Ở Việt Nam hai chữ phản biện chừng như định hình cho một hoạt động chống lại chính phủ, bởi người dân từ nhiều năm qua nghe hai từ này là hình dung ngay đến những người tranh đấu chống lại thế lực đàn áp, sách nhiễu hay bóc lột người dân. Phản biện đối với đa số dân chúng là những người trí thức có đầy đủ lý lẽ để nêu ra cái xấu, cái ác mà người dân thường không đủ hoặc thiếu.
Phản biện nổi bật khi phong trào ký tên rầm rộ của các trí thức chống lại dự án Bauxite, rồi thay đổi Hiến pháp, thảm họa Formosa, dự luật đặc khu kinh tế …. Những thư ngỏ công khai bày tỏ sự phản biện của hàng trăm người cùng ký tên cho thấy dù bị bóp nghẹt đến khó thở thì quyền tự do ngôn luận khi được công khai phản biện cũng nới lỏng phần nào sự chen ép quen thuộc của nhà cầm quyền. Một lúc nào đó người dân phấn khởi hơn một chút khi thấy có người nói giúp tâm trạng của mình, nhưng sau đó thì sao?
Không một ý kiến phản biện nào dù cá nhân hay tập thể được trả lời, dù là một chữ “không” lạnh nhạt.
Từ Quốc hội tới Chính quyền, không ai cảm thấy mình là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước các phản biện đầy lập luận và tâm huyết. Mọi cá nhân trong hai guồng máy ấy cho phép mình đứng bên ngoài để nhìn vào và vì vậy không một chỉ trích nào đụng được tới vạt áo của người bị phản biện.
Ngày qua ngày, phản biện trờ thành một hành động phản kháng và không mang tính chất sửa đổi, hàn gắn, làm cho tốt đẹp hơn…vốn là cốt lõi của phản biện. Phản biện bị nhà nước nhìn như một hành vi chống đối …bất bạo động nhưng vẫn rất nguy hại cho mặt bằng chính trị vốn ổn định và kết dính với ý chí của lãnh đạo. Phản biện dù dưới hình thức nào cũng dần dần trở thành chống đối và manh nha sự lật đổ. Phản biện từ đó có hình thái khác, người phản biện bị chụp mũ, người bị phản biện ngày càng vô sự vì cái mác “phản biện” bị bóp méo, xuyên tạc.
Người dân bình thường viết một vài suy nghĩ trước hành vi sai trái của chính quyền trên mạng xã hội ngay lập tức bị chính quyền địa phương mang ra trù dập, giam giữ thậm chí bỏ tù với cáo buộc có hành vi chống đối. Riêng với những người từng vào tù nhiều lần vì tranh đấu thì tự biết, mỗi lời nói việc làm của mình đều dễ dàng bị gán ghép vào một tội danh nào đó tuy mơ hồ nhưng cụ thể vì trại giam luôn có sẵn khung hình phạt mang ngay vào cổ.
Phản biện từ lâu đã trở thành một thứ trang sức rẻ tiền để chế độ tự mang ra đánh bóng mỗi lần xảy ra một diễn biến chính trị nào đó.
Không mấy ai quên được trước đây không lâu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng lên tiếng kêu gọi đối thoại với ban tuyên giáo về bất cứ vẩn đề gì đang gây bức xúc trong dân chúng. Lời đề nghị đưa ra nhưng rơi tỏm vào chiếc ao đặc sệt chứa đầy cặn bã của một nền chính trị toàn trị. Không một người dân hay người bất đồng chính kiến nào đứng ra làm cuộc đối thoại với ban tuyên giáo vì biết chắc như đinh đóng cột rằng sau cái lần đối thoại với chính quyền thì mình sẽ có dịp đối thoại với chiếc bóng của mình trước bức tường nhà giam sau đó.
Có lẽ thấm thía với thất bại “đối thoại” nên ông tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra một kế sách khác khi yêu cầu nhân viên chính phủ phải lắng nghe mọi phản biện từ người dân. Báo chí giật tít: "Thủ tướng yêu cầu chính phủ phải lắng nghe ý kiến phản biện!" Tuy cách nói khác nhau nhưng trọng tâm vẫn là cho phép dân chúng nói lên nguyện vọng của họ, tức là dân chúng có quyền phản biện tới chính phủ những gì họ bức xúc.
Nhân viên chính phủ chắc chắn khi nghe như vậy sẽ cúi đầu…cười mỉm còn người dân thì lại nhìn nhau…lắc đầu ngao ngán.
Bởi đã quá đủ cho viên kẹo mị dân. Vị ngọt của kẹo không còn làm cho ai ham muốn vì họ biết chắc rằng mỗi lần chính phủ hô hào người dân mạnh mẽ lên tiếng là chừng như sắp mở màn cho một diễn biến mới: diễn biến thanh lọc những viên sạn có tên phản biện.
Và nhiều người ngạc nhiên về sự nhanh nhẩu của tân thủ tướng sau khi nhậm chức đã ném những viên kẹo chảy nhựa, cứng như đá vào quần chúng với tâm thức xem thường và thương hại họ một cách lộ liễu.
Nhưng người dân có như ông Thủ tướng nghĩ hay không lại là một việc khác.
Bài bình luận gần đây