Sài Gòn! Nơi này đã không còn gợi lên "Bâng Khuâng Chiều Nội Trú". Lâu lắm rồi. "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát" đã xa vời vợi. Thay vào đó là những vỉa hè luộm thuộm với quán nhậu và tiệm cafe. Chen lẫn những mấp mô cuộc đời trong đó, lại là vài ngân hàng lớn cùng hiệu kính và cả tiệm... rửa xe. Ừ, có cả một quán ăn kèm hát với nhau của ca sĩ Cẩm Vân. Con đường "duy cái mới", bây giờ, thế đó (!).
Những góc phố ngày xưa chỉ còn lại ánh chiều tà ảm đạm, tô đậm ngón tay vàng khói thuốc, cho những ai muốn tìm về dĩ vãng.
Chẳng còn gì hấp dẫn hay quyến rũ và gợi nhớ, giữa một rừng cao ốc chọc trời, nhô lên hợm hĩnh trong dòng xe cộ ngược xuôi, hối hả mà sau 1975, người Sài Gòn quen dần với khái niệm "tranh thủ" để chỉ hành vi chụp giựt và tranh giành, giữa xô bồ người ngợm xếp hàng dài dằng dặc với sổ gạo, tem phiếu v.v... vốn dĩ gây ra cảm giác kinh ngạc đến bẽ bàng, rồi đành buông xuôi chấp nhận bằng dáng vóc liêu xiêu của nàng Sài Gòn cố gắng chống chọi để sinh tồn, trước cơn bão dập dồn vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Như lời nguyền từ nỗi bi hận giáng thẳng vào đầu, người dân Sài Gòn thuở đó không hiểu làm sao một đàn bò bằng cách nào lại có thể vào thành phố, rồi "réo buồn tiếng hạt chuông" như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tiên báo! Định mệnh an bài là vậy!
Sài Gòn bây giờ quen lắm nhưng không còn "Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!"
Từ dạo ấy, người Sài Gòn bị xua đuổi dần dần bằng nhiều cách (kinh tế mới, vượt biên, tù cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền). Trong đó, nhiều người bỗng trở thành kẻ lữ hành bất đắc dĩ, chấp nhận lang bạt trên chuyến xe lửa mang tên "Quê Hương" với "ghế cứng toa hạng hai" để nghe, để nhìn và để ngẫm ngợi về kỷ niệm của chính bản thân mình từ một thời tao loạn!
Một chút gì phả ra nhạt nhòa từ ánh màu bạc bẽo! Nó hắt xuống phố Sài Gòn lấp lóa màu đen hắc ín, trong không khí nóng hực của ngày hè.
Sài Gòn, những ngày này nóng nực như chảo lửa, không phải chỉ do ngày hạ mang lại mà còn bởi vì cây xanh vỏn vẹn không quá nửa thước vuông cho mỗi đầu người! Người ta trốn nóng trong những căn phòng gắn máy lạnh đầy nhóc hiện nay; không chỉ nhà riêng mà trong các mall, nhà hàng, quán bar v.v... Những không gian vốn sang trọng dành cho giới lắm tiền nhiều của nhưng "hồn Sài Gòn" hoàn toàn khô cằn và giả tạo.
Kỷ niệm, khi gọi tên, nó nên khởi đi từ nơi người ta gắn với tột đỉnh vinh quang và cả nỗi niềm ly biệt. Cả êm mượt như nhung và sóng gió dập vùi. Nước mắt hòa trong thảng thốt trên từng bước chân tháo chạy trong rối bời. Và chia lìa những gì sâu lắng tận đáy tim, in đậm trên từng hàng rào dâm bụt loang lổ. Tan nhanh như từng hạt mưa bong bóng, hòa lẫn "muối mặn" chảy từ khóe mắt. Tất cả nối nhau chảy vô...ống cống. Từ ngày đó - 30/4/1975.
