Song Chi.
Câu chuyện một nam sinh 16 tuổi, học trường chuyên Amsterdam của Hà Nội nhảy từ lầu 28 xuống đất tự tử sau khi để lại thư tuyệt mệnh, đúng ngay vào ngày Cá Tháng Tư (1.4), khiến dư luận bàng hoàng. Đây chỉ là trường hợp mới nhất trong rất nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập từ trường lớp, cha mẹ, mà báo chí đã cảnh báo trong thời gian gần đây. Hãy thử đi tìm nguyên nhân vì sao.
Sức ép từ cha mẹ
Chịu trách nhiệm đầu tiên là các bậc phụ huynh. Thương yêu con hết mực, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, nhưng phần đông các bậc phụ huynh VN thường đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, muốn con cái phải học thật giỏi, phải vào được trường chuyên, trường điểm, lớn hơn một chút thì phải đậu đại học những ngành được xem là “ngon lành, danh giá” như Y, Dược, Bách Khoa, Ngoại thương, Kinh tế…
Một vài thập niên sau này thì câu chuyện của các bậc cha mẹ khi khoe về con cái không chỉ là đậu đại học hay học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước nữa, mà là đi du học ở những trường danh giá của Mỹ và các nước phương Tây. Người có tiền cho con đi du học đã đành, người không có tiền cũng chạy vạy đủ cách để có đứa con đi du học cho nở mày nở mặt với người ta.
Từ nhiều năm nay dư luận đã nói đến chuyện những đứa trẻ VN bị ép học hành đến không có thời gian nghỉ ngơi, hết học ở trường lại đi học thêm, hết môn này đến môn khác, rồi còn học thêm một, hai ngoại ngữ, học đàn học múa học vẽ đủ thứ, chủ nhật cũng học, nghỉ hè được một hai tuần là lại cắp sách đi học. Học không có thời gian giải trí, không có tuổi thơ. "Chuyện thường ngày ở huyện" là cảnh các ông bố bà mẹ đón con ở cổng trường, dúi vào tay con ly sữa, ổ bánh mì hay cái bánh bao, gói xôi rồi chở con đến thẳng lớp học thêm, hoặc hình ảnh những đứa trẻ mắt díu lại, gà gật ngủ sau lưng bố mẹ vì không bao giờ được ngủ đủ giấc. Với phần lớn cha mẹ VN, cha mẹ luôn luôn đúng vì cha mẹ chỉ muốn tốt cho con, con nên học cái này con nên làm nghề kia, mà không mấy khi tự hỏi liệu con cái có muốn như vậy không, có thực hạnh phúc không, hay là cha mẹ đang bắt con phải sống theo ý mình, bắt con phải thực hiện những ước mơ dang dở của chính mình?
Sức ép từ trường lớp, từ một nền giáo dục nhồi sọ, chạy theo thành tích
Đã có quá nhiều lời ta than, chỉ trích về nền giáo dục VN. Một nền giáo dục lạc hậu, nhồi sọ, trẻ con mới học bậc Tiểu học mà cái cặp đã nặng trĩu lệch cả vai với hàng chục quyển sách, quyển vở. Suốt 12 năm chương trình bậc trung học phổ thông phải nói thẳng ra đa phần là những kiến thức vô bổ, hoặc chỉ nhồi nhét học thuộc lòng mà ít thực hành, thiếu vắng phần dạy cho học sinh phương pháp tự suy nghĩ một cách độc lập, tự phản biện, tự kiểm chứng hay hoài nghi, càng thiếu hẳn phần kỹ năng sống. Một nền giáo dục chỉ chạy theo thành tích, điểm số, chạy theo bằng cấp, nhưng lại chưa chắc đã thực giỏi về chuyên môn nên mới có chuyện “dở thầy dở thợ”, hàng ngàn hang vạn Cử Nhân, Thạc sĩ khi ra trường đi xin việc vẫn thiếu những kỹ năng cơ bản nhất, phải đào tạo lại trong môi trường nghề nghiệp-nhất là nếu làm cho các công ty nước ngoài.
