You are here

Một góc nhìn khác về cái gọi là “Cách mạng tháng Tám năm 1945.”

Ảnh của nguyenvandai

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp chiếm toàn bộ Đông dương, rồi sau đó tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam.

Ngày 11 tháng 3 năm 1945, Vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập.

Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Chính phủ của giáo sư Trần Trọng Kim được thành lập và được Vua Bảo Đại phê chuẩn ngay sau đó. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và ra mắt quốc dân vào ngày 19 tháng 4 năm 1945.

Như vậy, Nhân dân Việt Nam đã không cần có một cuộc Cách mạng nào, nhưng đã giành được độc lập.


Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim có 17 thành viên. Tập hợp hầu hết các nhân sĩ, trí thức nổ tiếng của Việt Nam lúc đó.

Sau này, khi đảng CSVN cướp chính quyền và Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim bị bức tử, Vua Bảo Đại bị ép thoái vị, thì đã có 7 người sang làm việc cho chính quyền cộng sản của Hồ Chí Minh. Hai người làm việc cho chính phủ VNCH sau này.

Sau khi thành lập Chính phủ, để tránh phải tham gia chiến tranh thế giới thứ II với tư cách đồng minh của Nhật. Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim đã không thành lập quân đội để duy trì an ninh, mặc dù viên tư lệnh quân đội Nhật tại Đông Dương, Tsuchihashi Yuitsu, đã hiến kế là sẵn sàng ủng hộ chính quyền của Cụ Trần Trọng Kim. Quân đội Nhật sẵn sàng hỗ trợ đào tạo, huấn luyện và trang bị vũ khí.

Nhưng Thủ tướng Trần Trọng Kim đã từ chối, Thủ tướng chỉ thành lập một lực lượng bảo an nhỏ để giúp duy trì an ninh, trật tự.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam lúc đó không có một lực lượng quân đội đủ mạnh để bảo vệ. Nên đây là cơ hội để sau này đảng cộng sản dùng bạo lực cướp chính quyền.

Giáo sư Lê Xuân Khoa đã viết về những việc làm của chính phủ Thủ tướng Trần Trọng Kim như sau:

“Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong những điều kiện khó khăn về chính trị, an ninh và kinh tế như vậy. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nội các, bên cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã làm ngót hai triệu người thiệt mạng, chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định một chương trình sáu điểm:

1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chính cho các viên chức Việt Nam.

2. Thâu hồi đất Nam Kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.

3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.

4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị.

5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.

6. Thiết lập các Ủy ban tư vấn quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu cải tổ chính trị, hành chính và giáo dục.

Chỉ trong thời gian bốn tháng (từ 17 - 4 đến 16 – 8 năm 1945), chính phủ Kim đã thực hiện được gần hết chương trình này.”

Bất kỳ một chính trị gia nào hay nhà nghiên cứu chính trị nào khi xem chương trình hành động của Thủ tướng Trần Trọng Kim đều phải thán phục.

Bởi với chương trình như vậy, Việt Nam sẽ xóa bỏ nền chính trị thực dân phong kiến, từng bước xây dựng nền chính trị tự do, dân chủ và phát triển kinh tế, đưa Việt Nam tới thịnh vượng.

Nhưng tất cả niềm hy vọng và tương lai vô cùng tươi sáng của đất nước và dân tộc Việt Nam đã bị đảng cộng sản Việt Nam chôn vùi sau cái gọi là Cách mạng tháng Tám.

Với mục đích xây dựng chế độ cộng sản toàn trị. Đảng CSVN đã cài người gây sức ép với chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim.

Ngày 17-8-1945, đảng CS đã đàn áp phong trào ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim do công chức Bắc Kỳ tổ chức.

Ngày 19-8, đảng CS đã tuyên truyền dối trá để phát động nhiều người dân dùng bạo lực để cướp chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim.

Một chính quyền đang xây dựng nền móng chính trị dân chủ cho đất nước Việt Nam đã bị những kẻ cướp, bọn phản cách mạng mang tên đảng CSVN hủy diệt.

Giáo sư Trần Trọng Kim phải sống lưu vong ở nước ngoài nhiều năm. Sau đó ông trở về ẩn cư tại Đà Lạt và mất năm 1953, thọ 71 tuổi.

Việc đảng CSVN cướp chính quyền, đã đẩy đất nước và dân tộc Việt Nam vào thời kỳ đen tối trong 76 năm qua.

Trong đó, 9 năm chiến tranh với người Pháp, 20 năm chiến tranh xâm chiếm VNCH, đã khiến hàng triệu người bỏ mạng, đất nước bị tàn phá. Bốn mươi sáu năm, thêm 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã làm hàng trăm ngàn thanh niên bỏ mạng. Cả nước dưới chế độ độc tài, độc đảng toàn trị, đất nước nghèo nàn, lạc hậu, các quyền con người bị hạn chế hoặc tước bỏ. Bất công, tham nhũng tràn lan, mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn.

Nhà thơ bất đồng chính kiến Bùi Minh Quốc đã phải thốt lên cách đây hơn một thập kỷ:

“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa,

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.”

Trưởng phòng khảo thí, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã phải thừa nhận trước tòa:

“Ai cũng gù! Nếu mình thẳng lưng sẽ thành người khuyết tật!”

Hai câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc và câu nói của Trưởng phòng khảo thí đã toát lên toàn bộ xã hội độc tài CSVN hiện nay.

Trong lịch sử, không có giả thuyết. Nhưng tôi đặt ra giả thuyết để chúng ta có thể so sánh và nhìn rõ ràng hơn về bản chất phản cách mạng, phản động của cái gọi là “Cách mạng tháng Tám” và chế độ độc tài CSVN hiện nay.

Giả thiết: Nếu Chính phủ dân chủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim không bị đảng CSVN cướp. Việt Nam đã không phải trải qua hai cuộc chiến tranh mà vẫn có độc lập, tự do và dân chủ.

Thủ tướng Trần Trọng Kim có mối quan hệ tốt với Nhật, ông lại không phải là cộng sản, nên việc sẽ có quan hệ tốt với Pháp và Mỹ, cùng với các nước phương Tây là lẽ đương nhiên.

Như vậy, nước Việt Nam, ngay từ năm 1945, với một nền chính trị tự do, dân chủ và có mối quan hệ tốt với các nước phương Tây. Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng để trở thành cường quốc trong khu vực, châu Á và trên thế giới.

Những gì mà chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim đã làm và có thể làm tốt từ 76 năm trước đây. Thì nay, đảng CSVN vẫn chưa chấp nhận và chưa làm được, đó là cho phép tự do thành lập các đảng chính trị. Đa đảng là gốc dễ của nền chính trị tự do, dân chủ, là bệ phóng cho sự phát triển của đất nước về mọi mặt.

Chúng ta có thể kết luận rằng: Tất cả những bất hạnh và đau khổ mà đất nước và dân tộc Việt Nam đang phải gánh chịu suốt 76 năm qua và cho tới tận ngày hôm nay, chính là hậu quả của cái gọi là “Cách mạng tháng Tám năm 1945” đem lại. Và thủ phạm chính là đảng cộng sản Việt Nam.