You are here

43 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung. Liệu nhà cầm quyền VN đã thấm thía những bài học của lịch sử?

Ảnh của songchi

Song Chi.

17.2.1979-17.2.2022-43 năm sau cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, báo chí truyền thông chính thống VN vẫn tiếp tục lặng im không nhắc nhở gì đến ngày này. Sách giáo khoa ở bậc trung học cho đến tận bây giờ cũng chỉ đề cập đến cuộc chiến 1979 rất ngắn ngủi, sơ sài. Trái ngược hoàn toàn với việc tưng bừng tổ chức tưởng niệm, ăn mừng chiến thắng hàng năm đối với các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và VNCH, đây là cuộc chiến mà đảng và nhà nước cộng sản VN “kiệm lời” nhất, có thái độ đớn hèn nhất đối với phe bên kia. Họ đường như chỉ muốn quên đi và muốn nhân dân cũng quên đi. Nhưng khổ nỗi thời đại internet không phải dễ mà tẩy xóa những trang sử đã qua.

Báo chí bên ngoài và trên mạng xã hội đã có cách để giữ lửa, giữ ký ức cho người Việt. Và từ những thông tin, hình ảnh, bài viết nghiên cứu của các nhà bình luận, học giả VN và quốc tế, ngay cả trên báo chí chính thống thi thoảng cũng có, bất cứ ai muốn tìm hiểu đã có thể có được bức tranh, dù chưa hoàn toàn đầy đủ, về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979. Về mục đích của Đặng Tiểu Bình khi quyết định đưa quân tấn công VN, các nguyên nhân trên bề mặt cũng như những nguyên nhân sâu xa phía sau trong mối quan hệ phức tạp giữa Liên Xô-Trung Quốc-Việt Nam-Campuchia suốt một thời gian dài trước khi chiến tranh thực sự nổ ra, mức độ khốc liệt của cuộc chiến thể hiện qua con số thương vong của cả hai bên dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi 27 ngày, sự thâm độc của những người lãnh đạo Bắc Kinh và sự tàn ác, man rợ của binh lính Trung Quốc khi chủ trương giết sạch mọi người dân VN chúng bắt gặp, phá sạch, mọi cơ sở hạ tầng, cột điện, nhà cửa, cầu cống, trang trại, lợn gà cho tới tải sản của người dân tại những nơi chúng chiếm được, nhằm gây thiệt hại lâu dài về kinh tế cho phía VN…

Cuộc chiến ấy, đối với người dân Việt Nam, không bao giờ có thể quên được.

Chiến tranh nào cũng để lại những bài học đắt giá. Cuộc chiến biên giới Việt-Trung cũng vậy. Đó là bài học rằng không có một thứ tình hữu nghị nào cao hơn lợi ích của quốc gia, rằng mọi mối quan hệ bạn hay thù, đồng minh hay đồng chí đều có thể thay đổi theo thời gian, nhưng quyền lợi của quốc gia, dân tộc thì phải cương quyết đặt lên trên hết và không thể nhân nhượng. Một điều chua chát là những mâu thuẫn gay gắt, kể cả chiến tranh đẫm máu chỉ có giữa các nước cộng sản anh em đồng chí như Liên Xô, Trung Quốc, VN, Campuchia… Và ngay cả khi đã ký kết Hiệp ước đồng minh như giữa VN-Liên Xô, thì khi Trung Quốc tấn công VN, Liên Xô cũng chỉ viện trợ vũ khí, lập cầu hàng không giúp chuyển quân chủ lực của VN từ biên giới Tây Nam lên mặt trận phía Bắc chứ cũng không tham chiến, cho thấy thực chất các mối quan hệ đồng minh của các nước cộng sản cũng không có giá trị gì nhiều.

Bài học thứ hai đó là đừng bao giờ để cho nước mình bị cuốn vào các mối xung đột giữa các cường quốc, lúc đó là giữa Liên Xô và Trung Quốc. Bài học thứ ba là muốn sống yên ổn bên cạnh một nước lớn lại đầy tham vọng bành trướng bá quyền như Trung Quốc thì phải xây dựng đất nước giàu mạnh bằng chính nội lực của mình để không sợ bị bắt nạt, bị tấn công. Như câu tục ngữ tiếng Latin "Si vis pacem, para bellum" ("Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh"). Điều này chính phủ và người dân Đài Loan đã thực hành tốt hơn ai hết, khi hòn đảo nhỏ bé này suốt bao nhiêu năm qua luôn phải đối phó với âm mưu xâm chiếm và sức ép về mọi mặt từ phía Trung Quốc, trong một vị thế chính trị yếu hơn VN rất nhiều, nhưng Đài Loan đã tích cực mua vũ khí, xây dựng quốc phòng, xây dựng đất nước cường thịnh cũng như ngày càng có quan hệ tốt với thế giới, và nếu như Trung Quốc tấn công, chắc chắn Đài Loan sẽ không cô đơn. Còn VN?

