"Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành." (hết trích)
Theo báo Tuổi Trẻ tường thuật [2] lời trần tình từ Bên Bỏ Cuộc Tân Hoàng Minh (trích): "...trong quá trình tham gia đấu giá đã có rất nhiều nhà đầu tư trả giá cao đến 20.000 tỉ đồng rồi bỏ cuộc và chỉ còn lại một nhà đầu tư nước ngoài và Công ty Ngôi Sao Việt. Với mong muốn góp sức để TP.HCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch, Công ty Ngôi Sao Việt đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% (700 tỉ đồng) để giành quyền trúng đấu giá ô đất này nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM và xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp..." (hết trích)
Bên bỏ cuộc Tân Hoàng Minh trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng, còn "công ty nước ngoài" (nào đó) là 23.800 tỷ đồng. Số tiền đặt cọc là khoảng 588 tỷ đồng.
Giả sử, cộng số tiền cọc của Tân Hoàng Minh vào giá đấu của "công ty nước ngoài", tổng số tiền này cũng chưa đạt đúng như quy định tại khoản 1 điều 51 Luật Đấu Giá Tài Sản. Ngoài ra, cũng theo khoản 1 điều 51, "công ty nước ngoài" không buộc phải mua, khi Tân Hoàng Minh bỏ cuộc.
Như vậy, dưới góc độ luật pháp, cuộc đấu giá đã thất bại. Bên Bỏ Cuộc mất cọc theo quy định pháp luật. Câu chuyện hoàn toàn đã đủ điều kiện để chấm dứt và nhường lại cho cuộc đấu giá tiếp tục diễn ra (nếu có) cho lô đất 3 - 12 nói trên.
Điều gây ra sự nhạo báng, khiến dư luận cười cợt, đến từ cái gọi là "tâm thư", khi Bên Bỏ Cuộc gởi đến hầu hết những nhân vật cấp cao nhứt trong Bộ Chính Trị và Chính phủ. Nội dung "tâm thư" bày tỏ sự tiếc nuối, cùng với "tâm huyết" không trọn vẹn từ "lòng yêu nước nồng nàn" của Bên Bỏ Cuộc, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, như thể rất khổ tâm mà lìa bỏ một "tình yêu vĩ đại" (!).
Mảnh đất hơn 10.000 thước vuông, với giá khởi điểm gần 3.000 tỷ đồng, tương đương hơn 126 triệu USD - Đó là số tiền rất lớn. Ngoài số tiền lớn, cùng với vị trí đầy tiềm năng của Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh được biết là nhà đầu tư có tiếng tăm, có bề dày kinh nghiệm lăn lộn nhiều năm trong lãnh vực bất động sản, thiết nghĩ, sao có thể thiếu suy nghĩ thấu đáo đến mức bộp chộp, khi đưa giá đấu cao ngất ngưởng rồi vội vàng biến mình thành Bên Bỏ Cuộc nhanh chóng như vậy được nhỉ? Bên cạnh đó, sau khi trúng đấu giá, ông Đỗ Anh Dũng đã bày tỏ khao khát [3] "muốn nước ngoài mua đất Việt Nam với giá như Tokyo, New York" (!), càng khiến dư luận không ngớt chê bai và tỏ ra hoài nghi rất có căn cứ, với những kế hoạch "tiền và hậu đấu giá" từ nhà kinh doanh lão luyện Đỗ Anh Dũng, cùng tập đoàn Bên Bỏ Cuộc - Tân Hoàng Minh?
Bên Bỏ Cuộc, với CEO Đỗ Anh Dũng [4] - theo thông tin chính thức cho hay - năm nay 61 tuổi, sinh trưởng tại Hà Nội, có ba người con đều du học tại nước ngoài, thành đạt và về Việt Nam làm việc trong tập đoàn của cha. Chỉ ra chi tiết này, không phải moi móc đời tư cá nhân mà chính chi tiết này, càng khẳng định, vây quanh ông Dũng toàn là dân kinh doanh chuyên nghiệp, giúp việc đắc lực và tận tâm. Cho nên, thật khó nghĩ ông Dũng quá bộp chộp - cho việc đấu giá - với số tiền khổng lồ đến mức không tưởng như vậy.
Một nhà kinh doanh luôn phải biết "trân trọng từng đồng vốn", như đương kim Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã hứa với WB [5] trong tư cách Bộ trưởng Bộ Tài Chính vào năm 2018. Lẽ nào CEO Bên Bỏ Cuộc không tiếc đứt ruột số tiền gần 600 tỷ đồng? Tại sao ông Đỗ Anh Dũng có thể ném qua cửa sổ hơn 25 triệu USD, chỉ vì nông nổi "yêu TP.HCM" phút chốc, rồi lỡ làng duyên phận vậy sao?! Làm sao có thể hình dung ra, một nhà kinh doanh bất động sản lão luyện, với quyết định hấp tấp, đành chấp nhận mất ngay hàng trăm tỷ đồng như thế?!
Dư luận trong và ngoài giới kinh doanh, đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nào, khiến cho Tân Hoàng Minh chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng, hơn là đặt niềm tin vào Bên Bỏ Cuộc, vốn gây ra bởi "một phút nông nổi" với "lòng tự tôn dân tộc", tựa như quyết tâm không để "công ty nước ngoài" sở hữu mảnh đất đó? Bởi, theo quy định tại khoản 1 điều 51 nói trên, "công ty nước ngoài" cũng không có quyền mua, do luật đã quy định. "Công ty nước ngoài" là công ty nào? - Đó cũng là một câu hỏi cần và nên đặt ra, trong cuộc đấu giá gây sửng sốt, với những hệ lụy không lường hết được, từ Luật Đấu Giá Tài Sản được soạn thảo khá sơ sài và bất cẩn, đối với những tài sản rất giá trị và ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia!
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cảnh cáo từ lâu [7] "Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước". Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính, vào tháng Chín năm 2021 đã dạy "Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ" [8] khi các doanh nghiệp nước ngoài than như bọng, về cách "chống dịch như chống giặc", vốn gây đình trệ chuỗi sản xuất - lưu thông - phân phối, khiến các doanh nghiệp chán ngán muốn rời bỏ khỏi thị trường Việt Nam.
Tin mới nhứt, ngày 12 tháng Giêng năm 2022, báo Người Lao Động cho biết [8] "Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đang đề nghị cung cấp tài liệu đến 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh".
Câu chuyện Bên Bỏ Cuộc - Tân Hoàng Minh với mạch chuyện ly kỳ, hấp dẫn cùng nhiều nút thắt dữ dội - hoàn toàn có thể gây sửng sốt như nhiều đại kỳ án khác - dường như nó chỉ vừa mới bắt đầu, đi vào đường dây dẫn chuyện của thời đại rực rỡ tên vàng, ngay thành phố mang tên "vị cha già dân tộc".
Hãy cùng quan sát và dõi theo...
Bài bình luận gần đây