Song Chi.
Những thiệt hại rõ ràng, có thể tính toán, thống kê, và những thiệt hại khó thấy hơn
Kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12.2019, cho đến nay đại dịch này đã hoành hành khoảng một năm rưỡi tại hầu như khắp thế giới, với số người bị nhiễm tính đến hôm nay, 21.5.2021, là gần 166 triệu trường hợp được xác định, gần 3, 447, 000 người tử vong, khiến nó trở thành một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử. Top 10 quốc gia có số người bị nhiễm cao nhất thế giới là Mỹ, Ấn, Brazil, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha. Top 10 quốc gia có số người chết cao nhất thế giới là Mỹ, Brazil, Ấn độ, Mexico, Anh, Ý, Nga, Pháp, Đức, Colombia.
Trong suốt thời gian qua, nhân loại đã phải đọc, nghe, nhìn thấy những câu chuyện, những hình ảnh thương tâm, gây sốc, tưởng chừng như chỉ có trong những bộ phim khoa học giả tưởng về ngày tận thế. Từ hình ảnh những nhân viên y tế ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, mặc đồ bảo hộ trùm kín mít, đeo mặt nạ chống độc, đi xịt thuốc khử trùng qua những con phố vắng ngắt không một bóng người; hàng ngàn chiếc bình đựng tro cốt hỏa tang người chết vì COVID-19 xếp chồng lên nhau ở một nhà thiêu xác tại Vũ Hán; những thành phố du lịch luôn luôn đông nghẹt người của châu Âu bỗng vắng tanh vắng ngắt như những thành phố chết; một người y tá trùm đồ bảo hộ kín mít, quàng tay ôm an ủi một bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 sắp chết đang khóc trong nỗi cô đơn hoảng sợ vì người thân không được phép vào thăm; những chiếc bao đen lạnh lẽo đựng xác người ở New York; thảm kịch kinh hoàng ở Ấn độ: người chết trong bịnh viện, chết khi vừa tới cổng bịnh viện, chết ngoài đường vì không có bịnh viện nào chịu nhận, những lò thiêu xác lộ thiên rừng rực suốt ngày đêm, người dân ở New Delhi hết củi cho lò thiêu phải đi chặt cây, hàng trăm xác người chết trôi trên sông Hằng, lấp vội bên bờ sông…
Những hình ảnh kinh hoàng còn hơn bất cứ bộ phim nào có thể tưởng tượng ra ấy sẽ còn đọng lại trong ký ức con người một thời gian khá lâu nữa.
Không ai có thể hình dung là đại dịch này lại kéo dài và gây thiệt hại nhiều mặt đến thế. Đại dịch đã khiến nhiều quốc gia phải lockdown (đóng cửa) vài lần, lần dài nhất ở một số quốc gia châu Âu mới đây kéo dài tới 5, 6 tháng. Ngoài việc dẫn đến sự gián đoạn kinh tế và xã hội toàn cầu đáng kể, bao gồm cả cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái gần đây nhất 2007-2009, đại dịch còn dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên diện rộng ngày càng trầm trọng hơn do tình trạng mua bán hoảng loạn, nông nghiệp bị gián đoạn và thiếu lương thực. Nhưng đó là những thiệt hại thấy được trên bề mặt, hoặc có thể thống kê được. Kể cả con số người bị thất nghiệp, số doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn trên từng quốc gia và trên thế giới.
Nhưng còn có những thiệt hại mà khó có thể thống kê hay hình dung một cách chính xác. Ví dụ như ảnh hưởng của đại dịch và lockdown đến sức khỏe tâm thần, đời sống tinh thần, hay hạnh phúc gia đình của con người. Ở một số quốc gia phương Tây, thời kỳ lockdown kéo dài cộng với nỗi lo về kinh tế, công việc, tài chính, lo lắng về dịch bệnh, sức khỏe của người thân… đã ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần con người-mất ngủ, nhức đầu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, tinh thần bị trồi sụt, lên xuống thất thường, mất thói quen giao tiếp xã hội v.v…Đặc biệt là những người cao tuổi và sống một mình, hãy hình dung họ phải chịu đựng thời kỳ lockdown này như thế nào. Thậm chí nhiều nhà khoa học đã nói ngay từ khi đại dịch mới bùng phát, rằng tiếp theo sau đại dịch COVID-19 sẽ là một đại dịch về sức khỏe tâm thần (mental health).