Mặt khác, những bài học từ cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 càng có dư vị chua chát hơn, bởi nó là sự sai lầm của đảng cộng sản chứ không phải của nhân dân VN. Người VN chưa bao giờ thực sự có lòng tin vào nhà cầm quyền Trung Quốc, ngược lại, có lẽ không có một dân tộc nào hiểu rõ bản chất cũng như những mưu sâu và tham vọng bành trướng bá quyền từ xưa tới nay của Trung Quốc cho bằng dân tộc VN. Vì dân tộc chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm xương máu từ trong lịch sừ hàng ngàn năm vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc vừa học cách sống bên cạnh Trung Quốc.

Chỉ từ khi đảng cộng sản VN ra đời, thì vận mệnh của VN bắt đầu trở nên rủi ro do mối quan hệ thăng trầm, bất xứng giữa hai đảng. Suốt một thời gian rất dài, đảng và nhà nước cộng sản VN đã tự cột mình vào cái chủ nghĩa cộng sản, tình hữu nghị quốc tế vô sản, cái ảo tưởng về sự tương đồng ý thức hệ, nên đã mê muội không nhìn thấy bộ mặt thật của Trung Quốc. Song đáng nói hơn là ngay cả sau khi đã trải qua cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu giữa hai bên, mà trên thực tế thì những cuộc xung đột vũ trang tại biên giới hai nước vẫn còn tiếp diễn hơn 10 năm nữa, VN chịu thiệt hại về mọi mặt, bị mất thêm một phần quần đảo Trường Sa vào năm 1988, nhưng sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu bị sụp đổ thì những người lãnh đạo đảng cộng sản VN khi ấy vì quá hoảng loạn, lại quay đầu hèn hạ xin bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong thế yếu, để lại bắt đầu một quá trình lệ thuộc nặng nề hơn, trong một mối quan hệ càng bất bình đẳng và nguy hiểm hơn.

Nhìn lại cuộc chiến biên giới 1979, tương quan lực lượng giữa hai bên khi ấy và bây giờ sau 43 năm, chúng ta thấy gì?

Công bằng mà nói, cuộc chiến năm 1979 nếu có kéo dài hơn nữa thì Trung Quốc cũng chưa chắc đã thắng được VN mà chỉ sa lầy. Bởi lúc đó VN là một quân đội thiện chiến, đầy kinh nghiệm, vừa ra khỏi 2 cuộc chiến tranh lớn với Pháp và Mỹ, vũ khí quân trang tiên tiến phần do Nga cung cấp, phần do Mỹ bỏ lại ở MN còn khá nhiều, trong khi quân đội Trung Quốc thì bao nhiêu năm không đánh trận, thiếu kinh nghiệm, vũ khí lạc hậu…(Chưa kể nếu kéo dài thì Trung Quốc sẽ phải hứng chịu sự chỉ trích và có thể là cả những biện pháp cấm vận kinh tế của thế giới vì là một nước lớn gây chiến với một nước nhỏ yếu hơn). Nhưng cũng từ cuộc chiến với VN, phía Trung Quốc đã tích cực đổ tiền vào quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân, đồng thời đã xậy dựng các quần đảo Hoàng Sa, một số đảo nhân tạo trở thành những căn cứ quân sự trên biển Đông, đường xá giữa hai bên thì được xây dựng dễ dàng tiến thẳng vào VN, Trung Quốc cũng xây dựng căn cứ quân sự và hải quân ở Campuchia. Có nghĩa là sau hơn 40 năm, tương quan lực lượng mọi mặt giữa hai bên đã khác hẳn. VN bây giờ bị Trung Quốc kẹp từ trên bở, từ bên hông Campuchia cho tới ngoài biển Đông. Nếu bây giờ lại có một cuộc chiến xảy ra, câu hỏi không còn là ai thắng mà là VN sẽ trụ được bao lâu?

