You are here

Cuộc chiến vô tiền khoáng hậu giữa giới Nghệ Sĩ và nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng (phần 2)

Sau nhiều ngày im lặng trước khuất tất từ bộ phim "Bỗng Nhiên Mới Nhớ 14 Tỷ", NSUT Hoài Linh cuối cùng buộc phải lên tiếng giải thích về sự chậm trễ của số tiền, đang rất cần kíp đến với người cùng khổ, tại miền Trung vào tháng Mười năm ngoái.
 
Sự giải thích của Hoài Linh vừa chấm dứt, khán giả nhanh chóng đưa ra những hình ảnh "phản bội" hoàn toàn với lời giải thích và xin lỗi ngỡ rằng rất chân thành. Hoài Linh vẫn xuất hiện tại một sự kiện thương hiệu kim cương được khai trương vào ngày 24 tháng Mười năm 2020, tức là những ngày mà Hoài Linh trần tình là đang dưỡng bịnh và không hề bước chân ra ngoài [1].
 
"Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục xôn xao lan truyền một đoạn clip ghi lại khoảnh khắc Hoài Linh nhảy "cực sung" trong một bữa tiệc cưới. Theo như thời gian đoạn clip đăng tải thì đám cưới được cho là diễn ra vào khoảng đầu tháng 12/2020" - báo afamily.vn cho biết [2] vào ngày 6 tháng Sáu năm 2021.
 
Năm 2015, Võ Nguyễn Hoài Linh, với tuổi đời 46, trở thành nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú mang tên "DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC" theo Luật Thi Đua Khen Thưởng do Quốc hội nước CHXHCNVN ban hành. 
 
Kể từ đó, Hoài Linh xuất hiện tràn ngập trên sóng truyền hình, mạng xã hội, youtube và nhiều sự kiện quảng cáo trong tư cách một "nghệ sĩ lớn" với nhân cách cao thượng-nhân ái-gần gũi-bình dân.
 
Hoài Linh gần như trút bỏ tất cả những bộ cánh lộng lẫy, để khoác lên mình bộ quần áo bà ba như những lão nông giản dị-chơn chất-xuề xòa, sẵn sàng hòa mình vào cùng những phận đời bi đát trôi nổi dập dềnh trên sóng nước như trong vở hài kịch "Từ Thiện" do Nghệ Sĩ Trung Dân sáng tác [3] mà Hoài Linh diễn chung với: Chí Tài, Trung Dân, Thanh Phương vào năm 2017, sản xuất từ trung tâm Thúy Nga mang chủ đề "Ảo Ảnh" .
 
Vở kịch chỉ kéo dài 34 phút nhưng đạt đủ tính thâm thúy và độ trào phúng lên đỉnh cao với nội dung châm biếm và lên án những kẻ dùng từ thiện để kiếm tiền và danh tiếng cùng những mảng miếng bóc trần sự thô bỉ, giả tạo và tàn bạo trước những phận đời hầu như mất trắng tất cả từ bão lụt, sạt lở. Đây là một trong những vở hài kịch xuất sắc về nội dung với lỗi diễn duyên dáng của ê kíp, tạo ra những trận cười không dứt nhưng vẫn để lại những ngậm ngùi cho khán giả trước hiện trạng ê chề của thứ "từ thiện nhẫn tâm" tồn tại nhiều năm qua.
 
Cùng với việc phanh phui tận cùng cá nhân NSUT Hoài Linh, những lần livestream của nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng cũng làm chao đảo giới nghệ sĩ quảng cáo loạn xạ về các loại sản phẩm không hề có tác dụng chữ bịnh như họ khẳng định. Trong số đó, bà đảng viên - NSND Hồng Vân đã đăng lời xin lỗi [4] về việc quảng cáo làm cho khán giả tin tưởng từ sự nổi tiếng của bà ta trong vai trò nghệ sĩ.
 
"Kinh tế thị trường định hướng XHCN" - một định nghĩa phản khoa học vẫn được xem là kim chỉ nam cho người dân bởi ĐCSVN tiên phong dẫn dắt.
 
