You are here

Không cần "mang tiền về cho mẹ"

Một đoạn rap của Đen Vâu xuất hiện trên youtube và mạng xã hội, ban đầu người ta nghĩ không có gì đáng bàn, cho đến khi đoạn rap - được báo chí đưa tin - một trường học đưa vào thử nghiệm, làm bài kiểm tra học kỳ cho học sinh lớp 12.
 
Đoạn rap được đưa cho học trò phân tích như sau:

Mang tiền về cho mẹ

Mang tiền về cho mẹ

Mang tiền về cho mẹ

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ.

….

Mẹ không dám ăn

Không dám mặc

Không dám tiêu cũng chỉ vì lo

Giờ con đeo túi tò te đi mua cho mẹ cái túi Dior.

Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy?

Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm?

Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa?

Vấp ngã đầu đời là được ai nâng?

Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè

Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về

Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang

Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan.

(Trích: Mang tiền về cho mẹ - Đen Vâu)

Việt Nam - từ nhiều năm qua - sau khi chủ trương thần thánh hóa hình tượng Hồ Chí Minh, qua bài thơ:

Bác Hồ là vị cha chung

Là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương

Con đang đi giữa đêm trường

Nhờ cha soi đuốc dẫn đường cho con

Ơn cha như nước như non

Như gương hồ thủy như hòn thái sơn

(Tố Hữu)

đã không còn đắc dụng - trong thời buổi internet với hàng ngàn trò chơi cùng phim ảnh & âm nhạc đủ thể loại - đứa con sau này, được "đưa về cội nguồn" với hình ảnh "cha mẹ là trên hết". Điều đáng băn khoăn là lối giáo dục, thay vì "thần thánh hóa" Hồ Chí Minh, nhà trường đang "cố sức" đặt cha mẹ ngày nay lên "bệ thờ tinh thần" của lớp trẻ. Dường như trong nhà trường bây giờ, thầy cô và cả những nhà nghiên cứu giáo dục, vẫn tiếp tục lầm lẫn giữa khái niệm "thương kính" và khái niệm "thần tượng".

Hậu quả của lầm lẫn nói trên, sanh ra lớp trẻ tiếp tục bị kìm hãm TỰ DO TƯ TƯỞNG. Tất nhiên, sự kìm hãm đó, không còn xuất phát từ Hồ Chí Minh mà nó đến ngay từ chính đấng sinh thành ra mình. Điều đó càng đáng sợ hơn, bởi mỗi lời của cha mẹ nghiễm nhiên trở thành "khuôn vàng thước ngọc", buộc đứa con không được phép "cãi lời", không được phép nghĩ ngược lại, không được phép hoài nghi dù có căn cứ. Từ những suy nghĩ xuôi chiều như vậy, dẫn đến nhiều tác hại trong cách hình thành nhân phẩm, nhân cách, đạo đức và sự mực thước trong cách làm người của dân tộc Việt Nam.

Tình yêu thương, nghĩa dưỡng dục của cha mẹ bỗng trở thành "MÓN NỢ" quá lớn như "đôi vầng Nhật Nguyệt" oằn nặng trên đôi vai đứa con, một cách hiển nhiên. Vô hình chung, đứa con buộc phải "TRẢ NỢ" bằng mọi cách, kể cả bằng mọi giá. Một trong các cách mang dáng vóc bẽ bàng, được đặt tựa cho bản rap "mang tiền về cho mẹ", như Đen Vâu tự bạch "Tôi hạnh phúc khi mang tiền về cho mẹ" [1]. Tất nhiên, đó là niềm hạnh phúc riêng của Đen Vâu nhưng người mẹ của chàng trai này không chắc gì cần, bởi ngay trong những giây đầu tiên của clip, người mẹ đã nói: "Thôi, thôi! Không cần mua gì đâu, nhà đủ hết rồi". Hóa ra, đứa con Đen Vâu, xuất hiện trong bản rap đang lấy suy nghĩ chủ quan của riêng mình, rồi áp lên cho bà mẹ. Đen Vâu tự mặc định, tiền là phương tiện hữu hiệu nhứt, để bù đắp cho sự hy sinh của mẹ mình. Vô hình chung, chính Đen Vâu đang xúc phạm, sự hy sinh không cần bù đắp, của đấng sinh thành mà không hề hay biết. 

