Câu chuyện về bác sỹ Khoa, người lựa chọn hi sinh tính mạng của bậc sinh thành để cứu sống sản phụ song sinh đã lan truyền mạnh mẽ và làm chấn động mạng xã hội ngày 7/8 vừa qua.
Dưới ngòi bút của các KOL (key opinion leader), như Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ, câu chuyện gốc thiếu rõ ràng từ status trên Facebook của bác sỹ Khoa (và có lẽ cả một vài nguồn khác) trở thành một câu chuyện rõ nét và mang nhiều xúc cảm.
Câu chuyện đã khơi gợi lòng trắc ẩn, đồng cảm từ rất nhiều người, và nhân vật chính – bác sỹ Khoa – đối với họ, đáng được thán phục, ngưỡng mộ và tôn vinh.
Tuy làn sóng lan truyền đã ngưng lại, và tính thực hư của câu chuyện đang được tiếp tục làm rõ sau khi xác minh ban đầu cho thấy nó dường như không có thật, một câu hỏi tình huống về đạo đức đã được mở ra.
Câu hỏi đó là: nếu câu chuyện là thật, liệu việc nhường máy thở của mẹ mình (hoặc của cả cha và mẹ) cho một sản phụ song sinh, về mặt đạo đức, có phải là một việc đúng, nên làm?
Phản ứng tích cực của cộng đồng mạng dường như cho thấy câu trả lời là Đúng. Và hậu thuẫn cho phản ứng đó, dù những người ủng hộ không ý thức được, là nguyên tắc đạo đức theo thuyết vị lợi của Jeremy Bentham.
Theo Bentham, triết gia người Anh cách chúng ta 3 thế kỷ, điều đúng nên làm là tối đa hóa lợi ích, và lợi ích là bất cứ điều gì tạo ra hạnh phúc hay ngăn cản bất hạnh. Nguyên tắc này, do đó, còn có nghĩa là tối thiểu hóa bất hạnh và tối đa hóa hạnh phúc.
Người theo nguyên tắc này hẳn sẽ lập luận: đau khổ gây ra cho người mẹ bác sỹ khi phải nhường máy thở nhỏ hơn đau khổ gây ra cho sản phụ và cặp song sinh khi không được nhường máy thở, và nếu giả định đau khổ gây ra cho những người liên quan (như họ hàng, thân quyến) của mỗi bên như nhau, thì điều nên làm là cứu sống thai phụ.
Nếu tính đến cả việc định giá mạng sống của con người như cách mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã làm vào năm 2003, qua một phân tích lợi ích – phí tổn của tiêu chuẩn ô nhiễm không khí thì mạng sống người già thấp hơn mạng sống người trẻ,[1] do đó, có thêm lý do để ủng hộ lựa chọn của bác sỹ Khoa.
Sự định giá của EPA vốn dựa trên thuyết vị lợi của Bentham, và ý tưởng vị lợi ở đây là cứu mạng người già thì lãng phí hơn cứu mạng người trẻ, bởi người già hưởng hạnh phúc ít hơn do sống ngắn hơn. (EPA về sau đã rút lại phân tích này do vấp phải chỉ trích.)[2]
So sánh hạnh phúc – bất hạnh trong 2 trường hợp là cơ sở chính, hay chí ít là một cơ sở quan trọng để mọi người tán thưởng bác sỹ Khoa. Chấp nhận đau khổ nhỏ hơn (của mẹ mình) để tránh được đau khổ lớn hơn (của thai phụ và cặp song sinh) là lựa chọn theo nguyên tắc đạo đức của thuyết vị lợi.
Thuyết vị lợi của Bentham, hẳn nhiên, có khiếm khuyết. Nó chỉ quan tâm tới sự tối đa hóa lợi ích, bất chấp điều đó có thể chà đạp lên các quyền cá nhân. Nếu được áp dụng trong tập thể, lựa chọn của thiểu số sẽ không còn mấy ý nghĩa.
Trong câu chuyện của bác sỹ Khoa, quyền được tiếp tục điều trị bằng máy thở của mẹ của bác sỹ Khoa đã bị đặt dưới tính toán của thuyết vị lợi, khi quyết định nhường máy thở cho sản phụ của bác sỹ Khoa không có sự đồng ý mẹ bác sỹ.
