You are here

Báo Chí xuống cấp đến hạ cấp, Bí Thư thấy chứng nhưng liệu có thấy căn?

Ảnh của Gió Bấc

Trong cuộc buổi gặp gỡ đầu năm 2022 với giới báo chí ông Nguyễn Văn Nên

Bí thư Thành ủy TP HCM đặt ra yêu cầu báo chí phải có tính độc lập, nghĩa là đối kháng với 4 đặc điểm: bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại và đổ lỗi.(1)

Nhiều người băn khoăn không biết ông nói chơi hay nói thật mặc dù ai cũng thấy rằng ông Nên nói đúng căn bệnh trầm kha của nền báo chí xã nghĩa.

Không phải bỗng dưng ông Nên nói đúng bệnh mà người ta phải băn khoăn. Kinh nghiệm hơn nữa thế kỷ sống ở xứ thiên đàng người ta quá hiểu và buộc phải hiểu rằng lãnh đạo đảng và nhà nước quá tin, quá thương dân nên chưa bao giờ nói thật với dân. Không phải là những chuyện xa xôi, không phải chuyện mơ hồ, không phải chuyện khách quan mà chính những quyết sách chính trị, những biện pháp quản lý trong sinh hoạt đời sống đảng luôn dành cho dân những bí mật bất ngờ từ chết tới bị thương.

Trong ba lần đổi tiền thời bao cấp, lần nào đảng, nhà nước cũng hùng hồn tuyên bố không đổi tiền, nói đổi tiền là xuyên tạc, kích động, phản động….

Chỉ qua mấy tháng cao điểm dịch bệnh bao nhiêu lần đảng nhà nước tuyên bố không phong thành, không thiết quân luật, … nhưng sau đó là bắc quân nhập thành đi chợ cho dân, là kẽm gai lô cốt, là trạm chốt ngăn đường. Từ Thủ Tướng đến cấp tổ trưởng dân phố tuyên thệ rầm rầm không để xảy ra tiêu cực, không ai bị bỏ lại phía sau. Ấy vậy mà hàng triệu người phải cuống cuồng bỏ chạy về quê vì thiếu đói. Báo chí ngoan ngoãn lên đồng răm rắp tung hô lời vàng ý ngọc của lãnh đạo. Xét nghiệm đại trà, xét nghiệm thần tốc,, … được ca ngợi cao ngút tận trời xanh như phép màu tay không chống dịch. Khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến như thiên đường cho người bệnh và không bệnh. Dân chạy giặc đói, giặc chết bị gọi là “về quê tự phát”, dân phá rào khu cách ly tìm phương sống sót bị gọi là gây rối trật tự, người trốn ngoáy mũi bị bêu riếu là ý thức kém, không chấp hành.

Những lời than vãn, những ý kiến phản biện lập tức bị chụp cho cái nón lợi dụng quyền tự do dân chủ, kích động chống đối âm mưu lật đổ chính quyền. Công an tống giam, tòa án phạt tù, báo chí bêu riếu, chì chết. Nạn nhân bị biến thành tội nhân. Sức đề kháng của xã hội bị tiêu diệt từ trong trứng nước độc hiểm hơn cả virus HIV.

Bốn yếu tố “bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại và đổ lỗi” là có thật nhưng chỉ là biểu hiện, là bệnh chứng chứ chưa phải căn nguyên. 800 tờ báo đã bầy đàn theo sự chăn dắt của Ban Tuyên Giáo. Sự chăn dắt kỹ lưỡng từ chế độ họp báo hàng tuần để đánh giá hoạt động và chỉ đạo định hướng đến những tin nhắn cụ thể việc sử dụng từ ngữ nhất là trong các sự kiện có liên quan đến bạn vàng. Cụ thể như trong sự kiện Cảnh Sát Biển Việt Nam đối đầu với Hải Cảnh Trung Công trong lần tàu thăm dò Hải Dương xâm nhập thềm lục địa Việt Nam, 10 giờ đêm có tin nhắn không được sử dụng từ “đấu vòi rồng”. Nhiều tờ báo đã lên bàn in phải tháo ra đục chữ.

