You are here

Vụ việc quân nhân Trần Đức Đô: bề nổi của tảng băng chìm

Ảnh của nguyenvubinh

     Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, mới đây (ngày 12/7/2021) đã được quân đội thông báo chính thức nguyên nhân tự tử không rõ lý do. Trong suốt những ngày gia đình đấu tranh đòi làm sáng tỏ cái chết của quân nhân Đô, đã có rất nhiều bài viết, thông tin về những sự bạo hành, hủ bại trong quân đội. Có những điều xảy ra đã lâu, có những điều mới nhất. Một số tướng lĩnh ở các quân khu, quân đoàn trong công cuộc đốt lò cũng lần lượt thay nhau vào tù… quân đội là một lĩnh vực đặc thù, người ta chưa biết, liệu quân đội có tha hóa, thối nát như các ngành nghề, lĩnh vực, địa phương hay không bởi thông tin về quân đội không được rộng mở như các lĩnh vực dân sự. Qua sự việc Trần Đức Đô, mọi người đã có cho mình một hình dung nào đó về quân đội hiện nay. Tuy nhiên, vụ việc Trần Đức Đô thực ra mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, đó là sự băng hoại, hủ bại của quân đội hiện nay còn vượt xa những lĩnh vực dân sự.

     Tôi có một người bạn trong quân đội, cách đây khoảng 30 năm, tức khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Anh này có nói rằng, trong các đơn vị huấn luyện của quân đội, một người mới bước chân vào quân đội, thanh niên 18-19 tuổi, chưa hề biết đến giọt rượu nào. Nhưng chỉ sau vài năm huấn luyện, ngày nào anh ta cũng uống nửa lít rượu! Một sư trưởng nhận được tin buồn gia đình có người thân mất phải về ngay, cấp dưới vội đang loay hoay tìm phong bì để gửi điếu phúng. Anh sư trưởng nói thôi cứ đưa thẳng đây, khỏi phải phong bì phong bao. Tất nhiên, chuyện sư trưởng cũng có thể cảm thông, nhưng trong trào lưu chung các quan chức thường nhân các dịp công việc gia đình để tận thu cấp dưới, thì sự việc không thể hiểu theo cách tác phong quân đội được.

     Sự tha hóa, hủ bại trong quân đội có thể khủng khiếp hơn các lĩnh vực dân sự vì những lý do sau.

     Thứ nhất, quân đội là một lĩnh vực đặc thù. Đặc thù về sự bí mật và đặc thù về tính kỷ luật. Đây là hai đặc thù khiến cho sự hủ bại của quân đội có thể lớn hơn bất cứ lĩnh vực dân sự nào. Đặc thù về bí mật khiến cho việc công khai, minh bạch bị hạn chế, mà bất cứ sự hạn chế nào cũng có thể nảy sinh tiêu cực.

     Đặc thù về tính kỷ luật, kỷ luật của quân đội khác hẳn với tất cả các lĩnh vực khác. Quân lệnh như sơn, cấp duới phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, như vậy mới quân đội mới có sức mạnh và có thể vận hành trong chiến tranh được. Tất cả các quốc gia đều gặp phải hai đặc thù này trong quân đội. Nhưng với các quốc gia dân chủ, họ phải tìm ra những cách thức để có sự kiểm soát lẫn nhau trong quân đội, và họ thực hiện quân pháp một cách rất nghiêm minh. Như vậy cũng chỉ hạn chế đến tối đa những sự lạm quyền, hoặc sự áp chế nảy sinh từ hai đặc thù nói trên của quân đội. Đối với quân đội của Việt Nam nói riêng và các nước cộng sản nói chung, họ chỉ quan tâm tới việc tạo cơ chế để chống lại sự đảo chính của quân đội, nên vẫn có sự giám sát, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau trong các lĩnh vực của quân đội. Nhưng họ không hề quan tâm đến quyền con người nói chung, và quyền quân nhân với tư cách cá nhân. Chính vì vậy, các cấp chỉ huy mặc sức trong việc chèn ép, áp chế và trù dập cấp dưới. Tất nhiên, họ vẫn có quân pháp và thực thi quân pháp nhưng không đặt ưu tiên cho quyền lợi quân nhân. Sự hủ bại phần lớn cũng xuất phát từ vấn đề này.

     Thứ hai, Quân đội Việt Nam là cái nôi sự bảo thủ về chính trị. Trong chế độ cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng, quân đội là thành trì cho việc bảo vệ chế độ. Chính vì vậy, xu hướng chung là sự bảo thủ trong quân đội bao giờ cũng cao nhất. Sự bảo thủ về chính trị sẽ dẫn tới sự bảo thủ chung trong mọi công tác và sinh hoạt. Từ đó dẫn tới sự tha hóa, từ tha hóa tới hủ bại chính là kết luận logic, đơn giản.

     Thứ ba, Quân đội tham gia làm kinh tế. Một lĩnh vực cần sự bí mật và kỷ luật được đưa vào một môi trường kinh tế, kinh doanh, môi trường tiền bạc rất dễ tha hóa con người. Các tướng tá tham nhũng, vi phạm kỷ luật cũng nảy sinh từ việc quân đội tham gia làm kinh tế. Gần đây, xu hướng rút quân đội khỏi kinh doanh đã được thực hiện, nhưng có vẻ như tiến độ và sự triệt để không được như mong muốn. Điều này cũng là lý do quan trọng làm hủ bại quân đội của Việt Nam./.

Hà Nội, ngày 18/7/2021

N.V.B