Không chỉ có thế, trong những năm qua chủ yếu do tham lam và nghĩ ngắn nên nhà cầm quyền VN đã để cho Trung Quốc đầu tư rất nhiều công trình thực tế là có hại cho VN như các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lạc hậu, các dự án thuê đất trồng rừng ở những nơi hiểm yếu, những công trình lỗ lã, để lại những món nợ khổng lồ hoặc phá hoại lâu dài về môi trường như vụ bauxite Tây Nguyên, cụm công nghiệp Formosa…Chưa kể những dự án ở những nơi hiểm yếu về mặt an ninh, quốc phòng. Không khác gì tự rước hổ vào nhà.

Một điều có thể gọi là may mắn cho VN, đó là từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì họ Tập, quá tự mãn trước sự phát triển, thay đổi nhanh chóng về mọi mặt của Trung Quốc sau hơn ba thập niên mở cửa, đã từ bỏ chính sách “thao quang dưỡng hối” tức “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình và đảng công sản Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hiếu chiến, ngày càng lộ rõ tham vọng muốn vượt qua Mỹ, áp đặt trật tự mới trên thế giới theo luật chơi của Trung Quốc. Mặt khác, đảng cộng sản Trung Quốc cũng công khai cho thấy họ sẽ không đi theo mô hình của phương Tây, sẽ không dân chủ hóa như mong muốn của phương Tây mà sẽ kiên định với con đường riêng, nghĩa là vẫn độc tài độc đảng, nhưng giàu mạnh về kinh tế. Hoa Kỳ và các nước phương Tây do vậy không còn chút lầm tưởng nào về Trung Quốc, trái lại, ngày càng nhận ra Trung Quốc đã trở thành sự thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ và là mối đe dọa lớn nhất đối với sự bình yên, ổn định của thế giới nói chung. Trong vài năm gần đây, Hoa Kỳ và các đồng minh từ Âu sang Á đã có những bước đi để đối phó với Trung Quốc, trên thế giới hai phe đã lại được phân chia rõ ràng, lần này là giữa khối dân chủ đứng đầu là Hoa Kỳ và các nước đồng minh, với khối độc tài đứng đầu là Trung Cộng, Nga.

Trước tình thế đó, VN một lần nữa lại trở nên quan trọng vì vị trí địa-chính trị của mình, Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ ở châu Âu cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã gia tăng giúp đỡ VN về mặt kinh tế, quân sự cũng như có những nhân nhượng, bỏ qua hồ sơ nhân quyền tệ hại của nhà cầm quyền VN vì không muốn đẩy VN về phía Trung Quốc, và Trung Quốc ngược lại cũng không quá công khai lấn lướt VN. Nhưng thay vì tận dụng những lợi thế đó để tự mình chuyển đổi theo hướng dân chủ hóa, tích cực thoát khỏi vòng kìm tỏa của Trung Quốc, tiến tới xây dựng những mối quan hệ liên minh, đồng minh chiến lược với các cường quốc dân chủ cũng như tích cực xây dựng nước giàu dân mạnh, thì VN trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục lửng lơ, ù lì với chính sách quốc phòng 3 không, rồi 4 không, tiếp tục đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc để thủ lợi về kinh tế đồng thời dựa vào Trung Quốc để giữ chặt quyền lực.

Lòng dân bao năm nay thì đã rõ, nhưng không biết cho đến tận bây giờ những bài học cay đắng từ cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 và những thiệt thòi, nguy hiểm trong mối quan hệ với Bắc Kinh, liệu đảng và nhà nước VN đã thấm thía? Liệu VN có dứt khoát cho một lựa chọn đúng hay lại tiếp tục chọn lầm đồng minh, chọn sai đường đi? Và đừng quên rằng một chế độ nào cũng vậy, khi đi ngược với lòng dân, đi ngược với lợi ích của đất nước thì đều không thể tồn tại lâu dài.

Những ngày này, nhìn sang đất nước Ukraine đang phập phồng từng ngày trước những mối đe dọa tấn công từ nước láng giềng lớn mạnh hơn nhiều là Nga, trong lúc Bắc Kinh thì chăm chú theo dõi bàn cờ giữa Putin với Hoa Kỳ và các nước đồng minh NATO trong ván cờ Ukraine để tính toán thế cờ cho mình với Đài Loan, hay biển Đông sau này, không hiểu những người lãnh đạo VN có biết lo để chuẩn bị đường dài?