Nguyễn Xuân Phúc không phải là người hùng biện hay nói năng lưu loát. Mọi câu chữ ngô nghê của ông (cờ lờ mờ vờ, ma dzê in Việt Nam …) đều trở thành đề tài cho thiên hạ cười đùa, giễu cợt. Ngay cả khi ông phát biểu những lời lẽ (nghe) có vẻ thống thiết chăng nữa, ông cũng vẫn bị mọi người coi thường và đều bỏ ngoài tai.
Ngày 4 tháng 8 năm 2017, trong buổi làm việc với Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, ông tuyên bố: “Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ văn nghệ sĩ nào có những ý tưởng xây dựng đất nước.”
Bốn năm sau – hôm 26 tháng 7 năm 2021 – khi đọc Diễn Văn Nhậm Chức Của Chủ Tịch Nước, ông không quên ân cần nhắc nhở:“Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước.”
Vài tuần kế tiếp, vào hôm 16 tháng 9 năm 2021, trong Thư Gửi Đồng Bào Cử Tri TPHCM, ông Phúc lại tiếp tục thiết tha bầy tỏ sự cầu thị (cứ) y như thiệt vậy: “Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng ở mức cao nhất.”
Thế mà đám cử tri ở Sài Gòn (nói riêng) và giới văn nghệ sĩ/trí thức (nói chung) đều thủ khẩu như bình. Chả ai có “ý kiến, tâm tư, nguyện vọng” gì ráo trọi – trừ TS Nguyễn Đình Cống :
“Tôi đã hai lần gửi thư chuyển phát nhanh qua Bưu điện, có biên nhận. Ngày 22 tháng 9 gửi trực tiếp cho Chủ tịch. Ngày 24 gửi cho ông Chủ nhiệm Văn phòng, nhờ chuyến cho Chủ tịch. Thư gửi đến Văn phòng chủ tịch nước, số 2 Hùng Vương, Hà Nội…
Nhưng cho đến ngày 7 tháng 10 vẫn bặt vô âm tín. Phải chăng thư đã bị chặn hay là thất lạc đâu đó, chưa đến tay Chủ tịch, hoặc đã đến tay nhưng ông không xem.”
Thiệt là may mắn. May là “thư đã bị chặn hay là thất lạc đâu đó,” chớ không thì ông Cống (hay ông Nghè, hoặc ông gì bất cứ) cũng đã “nằm co” trong nhà tù Hoả Lò rồi.
Thiệt là hú hồn, hú vía!
Thận trọng hơn, T.S Mạc Văn Trang bèn nghĩ ra một phương cách an toàn khác. Thay vì gửi thư “góp ý” như T.S Nguyễn Đình Cống, ông cho lên trang FB ảnh một cái cây lá vẫn còn xanh nhưng gốc đà mục rễ, rồi xin độc giả cho một lời bình.
Thiệt là một sáng kiến. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, có đến gần 600 độc giả sốt sắng tham dự. Điều lạ lùng là tuyệt đại đa số đều phát biểu những câu chữ, với nội dung tương tự nhau. Xin ghi lại năm bẩy ý kiến đầu tiên :
Tiếng nói của cư dân mạng nghe cứ như tiếng cú khiến tôi nhớ đến lời báo tử của nhà văn Nguyên Ngọc: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào?”
Trung ngôn nghịch nhĩ !
“Kịch bản nào” thì cũng rất trái tai ông Chủ Tịch Nước và những vị lãnh đạo cấp cao của chính phủ hiện hành. Nguyên Ngọc – tuy thế – chỉ bị đám dư luận viên xúm vào bề hội đồng thôi, chứ chưa phải tù tội một ngày nào cả.
Ngoài cái uy tín của một người cầm viết có thực tài (và có đông độc giả), một sĩ quan cao cấp với rất nhiều công trạng, Nguyên Ngọc còn có ưu thế của một già làng sắp đến tuổi cửu tuần. Trong một xã hội mà “mọi công dân đều là một tù nhân dự khuyết” thì nhà nước Việt Nam bắt ai chả được nhưng tóm Nguyên Ngọc hôm trước rồi hôm sau (lỡ) ổng “chuyển qua từ trần” luôn thì …chết mẹ, nếu không lôi thôi lớn thì cũng lôi thôi lắm!
Phạm Đoan Trang, tiếc thay, không có cái “ưu thế” tương tự. Tuy ôn tồn, nhỏ nhẹ, và hoà nhã thấy rõ (chỉ “yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam” thôi) nhưng nhà báo đã bị bắt giam – từ ngày 6/10/2020 – và bị “hành” cho bầm dập từ hơn một thập niên trước đó.