Dù vậy, nhà cầm quyền CSVN vẫn dứt khoát đưa "nền kinh tế Lá Diêu Bông" vào tất cả các chủ trương và đường lối để chỉ đạo trong thực tế. Hậu quả từ đó đã phơi bày nhiều năm qua trên nhiều lãnh vực và nay nó được chứng minh rõ thêm, trong lãnh vực "văn hóa-nghệ thuật" với NSUT Hoài Linh lợi dụng sự nổi tiếng để "kinh doanh từ thiện", NSND Hồng Vân lợi dụng sự nổi danh để quảng cáo bá láp.
 
Giới văn - nghệ sĩ hàng chục năm qua được mặc nhiên trở thành "chiến sĩ" như bài báo ra ngày 25 tháng Chín năm 2020 có tựa [5] “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” để nhắc về lời ông Tố Hữu dặn dò nhiều năm về trước.
 
Đã là chiến sĩ tất nhiên phải được cung cấp võ khí và huấn luyện thành thạo. Những danh hiệu NSUT, NSND, các huy chương vàng-bạc-đồng từ các kỳ hội diễn chuyên nghiệp, những giải thưởng sáng tác các loại v.v... đã trở thành võ khí lợi hại với sự huấn luyện chuyên nghiệp từ Ban Tuyên giáo trung ương đến địa phương; từ Bộ VH-TT-DL cho đến Sở VH-TT-DL địa phương; từ Bộ TT-TT đến sở TT-TT địa phương dày đặc và chi chít như con rít khổng lồ thời tiền sử, rồi giới văn-nghệ sĩ trở thành những chân rít như vậy, cuối cùng chỉ nhằm mục đích phục vụ cho ĐCSVN. Tất nhiên, đó là sự phục vụ có đền đáp.
 
Rất tiếc, những võ khí và những bài huấn luyện nói trên, không còn được dùng để chống lại kẻ thù như một thuở "kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ" để xâm lược Việt Nam Cộng Hòa dưới tên gọi mỹ miều "giải phóng miền Nam" của ngày xưa mà chúng trở thành những võ khí bọc đường để ru ngủ người dân châu đầu vào những hài kịch nhảm nhí, những bài hát "yêu qua yêu lại" với ca từ thô vụng, cùng những kịch bản phim-kịch hời hợt, các gameshow nhảm nhí cốt sao kiếm được nhiều tiền từ khán giả.
 
Sóng truyền hình, mạng xã hội, kênh youtube tràn ngập trong tâm trí của người dân sau một ngày làm việc mệt nhoài như vậy đó. Cùng với tất cả sự lố bịch như vậy là nếp sống đua đòi hàng hiệu-ăn chơi sành điệu của giới văn-nghệ sĩ cũng ắp lẵm, vốn không hề kém cạnh sự xuất hiện của họ trên sân khấu mà khán giả khó lòng biết từ đâu, họ lại trở nên giàu nhanh đến mức chóng mặt!
 
Khán giả ngày càng mụ mị  và đắm chìm vào trong những nhân dáng nghệ sĩ như vậy, cố làm sao học theo thần tượng, để cuối cùng vỡ mộng với "trận động đất Hoài Linh" và "cơn sóng thần" quảng cáo vô tội vạ của Hồng Vân và nhiều nghệ sĩ khác. Đó cũng là lúc "dân trí thấp" được đổ vào đầu khán giả như những "bậc trí thức XHCN" đã làm vào lúc livestream Nguyễn Phương Hằng đạt đến con số gần nửa triệu lượt người theo dõi.
 
Nguyễn Phương Hằng đã dội những xô nước đá lạnh ngắt vào giấc ngủ vùi của khán giả bao năm qua. Từ đó, không còn gì để nghi ngờ khi mạnh dạn gọi tên " Hiện Tượng Nguyễn Phương Hằng" với cuộc chiến vô tiền khoáng hậu, vẫn đáng dể dõi mắt trông theo những gì chuẩn bị diễn ra trong những ngày sắp tới...
_____________________
 
(còn nữa)