You are here

Tại sao Mỹ quan ngại “Công dân Việt Nam không thể thay đổi chính phủ thông qua bầu cử?”

Ảnh của nguyenvandai

Bản báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố mới đây. Trong đó nêu lên việc chính quyền độc tài cộng sản tại Việt Nam(CSVN) đã có những vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng trong năm 2021.

Đồng thời Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại về việc “Công dân Việt Nam không thể thay đổi chính phủ thông qua bầu cử”.


Tại sao lại như vậy?

Quyền thay đổi chính phủ của công dân thông qua bầu cử là quyền quan trọng nhất trong các quyền con người về tự do dân chủ của công dân tất cả các quốc gia trên thế giới.

Hiểu một cách dân dã dân chủ tức Nhân dân là Vua, mà Vua thì có quyền chọn đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước. Và khi đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước không làm Vua hài lòng, hay đi ngược lại lợi ích của Vua và đất nước. Vua có quyền phế bỏ đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước. Vua có quyền chọn đảng khác cầm quyền và người khác lãnh đạo đất nước.

Và để các công dân Việt Nam có thể thay đổi chính phủ thông qua bầu cử thì phải có những điều kiện tiên quyết của nó.

Thứ nhất, Việt Nam phải có một nền chính trị tự do, dân chủ đa đảng.

Nền chính trị dân chủ đa đảng sẽ giúp cho mọi công dân Việt Nam có quyền bình đẳng về chính trị. Tức là mọi công dân có quyền và cơ hội ngang nhau trong việc tự quyết định lựa chọn tham gia hay thành lập các đảng phái chính trị khác nhau.

Các công dân Việt Nam thấy cương lĩnh, đường lối của đảng nào phù hợp thì họ tham gia để cống hiến tài năng, trí tuệ phục đất nước.

Hoặc nếu không tìm thấy đảng nào phù hợp thì họ có thể kêu gọi những công dân khác có cùng quan điểm để tham gia thành lập đảng mới.

Đồng thời khi có nhiều đảng phái chính trị, các công dân Việt Nam mới có thể so sánh, xem xét và lựa chọn đảng nào có cương lĩnh phù hợp với đất nước và lợi ích của họ trong các cuộc bầu cử. Và họ sẽ bỏ phiếu cho đảng đó.

Thứ hai, mọi công dân Việt Nam phải có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Tức là mọi công dân Việt Nam có quyền tự do thành lập các cơ quan báo chí tư nhân dưới các hình thức khác nhau như: phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử. Các công dân có quyền sử dụng các cơ quan báo chí để bày tỏ các quan điểm ủng hộ hay phản đối chính quyền. Các cơ quan báo chí không thể bị kiểm duyệt hay chỉ đạo từ chính quyền.

Ngày nay, với truyền thông mạng xã hội thì mọi công dân Việt Nam có quyền tự do lựa chọn các trang mạng xã hội phù hợp để bày tỏ các quan điểm, chính kiến độc lập hay đối lập với chính quyền mà không bị trừng phạt.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí giúp cho mọi công dân Việt Nam có thể tự do bình luận, tranh luận, phản biện về các chính sách của chính phủ. Từ đó giúp cho mọi người dân có sự lựa chọn sáng suốt và chính xác đảng nào hay ai là người lãnh đạo đất nước tốt nhất trong các cuộc bầu cử.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí sẽ giúp nâng cao dân trí, sự hiểu biết, kinh nghiệm cho người dân Việt Nam. Từ đó mới có thể xây dựng được nước Việt Nam dân chủ, công bằng và văn minh.

Thứ ba, để thay đổi được chính phủ thông qua bầu cử thì công dân Việt Nam cần có những cuộc bầu cử tự do và công bằng, có sự giám sát của quốc tế.

Điều này được hiểu các công dân Việt Nam được quyền tự do ứng cử thông qua đảng chính trị của mình hoặc là các ứng cử viên độc lập. Và được đối xử một cách công bằng và bình đằng như nhau.

Các ứng cử viên được tự do sử dụng các hình thức khác nhau để tranh cử như các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, diễn thuyết ở nơi công cộng,…

Khi bỏ phiếu các công dân được tự do lựa chọn đảng và ứng cử viên mà họ tin tưởng, yêu thích. Mọi hình thức đe dọa hay định hướng cho các cử tri đều bị cấm.

Có Cơ quan tổ chức bầu cử độc lập, kiểm phiếu độc lập có sự giám sát của các đảng, tổ chức xã hội dân sự, báo chí và người dân.

Thứ tư, phải có hệ thống tam quyền phân lập.

Điều này bảo đảm sự cân bằng quyền lực và giám sát lẫn nhau giữa cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và hệ thống cơ quan tư pháp.

Cuối cùng, các công dân Việt Nam có quyền tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam.

Trong gần 80 năm qua, Việt Nam dưới sự cai trị của đảng, chế độ và chính quyền độc tài CSVN, thì tất cả các yếu tố trên đều không có.

Các công dân Việt Nam không có quyền tự do tham gia, thành lập các đảng chính trị, không có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không có quyền tự do ứng cử và bầu cử, không có quyền tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự. Việt Nam không có tam quyền phân lập.

Tại sao Hoa Kỳ muốn các công dân Việt Nam có quyền và khả năng thay đổi chính phủ thông qua bầu cử.

Hoa Kỳ hiểu rõ rằng các công dân Việt Nam không có các quyền tự do về chính trị nêu trên. Nên họ muốn tạo áp lực để đảng, chế độ và chính quyền độc tài CSVN từng bước thay đổi và chấp nhận thể chế chính trị đa đảng tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam mà do người dân Việt Nam lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng thì chắc chắn chính phủ đó sẽ đại diện cho Nhân dân Việt Nam xây dựng mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.

Và đây là điều mà Hoa Kỳ mong muốn và cũng là mong muốn, khát khao của đa số trong tổng số gần 100 triệu người dân Việt Nam.