Bỉnh bút Trần Phương (Tạp Chí Luật Khoa) ghi nhận :
Năm 2008 – 2009 Đoan Trang là nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài phân tích sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những bài viết gây tiếng vang lớn trên chuyên trang Tuần Việt Nam của báo VietNamNet…
Năm 2009, một sự kiện bất ngờ đã bẻ lái cuộc đời cô sang một hướng khác. Ngày 27/8/2009, blogger Người Buôn Gió, tên thật là Bùi Thanh Hiếu, bị bắt. Một ngày sau đến lượt Đoan Trang; và rồi blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt vài ngày sau. Công an cho rằng cả ba người đã xâm phạm an ninh quốc gia vì đã tham gia in ấn áo thun chống dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên…
Sau vụ bị bắt tạm giam năm 2009, Đoan Trang bị báo VietnamNet sa thải mà không có lý do… Ngày 5/8/2012, Đoan Trang bị công an bắt trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.
Sáng ngày 26/4/2015, nhóm Vì Một Hà Nội Xanh tổ chức tuần hành phản đối chính quyền Hà Nội chặt cây xanh. Trong lúc biểu tình, công an đã cưỡng bức Đoan Trang cũng như nhiều người biểu tình khác lên xe buýt…
Sau vụ việc này, Đoan Trang bắt đầu đi đứng khập khiễng. Vào tháng 5/2015, cô được bác sĩ chẩn đoán là khớp gối bị tràn dịch khớp và viêm bao hoạt dịch…
Tháng 10/2016, Nhóm Green Trees xuất bản sách “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” trên Amazon do Đoan Trang và các nhà hoạt động khác làm đồng tác giả. Đây là cuốn sách ghi lại các diễn biến, thực trạng trong và sau sự cố Công ty Formosa làm ô nhiễm biển vào giữa năm 2016. Cũng trong năm này, sách “Từ Facebook xuống đường” được xuất bản trên Amazon…
Năm 2017, Đoan Trang viết sách “Chính trị bình dân” trong những ngày bị giam lỏng tại nhà ở Hà Nội. Tháng 7/2017, để tránh bị công an sách nhiễu, cô đã rời khỏi Hà Nội và đến Sài Gòn.
Ngày 22/9/2017, sách “Chính trị bình dân” của Đoan Trang ra mắt độc giả. NXB Giấy Vụn và nhóm Green Trees đã xuất bản cuốn sách này. Đây là một cuốn sách nhằm phổ biến các kiến thức chính học căn bản đến tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ hoạt động xã hội, và nhân quyền.
Ngày 15/8/2018, Đoan Trang bị công an mặc thường phục đánh đập khi đến nghe đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín. Đêm ca nhạc bị công an giải tán, những người tổ chức và tham gia bị công an thẩm vấn và đánh đập… Trong hơn ba năm kể từ tháng 7/2017, Đoan Trang đã sống ở ít nhất 60 chỗ ở khác nhau ở khắp các tỉnh thành. Cô đã đi lại hơn ba năm qua cùng với đôi chân thương tật, và nỗi sợ hãi nặng nề đeo bám, bị đánh đập, bị hành hung, bị công an bao vây bất cứ lúc nào…
Mà nào chỉ có thế!
Ngoài việc bị lực lượng công an ngày đêm rình rập, thường xuyên sách nhiễu và hành hung, lực lượng tuyên giáo của nhà nước còn cho phổ biến hằng trăm bài viết với một thứ ngôn từ bẩn thỉu và hạ tiện chưa từng thấy:
...
Không rõ “bao nhiêu cuốn lịch đang chờ Phạm Đoan trang” trong những ngày tháng tới nhưng mọi người đều biết sắp có một phiên toà (ô nhục) dàn dựng bởi một nhà nước hèn hạ, và hèn nhát. Họ nắm trọn mọi quyền lực trong tay, sử dụng tất cả những thủ đoạn đê tiện và thô bạo nhất (trong hơn chục năm trời) nhưng vẫn không thể khuất phục được một lương dân chỉ bầy tỏ ý kiến rất ôn hoà (“yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”) như nhà báo Phạm Đoan Trang.
Cuối cùng thì chế độ hiện hành đã phải dùng đến hạ sách là “giam người bịt miệng. Ấy thế mà vẫn cứ trơ tráo “ tham gia ứng cử vào Hội Đồng Liên Hiệp Quốc” (và mồm mép vẫn cứ leo lẻo “lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân”) mà không đứa nào biết ngượng ngùng hay hổ thẹn gì ráo trọi!
Bài bình luận gần đây