Các quốc gia khác nhau chống dịch khác nhau, nhưng người dân tại các nước dân chủ, giàu có, vẫn may mắn hơn
Cho đến nay, đại dịch hầu như đã càn quét gần như khắp thế giới, nhưng lại theo những giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, khi Mỹ và các nước châu Âu lao đao vì dịch, phải lockdown dài ngày, số người bị nhiễm và số người chết hàng ngày cao ngất ngưỡng, một số quốc gia Đông Á, Đông Nam Á trong đó có VN vẫn khá là…bình thường. Cả một mùa dịch kéo dài cho tới bây giờ là gần một năm rưỡi, VN chỉ phải lockdown toàn quốc đúng một lần, đâu khoảng 2, 3 tuần. Giai đoạn đầu khi VN khống chế được dịch, người dân nắc nỏm khen nhà nước “ta” chống dịch giỏi, tinh thần tự hào dân tộc, tin yêu đảng, yêu chính phủ lên cao ngời ngời! Nhất là khi nhìn sang các cường quốc có nền y tế hàng đầu như Mỹ, Anh, Pháp, Ý…mà còn bị đại dịch vật lên vật xuống.
Nhưng rồi nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng và hiệu quả, một số cường quốc từng bị COVID-19 “quật” nặng như Mỹ, Anh đã từ từ vượt qua, số người bị nhiễm và số người chết giảm hẳn xuống. Đến nay Israel đã đạt được miển dịch cộng đồng khi số người được chích ngừa tới hơn 60%, mọi thứ trở lại bình thường, Mỹ, Anh, một số quốc gia châu Âu đã nới lỏng lockdown với những mức độ khác nhau, ví dụ như ở UK, từ 17.5 con người đã có thể đi ăn nhà hàng, đến quán rượu, đi mua sắm, đi xem phim, gặp gỡ nhau trong nhà, thậm chí được phép du lịch đến một số quốc gia…Trong khi đó các quốc gia Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á lại đang bùng phát dịch.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy đại dịch không chừa một quốc gia nào, một cá nhân nào. Quốc gia nào mà chính phủ tỏ ra chủ quan, coi thường đại dịch hay người dân đặt tự do cá nhân lên trên, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ hoặc của ngành y tế là “toang”, cho dù đó là một cường quốc như Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, như Anh thời kỳ đầu, như Brazil hay như Ấn độ những ngày này.
Thời kỳ đầu những quốc gia độc tài, nơi chính phủ thực hiện những biện pháp nghiêm khắc để truy lùng dấu vết, phong tỏa, trừng phạt và người dân răm rắp thi hành như Trung Quốc hay Việt Nam, mọi chuyện có vẻ được khống chế tốt hơn ở các quốc gia tự do dân chủ khi chính phủ không thể thi hành những biện pháp nghiêm khắc kiểu đó và người dân thì quen coi trọng tự do cá nhân. Nhưng về lâu về dài, thì các nước giàu, có hệ thống y tế tốt, có đủ vaccine và triển khai việc tiêm chủng nhanh, hiệu quả sẽ vượt qua được đại dịch, cũng chỉ những nước giàu mới có thể trụ được hàng tháng trời lockdown, và người dân thì vẫn được chính phủ hỗ trợ tài chính trong thời gian dịch bệnh, được chích ngừa miễn phí, nên cũng đỡ lo.
Trong khi đó ở một quốc gia nghèo như VN, nếu đại dịch mà bùng nổ thì với hệ thống y tế còn yếu, kinh tế yếu, sẽ là cả một bi kịch. Hiện nay VN cũng đang hết sức lo ngại trước đợt bùng phát dịch lần thứ tư, khi xung quanh các nước láng giềng đều bị nặng, và biến chủng Ấn độ cũng đã có mặt tại VN. Những biện pháp đã được thực hiện khá thành công trong các đợt trước, như truy lùng dấu vết gắt gao, phong tỏa từng cụm, xử phạt…liệu có đủ? Các ổ dịch lần này lại từ một số cơ sở bệnh viện như BV Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện K…thậm chí đã có 9 bệnh viện bị phong tỏa, cách ly y tế. VN lại quá thiếu vaccine, có lẽ do chủ quan nên không đặt mua nhiều, mua sớm, cho đến nay “tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam đứng thứ 10 trên 11 nước trong Đông Nam Á” (“Tiến độ tiêm vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á”, VExpress), với tỷ lệ mới khoảng gần 1% dân số được tiêm chủng! Ngay trong số công nhân viên cán bộ ngành y tế cũng chưa được chích hết.
