Phỏng vấn kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, thành viên Ban lãnh đạo Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên, hiện đang sống tại Paris, Pháp.
Song Chi: Trong phiên phúc thẩm ngày 5.5.2021, tòa án tỉnh Hòa Bình đã tuyên án bà Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư, mỗi người 8 năm tù, 3 năm quản chế với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước".
Bà Cấn Thị Thêu, như chúng ta biết, chỉ là một nông dân bình thường bị chính quyền địa phương thu giữ trang trại của gia đình mà không bồi thường thỏa đáng, từ đó bà bắt đầu những hoạt động kêu gọi nhà cầm quyền đền bù thỏa đáng cho gia đình mình và những người nông dân khác qua những vụ chiếm đất ở Việt Nam. Bà đã từng bị bắt vài lần, bị kết án 20 tháng tù năm 2016 nhưng lần này thì cả ba người trong gia đình cùng bị bắt (người con khác là Trịnh Bá Phương chưa được đem ra xử) và bản án tàn bạo hơn nhiều.
Ông nghĩ gì về bản án dành cho bà Cấn Thị Thêu và con trai? Tại sao nhà cầm quyền càng ngày càng trở nên hà khắc, dã man hơn trong những năm qua?
Ông Nguyễn Gia Kiểng: Cấn Thị Thêu không có tham vọng làm anh hùng, vĩ nhân. Chị là một phụ nữ bình thường như mọi phụ nữ Việt Nam trong cả dáng dấp lẫn thái độ, chỉ khác một điều là chị dám đòi đến cùng những quyền căn bản, tự nhiên và chính đáng nhất của người dân, như quyền sở hữu tài sản, trước mặt một chế độ cướp bóc hung bạo. Sức mạnh và cái đẹp của Cấn Thị Thêu là Chị thể hiện một người dân oan đúng nghĩa, hoàn toàn vô tội và chỉ thể hiện Lẽ Phải. Có những lúc mà sự giản dị chân thật có tác dụng mạnh hơn hết.
Chị đúng là một nạn nhân và một phụ nữ mà mọi người Việt Nam có thể tự hào. Sau này Dương Nội nên có một con đường mang tên Cấn Thị Thêu.
Bản án 16 năm tù cho Chị và Bá Tư là một đòn chí tử thêm nữa mà Đảng Cộng Sản vừa tự giáng cho mình. Nó là bản án tử hình của chế độ cộng sản và Đảng Cộng Sản trong lòng người Việt Nam và trong tương lai đất nước.
Chúng ta đang chứng kiến một cuộc thử sức giữa nhân dân Việt Nam và Đảng Cộng Sản. Nhân dân Việt Nam ngày càng ý thức được những quyền của mình và càng nhận diện Đảng Cộng Sản như một thế lực thống trị bóc lột; để đáp lại Đảng Cộng Sản không biết làm gì hơn là gia tăng đàn áp, càng lúng túng và lo sợ càng hung bạo. Trước đây sự phản kháng chỉ giới hạn trong giới trí thức và văn nghệ sĩ, bây giờ tình hình đã thay đổi hẳn. Các gia đình Nguyễn Văn Túc, Đoàn Văn Vươn, Lê Đình Kình, Cấn Thị Thêu v.v. không thuộc thành phần trí thức hay tư sản, trái lại họ thuộc thành phần quần chúng đã ủng hộ và giúp Đảng Cộng Sản giành được thắng lợi. Chế độ cộng sản đang lung lay từ nền tảng, nó hung dữ vì đang lo sợ ở trong một bế tắc không có lối thoát.
Song Chi: Các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu đã thuật lại thái độ dũng cảm, bất khuất của họ trước tòa, khi tòa hỏi họ tên để xác định lý lịch, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã điềm nhiên trả lời: "Tên tôi là Nạn Nhân Cộng Sản" và họ hô "Đả đảo cộng sản" trước tòa. Lại nhớ đến thái độ bất khuất của một nạn nhân cộng sản khác, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc, từng đi bộ đội 4 năm ở Campuchia, khi bị tòa án rừng rú của CS tuyên án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế, trong phiên xử phúc thẩm ngày 14.9.2018, anh đã cười nhếch mép và nói: “Đ.M. Tòa”.
