thảm hại đến không thể ngờ tới.
 
Hãy nói về tính đại diện trong tiếng Việt, bởi vì nó mang dáng vóc văn minh tiến lên hay thụt lùi cho Việt Nam. Và nói về tính đại diện trong tiếng Việt, để đừng trách cứ người dân nói chung và học trò nói riêng, bởi toàn bộ nền giáo dục XHCN buộc phải chịu trách nhiệm toàn diện và liên tục về tiếng Việt, càng ngày càng xấu xí, gây cợt nhã từ trong cho tới ngoài nước.
 
Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31, người dân phát hiện một bandroll vừa chữ Việt vừa chữ Anh sai tèm lem chánh tả, cả tiếng Việt (Đông Lam Á) và tiếng Anh (Wellcom to) và một số chi tiết khác.
 
Cách đây một tháng, người dân cũng cười cợt với chữ "phong chào đọc sách" trong một lễ phát động tại Hà Nội, nhằm cổ súy người dân đọc sách. Chữ "phong chào" xuất hiện vào tháng Tư năm 2022, ngay trung tâm Thủ đô. Trước đây nữa, người dân bắt gặp nhiều chữ vừa gây cười, vừa khó hiểu, lại vừa thô thiển, như trong một cuộc tập huấn về y tế, dưới tên gọi "tử vong mẹ", vốn chỉ về tình trạng sản phụ khi mang thai và lúc chuyển dạ, sanh nở xong, có thể mắc phải.
 
Vào hôm 24 tháng Chín năm 2021, trang thông tin điện tử Bộ Y Tế cho biết [2], đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 6 nguyên tắc, để thích ứng với tình hình đại dịch, vào lúc bấy giờ rất nghiêm trọng:
 
(1) Y tế là trụ cột, là trung tâm;
(2) Kinh tế là cơ sở, là nền tảng;
(3) Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt;
(4) Ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên;
(5) Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết;
(6) An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
 
Vào lúc bấy giờ, mang theo tâm trạng hoảng sợ từ chứng bịnh kỳ lạ và gây chết người cấp kỳ, người ta càng hoang mang tột độ, bởi 6 nguyên tắc nói trên đầy "màu sắc" ba phải - khó hiểu và hoàn toàn sáo rỗng, khiến người dân như đang đi giữa rừng rậm và chực chờ gặp cái chết vồ chụp ngay tức khắc. Bởi sau khi ban hành 6 nguyên tắc kỳ dị nói trên, tình hình chống dịch không hề có một chút chuyển biến gì tốt hơn, với hàng chục ngàn cái chết oan ức và tức tưởi.
 
Những năm đầu sau 1975, trong các trường đại học thuộc ngành kinh tế, thế hệ chúng tôi - Một thế hệ "nửa nạc nửa mỡ", bởi tiếp thu nền giáo dục VNCH còn khá ít (khi phải dừng lại ở Trung Học Đệ Nhứt Cấp, tức là lớp Chín), lại đủ lớn để tiếp nhận nền giáo dục XHCN với những khái niệm lạ lùng - lạ lẫm - lạ kỳ.
 
Một kỷ niệm đi theo thời sinh viên XHCN làm tôi nhớ hoài.
 
Khoảng 40 năm về trước, khi học môn Kinh Tế Chính Trị Mác - Lê Nin phần 2, một vị giảng viên người Bắc giảng về câu nói của Lê Duẩn ''ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ” (ngày nay vẫn còn theo đường link [2]) - Câu nói mà một thời, tất cả sinh viên ngành này, đều phải học thuộc - phân tách.
 
Vốn hấp thụ nền tảng nhân bản - dân tộc - khai phóng của giáo dục VNCH, tôi đưa tay xin phép vị giảng viên, để đặt câu hỏi. Vị giảng viên vui vẻ mời tôi nói.
 
Thưa cô, câu nói đó làm em thắc mắc. Một bên biểu "ưu tiên", một bên biểu "cơ sở". Ví dụ, em đang làm "ưu tiên" thì biểu làm "cơ sở", bởi không có cơ sở (tức là cái nền) thì không được. Em chạy qua làm "cơ sở", thì biểu em phải "ưu tiên", vì nó được ưu tiên, tức phải làm nó trước. Em chạy qua chạy lại như vậy, rồi không có việc nào ra việc nào hết. Em lại càng không thể hiểu "ưu tiên" mà còn phải "hợp lý" là như thế nào cả.
 
Tôi vô tư ngồi xuống và chờ đợi câu trả lời nhưng vị giảng viên ngắc ngứ và không vui, với câu hỏi thật lòng của tôi. Buổi học trở nên uể oải và nhàm chán cho đến hết tiết.
 
Những tưởng câu chuyện được chấm dứt, theo cách phải được chấm dứt một cách khách quan, bởi tính phản khoa học dung chứa trong câu nói của vị Tổng bí thư nổi tiếng sắt máu, một thời sau 1975. Tiếc thay! Khi thi hết môn, tôi bị đánh rớt và phải thi lại. Đó là lần đầu tiên, trong đời sinh viên, tôi thật sự nếm mùi... trù dập (!) ở tuổi đôi mươi - Một lứa tuổi luôn luôn thích khám phá, thích khẳng định bản thân, khi mình đúng. Giết chết khoa học và bóp nát nhân phẩm một sinh viên, trở nên quá dễ dàng trong nền giáo dục với thứ "ưu tiên" và loại "cơ sở" rất tầm bậy là vậy đó!
 
Khoa học không phải lúc nào cũng là những điều cao xa, khó hiểu. Hãy bắt đầu từ những điều giản dị nhứt, để dạy cho học trò - sinh viên. Khoa học không cấm cản người ta nghiên cứu. Con người có thể nghiên cứu một công trình nào đó trong vài chục năm, thậm chí, có những công trình mà hết đời người nghiên cứu, họ vẫn chưa làm xong. Nhưng những gì đưa vào giảng dạy, nó phải được thực tế chứng nhận bởi SỰ THẬT không thể chối cãi. Đó mới xứng đáng gọi là khoa học, chứ không phải ý kiến tào lao của Lê Duẩn như một hòn đá khổng lồ, mà sinh viên chúng tôi buộc phải đâm đầu vô, trên đường đi tới khoa học.
 
Đan tâm tàn phá nhân cách và phẩm hạnh học trò của mình, đó không xứng gọi là Thầy là Cô.
 
Làm sao có thể chấp nhận một "Bảo vật quốc gia" như cuốn "Đường Kách Mệnh" [4] lại sai chánh tả ngay từ cái tựa (?!).
 
Cho tới khi Bộ Chính trị đủ dũng cảm sửa chánh tả của thứ "bảo vật quốc gia" nói trên, lúc đó hãy trách cứ và phạt nặng những bích chương - khẩu hiệu sai cả câu và cả cú nhưng hãnh diện phô phang đầy khắp các con đường lớn nhỏ.
 
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân" - Nhà cầm quyền CSVN nên tự soi rọi lại lối cai trị hà khắc - mù quáng, khiến cho tình trạng ngu dân ngày càng trầm trọng, hơn là chê trách hàng triệu người dân, vốn nghèo khổ - dốt nát, suốt từ ngày... "đời chúng tôi có đảng" (!)
_________________