You are here

Vĩnh biệt bác Phạm Quế Dương!

Ảnh của nguyenvubinh

     Bác Phạm Quế Dương, một trong những người thuộc thế hệ đi đầu trong phong trào dân chú, đã từ giã cõi đời hôm 21/02/2022 vừa qua. Bác thuộc thế hệ những trí thức dấn thân trong giai đoạn thức tỉnh (tôi tạm chia phong trào dân chủ thành 4 giai đoạn: Phục quốc, Thức tỉnh, Đấu tranh Chính trị, và Tổng hợp), nhưng là con người ưa hoạt động. Bác đã tham gia vào việc bàn bạc và thành lập Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng (viết tắt là Hội Chống tham nhũng). Trong thời gian ngắn ngủi gần hai năm hoạt động trước khi bị bắt, tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc với bác Quế Dương khá nhiều. Thời gian sau này khi tôi ra tù, bác Quế Dương cũng đã già yếu, các bác cùng trang lứa cũng già yếu và không còn hoạt động tích cực như trước nữa.

     Điểm nổi bật của bác Quế Dương trong giao tiếp và hoạt động, đó là Bác rất hiền lành, nhẹ nhàng nhưng trong hoạt động thì ngược lại, rất mạnh mẽ. Tôi nhớ là khi mới rời khỏi Tạp chí Cộng sản một thời gian ngắn, người đầu tiên tôi tới thăm, vấn an là cụ Hoàng Minh Chính. Sau đó là tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang. Khi tôi tới thăm tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, tôi có cầm theo các tài liệu của mình (Đơn xin lập đảng Tự do - Dân chủ, bài viết “Việt Nam và con đường phục hưng đất nước”) để nhờ tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang chuyển ra nước ngoài, vì khi đó tôi chưa quen biết người Việt hải ngoại. Nhưng không hiểu lý do gì, tôi không nhận được liên lạc nào từ bên ngoài, đồng nghĩa với việc tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang chưa chuyển tài liệu. Rồi một hôm tôi được một chú dẫn tới nhà bác Quế Dương, bác rất vui vẻ đón tiếp tôi, tôi ngỏ ý nhờ bác Quế Dương chuyển các tài liệu của mình, bác đồng ý ngay. Vậy là chỉ sau khi tôi chuyển tài liệu cho bác Quế Dương mấy tiếng đồng hồ, đã có người ở hải ngoại liên lạc và hỏi thăm tôi.

     Kỷ niệm đáng nhớ nhất với bác Quế Dương, đó là thời gian bàn bạc với cụ Hoàng Minh Chính, bác Quế Dương, chú Trần Khuê và một số chú bác nữa trong việc thành lập Hội Chống tham nhũng. Có thể nói, việc nhận lời đứng đầu Hội Chống tham nhũng của bác Quế Dương (sau khi cụ Hoàng Minh Chính phân tích việc Cụ cần đứng đằng sau Hội sẽ phù hợp hơn), cùng với việc bác Quế Dương tự nguyện dành căn phòng của gia đình Bác ở tầng một quay mặt ra sân khu tập thể 37 Lý Nam Đế làm văn phòng của Hội Chống tham nhũng đã cho thấy sự nhiệt tình và tinh thần mạnh mẽ của bác Quế Dương. Ngay sau đó, hai bác cháu đưa nhau đi làm một số công việc phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của Hội. Một chi tiết tôi chưa viết trong các bài trước về việc thành lập Hội Chống tham nhũng, đó là hai bác cháu đã đưa nhau đi đặt con dấu của Hội. Tiếc là mọi công việc đang tiến hành thì đã bị công an bắt giữ và phá đám.

     Sau này tôi có tới thăm bác Quế Dương mấy lần, sức khỏe của Bác tốt nhưng bác hơi bị lẫn nhẹ. Nhìn thấy tôi bác lại gọi tên người khác nhưng sau xưng tên thì bác vẫn nhớ ra. Rất tiếc là khi bác Quế Dương mất, do không có sự liên lạc thường xuyên nên tôi biết quá muộn, không tới viếng tang lễ của Bác được.

     Thông tin về tang lễ cũng như ứng xử của nhà cầm quyền về tang lễ của bác Quế Dương rất mâu thuẫn, khó hiểu. Một mặt, báo Quân đội Nhân dân vẫn dành những lời lẽ trang trọng thông tin về việc từ trần và tang lễ của đại tá Phạm Quế Dương, nhưng mặt khác lại thực hiện những hành vi rất đáng trách dành cho một Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam. Một chị cựu nhà báo có nhắn tin cho tôi nói rằng, chị qua thắp hương cho bác Quế Dương, nghe bác gái kể: “làm đám tang ở quê nhà Thường Tín trong phạm vi gia đình. Công an đến tận nhà truy hỏi xem tang lễ thế nào, danh sách những người đến đưa đám... rồi 2 hàng người lạ mặc thường phục đứng hai bên lối vào nghĩa trang…”

     Xin được dùng bài viết về kỷ niệm với bác Quế Dương như một nén tâm nhang tiễn Bác. Bác Quế Dương chắc chắn đã gặp được những chiến hữu chí nghĩa, chí tình trong hoạt động đòi tự do, dân chủ cho người dân và đất nước Việt Nam./.

Hà Nội, ngày 03/3/2022

N.V.B