Họ thực sự là những con người không hề sợ hãi trước bạo quyền. Điểm chung giữa họ, đó là những con người bình thường, là nông dân, công nhân, dân nghèo, cựu bộ đội…vì không chấp nhận những chính sách sai trái, bất công, chà đạp lên luật pháp, lên quyền con người của nhà nước cộng sản mà đứng lên đấu tranh và rồi trở thành những tù nhân lương tâm. Có người bảo họ xứng đáng là những anh hùng, cần phải vinh danh họ, lại có người bảo không nên vì bản thân họ cũng không có ý định làm chính trị, làm lãnh đạo, nếu tâng bốc họ lên mây xanh chỉ càng tạo cớ cho nhà cầm quyền đàn áp mạnh hơn. Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Gia Kiểng: Những gì xứng đáng được tôn vinh thì phải được tôn vinh, cũng như những gì đáng khinh bỉ thì phải bị khinh bỉ. Thái độ dũng cảm của Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển v.v. rất đáng tôn vinh và phải được tôn vinh. Họ là những anh hùng mà người Việt Nam có thể hãnh diện. Đó chỉ là sự thực hiển nhiên, không nhìn nhận và vinh danh họ không chỉ sai mà còn là một xúc phạm đối với cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền. Chống lại chính quyền hung bạo này chúng ta rất cần những người như họ. Phải biết ơn và tôn vinh họ một cách dõng dạc, thẳng thắn, công khai. Đừng sợ vì thế mà chính quyền cộng sản sẽ đàn áp mạnh hơn.
Cần ý thức thật rõ rệt rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hung bạo ở mức tối đa rồi, họ không thể hung bạo hơn nữa mà không bị lên án trong khi Việt Nam rất lệ thuộc vào các nước dân chủ, dù là để giữ Biển Đông hay duy trì mức độ ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Những anh chị em kể trên chỉ vì đã nói lên quan điểm của mình, một điều rất bình thường trong hầu hết mọi nước trên thế giới, mà đã bị những án tù 12 năm, 15 năm v.v. Ngay cả chính quyền cộng sản Trung Quốc cũng không đến nỗi dã man như thế, Joshua Wong một biểu tượng của những cuộc biểu tình của hàng triệu người tại Hồng Kông chỉ bị 10 tháng tù. Chúng ta không còn gì để sợ, cứ tôn vinh những anh em đã dám thách thức chế độ, chúng ta còn cần thêm rất nhiều người như thế.
Nhưng cũng không phải vì thế mà nghĩ rằng họ phải là những người lãnh đạo. Sự cao cả của họ chính là ở chỗ họ không có tham vọng lãnh tụ. Ngoài sự dũng cảm người lãnh đạo còn phải có những đặc tính khác, như hiểu biết chính xác về những vấn đề của đất nước và thế giới, khả năng rút ra từ những kiến thức đó những kết luận đúng cho hành động, một tầm nhìn xa, một dự án chính trị và nhất là một văn hóa tổ chức. Dũng cảm chỉ là một trong rất nhiều phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo. Nếu theo dõi kỹ những vụ án này ta có thể thấy không ai trong các anh em này muốn làm anh hùng hay lãnh tụ cả. Họ muốn một điều giản dị nhưng cao đẹp hơn nhiều, đó là sống xứng đáng.
Về các luật sư biện hộ, chúng ta có thể nhận xét là càng ngày họ càng mạnh bạo hơn, đó là một tiến bộ đáng mừng, trước đây ít có luật sư nào dám thuật lại với công chúng thái độ bất khuất của các nạn nhân trong những vụ án chính trị.Nhưng các luật sư vẫn cần mạnh dạn hơn nữa. Đáng lẽ họ phải thẳng thắn bác bỏ cáo trạng, thẳng thắn khẳng định rằng theo họ những điều các bị cáo nói và làm như được thuật lại trong cáo trạng hoàn toàn không có gì là xuyên tạc cả và đòi được tranh luận với các giám định viên, và nói thêm rằng nếu các giám định viên không có mặt tại tòa để tranh luận với họ thì những cáo buộc trong cáo trạng phải bị coi là vô giá trị.
