Hình: Chị Phương Lê và những người biểu tình tại chung cư Saigon Pearl (Nguồn: Zing)
"Đây không phải là biểu tình, tất chỉ nên kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền nhìn thẳng vào sự việc không làm lòng dân hoang mang, tránh trường hợp hô hào để các đối tượng xấu thừa cơ lợi dụng đả kích trục lợi."
Đó là lời dẫn gián tiếp của báo điện tử Zing cho ý kiến của tài khoản Thúy Hồng trong một nhóm chat của chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thành, Sài Gòn, về sự kiện tập trung đông người để đòi công bằng cho bé N.T.V.A.[1]
Như Zing đưa tin, nhiều người đã trưng khẩu hiệu tại chung cư Saigon Pearl, nơi bé V.A tử vong do bị mẹ kế bạo hành và kêu gọi chữ ký trên các diễn đàn với mong muốn đòi công bằng cho bé và làm rõ vai trò của người cha.
Cũng theo báo điện tử này, sự kiện nhiều người tập trung và trưng khẩu hiệu đã diễn ra trong ôn hòa, và công an đã có mặt để hỗ trợ về an ninh.
Không rõ có khoảng bao nhiêu người tham gia sự kiện, song nhìn hình chụp duy nhất trong bài báo, có thể đoán con số lên đến vài chục người.
"Hãy yêu thương trẻ em", "Tất cả phải hành động khi nghe tiếng khóc trẻ em", , "Ông thủ tướng hãy bảo vệ tất cả trẻ con", "Kính xin thủ tướng chỉ đạo xử lý... đòi lại công bằng...", "Mong pháp luật xử lý người cha độc ác..." là một vài biểu ngữ được trưng ra.
Dù có được hiểu là biểu tình hay không, sự kiện, về bản chất, là một cuộc biểu tình quy mô nhỏ mà đối tượng được những người tham gia nhắm tới là cộng đồng, là chính phủ, và các cơ quan hữu quan.
Biểu tình, đơn giản là sự tập hợp của một nhóm người tại một không gian nào đó, về mặt vật lý hoặc thậm chí phi vật lý trong thời đại số, để biểu đạt một hay nhiều thông điệp về một vấn đề, thường dưới hình thức kêu gọi hay phản đối.
Biểu tình, tự nó không xấu, và thậm chí, là một quyền hiến định của công dân cần được tôn trọng và bảo vệ tại bất cứ (hay, nếu có ngoại lệ, hầu như bất cứ) quốc gia nào trên thế giới.
Điều 25, Hiến pháp 2013 của Việt Nam ghi nhận "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình."[2]
Biểu tình, cùng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong điều 25 hiến pháp kể trên, hợp thành một bộ các quyền tự do biểu đạt; và biểu đạt nói chung, dưới hình thức này hay hình thức khác, vốn là hành vi mà con người vẫn thực hiện trong mọi xã hội và mọi thời đại.
Nếu các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được thừa nhận tại Việt Nam trong chừng mực nào đó không đến nỗi quá ngặt nghèo, thì quyền biểu tình, cho đến nay, vẫn bị số đông nhìn nhận theo cách tiêu cực, như thể vốn đi kèm với sự kích động, lợi dụng, chống phá.
Với nhận thức đó, khi cần biểu đạt về một vấn đề, nhất là các vấn đề lớn của xã hội, ngoài phương tiện báo chí (vốn còn nhiều hạn chế), các cá nhân trong hầu hết trường hợp chỉ dừng lại ở việc lên tiếng đơn lẻ, hay nếu có tập trung đông người thì chỉ tập trung... trên mạng mà thôi.
Theo cách ấy, sự biểu đạt có ít tác dụng và khó lan tỏa, các đối tượng của sự biểu đạt không chịu nhiều áp lực để thay đổi, và hệ quả là các vấn đề của xã hội thường không được giải quyết, hoặc được giải quyết một phần nhỏ mà không toàn diện và rốt ráo.
Vụ bé V.A bị bạo hành đến mức tử vong không phải là vụ việc hi hữu trong xã hội Việt Nam, nhưng được dư luận quan tâm hơn so với các vụ việc nghiêm trọng tương tự. Song, ngay cả như vậy, sự quan tâm của dư luận chỉ được biểu đạt một cách khiêm tốn (hay nói đúng hơn là dè dặt), khi còn nhiều người như Thúy Hồng phủ nhận biểu tình, xem biểu tình như việc xấu.
Cá nhân Thúy Hồng nói riêng và số đông nói chung cần phải xem lại nhận thức của mình về biểu tình, và cần phải biết rằng quyền biểu tình là quyền hiến định của công dân. Như bất cứ quyền công dân nào khác, quyền biểu tình cần được hiểu đúng và thực hành thỏa đáng, để khiến chúng ta đích thực là công dân, thay vì là "công dân" đơn thuần trên danh nghĩa.
Quyền biểu tình, khi được hiểu đúng và thực hành thỏa đáng, có tác dụng bảo vệ và thúc đẩy chính nó, cũng như bảo vệ và thúc đẩy các quyền khác, và từ đó làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Các quyền trẻ em ở Việt Nam (quyền sống, quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, v.v) có lẽ đã chẳng phải là một loạt quyền suông, nếu người dân biết sử dụng quyền biểu tình và các quyền khác nữa, để bảo vệ và thúc đẩy các quyền trẻ em đó.
Chú thích:
[1] Cư dân TP.HCM giăng biểu ngữ, lập nhóm đòi công bằng cho bé gái 8 tuổi
https://zingnews.vn/cu-dan-tphcm-giang-bieu-ngu-lap-nhom-doi-cong-bang-c...
[2] Hiến pháp Việt Nam 2013
http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTi...
Bài bình luận gần đây