Ngày 13/8 vừa qua, cục trưởng cục khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, bộ Y tế thay đổi chiến lược điều trị bệnh nhân covid-19 do số bệnh nhân tăng nhanh và số lượng lớn. Đó là tất cả các bệnh viện đều tham gia chữa trị Covid, và thí điểm chữa trị F0 tại nhà. Ông Khuê cho rằng: “với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh tạo áp lực cho các cơ sở điều trị. Phân tích dịch tễ, ca bệnh lâm sàng, 80% người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. 20% có biểu hiện vừa, trung bình, trong số này có 5% nặng, 0,5-1% diễn biến nguy kịch. Tỷ lệ bệnh nhân này hiện gần như không thay đổi so với đầu đợt dịch thứ 4” - Theo báo VNexpress, ngày 13/8/2021
Lý giải nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, quá tải là một trong 3 nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân covid-19 tại TP.HCM tử vong. Lần đầu tiên thành phố này tiếp nhận một lượng bệnh nhân F0 (ca lây nhiễm từ cộng đồng) lớn như vậy. Thứ hai, nhiều trường hợp trở nặng rất nhanh do đặc tính của chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa diễn biến nhanh. Thứ ba theo ông Sơn, người bệnh Covid-19 chưa được chăm sóc, điều trị tốt, do điều kiện chuẩn bị về trang thiết bị và con người tại một số đơn vị chưa thật sự đầy đủ.
Với thông tin của ông Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh nêu trên, con số người nhiễm bệnh trong lúc người viết bài cập nhật trong khi viết (21h ngày 15/8) là 175.044 người nhiễm, chúng ta có khoảng 35.000 người bệnh có biểu hiện vừa và trung bình (20% trong tổng số). Trong số 35.000 người này, có 5% ca nặng, tương đương 1750 người, và có 0,5-1% diễn biến nguy kịch, tương đương 175-350 người. Tỷ lệ này gần như không thay đổi so với đầu đợt dịch thứ tư.
Với con số 1750 ca nặng trong tổng số 35000 ca biểu hiện vừa và trung bình (tính cả nước), vậy số bệnh viện, bệnh viện dã chiến ở thành phố Hồ Chí Minh tại sao lại quả tải?!? như vậy, có phải các bệnh viện đã đưa cả những người có biểu hiện vừa và trung bình vào điều trị hay không? Nếu nói là điều trị thành công số ca nhiễm thì có phác đồ điều trị hay không? Hay do chính những bệnh nhân đó tự phục hồi bằng hệ miễn dịch của mình? Đã đến lúc cần phân loại bệnh nhân Covid-19 để bệnh viện chỉ tiếp nhận những ca bệnh nặng hay chưa? Đó có phải là cách thức để giảm tải cho các bệnh viện và hệ thống y tế hay không? Vấn đề phải xuất phát từ việc thay đổi chiến lược chống dịch của nhà cầm quyền, trong đó có việc thay đổi chiến lược điều trị mà ông cục trưởng nêu ra.
Với số người nhiễm vi rút corona 175.044 người, trong đó có khoảng 35000 người biểu hiện vừa và trung bình, khoảng 1750 ca nặng, Việt Nam có cần phong tỏa, giãn cách và cách ly một cách cực kỳ tàn khốc như vậy hay không? Có người sẽ cho rằng, vì giãn cách, cách ly và phong tỏa như vậy, nên Việt Nam mới có số lượng nhiễm ở mức đó. Tôi không đồng ý quan điểm này, bởi vì số lượng người bị nhiễm trong các khu vực “cách ly tập trung” mới là số lượng nhiễm nhiều, chiếm tỷ lệ lớn. Tôi cho rằng, nếu bỏ toàn bộ phong tỏa, giãn cách và cách ly tập trung, chỉ thực hiện phương châm 5K, số người nhiễm bệnh sẽ không lớn như hiện nay. Xóa bỏ toàn bộ các biện pháp cực đoan, giãn cách, phong tỏa và cách ly tập trung sẽ giải quyết tất cả những thảm họa người dân đang gánh chịu, trong khi nhà nước gần như không giúp người dân, mà chỉ đày đọa họ qua các biện pháp cực đoan nêu trên.
Chúng ta thử hình dung, nếu toàn bộ nguồn lực của nhà nước, của xã hội chỉ tập trung vào việc phân loại bệnh nhân, hướng dẫn các bệnh nhân nhẹ và vừa điều trị tại nhà, tập trung điều trị các bệnh nhân nặng ở bệnh viện, tập trung tiêm vắc xin cho người dân… thì số lượng bệnh nhân nặng, số ca chết có giảm thiểu hay không? Điều quan trọng trong chiến lược mới này, đó là chúng ta không nên quan tâm quá mức tới số ca nhiễm bệnh, mà tập trung vào cứu giúp các ca nặng và nguy kịch./.
Hà Nội, ngày 15/8/2021
N.V.B
Bài bình luận gần đây