Song Chi: Chúng ta thấy trong nhiều cuộc cách mạng ở nhiều quốc gia, những con người dũng cảm nhất, kiên cường bất khuất nhất trước bạo lực thường là nông dân, công nhân, dân nghèo, chứ không phải tầng lớp trí thức, bởi vì giới trí thức hay giới văn nghệ sĩ, họ có quá nhiều thứ để sợ phải mất: địa vị, sự nghiệp hay danh tiếng. Càng không phải là giới nhà giàu, tất nhiên.
Đảng CS biết vậy nên trước đây đã tích cực lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của giai cấp công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị. Và bây giờ thì chính những người dân oan bị cướp đất, những người công nhân bị bóc lột như nô lệ, cộng với thành phần bị đàn áp dữ dội vì lý do tôn giáo, sẽ là nỗi lo sợ lớn nhất cho nhà cầm quyền, chứ không phải giới trí thức.
Tuy nhiên nếu một cuộc cách mạng lại do giới nông dân, dân nghèo khởi xướng thì vì sự hạn chế trong kiến thức, tầm nhìn, thường sẽ dẫn đến bạo lực cách mạng hoặc khó chuyển đổi thành một cuộc cách mạng thành công toàn diện, nghĩa là thành lập được một chế độ tự do dân chủ thực sự chứ không phải lại quay trở lại một hình thức khác của độc tài. Muốn có một cuộc cách mạng thành công trong tương lai, phải nên do giới trí thức dẫn dắt. Ông nghĩ sao về điều đó?
Ông Nguyễn Gia Kiểng: Một điều rất quan trọng cần phải được nhìn thật rõ là cuộc đấu tranh thiết lập dân chủ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nước ta. Chúng ta thường tự hào là có một lịch sử dài nhưng chúng ta chưa bao giờ có dân chủ, trừ một ngoại lệ ngắn ngủi, miễn cưỡng, hời hợt và thô vụng tại miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cho tới nay chúng ta đã chỉ có những chế độ độc tài chuyên chính theo mô hình Khổng Giáo mà người Trung Quốc áp đặt lên nước ta sau cuộc chinh phục của Mã Viện đầu Công Nguyên.
Chế độ cộng sản mà nước ta đang phải chịu đựng về bản chất cũng chỉ là một phiên bản cải tiến của mô hình Khổng Giáo. Không phải là một tình cờ mà cả ba nước còn dám vỗ ngực tự xưng là cộng sản hiện nay -Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên- đều là những nước theo văn hóa Khổng Giáo. Cũng không phải là một sự tình cờ mà chế độ cộng sản Trung Quốc gần đây lập các Viện Khổng Tử tại khắp nơi. Cuộc vận động dân chủ vì vậy là một cuôc cách mạng rất lớn để đoạn tuyệt với văn hóa chính trị duy nhất mà chúng ta đã biết trong suốt dòng lịch sử. Mọi cuộc cách mạng đúng nghĩa –nghĩa là thay đổi cả chính quyền lẫn triết lý chính trị- luôn luôn cần có một cuộc cách mạng văn hóa đi trước.
Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta lại càng cần hơn bởi vì nó đồng thời cũng là một cuộc cách mạng văn hóa rất lớn, một cuộc cách mạng để thiết lập một chế độ chính trị mà chúng ta chưa hề có, để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta. Do đó nó chỉ có thể do trí thức lãnh đạo. Quần chúng, các công nhân và nông dân chỉ có thể đấu tranh thay đổi chính quyền chứ không thể lãnh đạo một cuộc cách mạng văn hóa. Khó khăn chính, gần như duy nhất, là do di sản lịch sử và văn hóa Khổng Giáo trí thức Việt Nam chưa ý thức được vai trò mà dù muốn hay không họ phải đảm nhận trong cuộc cách mạng dân chủ.
Chị Song Chi nói rằng phần đông trí thức Việt Nam không kiên quyết và dũng cảm đấu tranh chống lại bạo quyền vì họ có quá nhiều điều để mất. Chỉ đúng một phần thôi. Lý do thực sự là họ không phải là những trí thức đúng nghĩa mà chỉ là những người có bằng cấp, có kiến thức và khả năng chuyên môn, nói đúng ra là những người lao động trí óc. Trí thức tự nó đã là một khái niệm chính trị để chỉ những người gắn bó với đất nước và đồng bào, tôn trọng lẽ phải và phẩm giá con người. Phục tùng một quyền lực chà đạp lên lẽ phải và con người không phải là thái độ của một trí thức.