Status trên Facebook của bác sỹ Khoa dường như gợi ý rằng nếu được lựa chọn, mẹ bác sỹ Khoa hẳn sẽ đồng ý nhường máy thở cho sản phụ, và điều này cung cấp thêm cơ sở cho quyết định của bác sỹ Khoa. Dẫu vậy, bác sỹ Khoa đã thực hiện một quyết định vốn không thuộc quyền của mình.
Vì đơn thuần nhắm đến sự tối đa hóa lợi ích, thuyết vị lợi của Bentham vi phạm một số chuẩn mực hoặc giá trị mà ngày nay chúng ta tôn trọng, như công bằng và tự do. Chẳng hạn, sự phân phối phúc lợi, theo nguyên tắc của Bentham, chỉ cần làm sao để nhiều người thỏa mãn nhất, bất kể nó có thể là sự phân phối bất công.
Thuyết vị lợi của Bentham còn vô hình trung vật chất hóa những thứ không nên được vật chất hóa, kể cả tính mạng con người. Sự định giá mạng sống của con người như của EPA trong ví dụ nêu trên gợi ý rằng nếu mạng sống của con người có thể định giá được, thì khi đứng trước lựa chọn giữa mạng sống và vật chất, chúng ta nên chọn cái nào được quy ra nhiều tiền hơn.
Một khía cạnh nữa, thuyết vị lợi của Bentham chỉ quan tâm tới số lượng mà không quan tâm tới chất lượng. Nó không phán xét liệu hạnh phúc được tối đa hóa liệu có phải là hạnh phúc đáng mong muốn, khiến cho chúng ta trở nên "người" hơn, theo nghĩa hướng tới những phẩm chất hay đức hạnh cao thượng hơn hay không.
Nếu chơi game làm chúng ta thỏa mãn với thời gian và cường độ chẳng kém gì đọc sách, từ góc nhìn của Bentham, chúng ta không được khuyến khích đọc sách hơn là chơi game. Ví dụ khác, nếu quan tâm tới chính trị, xã hội chỉ làm chúng ta đau đầu, trong khi nếu chỉ chăm lo cho bản thân và gia đình khiến chúng ta vui vẻ, từ góc nhìn của Bentham, chúng ta không nên quan tâm tới chính trị, xã hội.
Thuyết vị lợi của Bentham, về sau được phát triển bởi John Stuart Mill, triết gia người Anh thế kỷ 19, theo hướng tương thích hơn với các quyền cá nhân lẫn tính đến chất lượng của hạnh phúc. Và cho dù Mill chưa hẳn đã lập luận thuyết phục cho sự tương thích đó, song các tiêu chí bổ sung này cho thấy những giá trị khác hơn cần được xem xét ngoài sự tối đa hóa hạnh phúc đơn thuần theo góc nhìn của Bentham.
Trở lại với câu chuyện của bác sỹ Khoa, cuối cùng thì câu trả lời cho câu hỏi tình huống ở đây là gì? Câu trả lời thích hợp nhất, có lẽ là không có câu trả lời cuối cùng. Mỗi người, tùy quan điểm và cơ sở đạo đức mà mình dựa vào, sẽ có câu trả lời cho riêng người đó.
Như đã cho thấy, lựa chọn của bác sỹ Khoa là lựa chọn trên cơ sở của thuyết vị lợi của Bentham, và thuyết này có khiếm khuyết. Và cho dù chúng ta có tôn vinh bác sỹ Khoa đến đâu, thì có một thực tế là khi đứng trước sự lựa chọn như của bác sỹ Khoa, hầu hết chúng ta sẽ không hành động như vậy.
Đa số ủng hộ bác sỹ Khoa, nhưng hầu hết sẽ không làm theo – đó hẳn là vì họ có thể đồng ý với hành động của bác sỹ Khoa trên lý thuyết, nhưng trong sâu thẳm, họ có những cơ sở đạo đức khác, và trong số đó, vững chắc hơn cả, có lẽ là quan hệ giữa con cái và bậc sinh thành.
Chú thích:
[1][2] Theo 'Phải trái đúng sai' của Michael Sandel
Bài bình luận gần đây