Báo chí khuôn mẫu theo định hướng của trên, từ mẫu số chung lớn nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm, Chủ Nghĩa Marx Lenin bách chiến bách thắng. Chủ trương của Đảng, Nhà Nước luôn luôn đúng, ngay cả chủ trương thần tốc xét nghiệm để lừa người có bệnh, nghĩ có bệnh và không có bệnh vào nhốt chung một rọ không thuốc men và cũng không biết phải làm gì! Vào tháng 6, dịch bắt đầu lan rộng sau những đợt tập trung hàng triệu người trong cả nước mừng ngày toàn thắng 30-4, ngày hội non sông bầu người do đảng cử, báo chí rập khuông tung hê dự báo khoa học “tháng 7 hết dịch”

Báo chí ỷ lại là chứng bệnh quái lạ với thế giới nói chung nhưng rất đặc trưng với báo chí cách mạng. Cạnh tranh thông tin, thông tin độc quyền là sức mạnh sống còn của nghề báo, sản phẩm báo chí vì đâu khách hàng nào muốn ăn cơm nguội. Thế nhưng với báo chí cách mạng những thông tin độc lập, những ý kiến phản biên trái chiều bị xem là sai định hướng là kém phẩm chất chính trị. Báo Sài Gòn Tiếp Thị sang trọng, trang nhã một thời bị thanh tra, Tổng Biên Tập Tâm Chánh bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng cuối cùng cho thôi chức, tờ báo bị “thu hồi giấy phép” vì cái tội không chịu thông tin thị trường thu quảng cáo kiếm tiền mà thông tin lính Trung Quốc bắn vào tàu cá ngư dân tránh bão, bày đặt đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà cho đồng bào nghèo biên giới phía Bắc…

Ngược lại, nhiều tờ báo sai phạm bằng trời, giết chết nước mắm truyền thống đặc sản của Việt Nam hay đánh thuê chém mướn, có những nhà báo dựng lên thông tin giả bác sĩ rút ống thở của người thân để ưu tiên cho người bệnh  bị bắt quả tang nhưng vẫn an toàn, bình an nhờ giữ đúng lập trường.

Ngu sao không ỉ lại?

Có người nói vui, tranh luận, khiếu kiện với báo chí Việt Nam giống như đứng dưới đất ngửa mặt phun nước bọt vào mặt người đứng trên lầu. Chỉ lãnh đủ. Căn bệnh này không riêng báo chí mà là bệnh chung nhà sản. Tất cả đều do anh đánh máy. 50 năm trước nhà thơ Việt Phương đã biết “thất mùa là bởi thiên tai”

Bốn chứng bệnh này đã làm báo chí cách mạng trở thành một thứ ống cống, một ca sĩ hát nhép theo giọng ca, lời ca, bài ca của cấp trên. Điều vui nhộn là chính trong cuộc họp mà ông Nên đã thẳng mực tàu không sợ đau lòng gổ thì chính báo chí đã phát biểu xin cho được bệnh thêm, xin cho nhiều rác rưởi để thông qua cống, xin nhiều bản ghi để tôi được nhép.

Báo Người Lao Động đã tường thuật mở đầu phần phát biểu chia sẻ, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP Mai Ngọc Phước cho rằng “công tác truyền thông phải chủ động. Thực tế trong thời gian chống dịch vừa qua, khi thành phố chủ động cung cấp thông tin bằng hình thức họp báo, chương trình "Dân hỏi – Thành phố trả lời" đã giúp cơ quan báo chí chuyển tải thông tin đến người dân kịp thời, chính xác; giúp người dân tin tưởng vào chính quyền, vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

Do đó, trong thời gian tới, TP HCM cần phát huy điều này, thông tin chủ động, đi trước một bước. Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP còn đề nghị lãnh đạo TP HCM chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện chủ động cung cấp thông tin cho báo chí”.