Trong lúc này chúng ta chưa cần đòi hỏi những người tự coi hoặc được coi là trí thức phải chấp nhận một hy sinh nào, dù là an ninh hay quyền lợi. Điều chúng ta mong đợi chỉ giản dị là họ tự đặt cho mình và tự trả lời cho mình câu hỏi họ có phải là trí thức không hay chỉ là những người lao động trí óc. Trả lời thế nào cũng được, điều quan trọng là câu hỏi.
Cũng cần nói thêm rằng trí thức Việt Nam đâu còn gì nhiều để mất. Trong các cơ quan thuộc chính quyền ngay cả ngoài bộ máy nhà nước -dù là trường học, nhà thương hay công ty quốc doanh- muốn lên tới chức trưởng phòng thôi cũng phải là đảng viên. Tất cả những địa vị có chút quan trọng đã thuộc độc quyền của các đảng viên cộng sản rồi. Các trí thức không cộng sản, cũng như 95% nhân dân chí có thể thăng tiến trong khu vực tư doanh.
Về mặt an ninh thì Đảng Cộng Sản cũng thừa biết là toàn dân Việt Nam đã nhìn họ như một lực lượng chiếm đóng rồi. Đâu còn gì để giấu giếm? Cố làm ra vẻ không chống Đảng chỉ khiến họ khinh là hèn nhát và giả dối, đôi khi còn khiến họ ngờ vực. Nói tóm lại thái độ đúng nhất của trí thức Việt Nam là sống trung thực với mình. Đó là bước đầu cần thiết và cũng khả thi, trước khi nghĩ xa hơn.
Song Chi: Nhưng trí thức VN thì lại đang có nhiều hạn chế từ trong tư duy, tư tưởng, quan điểm cho tới phương pháp đấu tranh. Ông có thể phân tích rõ hơn những hạn chế này và trí thức VN phải làm gì để vượt qua?
Ông Nguyễn Gia Kiểng: Trước hết xin có một lời biện hộ lương thiện cho trí thức Việt Nam. Cần nhận định là chúng ta đã tiến khá nhanh. Vùng Đông Nam Á, nơi tổ tiên chúng ta sinh sống, vào thời tiền sử thưa thớt, mức độ tập trung không đủ để làm xuất hiện một nền văn minh mạnh. Có thể nói chúng ta đã chỉ thực sự phát triển từ khi tiếp xúc với hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ.
Đầu Công Nguyên, khi người Trung Quốc đến, chúng ta chậm trễ so với họ ít nhất 2000 năm. Vào thế kỷ 18, khi những tiếp xúc với phương Tây đã dồn dập, chúng ta tụt hậu so với Phương Tây khoảng 1.500 năm, khoảng 200 năm so với Trung Quốc. Ngày nay, sau ba thế kỷ chúng ta còn tụt hậu so với các nước tân tiến khoảng 50 năm. Những ước tính sơ sài đó cho thấy chúng ta đã tiến lên khá nhanh và không cần phải có mặc cảm nào cả. Nếu không có cuộc nội chiến 30 năm 1945-1975 thì chắc chắn chúng ta còn khá hơn nhiều.
Tuy vậy trong cố gắng bắt kịp sự chậm trễ này chúng ta, cũng như các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN hiện nay, đã phải dồn sức để học và bắt chước nên khó có thể suy nghĩ, đào sâu và sáng tạo. Sự hời hợt về tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị, là tự nhiên. Cần hiểu như thế để không nên có mặc cảm vì những yếu kém của mình nhưng đồng thời cũng nhìn thấy định hướng cho những cố gắng mới, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.
