You are here

Nếu có bài học chống dịch nào cần được rút ra

Ảnh của NguyenTrangNhung

Kể từ ngày mở đầu làn sóng Covid-19 thứ tư đến 28/8, tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam là hơn 418 ngàn, theo số liệu của báo điện tử Zing.[1]

Với số ca tử vong hơn 10 ngàn,[2] tỷ lệ tử vong của Việt Nam là 2.43%, cao hơn 0.35 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong trung bình 2.08% của thế giới.[3]

TP. HCM, điểm nóng nhất, có tổng số ca nhiễm hơn 204 ngàn,[4] chiếm gần 1/2 tổng số ca nhiễm của cả nước. Tỷ lệ nhiễm trên tổng dân số của thành phố khoảng 9 triệu dân này là 2.3%.

Điểm nóng thứ hai, Bình Dương, có tổng số ca nhiễm hơn 98 ngàn,[5] chiếm gần 1/4 tổng số ca nhiễm của cả nước. Tỷ lệ nhiễm trên tổng dân số khoảng 2.5 triệu của Bình Dương là 4%.

Thời gian đầu, có lẽ ít ai nghĩ rằng 2 địa phương này sẽ trở thành những điểm nóng như hiện tại, khi TP. HCM cho đến 25/5 chỉ có từ 0 đến vài ca mỗi ngày, và Bình Dương cho đến 13/6 cũng vậy.[6]

Sự bùng phát của dịch ở 2 địa phương này nói riêng và trên cả nước nói chung nằm ngoài hình dung của nhiều người tại thời điểm cách đây vài tháng. Giờ đây, khi nhìn lại, điều đó không khó để lý giải.

Cuối tháng 4, khi các ca nhiễm mới đầu tiên của làn sóng thứ tư được ghi nhận, thái độ của chính phủ và dân chúng dường như đã khác so với các làn sóng trước.

Vào dịp 30/4, 1/5, các hoạt động vui chơi giải trí đã diễn ra khá náo nhiệt. Người dân được dịp xả hơi và các công ty du lịch được dịp hoạt động tích cực để bù đắp tổn thất.

Sự tăng cường 5K trong dịp này hẳn là không đủ để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh về sau, khi một số ca nhiễm mới đã được phát hiện từ những người đi du lịch vào dịp này.

Một số hoạt động đông người sau đó, như việc làm căn cước công dân hay việc bầu cử đại biểu nhân dân ít nhiều cũng làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.

Tại một bộ phận doanh nghiệp, các biện pháp 5K được kích hoạt lại khá chậm trễ. Một tòa nhà văn phòng mà tôi biết chỉ tái khởi động 5K nhiều ngày sau 27/4. Một ngân hàng mà tôi làm outsource thực hiện 5K một cách lỏng lẻo hơn so với trước. Trong khi đó, công ty nơi tôi làm việc chỉ yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang từ ngày 10/5, khi số ca nhiễm tại Hà Nội đã lên tới 2 con số.

Phản ứng chậm trễ của một bộ phận doanh nghiệp phần nhiều được dẫn đến từ phản ứng chậm trễ của chính phủ. Khi chính phủ phản ứng không kịp thời, doanh nghiệp nhìn chung cũng vậy.

Quyết định thực hiện giãn cách một số tỉnh thành chỉ được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới tăng lên đáng kể. Đó hẳn là vì chính quyền đã dự phóng chủ quan, và sự chủ quan này là hệ quả của sự tự tin thái quá nhờ đạt được thành công trong việc kiểm soát các đợt dịch trước.

Có thể nói, sự tự tin thái quá này đã khiến các giới chức liên quan đánh giá thấp nguy cơ dịch bệnh do sự tràn qua của các biến thể mới, trong đó có biến thể Delta, xuất hiện lần đầu vào tháng 12/2020 ở Ấn Độ,[7] từ đó không có sự chuẩn bị cần thiết.

Biến thể Delta, với khả năng lây nhiễm cao gấp hơn 2 lần và với độc lực mạnh hơn các biến thể thể trước đó, khi góp phần gây ra thảm cảnh cho dân chúng ở Ấn Độ hẳn đã dự báo về nguy cơ tương tự ở bất cứ nơi nào mà nó sẽ xuất hiện.

Còn nhớ, một thời gian, khi truyền hình Việt Nam đưa tin một số quốc gia châu Á như Indonesia, Thái Lan hay Ấn Độ vật lộn với dịch bệnh, trong khi Việt Nam vẫn kiên định với mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế), chính phủ và (có lẽ) phần lớn người dân Việt Nam không thể ngờ rằng tình huống tương tự (dù với mức độ nhẹ hơn) sẽ đến.

Giờ đây, với số ca nhiễm mới từ 4 đến 5 con số mỗi ngày, sự tự tin hồi nào của Việt Nam về thành công chống dịch trong quá khứ đã không còn nữa. Ai còn có thể tự tin khi các con số thống kê phản ánh một thực tại buồn? Ai còn có thể tự tin khi các biện pháp chống dịch đang tỏ ra kém hiệu quả?

Và khi gác lại sự tự tin ấy sang một bên, nếu có bài học chống dịch nào cần được rút ra cho cả chính quyền lẫn người dân, bài học đầu tiên có lẽ là đừng quá tự tin, và tốt hơn, là nên khiêm tốn.

Chú thích:

[1][2] Số liệu Covid-19 của báo điện tử Zing
https://zingnews.vn/dich-viem-phoi-corona.html

[3] Tính đến 28/8, số ca tử vong và số ca nhiễm trên thế giới là 4.51 triệu và 216.9 triệu, theo worldometers.info

[4][5][6] Như [1]

[7] 5 Things to know about the Delta variant
https://www.yalemedicine.org/news/5-things-to-know-delta-variant-covid