Nguyên nhân chính là thiếu một triết lý giáo dục đúng đắn-đào tạo con người với mục đích gì.
Quan niệm, cái nhìn, tiêu chuẩn của xã hội
Trở lại các bậc phụ huynh VN, thật ra họ cũng chỉ là nạn nhân của những quan niệm, tiêu chuẩn, thang bậc đánh giá trong xã hội. Những quan niệm, tiêu chuẩn, thanh bậc đánh giá đó là gì? Là bằng cấp, học hàm, học vị. Là tiền. Một người được xem là thành đạt là phải có bằng cấp, địa vị trong xã hội, và phải có tiền-con người được ngưỡng mộ, trọng vọng nhiều khi không phải ở năng lực, tư cách, đạo đức mà ở cái nhà to, xe đẹp, xài hàng hiệu, trang sức đầy tay, đi nước ngoài như đi chợ…Bằng cấp có thể tạo ra tiền và ngược lại tiền cũng có thể mua được bằng cấp, nhưng dù theo hướng nào thì không có cả hai chắc chắn là sự thất bại.
Văn hóa Á Đông
Cũng có những người phản biện cho rằng đâu hẳn đã do nền giáo dục VN, do môi trường xã hội VN. Thiếu gì trường hợp các bậc cha mẹ VN sống ở nước ngoài vẫn ép con phải đỗ đạt, phải làm Bác sĩ, Kỹ sư, Luật sư…Với phần đông người Việt thế hệ thứ nhất, họ sẵn sàng làm đủ mọi việc nặng nhọc không nề hà để con cái được ăn học đàng hoàng, đỗ đạt ở xứ người. Đó là niềm tự hào, là hạnh phúc lớn nhất của họ. Mà không chỉ riêng người Việt, người Hoa, Nhật, Hàn ở nước ngoài đều thế. Cho nên người Mỹ và phương Tây mới có cái cụm từ là “cha mẹ châu Á”, hay “mẹ Hổ” để nói về các bậc phụ huynh của mấy nước Đông Á thúc đẩy con học hành để thành đạt ra sao.
Điều tích cực là nhờ vậy tỷ lệ số học sinh người Hoa, người Việt, Hàn, Nhật…học chăm học giỏi ở bậc trung học và đậu vào các trường đại học ở Mỹ hay các nước phương Tây rất cao so với một số cộng đồng nhập cư khác. Và điều tiêu cưc là nhiều khi chỉ dồn sức lo học hành đến mức không có thời gian sống cho những nhu cầu khác. Và những bi kịch nảy sinh do con cái bị cha mẹ ép phải học hành quá sức hay phải làm theo mong muốn của cha mẹ. Chỉ nói riêng người Việt, đã từng có những câu chuyện như một thanh niên người Mỹ gốc Việt giết mẹ vì mẹ cứ ép phải học Y khoa, hay một cô gái người Canada gốc Việt thuê sát thủ giết cha mẹ vì trong nhiều năm đã phải nói dối cha mẹ về thành tích học tập của mình, nên sợ bị phát hiện.
Điều đó là có thực. Và có thể gọi đó là do nếp nghĩ, do tiêu chuẩn, thang bậc đánh giá coi trọng bằng cấp trong văn hóa Á Đông nói chung và văn hóa VN nói riêng đã có từ lâu, chứ không chỉ do nền giáo dục hay do môi trường xã hội VN hiện tại. Nhưng mặt khác, nếu khăng khăng chỉ cho đó là văn hóa, có nghĩa là một cái gì đó thuộc về dân tộc và rất khó thay đổi thì cũng không hẳn. Yếu tố tác động từ môi trường xã hội vẫn rất lớn.
Trở lại với tác động từ môi trường xã hội
Cũng là dân tộc VN, nhưng ở miền Nam trước năm 1975 chúng ta không thấy có chuyện học sinh đua nhau đi học thêm từ bậc tiểu học cho tới suốt những năm trung học như vậy; ở bậc đại học những ngành khoa học xã hội nhân văn như Văn khoa, Luật khoa, Triết học, Sư phạm…vẫn rất được trân trọng, được nhiều người theo học, chứ không phải như bây giờ những ngành khoa học xã hội nhân văn bị xếp hạng bèo bọt vì kiếm ra tiền ít, chỉ những ngành làm ra nhiều tiền mới được ưa chuộng. Càng hiếm có chuyện “chạy” bằng, bằng giả, đạo văn…như bây giờ.