Trong danh sách các thành phần được ưu tiên chích ngừa cũng đã thể hiện sự không công bằng xã hội (…”Nhóm ưu tiên số 1: người làm việc trong ngành y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, quân đội, công an; 2. Nhân viên cán bộ ngoại giao. 3. Nhân viên hải quan, cán bộ xuất nhập cảnh..., thứ hạng từ 6 đến 9 trong số 10 nhóm ưu tiên mới là: người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội). Khác với nhiều quốc gia ngoài nhân viên ngành y tế thường ưu tiên hàng đầu cho người già, người có bệnh nền.
Ở các nước dân chủ, phát triển, vaccine là miễn phí cho tất cả mọi người, trong thời kỳ dịch mọi thành phần xã hội bị thiệt hại vì đại dịch từ doanh nghiệp lớn cho tới doanh nghiệp nhỏ, người lao động tự do, người có thu nhập thấp cho tới bị thất nghiệp…đều nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Trong khi đó ở VN, số tiền được nhà nước hô lên là gói cứu trợ 62 nghìn tỷ, chỉ mới giải ngân 17 nghìn tỷ, bao nhiêu người nghèo chưa được nhận một đồng nào. Cả đến vaccine người ta cũng nói đến chuyện “xã hội hóa” có nghĩa là huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để có thêm nhiều vaccine và nhiều thành phần được tiêm chủng, một số công ty tư nhân, tập đoàn, doanh nghiệp sẽ được phép nhập vaccine, người dân tự bỏ tiền ra để được chích ...Nghe thì có lý nhưng hóa ra cuối cùng cái gì dân cũng phải lo, và còn người nghèo thì làm sao có điều kiện hoặc biết đến khi nào mới đến lượt?
Hôm nay đọc được các tin sau trên báo VietnamNet: “Dùng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 mua vắc xin Covid-19” và “Chính phủ giao Bộ Y tế mua vắc xin phòng Covid-19 nhanh nhất”, hy vọng là VN sẽ sớm có vaccine và nhà cầm quyền sẽ có phương án chích ngừa đầy đủ và công bằng cho những thành phần xã hội dễ bị nhiễm hoặc không có điều kiện tự bỏ tiền ra chích vaccine.
Những bài học từ đại dịch ở cấp độ quốc gia và cấp độ cá nhân
Đại dịch đã làm lộ ra nhiều vấn đề khác nhau của mỗi nước, từ các vấn đề về phân biệt chủng tộc và địa lý, công bằng sức khỏe, và sự cân bằng giữa các yêu cầu y tế công cộng và quyền cá nhân.
Người ta vẫn còn chưa biết rằng đại dịch COVID-19 bao giờ thì thực sự kết thúc, liệu con người có phải “sống chung” với loại virus này theo kiểu phải chích ngừa hàng năm như chích ngừa cúm mùa đông, thậm chí nguồn gốc bùng phát đại dịch COVID-19 cho đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi Trung Quốc, quốc gia bị xem là nguồn cơn bùng phát đại dịch tại Vũ Hán, vẫn từ chối cho phép một cuộc điều tra quốc tế thật đầy đủ, minh bạch. Trong lúc đó thì các loại giả thuyết vẫn tiếp tục được đưa ra, kể cả giả thuyết virus bị “thoát” ra từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, gần đây lại được xới lên lại.
Nhưng có một điều chắc chắn là mỗi quốc gia đều rút ra nhiều bài học quý giá cho việc ngăn ngừa, dập dịch hiệu quả hơn trong tương lai.
Còn riêng với mỗi cá nhân, đại dịch khiến người ta nhận ra sự mong manh giữa sống và chết, khiến người ta phải thay đổi cách sống, sống chậm lại, biết trân trọng những điều bình thường mà chỉ khi không được phép làm người ta mới nhận ra sự quý giá của nó, từ một cuộc gặp mặt với bạn bè, một cái ôm hay một nụ hôn dành cho người thân, những sinh hoạt cộng đồng v.v…
Chỉ mong rằng cơn ác mộng mang tên COVID-19 sẽ qua đi, để đời sống nhân loại được trở lại bình thường!
Bài bình luận gần đây