Cố gắng đầu tiên và quan trọng nhất mà trí thức Việt Nam phải làm là phải từ bỏ tức khắc và dứt khoát văn hóa Khổng Giáo mà chúng ta tiếp thu từ người Trung Quốc. Văn hóa này hủy hoại trí tuệ và tâm hồn của xã hội. Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu duệ của giai cấp sĩ ngày xưa và phải cảnh giác vì di sản văn hóa là những phản xạ di truyền mà chúng ta có mà không ý thức được rằng mình có. Lý tưởng của kẻ sĩ trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam trong hàng ngàn năm chỉ giản dị là được làm tay sai không điều kiện cho một bạo quyền để thống trị và bóc lột dân chúng. Cố gắng của kẻ sĩ là tìm kiếm thành công cá nhân, là học để có bằng cấp và làm quan, là kèn cựa với các đồng nghiệp của mình để có tiếng tăm hơn và được chức vụ cao hơn. Đối với kẻ sĩ làm chính trị chỉ là để làm quan, để có danh vọng. Cách hoạt động chính trị nhân sĩ là trước hết tạo tiếng tăm cho mình, hoạt động một mình hay với một nhóm bạn có thể giúp mình nổi tiếng chứ không phải là để đóng góp cho một lý tưởng cao đẹp nào.
Tại sao, như mọi người đều thấy, các tổ chức đối lập dân chủ tàn lụi hết? Sự đàn áp của chính quyền cộng sản không phải là lý do chính vì ngay cả các tổ chức ở hải ngoại không hề bị đàn áp cũng tàn lụi dần, không khác các tổ chức trong nước. Lý do chính là cái văn hóa nhân sĩ mà chúng ta chưa vất bỏ được, nó khiến người ta giành giật nhau tiếng tăm, chức vụ và quyền lực ngay trong những nhóm nhỏ chưa có một tầm quan trọng nào, rồi tan rã. Người ta không thấy sự vô nghĩa của những tranh giành này bởi vì nó nằm trong bản năng và bản năng là điều chúng ta không ý thức được.
Cảnh giác với di sản văn hóa Khổng Giáo, vất bỏ lối đấu tranh nhân sĩ phải là cố gắng đầu tiên của những người muốn đóng góp cho cuộc cách mạng dân chủ. Cố gắng quan trọng kế tiếp là xây dựng một tư tưởng chính trị lành mạnh. Các khái niệm quốc gia, dân tộc, dân chủ, nhân quyền không giản dị như nhiều người nghĩ. Kiến thức chính trị rất phức tạp vì là tổng hợp của tất cả các kiến thức khác và người ta chỉ có thể làm một tổng hợp nếu đã nắm vững các thành tố.
Điều mà đa số trí thức Việt Nam chưa ý thức được là đấu tranh chính trị bắt buộc phải có tổ chức và một tổ chức có tầm vóc chỉ có thể xây dựng được trên một đồng thuận về một dự án chính trị, nghĩa là đồng thuận trên một đất nước Việt Nam mà chúng ta muốn đạt tới và trên phương thức đấu tranh để đạt tới mục tiêu đó. Đây là một cố gắng rất lớn và rất khó nhưng bắt buộc. Cuộc đấu tranh cho dân chủ không thể thực sự khởi sắc chừng nào chúng ta vẫn còn từ chối cố gắng này. Nó bắt đầu bằng một thái độ thảo luận và một văn hóa tổ chức. Cả hai đều là những đề tài rất lớn. Ở đây trong cuộc nói chuyện này tôi chỉ có thể nói rất sơ lược. Thái độ thảo luận đúng là coi thảo luận là cơ hội để học hỏi để nâng cao kiến thức chứ không phải là để tranh giành hơn thua. Văn hóa tổ chức trước hết là ý thức rằng giá trị lớn nhất của một người là khả năng xây dựng tổ chức và sinh hoạt trong một tổ chức.
Một câu hỏi thường được đặt ra trong lúc này là làm thế nào để xây dựng tổ chức giữa lúc mà Đảng Cộng Sản đang đàn áp một cách rất hung bạo mọi manh nha hình thành tổ chức? Câu trả lời là tranh thủ đồng thuận dân tộc trên một dự án chính trị nhắm xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên, hòa hòa giải và hòa hợp và nhận diện những người có thể là đội ngũ nòng cốt của cuộc cách mạng dân chủ là hai công tác quan trọng nhất chiếm gần hết thời giờ và cố gắng của cuộc vận động dân chủ. Cả hai công tác đó chúng ta đều có thể làm một cách khá an toàn ngay trong nước và ngay từ bây giờ.
Song Chi: Xin cảm ơn ông.
Bài bình luận gần đây