Ngày 17 tháng Giêng năm 2022, báo Tuổi Trẻ đưa tin [1]: Hội thảo quốc gia lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức với chủ đề: "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Bản tin cho biết, có cả ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước và ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội đều đến dự và có ý kiến chỉ đạo. Điều này chứng tỏ Bộ Chính trị vô cùng quan tâm vấn đề luật pháp.
Luật pháp lạ lùng (!)
Trải qua hơn 16 năm, kể từ năm 2005, ngày ban hành nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về [2] chiến lược cải cách tư pháp, gần như hệ thống luật pháp và mô hình tổ chức tư pháp - hành pháp - lập pháp của nhà cầm quyền CSVN không có gì thay đổi. Nếu có, hoàn toàn chỉ là hình thức với bản chất vẹn nguyên độc tài toàn trị.
Bộ Luật Hình Sự (2015) được soạn thảo và thông qua vội vã, khiến phải chỉnh sửa rất nhiều và hoãn lại cho đến 2017 mới chánh thức đưa vào sử dụng. Đi chung với bộ luật quan trọng này là Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự với hàng trăm điều luật, ngỡ được soạn thảo công phu và áp dụng văn minh nhưng thực tế đã chống lại hoàn toàn.
Vụ án Tịnh Thất Bồng Lai đang được dư luận chú ý đặc biệt, với 4 người bị khởi tố tội danh "Lợi dụng tự do dân chủ..." theo điều 331 BLHS. Phát ngôn khiến người ta sững sờ về chuyên môn của đại tá - Phó giám đốc Công An tỉnh Long An - Văn Công Minh [3]: "Chúng tôi đang điều tra, phối hợp cùng Viện kiểm sát, Tòa án để thống nhất và đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra chỉ mang yếu tố chủ quan, cần thống nhất các tội danh với Tòa án, Viện kiểm sát". Điều tra, truy tố và kết án mà "làm ăn" như vầy thì có gì lạ, khi oan án xảy ra liên tục (!)
Trước đó, dư luận xã hội, từ trạng thái bàng hoàng chuyển sang phẫn nộ tột độ, khi đồng loạt nhiều trang báo loan tin "loạn luân" từ một ông già đã tròm trèm 90 tuổi - Lê Tùng Vân - gây ra. Những ai không đủ bình tĩnh, thì từ bán tín bán nghi, rồi dần dần chuyển qua phẫn nộ và không tiếc lời nguyền rủa ông già 90 tuổi, vốn chưa hề bị khởi tố và chưa hề bị kết án chính thức về cái tội đáng nguyền rủa như vậy.
Trong khi đó, giới báo chí quốc doanh tỏ ra nhanh nhảu với việc "kết án thay" cho tòa án, bằng nhiều cách đặt tựa nhưng đều có chữ "loạn luân". Đó là biểu hiện vô cùng hổ thẹn của một nhà nước mệnh danh pháp quyền (lại còn) XHCN. Người ta cảm thấy xót xa cho những đứa trẻ còn quá nhỏ, lại đang bị lôi xềnh xệch, từ trên facebook qua đến youtube và báo chí để bêu riếu, đến nỗi bà [4] Nguyễn Thị Nga - phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phải lên tiếng (mà chỉ dám) đề nghị người dân, không vì hiếu kỳ mà vi phạm pháp luật. Thử hỏi, vài tháng sau, khi vụ Tịnh Thất Bồng Lai được đưa ra tòa mà không có "tội loạn luân" thì những cá nhân nào, những tổ chức nào chịu trách nhiệm về tội vu khống (rất nặng nề về thanh danh và phẩm giá) cho ông Lê Tùng Vân và những người dân lương thiện đang sống trong Tịnh Thất Bồng Lai? Và ngay cả, giả sử có tội danh đó, thì điều nào của luật nào, cho phép báo giới quốc doanh "cầm đèn chạy trước ô tô" một cách lố lăng như vậy?
