Đó là quyết định hết sức cần thiết! Làm điều ấy Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo ra bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của nhà nước Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, phủ nhận luận điểm của Trung Quốc về văn bản năm 1958 của Phạm Văn Đồng và sự im lặng khó hiểu của lãnh đạo Việt Nam trước các hành vi lấn chiếm biển Đông. Hơn thế nữa đó sẽ là hành động có ý nghĩa đột phá về đoàn kết hòa giải dân tộc
Mới đây, trong phiên họp đầu tiên Quốc Hội khóa XV, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu những lời có cánh về tấm lòng với dân với đất nước trước cơn đại dịch. "Một số đại biểu Quốc hội là lãnh đạo TP. HCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Các đồng chí ngày đêm lo lắng, chúng tôi cũng ngày đêm lo lắng để thảo luận những biện pháp quyết liệt hơn chống dịch", (1)
Nói được và làm được
Phải thừa nhận rằng ông Phúc không nói suông, trong cương vị Thủ Tướng ở nhiệm kỳ trước ông đã có quyết sách phù hợp, ngăn chặn vi-rút Covid 19 một thời gian dài. Ở cương vị Chủ Tịch Nước ông cũng năng nổ ngoại giao vắc-xin với các nguyên thủ quốc gia như Tổng Thống Mỹ J. Biden, Tổng thống Nga Putin …
Mới nhậm chức một thời gian ngắn, ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh dạn thực hiện đặc quyền của chức vụ Chủ tịch nước mà Nguyễn Phú Trọng đã bỏ quên trong suốt nhiệm kỳ. Đó là quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Các đối tượng đặc xá bao gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Không chỉ với người trong nước mà trên 600 phạm nhân gồm 28 quốc tịch và một số phạm nhân không rõ quốc tịch cũng được đặc xá như phạm nhân có quốc tịch Việt Nam trong đợt đặc xá lần này nếu đủ điều kiện.(2)
Không chỉ quan tâm đến ngươi sống, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng rất quan tâm đến những người đã hy sinh vì đất nước. Nhân ngày 27-7 ông gửi thư tri ân tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công
Ông lưu ý với cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có cộng với cách mạng", coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, vun đắp, tô thắm thêm truyền thống nhân nghĩa, trung hiếu tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. (3)
Hy sinh vì tổ quốc nhưng bị lãng quên
Nói đến những người hy sinh để bảo vệ tổ quốc không thể không nhắc đến cố Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và 74 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Tuy khác nhau về màu cờ, chính kiến nhưng những người lính ấy rõ ràng đã chiến đấu và hy sinh trước đội quân xâm lược để bảo vệ biển đảo của tổ quốc Việt Nam. Tuy quân ít, thế cô, không đạt được ý nguyện mong muốn nhưng xương máu, sinh mạng của họ không mất đi vô nghĩa mà đã ghi một dấu tích, một sự kiện lịch sử không thể thay đổi là Trung Quốc đã xâm chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa bằng vũ lực.
So sánh sẽ là khiên cưỡng nhưng trong khi những liệt sĩ Trường Sa dũng cảm lấy thân mình kết thành vòng hoa bất tử mà theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘Không có trận hải chiến Gạc Ma mà đó một cuộc thảm sát’. Những chiến binh Hoàng Sa trước khi gục ngả đã giáng cho đối phương những đòn sấm sét, nối tiếp truyền thống của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa để các thế hệ tiếp theo có thể ngẩng cao đầu.
Về công pháp quốc tế, việc công nhận, truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho cố Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và 74 tử sĩ Hoàng Sa còn tăng thêm sự chính danh cho sự kế thừa, thống nhất của nhà nước Việt Nam hiện nay với chính thể Việt Nam Cộng Hòa, vô hiệu hóa luận điệu của Tàu Cộng về công hàm năm 1958 của cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng.
Hơn thế nửa, việc tri ân những tử sĩ Hoàng Sa sẽ còn là hành động đột phá để thể hiện tinh thần hòa hợp, hòa giải theo nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị. Tại sao nước Mỹ, “kẻ thù xâm lược” trước đây nay đã trở thành đối tác hợp tác toàn diện mà những người con của Miền Nam đã hy sinh tính mạng để bảo vệ tổ quốc lại không đươc tri ân, tôn vinh như những người con khác?
Nhịp cầu hòa hợp dân tộc
Ý tưởng về việc tôn vinh các chiến binh Hoàng Sa không phải mới, cũng không từ thế lực thù địch mà đã là sự trăn trở của nguyên Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết nêu ra trong bài phỏng vấn báo chí ngày 27/04/2015 ”Hay như những người tham gia trận chiến ở Hoàng Sa năm nào, nếu tính về bảo vệ tấc đất, biển đảo của Tổ quốc thì có tính ghi công, vinh danh không? Theo tôi, cái gì làm được, có ích thì nên làm. Nếu lấy ý kiến của dân chắc được nhiều người đồng tình?” (4)
Chưa có cuộc trưng cầu dân ý hay thăm dò, điều tra xã hội nào với người dân theo ý của ông Nguyễn Minh Triết nhưng qua phong trào Nhịp Cầu Hoàng Sa được thực hiện từ nhiều năm qua đã thể hiện ý dân, lòng người không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể. Hàng vạn người Việt trong ngoài nước đã tham gia đóng góp hàng chục tỉ đồng để xây nhà, trao học bổng, giúp đỡ gia đình, thân nhân các liệt sĩ, cựu binh Hoàng Sa, Trường Sa bằng nhiêu hình thức phong phú. Thậm chí họ còn tổ chức cuộc họp mặt rất ý nghĩa cựu chiến binh Hoàng Sa- Trường Sa trong khuôn viên dinh Thống Nhất. Trong cuộc gặp mặt ấy, cựu chiến bính Hoàng Sa Lữ Công Bảy đã siết chặt tay cựu chiến binh Trường Sa Lê Hữu Thảo giữa hai nhóm cựu chiến binh.
