Tôi nghe nhiều người than phiền về một vị đồng hương (khó thương) của mình nên cũng đâm ra hơi sốt ruột, và xót ruột :
Người Buôn Gió: Hầu như cứ động đến Việt Kiều là có mặt Thọ Muối. Nhà văn Thọ Muối trước là cựu chiến binh giải phóng miền Nam, khi xuất ngũ về đói quá (tác phẩm Nhà Ba Hộ đoạt giải của Thọ Muối lột tả những tháng ngày đau khổ này) Thọ Muối đi xuất khẩu lao động sang Đông Đức. Thời thế nháo nhào Tây Đông hòa hợp, Thọ Muối thành Việt Kiều Đức nhưng lòng nhớ các em gái Việt Nam khôn nguôi.
Và hơn nữa là sự đam mê văn chương. Vì những thứ ấy chỉ ở Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu của Thọ Muối. Nên Thọ năng đi về quan hệ với văn nghệ sĩ và các em út trong nước. Mà muốn đi về thì phải phát ngôn thế nào thì Thọ tất rõ. Thọ Muối từng giật míc đọc thơ đón tiếp Tổng Bí Thư Nông khi ngài có dịp sang Đức quá bộ thăm Kiều bào bên đó.”
- Đỗ Trường: Tập kiểu sống như thế này, hèn và nhục lắm ông Nguyễn Văn Thọ ạ.
- Khánh Minh: “Thọ Muối là đồng chí đéo lào mà lịnh thế!”
Cứu cánh biện minh cho phương tiện là châm ngôn sống của nhiều người, chứ chả riêng chi ông Thọ. Nịnh bợ, nói nào ngay, cũng chỉ là một trong hằng trăm cách ứng xử ở đời thôi. Trong cái bối cảnh xã hội mà “không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn” (theo như lời của một vị sĩ phu xứ Việt) thì xu phụ – nghĩ cho cùng – cũng không có gì là trật lắm!
Tôi chỉ có hơi phiền lòng chút đỉnh khi nghe nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại vừa lớn tiếng đòi “lên án gia đình” em V.T.T.M, một nữ sinh mồ côi cha, quê ở Sầm Sơn – Thanh Hoá. Em bị bắt giữ và làm nhục chỉ vì ăn cắp một cái váy trị giá 160 ngàn đồng tiền Việt, vào hôm 3 tháng 12 năm 2021:
“Xưa người ta thường nói Đứa dại hở L thằng khôn xấu hổ hay Chó gày hổ mắt người nuôi. Cha mẹ những kẻ ăn cắp phải nên biết xấu hổ và tôi thấy báo chí không nên khai thác 1 mặt về phía tâm lí cha mẹ trong trường hợp này, dường như gia đình và cô gái kia không đáng lên án sao?”
May mà còn có những người người cầm bút khác, với cái tầm và cái tâm bao dung hơn thế :
Những chuyện “ngày xưa” thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một câu chuyện khác, chưa xa xưa gì lắm, đọc được trên trang Trí Thức VN :
Buổi sáng hôm ấy, cậu học sinh này cứ lang thang mở coi hết cuốn này đến cuốn khác ở chỗ các giá sách tiếng Pháp. Việc lấm lét nhìn tới nhìn lui của cậu bé khiến nhân viên trông coi khu sách tiếng Pháp nghi ngờ. Lúc cậu đi ra, họ giữ lại, sờ ngực áo cậu và lôi ra một cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs quý giá đã nói ở trên.
– Tại sao cậu ăn cắp sách?
Cậu bé tái mặt không nói nên lời. Chiếc phù hiệu trên ngực áo cậu cho biết cậu học trường Pétrus Ký, một trong bốn trường trung học công lập lớn nhất rất nổi tiếng tại Sài Gòn lúc bấy giờ: Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký, Chu Văn An.
– Hừ, học sinh trường Pétrus Ký mà ăn cắp sách! Tôi gọi cảnh sát đến bắt để cậu chừa cái thói đó đi!
Họ lôi cậu bé tới chỗ quầy thâu tiền của cô thâu ngân viên, nhờ cô giữ cậu giùm rồi đi gọi cảnh sát. Cậu bé sợ hãi khóc như mưa như gió:
– Lạy chị, nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha cho em đừng gọi cảnh sát…
Từ đầu đến giờ có một ông đã lớn tuổi, ăn mặc lịch sự vẫn đứng theo dõi câu chuyện. Thấy cô thâu ngân nói thế, ông bảo cô ta:
– Thôi được, cuốn sách giá bao nhiêu để tôi trả tiền. Học trò nghèo mà, lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp…
Cô thâu ngân viên chưa biết giải quyết thế nào thì đúng lúc đó ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách mà mọi người vẫn gọi là ông Khai Trí, từ ngoài đi vô.
Thấy chuyện lạ, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân. Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói:
– Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ kém không dùng tới. Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…
Ông trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu:
– Từ nay hễ cần sách gì cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông quản lý hay cô thâu ngân, cô ấy sẽ lấy cho cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh trường Pétrus Ký mà…
Thái độ của người khách lạ và ông chủ hiệu sách Khai Trí khiến tôi nhớ đến tựa một cuốn sách (It Takes A Village) của Hillary Rodham Clinton, xuất bản lần đầu vào năm 1997. Đề tựa này dường như được lấy cảm hứng từ một câu ngạn ngữ cổ xưa – “It takes a village to raise a child” Một đứa bé cần được cả làng chăm sóc – của dân Châu Phi.
Cái thời mà phần lớn nhân loại sống theo từng làng mạc nay đã qua rồi. Bây giờ ở Việt Nam nếp sống được tổ chức chặt chẽ hơn nhiều. Ngoài sự “quan tâm” thường xuyên của Nhà Nước và Đảng cầm quyền, tất cả mọi người dân (bất kể nam phụ lão ấu) còn được Mặt Trận Tổ Quốc “chăm sóc” tới nơi tới chốn nữa cơ?
Liệu chính quyền địa phương (với đủ thứ hội hè, đoàn thể, ban ngành) có chút trách nhiệm gì không về hành vi đáng tiếc vừa qua của một công dân vị thành niên ?
Tôi chưa được đặt chân đến Thanh Hoá lần nào nên cũng tò mò muốn biết xem cuộc sống nơi em V.T.T.M sinh trưởng ra sao? Lần dò qua báo chí nước nhà, và đọc được những mẩu tin sau :
Nếu “khối tài sản” của ông Bí Thư Thành Ủy Thanh Hóa đừng quá “khổng lồ” (và nếu quí vị quan chức ở địa phương này chịu “cắt xén” hay “ăn chận” mỏng hơn chút xíu) liệu em V.T.T.M sẽ có thể sắm một cái váy để mặc, thay vì trộm cắp hay không?
Có thể cũng không, vì chả có gì hoàn toàn bảo đảm là một cá nhân có thể hành xử cách này, thay vì cách khác. Tuy thế, tôi vẫn tin rằng nếu nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng “đứng về phe nước mắt” như vô số người cầm viết khác (thay cho cái thói “thượng đội hạ đạp” cố hữu) thì chắc chắn ông sẽ tránh được rất nhiều điều tiếng hay búa rìu dư luận.
Bài bình luận gần đây