Thế là hết. Dù trẻ lắm, dù mơ hồ, những chao đảo trong tâm khảm vẫn còn nguyên với nỗi sợ hãi lớn dần theo ngày tháng của những năm xưa. Hiển hiện, không thể né tránh. Từ đó, ngụp lặn và đào bới trong... "đống bản nhạc" - như một đống rác buộc dọn dẹp. Lén lút và vụng trộm để tìm mọi cách "tẩu tán" tài sản của chính mình, dù trong mắt "người cách mạng", chúng nó là thứ cặn bã, lai căng và... phản động! Một thời của văn hóa nghệ thuật Sài Gòn bỗng chết... ngắc!
Đó là một trong những điều người Sài Gòn nhớ nhất, trong ngày tháng rầm rập bước chân các anh "giải phóng quân" dộng ầm ầm trên những con đường Sài Gòn thơ mộng.
Chốc chốc, gió thốc những bản nhạc bay tán loạn rồi đậu lại trên vỉa hè với vẻ u hoài và xơ xác. Nhiều người thẫn thờ "Để Gió Cuốn Đi" từng bản nhạc như mảnh giấy gói bánh mì. Văn hóa Sài Gòn tuyệt diệt. Tôi biết điều đó, khi từng trang giấy với năm dòng kẻ và những hồn thơ trong đó - được trình bày công phu và trân trọng, thẩm mỹ và đậm cá tính của nhạc sĩ sáng tác - bị dẫm nham nhở bởi dấu chân người qua kẻ lại! Nàng Sài Gòn phút chốc chấp chới như cánh bướm rách tả tơi.
Hàng triệu người rời bỏ Sài Gòn và miền Nam. Người ở lại chỉ biết nhìn. Lầm lũi và co quắp trong những cơn mưa chiều nặng hạt, mơ về "Những Ngày Xưa Thân Ái" hồn nhiên. Tất cả chỉ còn lại "Như Giấc Chiêm Bao" ngọt ngào. Giấc chiêm bao của đời thực. Nàng Sài Gòn lịm dần từ ngày ấy!
Nói cho ngay, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" trở thành chân lý.
Rồi tivi, ngay lập tức xuất hiện bóng dáng anh bộ đội với lá rừng ngụy trang; với nón cối; với dép râu cùng những thước phim tài liệu hừng hực khí thế:
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trong trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương ơi em gái tiền phương.
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!
(Lá Đỏ - Hoàng Hiệp)
thì người Sài Gòn vẫn còn đang bàng hoàng và thảng thốt như chưa thoát khỏi cơn ác mộng giữa ban ngày!
Từ đó, lối sống chân thành trốn biệt tăm, phong cách hào sảng bị san thành bình địa. Những phẩm chất đó mất dần theo những cuốn sổ mua gạo, chất đốt, nhu yếu phẩm, tem phiếu mua vải, tựa dáng vóc xiêu vẹo của nàng Sài Gòn, sau cả ngày dài mỏi nhừ với cặp giò sắp hàng chầu chực mới có được. Sự bất công từ đó lên ngôi, bởi có nhiều kẻ không cần phải làm như vậy, vẫn có thể nhận đầy đủ mọi thứ!
Đói nghèo cộng với bất công làm cho người Sài Gòn ngày càng nghe rõ tiếng vọng từ nơi hoang dã dội về đinh tai nhức óc! Tất cả đã quá muộn màng!
Từ cái thứ "nghèo đói" lẫn "bất công" như vậy, người CSVN một thời đã vu khống "Mỹ - Ngụy" gây ra cho dân miền Nam, rồi họ dụ khị người dân miền Bắc băng qua vĩ tuyến 17 để ráng hết sức "cứu đứa em ruột thịt" (!) Của đáng tội! Sau này, khi không còn bưng bít được cuộc xâm lược quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, người CSVN lại thay bằng khái niệm "huynh đệ tương tàn", rồi "khúc ruột ngàn dặm" v.v... để đào mỏ người Việt hải ngoại! Sống sượng hơn mức tưởng tượng!
Sài Gòn chôn giấu niềm đau
Bốn lăm năm lẻ âu sầu vương mang
Hồn lìa khỏi xác lang thang
Cao xanh nhỏ lệ tiếc thương Sài Gòn!
Bài bình luận gần đây