Những ai hiểu biết tối thiểu về âm nhạc, đều công nhận RAP - tự thân một mình nó - chưa đủ để gọi là âm nhạc đúng nghĩa. Người ta không gọi "hát rap" mà chỉ gọi "đọc rap". Điều này có nghĩa, trong một đoạn RAP, người soạn chú tâm cách gieo vần sao cho phù hợp, như trong bản rap nói trên: Vần "IÊN" và vần "O" được tác giả gieo cho có vần có điệu nhưng trở nên lố lăng, đối với một bà mẹ quê chịu thương chịu khó, quanh năm suốt tháng bên ruộng vườn, giờ bỗng nhiên khoác lên vai cái túi hàng hiệu "Đì-o" cho... sang (chỉ vì con nó muốn như vậy)! Có lẽ, tác giả cũng cố gắng tìm tòi giữa các chữ mang vần "O" để gieo cho êm tai nhưng vô tình bộc lộ SỰ TRẢ NỢ bằng việc so sánh bản thân (phải) đeo cái "túi tò te" (không biết cái túi tò te là túi gì. Chắc là túi xách rẻ tiền) để dồn tiền mua túi hàng hiệu, mà không chắc bà mẹ thoải mái hay sung sướng, khi cầm cái túi trị giá hàng chục triệu đồng. Lố lăng chính chỗ đó!

Không dừng lại ở sự kệch cỡm, Đen Vâu tự bộc lộ bản chất gian dối qua câu RAP "Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan". Vâng! "Một đứa con ngoan", cỡ như Giang Kim Đạt lãnh án tử hình vào năm 2017, vì tội tham ô hơn 255 tỷ đồng[2], rồi kéo cả cha mình là Giang Văn Hiển lãnh án 12 năm tù [3] vì giúp con trai rửa tiền. Riêng bà mẹ của Giang Kim Đạt - ngay tại phiên tòa - đã phân trần nghe chua chát đến ê chề, xen lẫn phẫn nộ [4]: “Khối tài sản nhà tôi cũng nhiều, xã hội có nhu cầu thì tôi hiến dâng hết, chỉ cần để lại cho tôi một phần nhỏ, để con tôi được trở về với gia đình”.

Điều đáng buồn, không chỉ đến từ những vần điệu của Đen Vâu đã rap mà điều rất đáng trách, khi thầy giáo Hà Văn Vụ đã đưa bản rap vào làm bài thi văn cho học trò, theo cách gọi là "tìm gì đó tươi mới" nhưng vẫn mang ý nghĩa giáo dục. Chính điều đó mới khiến phụ huynh lắc đầu chán nản và ngao ngán, bởi cái gọi là "tính giáo dục" trong bản rap, vốn chỉ mang vỏ bọc "hiếu thảo", thông qua sự trả ơn cho mẹ bằng tiền bạc và hàng hiệu. Chính bản rap này góp tay tô đậm thói đạo đức giả, bằng trào lưu dậy sóng ba đào mang tên "mãnh lực đồng tiền", đang ngày càng tràn lan trong xã hội, đến mức báo động khẩn cấp.

Trước 1975, không chỉ trong nhà trường, ngay trong gia đình, thế hệ chúng tôi luôn được dạy 2 điều quan trọng nhứt:

- Con người vốn không bao giờ hoàn hảo, vì vậy, thương kính cha mẹ không có nghĩa "thần thánh hóa" cũng như không bao giờ nên thần tượng bất kỳ một ai, dù đó là cha mẹ mình đi chăng nữa. Bởi như vậy là tự mình đã cản bước tự do tư tưởng của bản thân. Không có tự do tư tưởng, tức là con người nói riêng và xã hội nhìn chung không có sáng tạo. Không có sáng tạo tức không phát triển. Cản trở hay vùi dập sáng tạo là tội ác lớn nhất.

- Một đứa con hiếu đễ là một đứa con không mang nỗi nhục về cho cha mẹ, trong bất kỳ trường hợp nào.

Dù mang về cho cha mẹ vàng muôn bạc nén, đi kèm với nỗi nhục nhã và đánh mất danh dự làm người thì người đó vẫn là đứa con bất hiếu.
 
Cho đến ngày nay, tôi vẫn rất tin, những người làm cha - làm mẹ nuôi con bằng những đồng tiền "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" không bao giờ suy nghĩ, con cái cần phải mang tiền về như là sự bù đắp cho họ.
 
Điều trống vắng lớn nhứt hiện nay của nền giáo dục XHCN là mất hẳn hai khái niệm quan trọng nhứt:
 
- Triết lý giáo dục: Trách nhiệm - Thành thật - Tự do.
- Cứu cánh giáo dục: Phải dạy NÊN NGƯỜI và RÀNH NGHỀ.
 
Một nền giáo dục không có triết lý và không thấu đáo về cứu cánh, đã và đang tạo ra nhiều lớp người suy tôn "TIỀN LÀ TẤT CẢ". Hàng chục triệu con người chỉ biết lao đầu vào kiếm tiền bằng mọi giá, sẽ khiến quốc gia đó đâm đầu vào hố nô lệ!
______________________