"Mục tiêu kép" – vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – là chủ trương mà chính phủ thực hiện trong thời gian qua, kể từ làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam.
Mục tiêu này đã được duy trì cho đến hiện tại và được nhấn mạnh rõ rệt nhất có lẽ kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ tư ập đến cách đây 3 tháng.
Sự nhấn mạnh này, có thể nói, dựa trên kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế khá ấn tượng từ các giai đoạn trước mà không ai có thể phủ nhận.
Chính phủ, trên đà của kết quả đó, tự tin vào việc có thể đạt được mục tiêu kép trong 6 tháng tới, thậm chí đặt ra kịch bản tăng trưởng 6 – 6.5% cho vế 2 của mục tiêu.[1]
"Mục tiêu kép" đã và đang được thảo luận trong các phiên họp Quốc hội khóa 15, và được truyền đạt nhất quán bởi báo chí nhà nước rằng đó là mục tiêu kiên định.
Kiên định với mục tiêu kép nghĩa là cố gắng từ đầu đến cuối để đạt được cả 2 vế của mục tiêu, và vế nào của mục tiêu cũng được chính phủ phấn đấu (ít nhất là trên lý thuyết) hoàn thành từ tốt đến hơn cả tốt.
Mặc dù vế 1 của mục tiêu được chính phủ xem là ưu tiên,[2] nhưng mục tiêu kép vẫn được nhấn mạnh như thể để người ta không quên rằng mục tiêu kép còn có vế 2 nữa.
Nhưng liệu sự kiên định với mục tiêu kép trong hoàn cảnh hiện tại có phù hợp không, khi dịch bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành và các biện pháp giãn cách đang được áp dụng rộng rãi?
Không ai có thể nói trước khi nào làn sóng thứ tư sẽ được khống chế, hay khi nào các hoạt động kinh tế có thể trở lại tương đối bình thường để vế 2 của mục tiêu có thể đạt được như chính phủ mong đợi.
Các biện pháp giãn cách có thể còn được kéo dài, hoặc được áp dụng nhiều lần nữa từ nay đến cuối năm, và do đó, kịch bản tăng trưởng 6 – 6.5% (như thể không có dịch) là khó xảy ra.
Nếu chính phủ chỉ nói đến mục tiêu kép như một chủ trương chung, và nhấn mạnh sự ưu tiên cho vế 1, có lẽ sẽ chẳng có vấn đề gì lắm. Nhưng một khi chính phủ nói đến mục tiêu kép với sự kiên định, câu hỏi đặt ra là chính phủ có thể kiên định đồng thời với cả 2 vế của mục tiêu cho dù thế nào đi nữa?
Về logic, kiên định đồng thời với cả 2 vế của mục tiêu là không hợp lý, bởi nếu xác định ưu tiên cho phòng chống dịch, thì chiến lược cho phát triển kinh tế phải dựa theo chiến lược phòng chống dịch, và hệ quả là vế 2 của mục tiêu có thể sẽ phải bị hi sinh, dù nhiều hay ít.
Ở một góc độ khác, với nguồn lực chung nhất định, mục tiêu này được phân bổ càng nhiều nguồn lực thì mục tiêu kia được phân bổ càng ít, và ngược lại. Kết quả tương xứng, vì vậy, càng đáng kể cho mục tiêu này thì càng không đáng kể cho mục tiêu kia.
Vì những lẽ trên, việc nhấn mạnh sự kiên định với mục tiêu kép, đồng thời đặt ra tốc độ tăng trưởng mong đợi 6 – 6.5% là khiên cưỡng và vô hình trung đã hạ thấp hay làm lu mờ tính ưu tiên của mục tiêu phòng chống dịch.
Thay vì nhấn mạnh mục tiêu kép và kỳ vọng thái quá vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, chính phủ nên đặt ra các mục tiêu con cụ thể cho mục tiêu phòng chống dịch, chẳng hạn, bao nhiêu % dân số được tiêm vắc-xin, bao nhiêu % người dân được hưởng trợ cấp Covid-19 (một khi đủ điều kiện) tính đến thời điểm nhất định, v.v, bên cạnh các giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu con đó.
Chú thích:
[1] Kiên định với mục tiêu kép
https://tuoitre.vn/kien-dinh-voi-muc-tieu-kep-20210722075737583.htm
[2] Vẫn theo đuổi "mục tiêu kép", ưu tiên chống dịch
https://nld.com.vn/thoi-su/van-theo-duoi-muc-tieu-kep-uu-tien-chong-dich...
Bài bình luận gần đây