You are here

Cờ Vàng Xưa và Nay (phần 2)

 
Người CSVN, đặc biệt giới trí thức thành danh sau này, dù ở trong hoặc ngoài nước, hay cho rằng người dân ngày nay không quan tâm chính trị. Có lẽ vì họ không sống tại miền Nam để thấy, người Sài Gòn lúc bấy giờ, phần đông cũng không quan tâm chính trị. Những hoạt động của sinh viên – học sinh (như Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên, Lê Hiếu Đằng v.v...) hay giới luật sư, ký giả, giáo sư (Ngô Bá Thành, Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung v.v...) chỉ là biểu hiện của một phần trong tầng lớp trí thức lúc bấy giờ, nó không đại diện cho quảng đại quần chúng của miền Nam cũng như Sài Gòn.
 
Với một nền dân chủ, dù non trẻ, người dân lúc đó sống tuân theo đạo đức và không vi phạm pháp luật, điều đó mặc nhiên trở thành trách nhiệm hàng đầu của người miền Nam xưa kia.  Vả lại, khái niệm chính trị ngày xưa bó hẹp trong việc tranh giành và nắm giữ quyền lực của các đảng phái, không phải khái niệm chính trị mở rộng như bây giờ.
 
Một điều tối quan trọng và cũng là Sự Thật: Người Sài Gòn và miền Nam nói chung, không bị chính thể Việt Nam Cộng Hòa “nhồi sọ”, dù dưới bất kỳ hình thức nào. “Đời sống chính trị”, nếu phải gọi là “bao trùm”, thật ra nó rất nhạt nhòa. Không có “kiểu” nào là họp tổ dân phố, nào là “công an khu vực”; không có những chương trình từ thiện mang màu sắc chính trị lồng vào, không có cả Đội TNTP hay Đoàn TNCS nhằm phục vụ cho chế độ v.v... Nói chung, đời sống bấy giờ, “bóng dáng chính trị” chỉ loáng thoáng đây đó.
 
Đời sống hiện nay, tại Việt Nam, có thể nói gần như hoàn toàn bị chính trị hóa với mức độ mãnh liệt và tàn khốc kinh khủng.
 
Càng chính trị hóa đời sống xã hội, nhân tâm càng ly tán. Đó là điều tất yếu không tránh khỏi.
 
Ngày xưa, ngay cả trong nhà trường trung – tiểu học, việc chào Cờ Vàng là điều bình thường và trở nên quen thuộc. Tùy trường, có trường chào cờ vào đầu tuần, trường khác lại chào cờ vào cuối tuần.
 
Thầy cô và học trò lúc đó chỉ gọi Quốc Kỳ. Ngắn gọn hơn, thường gọi chữ “chào cờ”. Không có ai gọi “cờ tổ quốc” (!).
 
Sau 1975, cả một thời gian dài, cũng không có từ “cờ tổ quốc”, vốn nghe thật quái lạ. Bởi vì tổ quốc Việt Nam, được biết tồn tại ít nhất gần 2000 năm qua, Quốc Kỳ theo đó, trải qua nhiều triều đại và thời đại với nhiều kiểu dáng, kích thước và màu sắc. Vả chăng, ngay trong điều 13 khoản 1 Hiến pháp 2013 của nhà nước CHXHCNVN, khái niệm "cờ tổ quốc" không hề được định nghĩa.
 
Không biết chữ “cờ tổ quốc” do ai sản sinh và từ bao giờ (?!). Trầm trọng hơn, chữ "cờ tổ quốc" ngày càng phát tác và hoành hành dữ dội. Không chỉ trong nước mà còn lan ra ngoài nước. Điều đó cho thấy rõ dụng ý “chính trị hóa” lá cờ. Ngay cả giới nhà báo, văn chương, chính trị gia v.v... vẫn vô tình hay hữu ý sử dụng rất nhiều (!).
 
Đời sống xã hội, một khi bị chính trị hóa đến nỗi Quốc Kỳ cũng không được “tha”, đó là một đời sống băng hoại gần như hoàn toàn về luân lý, bất chấp lá cờ đó có đại diện cho một quốc gia đi chăng nữa.
 
“Cờ tổ quốc” –tên gọi đó thật ra là một biểu hiện tha hóa của chế độ CS, trước những quy tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận trong một xã hội, giúp cho con người biết phân biệt đúng sai.
 
Do đó, xin phép tạm gọi Cờ Vàng Nay để chỉ khoảng thời gian bắt đầu xuất hiện ba chữ cờ-tổ-quốc dành cho Cờ Đỏ (!).
 
Việc chàng trai 18 tuổi sinh trưởng tại Hải Phòng, có tên Dương Đức Thịnh (du học tại Úc) vào những ngày gần đây, trèo lên cột rồi giựt xuống và dẫm đạp Cờ Vàng tại nước Úc cùng những lời lẽ vong thân, vong bản, vô giáo dục mà lẽ ra không nên được nhìn thấy ở một con người được biết là người Việt Nam, đã làm dư luận phẫn nộ sôi sục.
 
Không riêng người Úc gốc Việt nổi giận về hành vi báng bổ vào biểu tượng thiêng liêng của Việt Nam. Sự nổi giận chính đáng và đủ căn cứ khoa học, bởi Cờ Vàng không phải chỉ dành riêng, khi nói đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Rất nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước đều mong muốn sự việc phải được giải quyết tận gốc rễ để không tạo ra tiền lệ tồi tệ trầm trọng như vậy, trong tương lai.
 