Trong một thông tin khác nhưng cũng xoay quanh vấn đề "thượng tôn pháp luật", báo Tuổi Trẻ ra ngày 14 tháng Giêng năm 2022, dẫn lời của Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, tỏ ra bực dọc về cấp dưới bị "cấp dưới nữa" tố cáo sàm sỡ. Ông Lê Minh Trí phàn nàn [5]: "Cán bộ hư hỏng như thế dù do ăn nhậu vào, có tí nghiệp vụ mà đòi đối phó với cả ngành". Phát ngôn của ông Trí, khiến người đọc phải đặt câu hỏi "Có tí nghiệp vụ là nghiệp vụ gì?"Cái "tí nghiệp vụ" đó thì liên quan gì đến việc ông Tạ Hoàng Phi - viện trưởng Viện KSND thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) - bị cấp dưới tố cáo sàm sỡ?
Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Lê Minh Trí - người đứng đầu ngành Kiểm Sát trên toàn cõi xứ thiên đàng XHCN (trích): "...lúc đầu ông Phi không thừa nhận mình sai nhưng sau khi viện trưởng tối cao yêu cầu chuyển hồ sơ sang cho Bộ Công an điều tra, giao Vụ 2 Viện KSND tối cao phối hợp điều tra thì ông Phi đã có đơn gửi gấp cho viện trưởng tối cao thừa nhận sai và xin lỗi..." (hết trích).
Thật đáng phì cười với lời của cả ông Trí và hành vi của ông Phi, vốn mang danh "con nhà luật" và lại là chuyên gia cao cấp về "luật", lại nói chuyện luật pháp mà cứ ngỡ như trong băng nhóm giang hồ, khi bang chủ buộc phải thị uy, trước một tên đàn em "làm hỗn" với phụ nữ, tựa như người ta coi thấy trong nhiều bộ phim xã hội đen Hong Kong (!). Hóa ra, đợi cho đến khi ông Viện trưởng VKSNDTC đem công an ra HÙ DỌA, lúc đó ông viện trưởng Viện KSND thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) mới chịu nhận sai và xin lỗi (!). Vậy ra, cái thứ gọi là "nhà nước pháp quyền XHCN" chỉ dùng để hù giữa các "đồng chí" với nhau thôi à? Hù mà sợ thì tha, bằng ngược lại, lúc đó sẽ... xử lý... nghiêm theo pháp luật? Ôi chao! Cái loại luật pháp gì mà lạ lùng! Trong khi vụ án Hồ Duy Hải bị cho là oan khuất - kéo dài hơn 14 năm qua - do chính ông Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm, tưởng đâu thổi bùng lên hy vọng dâng trào cho người thanh niên xấu số và cho cả xã hội, rồi bỗng nhiên lịm dần với thân phân mỏi mòn của một tử tù, suốt hơn 2 năm qua - từ khi ông Lê Minh Trí kháng nghị - trong nước mắt nuốt ngược vào lòng từ bà mẹ - Lê Thị Loan - đang trông ngóng từng ngày vô vọng.
Kết
Điểm qua hai vụ án nổi bật nói trên - một vụ mới tinh và một vụ cũ rích - để nói với nhà cầm quyền CSVN, trong bối cảnh "cải cách tư pháp" mấy điều:
- Quý vị - trước hết - hãy "cải cách" đầu óc soạn luật và thi hành luật pháp, bằng cách bỏ ngay một ý trong lời nói đầu của Hiến pháp, quy định: "Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội...", bởi không có bất kỳ một Hiến pháp nào của bất kỳ quốc gia nào, lại đi "thể chế hóa cương lĩnh" của đảng nào cả!
- Quý vị - thêm nữa - hãy "cải cách" cách soạn luật sao cho bảo đảm khoa học và tôn trọng Triết Học, chứ không phải soạn luật theo "tính đảng".
- Quý vị - tiếp tục - hãy "cải cách" cấu trúc quyền lực của lập pháp - hành pháp - tư pháp.
- Quý vị - sau cùng - hãy bỏ ngay khái niệm "luật pháp XHCN", "nhà nước pháp quyền XHCN" v.v... nói chung những gì có gắn chữ XHCN. Tại sao? Thưa rằng, nhà nước pháp quyền - luật pháp v.v... không liên quan gì đến Xã Hội Chủ Nghĩa hay Tư Bản Chủ Nghĩa, bởi lý do tồn tại duy nhứt của nhà nước - luật pháp là để phụng sự nhân dân và mưu cầu an hòa cho xã hội.
Bài bình luận gần đây