Mãi cho đến lúc già, tình cờ đọc bài báo ngắn (“Hong Kong's 'rebel' tycoon Jimmy Lai has no regrets”) của Jerome Taylor mới chợt phát hiện ra là mình có tình cảm chứa chan đối với một vị phú gia Hương Cảng :
“Tôi chuẩn bị sẵn tinh thần vào tù”, người đàn ông 72 tuổi nói với AFP từ văn phòng của Next Digital, tập đoàn truyền thông dân chủ lớn nhất và rầm rộ nhất Hồng Kông. “Nếu nó đến, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách tôi chưa đọc. Điều duy nhất tôi có thể làm là suy nghĩ thật tích cực.”
Câu chuyện cuộc đời của Lai là điển hình của nhiều cuộc hành trình làm giàu từ cơ hàn của các ông trùm Hồng Kông. Ông sinh ra ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đại lục trong một gia đình giàu có, người đã mất tất cả khi cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949. Vượt biên đến Hồng Kông khi 12 tuổi …
Nhưng con đường của ông đã tách khỏi những người cùng thời vào năm 1989, khi Trung Quốc điều xe tăng đến đè đè bẹp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh. Ông đã thành lập ấn phẩm đầu tiên của mình ngay sau đó và các bài viết thường xuyên chỉ trích các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. (“Ngạo Khí Của Một Nhà Triệu Phú.” Bản dịch của ThesaigonPost - 6/18/2020).
Cái giá mà Lê Trí Anh phải trả cho “ngạo khí” của mình – tất nhiên – không rẻ, theo tường trình của thông tín viên Florence de Changy (RFI) từ Hương Cảng :
Năm người có trách nhiệm của Apple Daily bị bắt tại nhà, đều vào khoảng 7 giờ sáng nay. Họ bị cáo buộc “âm mưu thông đồng với các thế lực nước ngoài”, một tội danh được xác định theo điều 29 của luật an ninh mới, có hiệu lực tại Hồng Kông từ ngày 30/06 năm ngoái...
Đằng sau Apple Daily, rõ ràng là nhà sáng lập tờ báo bị nhắm đến. Tỉ phú Lê Trí Anh 73 tuổi, là một trong những người chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc dữ dội nhất. Ông bị khởi tố với một loạt tội danh, và bị giam giữ từ tháng 12. Tháng trước, cảnh sát đã phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng của Lê Trí Anh liên quan đến các công ty của ông, trong khi ai cũng biết rằng sự tài trợ của nhà tỉ phú rất cần thiết cho sự sống còn của Apple Daily.
Nhà báo Đào Trường Phúc cho biết thêm đôi ba tình tiết :
Tất cả các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông quốc tế đều gọi Thứ Năm 24 tháng 6-2021 là một ngày đau buồn của 7.5 triệu người dân Hồng Kông, khi Apple Daily – tờ báo ủng hộ phong trào dân chủ có nhiều độc giả nhất – phát hành số báo cuối cùng và quyết định đình bản sau khi bị chính quyền phong tỏa toàn bộ tài sản và vốn liếng…
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) cử hành “tang lễ tờ Apple Daily” trước sứ quán Trung Cộng tại Paris để thể hiện thái độ phản đối. Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi ngày Thứ Năm 24 tháng 6 là “một ngày đau buồn cho tự do báo chí tại Hồng Kông và toàn thế giới.”
Cùng thời điểm này, Vietnamnet cũng có một mẩu tin ngăn ngắn (“6 tỷ phú Việt Nam sở hữu gần 17 tỷ USD”) cập nhật về tình trạng tài chánh của những người giầu nhất hiện nay:
Dẫn đầu danh sách là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng xếp vị trí 344 với 7,3 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes. Năm ngoái, doanh nhân này xếp hạng 286 với tài sản 5,6 tỷ USD.
Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,8 tỷ USD) và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long (2,2 tỷ USD).
Ba tỷ phú còn lại của Việt Nam là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,6 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD).
Trong số 6 tỷ phú của Việt Nam, có 4 người lập nghiệp tại Đông Âu gồm ông Vượng, bà Thảo, ông Quang và ông Hùng Anh. Chỉ duy nhất tỷ phú Trần Bá Dương là chưa đưa doanh nghiệp chủ chốt của mình lên sàn.
“Các ‘đại gia’ đó đã trở về Việt Nam từ thập niên 1990 khi đất nước bắt đầu mở cửa để đổi mới. Họ đầu tư chủ yếu vào bất động sản và xây dựng quan hệ là hai thứ tài sản có lợi nhất trong thời quá độ. Với túi tiền và kinh nghiệm tham nhũng ở Liên Xô và Đông Âu cũ, họ là những người cơ hội (như ‘carpetbaggers’) đặc trưng của thời kỳ tích tụ tư bản hoang dã.
Đó là vắn tắt bối cảnh thời kỳ quá độ của kinh tế thị trường và chủ nghĩa thân hữu ở Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn tư nhân đầu tư vào bất động sản, tuy một số đa dạng hóa đầu tư vào lĩnh vực khác như ngân hàng (VP, VIB, Liên Việt), hàng không (Vietjet), thực phẩm (Masan), siêu thị (Vinmart), y tế (Vinmec), giáo dục (Vinschool), và xe hơi (Vinfast).
Các tập đoàn này đã đóng góp đáng kể vào xây dựng hạ tầng, đặc biệt là bất động sản (property development). Từ các triệu phú, nay một số đã nhanh chóng trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Nhưng có một nghịch lý đáng buồn là trong khi họ làm giàu nhanh thì đa số người dân nghèo đi, và đất nước vẫn tụt hậu, với năng xuất lao động càng thấp.” (Nguyễn Quang Dy. “Chủ Nghĩa Thân Hữu Ăn Sâu Bám Rễ và Đầu Tư Nước Ngoài Chệch Hướng.” Bauxite Việt Nam 06/20/2020).
Nói thế sợ chưa hết lẽ. Giới tài phiệt ở đất nước này hiện đang tạo ra vô số “nghịch lý,” chứ nào chỉ một mà thôi:
Chả trách thiên hạ không ít lời ta thán:
Nói thế e có hơi quá lời chăng? Chả lẽ một dân tộc với cả trăm triệu dân lại không xuất hiện được một vị tỷ phú nào ráo trọi mà chỉ có lác đác dăm ba ông (hay bà) trọc phú, chuyên thừa nước đục thả câu, thôi sao?
Bài bình luận gần đây