Xin nói ngay Lockdown ở đây không phải là chuyện tình hình phong toả vì dịch bệnh tại Việt Nam trong mấy ngày gần đây, mà đó là việc tôi lại bị khoá Facebook trong 30 ngày, từ mấy ngày hôm trước. Nếu tính bằng số lần thì có lẽ cái tài khoản có trên 100 ngàn người theo dõi này đã bị khoá không dưới 50 lần. Còn tính theo thời gian thì có lẽ tôi đã bị khoá đến 1/10 trên tổng số năm đã từng sử dụng mạng xã hội này.
Ấy là một điều không vui vẻ gì, nhưng nếu nhìn nhận theo một hướng tích cực thì có lẽ trong từng ấy thời gian sử dụng Facebook, tôi đã làm được ít nhiều gì đó, để mà họ phải bỏ công báo cáo tài khoản của tôi một cách điên cuồng như vậy.
Nếu ai đã từng bị khoá tài khoản như tôi, chắc hiểu được cảm giác bứt rứt khó chịu thế nào. Thiếu tương tác trên mạng xã hội, cuộc sống trở nên bí bách, nặng nề, không khác gì một con nghiện thiếu thuốc. Tôi phải so sánh như vậy vì các bạn biết không, chỉ có hai ngành công nghiệp gọi khách hàng là "người dùng". Đó là ngành buôn bán ma tuý và ngành phần mềm. Trong ngành phần mềm thì mạng xã hội tuy chỉ là một ngành sinh sau đẻ muộn, nhưng nó lan toả nhanh nhất, mạnh nhất, nhiều người dùng nhất trong hệ sinh thái các hệ thống tin học, là linh hồn đang chỉ huy xã hội này.
Tuy không cung cấp trực tiếp hoá chất nào vào cơ thể con người như ma tuý, nhưng mạng xã hội đã gây nghiện toàn thế giới, cho bất kỳ ai đã từng sử dụng nó, theo từng mức độ nghiện ngập khác nhau. Mức độ nổi tiếng và ảnh hưởng của một người dùng càng lớn, thì mức độ lệ thuộc càng nặng. Như trường hợp bà Phương Hằng - Đại Nam mới đây, sau những livestream kỷ lục có tới nửa triệu người xem trực tiếp, tôi đố bà ấy dứt bỏ được hoàn toàn các mạng xã hội, kể cả sau khi những vấn đề của bà ấy từng đưa ra được giải quyết xong.
Mạng xã hội có sự ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy đến người dùng là do một nguyên nhân rất khoa học, chứ không phải là điều gì thần bí ở đây. Bí mật đó là do nhu cầu sinh học cơ bản của con người là kết nối với người khác. Điều đó gây ra bởi việc giải phóng một hoá chất gọi là dopamine trong cơ thể... là lý do căn bản làm chúng ta có bản năng tìm đến với nhau, để kết bạn tình, sinh sản, duy trì nòi giống.
Đây hoàn toàn là quá trình sinh học xảy ra trong cơ thể, và có thể bị ngưng trệ do nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau. Thiếu dopamine con người sẽ trở nên chậm chạp, buồn bã, suy giảm trí nhớ, khó tạo ra sự kết nối với người khác. Vì vậy khi mạng xã hội có khả năng thúc đẩy và tối ưu hoá mối liên hệ giữa người với người, nó có thể trở thành một chất gây nghiện, tạo ra tâm trạng phấn khích và thoải mái trong não bộ.
Muốn hay không, xã hội loài người sẽ không thể từ bỏ việc lệ thuộc vào mạng xã hội, không khác gì những con nghiện. Điều tích cực là, nếu ta hiểu được sâu sắc bản chất của mạng xã hội, ta có thể thay đổi "nhà cung cấp", thay đổi "dịch vụ" mà ta sử dụng. Điều đó là rất khó, nhưng không phải là không thể, nếu có một số lượng "người dùng" đủ lớn muốn thay đổi.
Cho đến bây giờ, nói chung đa số "người dùng" đang chấp nhận những luật lệ hà khắc của nhà cung cấp, được gọi dưới cái tên mỹ miều là "tiêu chuẩn cộng đồng". Tiêu chuẩn này thực ra là một tiêu chuẩn kép, thay đổi theo từng vị trí quốc gia, theo chế độ chính trị, theo lượng tiền bạc mà "người dùng" ở đó có thể mạng lại cho nhà cung cấp.
Vì thế nó không phải là một thứ có giá trị phổ quát, có sự công bằng như nhau trên toàn cầu. Nó có thể nay thì coi các nội dung đề cập đến nguồn gốc virus ở Trung Quốc là sai trái, là tin giả. Mai lại dỡ bỏ những cấm đoán đó, tuỳ theo tình thế chính trị thế giới. Vì thế nó có thể bịt miệng bất kỳ "người dùng" nào, cho đù đó có là tổng thống Mỹ đi nữa. Đó là sự bất công nghiêm trọng trên môi trường mạng xã hội mà rất nhiều người đã nhận ra.
Và không chỉ mạng xã hội, có những định chế còn lâu đời hơn, đang kìm toả lên thân phận của mỗi con người chúng ta. Những định chế ấy nhất định sẽ phải thay đổi, vì bản chất con người là khao khát tự do.
Yêu thương tất cả!
Bài bình luận gần đây