Ngay chuyện sống ở nước ngoài cũng vậy, môi trường xã hội cũng sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến quan niệm, suy nghĩ của con người. Nếu sống ở Mỹ, một xã hội có sức cạnh tranh gay gắt và một con người bị xem là thất bại, không thành đạt, không có công ăn việc làm tốt là một cảm giác thật nặng nề, thì những người nhập cư càng cần phải cố gắng gấp nhiều lần và chính vì vậy các bậc phụ huynh người Việt luôn thúc đẩy con cái họ học hành để có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu sống ở các nước Bắc Âu chẳng hạn, nơi con người hoàn toàn không bị một sức ép gì từ trường lớp, xã hội; học giỏi cũng được mà không giỏi cũng không sao, là bác sĩ, kỹ sư hay nhân viên phục vụ trong nhà hàng, tài xế xe bus, người nuôi dạy trẻ…gì cũng đều được nhìn nhận một cách bình đẳng, lương bổng không quá chênh lệch, giàu cũng tốt mà không giàu vẫn có cuộc sống ổn định, không phải lo lắng gì…thì chắc chắn suy nghĩ của đa số các bậc phụ huynh VN cũng sẽ khác.
Sống nhẹ nhàng, biết hài lòng với những gì đang có, không tranh đua, không chịu bất cứ sức ép gì từ bên ngoài hoặc phải chạy theo những cái bên ngoài, là một trong những lý do khiến cho các nước Bắc Âu thường hay được xếp trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Nhưng dù ở Mỹ hay ở bất cứ quốc gia phương Tây nào, thể chế dân chủ, luật pháp, những hiệp hội bảo vệ quyền trẻ em cũng sẽ không cho phép cha mẹ hay bất cứ ai được quyền áp đặt, điều khiển cuộc sống, suy nghĩ của những đứa trẻ. Trong khi ở VN cả cha mẹ, thầy cô, người lớn cứ "hồn nhiên" làm như vậy và cho đó là quyền của người lớn và vì lợi ích của trẻ.
Chính vì vậy, với những bậc phụ huynh ở VN, trong khi chưa thể mong chờ, đòi hỏi sự thay đổi từ nền giáo dục, từ xã hội, thì chính họ phải tự thay đổi suy nghĩ của chính mình, đừng chạy theo những tiêu chuẩn, thang bậc của xã hội để gây sức ép lên con cái, làm khổ con cái mà cứ tưởng như vậy là tốt cho con. Đó là chưa nói với một nền giáo dục như vậy thì điểm số cao, thành tich tốt ở trường chưa chắc đã là giỏi thật. Và hạnh phúc của đời người đâu chỉ nằm ở bằng cấp, địa vị hay tiền bạc. Thay vì ép con phải đi học thêm, phải học ngày học đêm, các bậc phụ huynh hãy cho phép con cái học vừa phải, cân bằng giữa học hành và nghỉ ngơi, giải trí, dành thì giờ chơi thể thao cho khỏe người, đọc thêm những cuốn sách hay, xem những bộ phim có giá trị, đi du lịch, tự theo đuổi một vài sở thích hay dành thời gian với gia đình, người thân, tham gia những hoạt động với cộng đổng, hoạt động từ thiện…Khi đó, cuộc sống của con sẽ cân bằng, phong phú và kiến thức tự học, tự đọc thêm bên ngoài còn bổ ích hơn nhiều so với mớ kiến thức “chết” ở trường, học xong là trả thầy. Hãy xem chuyện con được hạnh phúc là điều quan trọng nhất. Và nếu con muốn học ngành gì là tùy theo sở thich, năng lực của con chứ không phải học theo ý cha mẹ.
Con cái không phải sinh ra để thực hiện những giấc mơ của cha mẹ. Hãy để con cái sống cuộc đời của chúng.
Bài bình luận gần đây