Ông nguyên Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã trăn trở và lòng dân đã thể hiện như vậy thì lẽ nào ông Chủ Tịch Nước lại bỏ qua cơ hội để nối nhịp cầu hòa giải cho dân tộc.
Nghi vấn thần phục thiên triều
Hơn thế nửa, việc truy tặng, vinh danh liệt sĩ với các cựu chiến binh Hoàng Sa không chỉ là giải quyết những đứt gảy của quá khứ mà còn có ý nghĩa thời sự những vấn đề chính trị đối nội, đối ngoại của nhà nước Việt Nam hiện nay trước sự bành trướng, gây hấn, áp đặt đường lưỡi bò trên biển Đông của Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Nhưng sự im lặng, thụ động của lãnh đạo tối cao của Đảng và nhà nước Việt Nam làm người dân hoang mang nghi ngại về sự thần phục nào đó với sức mạnh của Tàu Công.
Gần đây nhất, ngày 29.6 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao huân chương cho 29 đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có một người tham gia xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lễ trao huân chương trên diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và được truyền hình trực tiếp, khi đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị tổ chức sự kiện mừng đảng này tròn 100 tuổi vào ngày 1.7. Việc trao huân chương đã minh thị việc cưỡng chiếm Hoàn Sa, Trường Sa là một trong những thành công của 100 năm thành lập đảng Trung Cộng.
Báo chí trong nước đưa tin công khai về sự kiện này với sự dửng dưng mà không có chữ nào phê phán. Bộ Ngoại Giao Việt Nam không lên tiếng. (5)
Đã vậy, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lại dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Đảng Cộng sản Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; “chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc anh em đã giành được trong 100 năm qua.” (6)
Người đứng đầu của đảng có vai trò độc quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam, lãnh đạo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam lại chúc mừng thành công của đảng đàn anh cượng chiếm và xây dựng trái phép, thiết lập đơn vị hành chính trên biển đảo của Việt Nam thì có ý nghĩa gì? Vong linh 64 liệt sĩ Trường Sa từng lấy thân làm thành Vòng Hoa Bất Tử sẽ ngậm ngùi thế nào trước lời chúc mừng này? Thân nhân các liệt sĩ và những cựu chiến binh Trường Sa còn sống sẽ hoang mang đến thế nào?
Minh định quyết tâm giữ nước
Việc vinh danh liệt sĩ cho cố Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và các tử sĩ hải chiến Hoàng Sa sẽ là sự minh định với nhân dân Việt Nam về lập trường, quyết tâm giữ gìn cương thổ, biển đảo đất nước của lãnh đạo tối cao một cách thực chất.
Ngày 4-2-1982 nhà nước Việt Nam đã thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, khi Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương, Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền TP Đà Nẵng nhưng rất tiếc huyện đảo ấy chỉ có mỗi ổng Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện là Giám Đốc Sở Nội Vụ kiêm nhiệm mà không có lấy một người dân.
Ngày 30-6-2021, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ công bố, ông Võ Ngọc Đồng - thành ủy viên, giám đốc Sở Nội vụ, chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2016-2021 - được giữ chức vụ chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Phú Nguyện - phó giám đốc Sở Nội vụ, chánh văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa - được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2021-2026. (7)
Những chức vụ này sẽ hoàn toàn hình thức khi đảo, biển do nước ngoài chiếm đóng trái phép đã đành còn dân cư cũng không có lấy một người, thật vô nghĩa và buồn cười. Rất tiếc là Hoàng Sa có 75 công dân danh dự, công dân đã hy sinh, vĩnh viễn gởi xác thân bảo vệ huyện đảo ấy lại không đươc thừa nhận.
Không phải ngôn từ sáo rỗng, lòng tri ân với tiền nhân, lịch sử, quyết tâm bảo vệ đất nước phải thể hiện bằng hành động cụ thể với đất nước, với con người đã hy sinh tính mạng vì đất nước.
Thái độ, cách ứng xử với các tử sĩ Hoàng Sa sẽ là thước đo chính xác cho tình chính danh của lãnh tụ và nhà nước cầm quyền.
1-https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-chung-toi-ngay-dem-lo-lo-nhat-la-tim-ng...ệp, đông công nhân...
2-https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-nuoc-quyet-dinh-dac-xa-nam-2021-752161.html
3-https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-gui-thu-tri-an-toi-thuong-binh-benh-bin...
4-https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-tro-ve-hoa-ho...
5-https://thanhnien.vn/the-gioi/ong-tap-can-binh-trao-huan-chuong-cho-nguo...
7-https://tuoitre.vn/huyen-hoang-sa-lan-dau-tien-co-pho-chu-tich-20210630105325412.htm
Bài bình luận gần đây