Hầu hết dư luận đều công nhận Dương Đức Thịnh là "sản phẩm chánh hiệu" thoát thai từ cái nôi văn hóa - giáo dục của hệ thống XHCN, vốn áp đặt ách cai trị nhồi sọ hơn 75 năm, gần như xuyên suốt 3 đời (ông bà-cha mẹ-con cái).
 
Cũng từ trong "cái nôi" đó, hầu như không mấy ai ngạc nhiên về cách phản ứng của những con người binh vực, ủng hộ Dương Đức Thịnh và những người đó cho rằng việc giựt cờ, dẫm đạp, mạ lỵ chế độ Việt Nam Cộng Hòa là hành vi đúng đắn và tràn đầy... "lòng yêu nước" (!). Cao hơn thế, nhiều người trong số đó đang cố gắng bảo vệ Thịnh với tư cách một "nạn nhân" rất đáng thương và đáng để cứu thoát khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo, khi mà "bọn ba que" quyết lòng đưa vụ việc ra tòa như hành vi cấu thành tội hình sự, vốn không thể tha thứ.
 
Người miền Nam và Sài Gòn Xưa thường dùng chữ "xử hư" trong những trường hợp con cái hàng xóm ngỗ ngược, phá làng phá xóm mà cha mẹ chúng vẫn ngó lơ và tìm cách chạy tội cho nó. Dương Đức Thịnh đang ở trong môi trường như vậy.
 
Tuy nhiên, trường hợp Dương Đức Thịnh nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần bởi phạm vi câu chuyện mang tầm quốc tế, bang giao giữa hai quốc gia Úc - Việt mà nước Úc đã công nhận Cờ Vàng là biểu tượng. Không chỉ Úc, tại Hoa Kỳ, tại Pháp, tại Canada, Cờ Vàng đã được công nhận là biểu tượng của người Việt Hải Ngoại [1].
 
Ngày 23 tháng Tư năm 2019, đài VOA cho hay [2]: "Cộng đồng người Việt hải ngoại đang phản ứng khá mạnh với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông cho rằng “bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao lá cờ đỏ của Việt Nam trong chuyến đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh Trump-Kim".
 
Người CSVN vốn không am hiểu lịch sử nước nhà và càng không ý thức tư cách cũng như trọng trách đang mang, nên ông Phúc vào lúc bấy giờ, phát ngôn mà không hề nghĩ rằng đã "xử hư" cho những hậu duệ như Dương Đức Thịnh và rất nhiều Dư Luận Viên (chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp) trong và ngoài nước.
 
Có lẽ vào lúc cao hứng (khi chỉ có Việt Nam đóng được vai trò "trung tâm hòa giải xung độ quốc tế" [3] với cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim) cùng góc nhìn thiển cận, hẹp hòi trên một nền học vấn địa - chính trị và lịch sử "lầy lội", nên ông Phúc không hề nghĩ tới, rồi có một ngày hậu quả xảy ra như Dương Đức Thịnh đã hành động. 
 
Một trong các đặc tính mang chất di truyền của người CS dễ thấy: Bất kỳ ai (cũng được) chỉ cần bệ phóng "giữ vững lập trường cách mạng”, sẵn sàng đối đầu với “bọn phản động” là đủ cho họ  đạp phăng pháp luật (dù là luật quốc tế hay luật quốc gia) để nhân danh "nhân dân" như Dương Đức Thịnh ngổ ngáo tuyên bố: "Thay mặt 90 triệu người Việt Nam" để dẫm đạp Cờ Vàng và phỉ báng Tiền Nhân Việt Nam.
 
Nguyễn Xuân Phúc chửi được thì Dương Đức Thịnh chửi còn tốt hơn. Nguyễn Xuân Phúc không chịu trách nhiệm tiếng chửi của mình thì Dương Đức Thịnh cũng không việc gì phải chịu trách nhiệm hành vi vô văn hóa - vô giáo dục của cậu ta.
 
Hồi Sài Gòn Xưa, dù mười mấy tuổi đầu, nhưng thế hệ chúng tôi đều được dạy điều thật giản dị và rất dễ hiểu: Dù việc lớn hay nhỏ, tự mình gây ra việc gì thì phải tự chịu trách nhiệm. Hoặc là, nếu việc nhỏ sẽ bị hàng xóm mắng "đồ mất dạy!", việc lớn hơn, lúc đó láng giềng tới tận nhà mắng vốn với cha mẹ mình.
 
Nay, Dương Đức Thịnh dù đã mười tám tuổi, phụ huynh của chàng trai này hãy cố gắng học lại hai tiếng "Trách Nhiệm", rồi sau đó dạy cho con mình thông thạo và thấm thía để làm hành trang vào đời mai này, nhằm không mang lại nỗi điếm nhục cho gia đình và bản thân.
 
Toàn thể đảng viên ĐCSVN cũng nên học lại hai tiếng "Trách Nhiệm", bởi sự việc Dương Đức Thịnh gây ra không còn gói gọn trong gia đình mà nó trở thành quan hệ đối ngoại với nước Úc. Trên hết, sự việc dẫm đạp và mạ lị Cờ Vàng là biểu hiện vô học, vong bản, vong nô và báng bổ vào Tiền Nhân Việt Nam, bị gây ra bởi người CSVN, qua chính sách nhồi sọ và ngu dân, kể từ ngày 19 tháng Năm năm 1941, ngày mà Cờ Đỏ được treo giữa hang Pắc Bó [4].
 
(Hết)