Đã qua đỉnh cao đại dịch, chính Bí Thư Nên nhẹ nhàng thừa nhận những chính sách chống dịch là sai, chính chủ tich Phan Văn Mãi tự thú là đã thiết quân luật mà không thừa nhận. Công cuộc đưa tin giả, tin một chiều theo lệnh cấp trên vĩ đại đã góp phần đưa tiễn ba vạn dân thành Hồ về gặp Bác, ông TBT này vẫn thấy chưa đủ, cần phải xin thêm. Làm sao tờ báo  còn có chỗ đăng tin tức, ý kiến của người dân. Nhìn vô tờ báo người ta biết tìm đâu ra chỗ nào đáng đọc? Thông tin báo đăng loa phường đã phát cả rồi. Có lẽ chính vì vậy mà tờ báo từng có số lượng phát hành trên 100.000 bản này hầu như không tìm thấy trên sạp báo.

Thế nhưng, ngoài tứ chứng nan y mà ông Nên đã nêu, báo chí thành Hồ còn sinh thêm nhiều căn bệnh mới tệ hại mà bản thân nó vốn từng dị ứng. Phải công nhận rằng với truyền thống lâu dài từ thời Gia Định báo, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn đến Đuốc Nhà Nam, Điện Tín, Tin Sáng… trước 1975, báo chí Sài Gòn là một sản phẩm văn hóa đích thực đồng hành và dẫn dắt xã hội. Sau 1975, đội ngũ báo chí Sài Gòn cùng với các cây bút sinh viên tranh đấu và giới trí thức cả nước quy tụ về. Sài Gòn từng có thời hoàng kim. Giới lãnh đạo báo chí thời ấy như Trần Bạch Đằng, Dương Đình Thảo, và cả đến ông công an làm Tuyên Giáo là Trần Văn Tạo dù có giáo điều vẫn dành cho báo chí không gian tự do để tác nghiệp. Báo chí thời ấy vẫn là công cụ tuyên truyền nhưng có sự độc lập nhất định, mỗi tờ báo có những cá tính, đặc sản riêng đem đem đến cho người đọc thông tin bổ ích, cần thiết và phần nào đó nói được những bức xúc của người dân. Nhiều tên tuổi Tổng Biên Tập như Tô Hòa, Tống Văn Công, Võ Như Lanh, Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Nam Đồng, Minh Hiền từng được công chúng mến mộ, kính trọng vì đã tạo lập được sức sống và quan trọng là sự chính trực của tờ báo. Họ không xin thông tin từ đảng, nhà nước mà chủ động điều tra từ khiếu nại của nhân, chủ động thông tin dù biết rằng sẽ phải trả giá bằng sinh mạng chính trị của mình. Thật sự nhiều người đã phải trả giá, đã bị cho thôi chức ngay trong lúc đỉnh cao nghề nghiệp Tống Văn Công, Tô Hòa, Vũ Kim Hạnh, Nguyện Thế Thanh, Nguyễn Minh Hiền….

Thậm chí với Tổng Biên Tập Tô Hòa đã được cho thôi việc nhưng còn trực số báo cuối cùng đã cho đăng lá thư từ giả bạn đọc với ước vọng cuộc chiến đấu chống tiêu cực vẫn còn tiếp diễn.

Thời ấy có những câu nói vui nhưng rất thật “nhà báo, nhà giáo cộng lại bằng nhà nghèo” “ba nhà báo lớn cộng lại không bằng sạp báo nhỏ” Nhà báo thời ấy nghèo nhưng tự trào và tự hào về phẩm giá con người và thiên chức nghề nghiệp của mình.  

Nhà báo viết bài đánh thuê chém mướn, quảng cáo trá hình, viết sai sự thật sẽ không có chỗ đứng trên báo chí Sài Gòn. Dù là tài hoa, chỉ một lần lầm lỡ nhà báo dựng lên tỉ phú nhân ái tên Bìm phải ra đi tìm đất khác. Những sai phạm nghiệp vụ liên quan đến tính trung thực của nhà báo sẽ bị xử lý nặng nề. Một cố nhà báo vốn là cây bút ăn khách giúp báo Pháp Luật TP. HCM tăng số lượng hàng ngàn số mỗi kỳ cũng phải rời đi chỉ vì trông cây cà hóa ra cây ớt và vẽ rắn thêm chân.

Tất cả những quy tắc vàng, những giá trị đạo đức báo chí bây giờ chỉ là muỗi. Nhà báo từng được nêu tên trong kết luận điều tra của vụ án tống tiền doanh nghiệp nhờ bưng bô cho Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn trong bữa tiệc ăn hải sản Vũng Án được đồng nghiệp bêu riếu là Năm Mực đã thăng tiến lên Phó Tổng Biên Tập. Hầu hết các Tổng Biên Tập báo hiện nay đều từ  Công An. đoàn thể chính trị cử sang. Báo chí sỗ sàng nịnh bợ từ quan chức đến doanh nghiệp với những hình ảnh thật ấn tượng: “học dưới đèn đom đóm”. “học trò già thăm cô giáo cũ”, “chiếc áo đẩm mồ hôi”. Vượng Vin, Quyết FLC….  chiếm biết bao đất vàng đất bạc, phá biết bao tài nguyên quốc gia nhưng trên báo chỉ toàn những lời vàng ngọc.

Không chỉ nịnh thối, báo chí còn nhận tiền nhiều tỉ đồng để tạo dư luận giết chết nghề nước tương, nước mắm truyền thống để nhà sản xuất nước chấm bằng hóa chất độc chiếm thị trường. Báo chí điều tra hành vi nhập hàng Trung quốc đổi nhãn mác sản xuất tại Việt Nam để ra giá ký hợp đồng giải cứu hàng chục ti đồng.

Từ nịnh đảng, nói dối theo đảng để bú bầu sữa ngân sách, để thăng quan tiến chức, báo chí thành Hồ và cả nước đã chuyển sang dối dân, nịnh doanh nghiệp để thu quén trục lợi. Theo chân lý của Năm Cam, họ đã bán thiên chức nghề nghiệp bằng nhiều và rất nhiều tiền. Điển hình lộ liễu nhất là trang bìa báo xuân Pháp Luật TP.HCM năm nay. Tờ báo đã bán mình, bán niềm tin bạn đọc cho người đàn bà nạ dòng định đám với cuộc ly hôn tranh giành tài sản.quyết liệt đến bất cận nhân tình. Thê thảm hơn, không chỉ bán sỉ báo còn bán lẻ theo thế đính kèm một chị ba anh trên cùng trang bìa báo, trong đó có anh Quyết còi bán chui chứng khoán đang bị pháp luật xem xét.

Sự suy đồi xuống cấp của báo chí đã đến mức trở thành hạ cấp. Thiên chức cao quý của đệ tứ quyền đã bị bán mua bẩn thỉu. Căn nguyên của nó nằm ở đâu thưa ông Nguyễn Văn Nên? Nếu không nhìn thấy, nếu không chỉ ra được căn nguyên ấy thì yêu cầu “đối kháng với 4 đặc điểm: bầy đàn, khuôn mẫu, ỷ lại và đổ lỗi.” của ông cũng vô nghĩa giống như gom F1, F0 vào các khu cách ly rồi chẳng biết làm gì.

Điều đáng tiếc là không ít những nhà báo lừng lẫy một thời, tâm huyết một thời, nghiêm cẩn một thời giở trùm chăn trước sự suy đồi của hậu thế. Lẽ nào những trí tuệ, nhân cách ấy lại chỉ vì chút bả vinh hoa mà thỏa hiệp bán đứng cả quá khứ vàng son của chính mình?

 

 

1-https://nld.com.vn/chinh-tri/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-dat-ra-4-yeu-cau-voi-bao-chi-thanh-pho-2022011915235886.htm